Thời bây giờ, dù muốn hay không cũng phải thừa nhận, buồn bã mà thừa nhận, đó là thời giả cầy. Những gì nhìn thấy từ kiến trúc thượng tầng cho đến cơ sở hạ tầng đều đậm chất giả cầy. Khóc, cười, thương yêu, đạo đức, gương mẫu, chuẩn mực… đều có gì đó bất thường, không thật. Và đến khi chạm vào sự thật, thì những thứ thấy được ấy lộ rõ bộ mặt không thật của nó. Chuyện cứu trợ, từ thiện, nhìn kỹ, cũng giống như một sân khấu, trong đó, cả vai phản diện và chính diện đều có nước mắt, nhưng nước mắt khác nhau và cũng có cả nước mắt thật và nước mắt cố gắng chảy. Bởi trong thời đại này, con người đã quen với các phong trào, và các phong trào như một thứ cứu rỗi cho linh hồn tự do, một chỗ để xả mọi ức chế.

Miền cao, nơi cần lắm những tấm lòng, bất kể xuân hạ thu đông    

Cứu trợ như thác đổ

Ðó là nhận xét của anh Vụ, một người từng tham gia cứu trợ trong nhiều năm nay mỗi khi có thiên tai, anh chia sẻ thêm:

– Người Việt của mình cứu trợ rất buồn cười, nó giống như phong trào, mà phong trào này mới nhìn tưởng rằng tốt!

– Ý của anh là phong trào này có những điểm nào đó không tốt?

– Ở Việt Nam, dường như phong trào chi phối đời sống rất mạnh, bất kỳ chuyện gì cũng được phát động thành phong trào. Tôi còn nhớ những năm 1980 đến 1990, phong trào trong nhà trường còn ghê gớm hơn bây giờ, tuy không nhiều nhưng rất ghê gớm!

– Dạ, xin anh chia sẻ thêm những kỷ niệm vui buồn về thời đó được không?

– Hồi tôi học cấp 1 và 2 là giai đoạn từ bao cấp sang mở cửa thị trường, nhưng quãng thời gian phong trào cổ động hằng tuần kéo dài tới năm 1990 kia. Cứ hằng tuần, thứ Bảy trong tuần đều có, tức hôm nay khối này, mai khối khác, cũng có khi một lớp đi cổ động. Việc cổ động diễn ra theo trình tự nhà trường cấp cho mỗi học sinh một lá cờ đỏ sao vàng mini, một đứa lớn con nhất cầm cây cờ đỏ sao vàng bự nhất đi trước, một hàng nối theo cầm cờ đỏ sao vàng mini và cuối cùng là giáo viên. Hàng này vừa đi vừa hô theo người xướng ngôn, tức lớp trưởng. Ví dụ như hôm nay cổ động cho kế hoạch hóa gia đình thì lớp trưởng sẽ xướng hai câu: ‘Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!’, cả đoàn sẽ hô theo 3 lần ‘muôn năm, muôn năm, muôn năm!’. Sau đó hô tiếp: ‘Vì sức khỏe gia đình, vì tương lai đất nước, mỗi nhà chỉ đẻ từ một đến hai con’, cả đoàn hô ‘từ một đến hai con, từ một đến hai con, từ một đến hai con’. Có khi mệt quá chỉ hô ‘hai con, hai con, hai con’. Vậy là giáo viên khiển trách. Vì cái này là kịch bản đã tập dượt rất kỹ trước khi đi. Cứ như vậy đi khắp xóm. Ngó vậy chứ hồi xưa lại vui, vì lâu lâu tụi tôi giở trò.

Một số đoàn đi làm từ thiện chỉ mang đến giao cho chính quyền địa phương, chụp ảnh, đăng lên đã trao. Việc này dẫn đến hàng hóa cứu trợ chất thành đống dư thừa ở những nơi tập trung, còn những nơi, những người thật sự cần thiết liệu có nhận được?

– Giở trò kiểu gì vậy anh?

Xem thêm:   Lừa đảo đặt phòng khách sạn

– Thì thi thoảng có đứa đọc to: ‘Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không có điện’, cả đoàn hô ‘không có điện, không có điện, không có điện!’. Hô khắp xóm cho đến khi thầy cô giáo quay trở lại đoàn (hầu hết các thầy cô giáo cho lớp trưởng đi, còn họ chớp thời cơ đi tán dóc hay đi đâu đó).

