J. Rowling, có sự nghiệp văn chương không hề suôn sẻ. Bản thảo tập truyện Harry Potter bị 12 nhà xuất bản từ chối. Cho đến khi được Alice Newton, một bé gái lên 8 tuổi, con một chủ nhà xuất bản, đọc xong chương đầu của tập truyện nầy là khẩn khoản xin thân phụ mình đưa cho chương kế tiếp.

Chủ bút Barry Cunningham, một nhà xuất bản ở London, bèn nhận in, ứng trước cho tác giả 1500 bảng Anh, nhưng kèm với lời khuyên là nên kiếm một việc làm toàn thời vào ban ngày để sống… Vì viết truyện cho thiếu nhi không có tương lai xán lạn gì đâu.

Tháng Sáu, năm 1997, quyển đầu tiên của loạt truyện Harry Porter in chỉ có 1000 cuốn. Phân nửa là để phát về cho các thư viện.

Vậy mà chỉ 8 năm sau, năm 2005, khi quyển Harry Porter thứ sáu được phát hành và chỉ trong 24 giờ đầu tiên, 9 triệu cuốn đã được bán ra.

Cả loạt truyện dài có 4,195 trang nhưng như cây đũa thần thông có phép mầu biến một nhà văn nữ người Anh, đang sống trong cùng khốn thành một tác giả kiếm được trên một tỷ đô la Mỹ.

Thật là vô tiền khoáng hậu! Trước chưa có mà sau nầy chắc cũng hổng có luôn.

van-nghe-van-gung

Bảo Huân

o O o

Nhưng so với nhà văn Anh tỉ phú nầy, thì theo ý tui, nhà thơ Lý Bạch (701-762) thời thịnh Ðường bên Tàu ‘ngon’ hơn nhiều.

Lý-Bạch con nhà giàu nên chỉ ăn và giang hồ khắp chốn để làm thơ. 16 tuổi tiếng tăm đã lừng lẫy. Năm 742, Ðường Minh Hoàng cho vời vào triều đình, phong làm Hàn Lâm. Năm 745, là nhà thơ nên sống lè phè rất thơ, nhậu nhẹt tưng bừng lại bị những kẻ ghen ăn tức ở gièm pha nên buồn tình Lý Bạch từ quan, rũ áo ra đi.

Ðường Minh Hoàng tiễn người đi với rất nhiều vàng bạc (nghe thấy mà ham hè!); nhưng Lý Bạch chỉ muốn cái ‘credit card’, nhậu trước rồi ngân khố triều đình sẽ chi trả sau cho chủ quán.

Ðường Minh Hoàng ‘OK’ nên Lý-Bạch tha hồ uống rượu và đi chơi suốt 10 năm. Cho đến một đêm trên bờ sông Thái-Thạch, huyện Ðang Ðồ, tỉnh An Huy, Lý Bạch nhìn thấy trăng ở dưới đáy nước, đẹp quá, liền nhảy xuống, với ý định vớt trăng lên, nhưng chết đuối.

Xem thêm:   Hủ tiếu?

(Cái giai thoại nầy do những độc giả yêu mến Lý Bạch thêu dệt nên, chớ người khác nói rằng rầu quá… nên ông tự trầm ?!)

Suốt cuộc đời, Lý Bạch làm hơn 20,000 bài thơ. (Một con số đáng kể và đáng nể!) Nhưng ông vứt lung tung, không bận tâm cất giữ bài nào.

Ngày nay trong cõi nhân gian chỉ còn được 1,000 bài thơ hay, do độc giả thuộc lòng truyền từ đời nầy sang đời khác.

Như bài: Tĩnh dạ tư. “Sàng tiền khán nguyệt quang/ Nghi thị địa thượng sương/ Cử đầu vọng minh nguyệt/ Ðê đầu tư cố hương!”

Mà nhà thơ Trần Vấn Lệ dịch là: “Tưởng sương trên đất, hóa ra trăng! Ngước mắt khôn ngăn giọt lệ thầm. Cúi mặt, hỡi ơi lòng dạ nát. Quê nhà biền biệt biết bao năm.”

Chú Ba nào phần số phải rời quê lưu lạc, đọc bài nầy đều khóc hu hu!

o O o

Buồn thay, so với những nhà văn bên Tây, nhà thơ bên Tàu, những người làm văn nghệ nước ta…chỉ có ăn gừng! Mãi mãi là người đến sau… bét. Như bài thơ Nguyễn Vỹ “Gởi Trương Tửu”: “Bây giờ thời thế vẫn thấy khó/ Nhà văn An-nam khổ như chó!/ Mỗi lần cầm bút viết văn chương/ Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương/ Rồi nhìn chúng mình hì hục viết/ Suốt mấy năm trời kiết vẫn kiết/ Mà thương cho tôi, thương cho anh/ Ðã rụng bao nhiêu mái tóc xanh!…”.

Than như vậy mà Nguyễn Vỹ còn bị Tản Ðà rầy rà: “Sao anh lại ví nhà văn chúng mình với chó? Anh không sợ xấu hổ à?”.

Nguyễn Vỹ đáp lại: “Tôi có ví như thế thì chó xấu hổ, chứ chúng ta xấu hổ cái nỗi gì?”

(Con chó xấu hổ vì hạ nó xuống ngang với nhà văn An Nam. Nghĩa là nhà văn An Nam còn khổ hơn là con chó nữa! Hu hu!)

Nguyễn Vỹ than viết văn nghèo khổ như vậy nhưng đối xử với bạn văn, bạn thơ tốt lắm. “Có lần tôi được nhuận bút 10 đồng, Trương Tửu lấy 4 đồng đi uống rượu đế và ăn thịt chó. Vũ Trang lấy 4 đồng đi Nam Ðịnh!”

Chiều 30 Tết, năm 1936, ‘vạn bất đắc dĩ’ Nguyễn Vỹ phải viết thư vay ông Nhất Linh Nguyễn Tường Tam 5 đồng, vì biết “trong làng văn hôm nay chỉ có ông có tiền” (dù lúc đó hai người còn chưa… quen biết nhau!)

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Nhận được 5 đồng từ Nhất Linh, Nguyễn Vỹ cảm động “Tôi không biết cách nào trả ơn ông Nhất Linh: Tôi đưa tấm bạc rách lên môi, hôn nó”.

Hai mươi năm sau, tại Sài Gòn, Nguyễn Vỹ đã trả Nhất Linh 5 đồng còn thiếu nợ từ thời tiền chiến. Nhất Linh đã đem 5 đồng ấy để hai người cùng nhậu. Sau nầy Nguyễn Vỹ vào Sài Gòn, làm chủ báo Dân Ta, bán nguyệt san Phổ Thông, tuần báo Bông Lúa… ông đối xử với nhà văn nhà thơ, cộng tác viên cũng rất tốt. Chắc ông thừa biết mấy tay làm văn nghệ bây giờ cũng nghĩ y hệt như mình thuở trước đó thôi.

o O o

Trở lại chuyện sau nầy, những người làm văn nghệ thuộc phe chúng ta may mắn di tản ra được nước ngoài sau 75, cầm bút trở lại.

Ðề tài viết qua cuộc biển dâu nầy phải nói là cực kỳ phong phú. Chuyện tù bị đày ải, chuyện gian nan trên đường vượt biển, chuyện lơ ngơ bước đầu trên đường tị nạn đã được các nhà văn nhà thơ viết ra những tác phẩm đẫm đầy nỗi thống khổ, bi thương, làm lay động biết bao tâm hồn độc giả. Sách in ra được nồng nhiệt đón chào.

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Sự ra đời của internet, của những trang mạng xã hội, người người làm báo, nhà nhà làm báo.
Báo chợ miễn phí, chủ yếu sống nhờ vào tiền quảng cáo. Bài vở thì phần nhiều lấy trên Internet hoặc nguồn sách báo cũ. Các chủ báo thường lựa bài viết nào thu hút nhiều độc giả cứ việc đăng lại. Tác giả cũng không hơi sức đâu để phàn nàn, khiếu nại chuyện này. Thôi thì bài của mình báo nào thơm thảo cho được chục nào hay chục nấy. Báo nào nghèo quá, chôm in lại, một lời cảm ơn bận quá cũng quên, thì cũng đành chịu thế thôi.

Xem thêm:   Đầu dê; thịt chó?

Chẳng còn mấy ai sốt sắng bỏ tiền ra mua một cuốn sách để đọc nữa. Một tác phẩm văn học ra mắt, có lần chỉ vỏn vẹn trên dưới hai chục mạng.

Cộng đồng tị nạn của chúng ta hơn 4 triệu người rải rác khắp năm châu, vốn là một dân tộc yêu chuộng thơ văn, rất thích đọc, nhưng tréo ngoe thay số nhà văn, nhà nhà thơ sống bằng ngòi viết của mình chắc tính chỉ được số trăm…. Hu hu!

o O o

Mấy hôm nay có vài bạn văn yêu mến, xúi dại, kêu tui in sách chơi. Sách của mình in ai mà không khoái hè? Nhưng đầu tiên là tiền đâu? Vài ngàn đô đối với nhiều người là chuyện nhỏ nhưng với nhà văn nhà thơ nhà báo cộng lại thành nhà nghèo, nó không nhỏ chút nào.

In ra ế, không ai chịu bỏ tiền ra mua, lỗ là cái chắc. Chất đống trong nhà xe chỉ có mối mọt nó mừng.

Thôi thì lỡ mang cái nghiệp vào thân cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. Than thở mà chi khi nghĩ lại đến nhà thơ kiệt xuất Nguyễn Du của nước ta khi xưa viết truyện Kiều lừng danh đến thế mà chỉ lời quê góp nhặt dông dài, mua vui chỉ được một vài trống canh là được. Ðâu nghe Nguyễn Du có tiền nhuận bút gì đâu hè.

Dẫu có độc giả thương tình ‘I can you!’. Nhớ đừng có nghe lời xúi dại mà in sách nhe cha nội, nhưng tui vẫn nhứt định không nghe. Phải in mới được tiếng nhà văn chớ. Ðừng cản tui!

Tui sẽ in với điều kiện là ông Trời cho tối thứ Bảy nầy tui trúng ‘Tattslotto’. Ô hô!

Dà: ‘Văn nghệ là văn gừng là vậy đó quý độc giả ơi!’ Gừng nó cay lắm!

Nhưng tay bưng dĩa muối chấm gừng. Gừng cay muối mặn xin đừng… nghỉ viết nghe bạn văn nghệ của mình ơi!

DXT – Melbourne