– Như vậy, các phong trào này kéo dài bao lâu, sau đó nó chuyển mình hay chết đi vậy anh?

– Các phong trào này kéo dài đến năm 1990, hết cổ động thì đến sinh hoạt đoàn, giai đoạn từ 1990 đến 2000 là mở rộng phong trào đoàn, đủ các hoạt động, hầu hết là vô thưởng vô phạt và vô bổ nhưng nó lại lôi kéo được rất nhiều, bởi thời gian này lượng thanh niên thất nghiệp rất cao. Đến sau này, mọi thứ thay đổi, nhưng hễ cứ có bóng đá, có gì là đổ ra đường “đi bão”. Trong số “đi bão” ấy, lực lượng đoàn viên địa phương và đoàn viên các trường đại học, trung học không phải là ít đâu! Và bây giờ, đến chuyện từ thiện, nhìn vào thấy cũng hơi ngán ngẩm.

– Từ thiện hay cứu trợ? Và anh ngán ngẩm điều gì?

– Ngán ngẩm nhiều thứ, đương nhiên cứu trợ, từ thiện là việc tốt, ngay cả việc phát động được phong trào lá lành đùm lá rách là rất tốt. Nhưng một khi phong trào đó mang hơi hướm chính trị và có gì đó nhằm đánh bóng tên tuổi thì thấy chẳng ra làm sao cả. Trong đợt bão lũ miền Bắc này, có rất nhiều đoàn cứu trợ, từ thiện từ miền Nam, miền Trung đổ ra Bắc. Kết quả mới có vài ngày đầu mà có hàng loạt vấn đề xảy ra. Như vậy, rõ ràng là người ta làm không có mục tiêu, phương hướng và nhắm mắt làm theo phong trào nên mới có chuyện bánh chưng thối phải mang đi chôn, nước uống có nơi quá thừa, có nơi không có, kêu khóc… Nhìn chung là lộn xộn, bởi vì nó là phong trào!

– Những chiếc bánh thiu bị vứt bỏ ở vệ đường – Ảnh TN

Nên cứu trợ ra sao?

Xem thêm:   Chaffee ngày trở lại

Câu kết của anh Vụ khiến chúng tôi nghĩ đến một phương án cứu trợ, chúng tôi hỏi thăm Cha Hùng, một vị linh mục có nhiều năm đeo đẳng chia ngọt sẻ bùi cùng bà con Quảng Bình, Hà Tĩnh lúc thiên tai. Cha Hùng cho biết:

– Cứu trợ, đây là một công việc đòi hỏi phải chuyên nghiệp tuyệt đối chứ không đơn giản là tự phát.

– Thưa, ý Cha muốn nói đến đội ngũ chuyên nghiệp, hay tác phong chuyên nghiệp?

– Cả hai, đội ngũ chuyên nghiệp thì nhà nước phải có, còn tác phong chuyên nghiệp thì các đoàn từ thiện và cứu trợ phải trang bị trước khi đi. Nếu không có những kỹ năng chuyên nghiệp thì đừng nên đi!

– Thưa Cha, thường thì cứu trợ là những nhà hảo tâm động lòng và quyết định lên đường bởi lòng trắc ẩn thôi thúc, liệu họ có kịp để trang bị tác phong chuyên nghiệp?

– Đó, vấn đề là chỗ đó. Tính chuyên nghiệp lớn nhất, cơ bản và xuyên suốt trong cứu trợ chính là lòng trắc ẩn thôi thúc. Điều này là bản năng cao cả của con người. Cha mẹ sinh con, lúc chưa làm cha mẹ, họ đâu có tác phong chuyên nghiệp làm cha làm mẹ nào đâu. Nhưng khi sinh con, nuôi con, họ sẽ có ngay tác phong hết sức chuyên nghiệp. Vì sao? Vì lòng yêu thương và trắc ẩn của họ được đánh thức, họ phải nghĩ ra một kế hoạch tốt nhất trong việc nuôi dạy con. Cứu trợ cũng vậy. Khi lòng trắc ẩn thôi thúc, sẽ có nhiều câu hỏi đặt ra, ví dụ như: Những người dân vùng thiên tai họ đang cần gì? Làm thế nào để đến với họ? Và quan trọng nhất là làm thế nào để sau khi đến với họ, mình trở về với tâm trạng thư thái?

– Một số bánh chưng (cứu trợ) bị vứt bỏ và đem chôn vì không được bảo quản đúng. nguồn aFamily.VN

– Thưa Cha, như vậy, theo Cha, kế hoạch đặt ra và yêu cầu cần có của một người cứu trợ là như thế nào?

– Một người cứu trợ, nhiều người cứu trợ, vấn đề đặt ra đầu tiên là tấm lòng, phải có lòng trắc ẩn, yêu thương và đừng bao giờ phát sinh lòng tham, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Khi anh đủ tỉnh táo thì mới sáng suốt được. Nếu không có tỉnh táo, lòng tham phát sinh thì chỉ có a dua thôi. Nhiều người đi cứu trợ vì tham tiền, nhiều người đi cứu trợ vì tham danh, tôi thấy nhiều lắm!

Xem thêm:   Trại Hè

– Làm thế nào để phân biệt cứu trợ vì tham tiền và tham danh thưa Cha?

– Có khi là tham cả hai nữa cơ. Những trường hợp mượn danh nghĩa cá nhân kêu gọi rót vào tài khoản cá nhân, sau đó mang đi cứu trợ tùy tiện và cất giữ số tiền không nhỏ trong tài khoản, dấm dúi, trong lúc cứu trợ thì diễn khổ, đứng trong nước lụt ăn gói mì tôm để chụp hình… Đâu nhất thiết phải đứng trong nước ăn như vậy. Nhiều kiểu lắm, diễn. Diễn để đánh bóng tên tuổi. Thêm nữa, tham tiền, hầu như họ chưa bao giờ minh bạch trong vấn đề tiền bạc. Còn một số tham tiền khác, không xuất hiện hình ảnh trên mạng xã hội nhưng họ phù phép tiền của người cho thành quà cứu trợ. Mà những trường hợp này thì hay gặp cảnh mâu thuẫn, tức quà của họ mang đến giao cho cơ quan đoàn thể nhà nước, họ đi cho có chuyến đi chứ chẳng có đến với người nghèo thực sự. Vì nếu thực sự đến với người nghèo, họ có quyền yêu cầu cơ quan đoàn thể địa phương đó gọi người dân đến hoặc dắt họ đi để phát quà từng nhà, cái này trong luật có quy định đấy. Nhưng họ chọn cách khác. Vì ngay từ đầu đã có gian dối, dẫn đến gian dối xâu chuỗi.

– Dạ, còn trường hợp nào khác không Cha?

Bão lụt, lũ quét … những lúc con người chờ đợi tình yêu thương từ đồng loại …

– Còn, trường hợp thất nghiệp, chẳng trắc ẩn gì nhưng nghe có cứu trợ miền Bắc thì lên xe đi chơi, ra vừa được biết chỗ xứ lạ ra sao, lại vừa được nghỉ ngơi, ăn miễn phí và được có cái danh. Kiểu này thì các phong trào hơi bị nhiều đấy. Cuối cùng, khi họ tới, với một mớ quà mua tùy tiện, nhiều khi dân không cần nữa, họ cũng phát loa, cũng rùm beng đủ kiểu trên danh nghĩa đoàn thể, sau đó quà có đến tay người dân thực sự cần không thì họ không quan tâm. Dạng này bây giờ nhiều lắm!

Cùng suy nghĩ với Cha Hùng, Cha Nghĩa, một vị linh mục ở giáo xứ Hà Tĩnh, chia sẻ thêm:

– Đi cứu trợ, nếu đến ngày thứ ba, thứ tư sau thiên tai rồi mới đi thì đừng nghĩ đến kế hoạch mang thật nhiều nước sạch nữa, mang một ít thôi, và cũng đừng mang lương khô, mì gói nữa.

– Vì sao vậy thưa Cha?

– Vì đã 3 ngày sau khi đi, nếu không có nước thì hoặc là người dân chết khát, hoặc là đã có ai đó mang tặng hoặc người dân tìm đường tự cứu, lương khô cũng vậy. Lúc đó, nên mang tiền và một ít đồ đóng hộp. Đừng vẽ vời ra, vừa mất tiền của người nhận, họ tự mua sẽ tốt hơn. Họ chưa mua liền được thì mai mốt họ mua, vì về lâu dài, họ cần tiền để tồn tại.

Chuyện cứu trợ là một câu chuyện hết sức nhạy cảm và nhức nhối hiện nay. Bởi khi mọi thứ bị biến dạng thành kỹ nghệ và cả một hệ thống đang trình diễn trên nền kỹ nghệ đó thì thật khó mà nói được gì!

UC