Là độc giả nhưng bà con mình đọc thiệt, hiểu thiệt, hiểu tường tận khúc nhôi; hiểu tới nơi, tới chốn. Là người thông tuệ, trên thông thiên văn; dưới tường địa lý, bà con mình biết ráo. Nên mình không dám viết bố láo bố lếu như bọn Ba ke hai nút, giặc từ Miền Bắc vô đây. Đất có thổ công sông có Hà Bá. Viết về Miền Nam phải là dân Nam may ra viết ít trật chìa. Dẫu vậy những gì mình biết chỉ là hạt cát; những gì mình không biết là một đống cát. Nên khi tranh luận phải khiêm tốn (bằng 4 lần làm phách).
Bà con mình ai cũng biết: thành ngữ (Idioms) về hình thức là những cụm từ cố định, không thể thay đổi thứ tự từ hoặc thêm bớt từ khác. Về nội dung: thành ngữ mang ý nghĩa ẩn dụ, không thể hiểu theo nghĩa đen của từng chữ một. Ví dụ: “It’s raining cats and dogs” (Mưa như trút nước).
Còn tục ngữ (Proverbs): Về hình thức là những câu nói ngắn gọn, hoàn chỉnh về mặt ngữ pháp. Về nội dung, thường chứa đựng kinh nghiệm sống. Ví dụ: “A stitch in time saves nine” (Một mũi khâu đúng lúc sẽ tiết kiệm 9 mũi khâu sau này). Bắc nói khâu; Nam nói vá. Quần rách đít vá liền. Không vá nó rách bự ra. Muốn vá để che cái mông thì công vá lại tốn nhiều thêm.
Thưa bà con! Bài nầy tui nhập đề theo lối lung khởi. Nói lòng vòng. Chớ hổng lẽ đang tranh luận văn học, cãi về chữ xài trong bài a thần phù sủa, táp địch thủ, ngay tắp lự thì coi sao phải? Chuyện đâu còn có đó! Hốp tốp nói bậy muốn tốp cũng trễ. Vì lời nói như mũi tên bắn vô lỗ tai muốn rút ra cũng hổng có được!
Nói nào ngay, tui có viết là: “Rạch là con sông quá nhỏ, uốn ngoằn ngoèo như ruột ngựa, nối liền qua những lung, bàu, tròn tròn méo méo như hình mấy cái bao tử, gan, lá lách.” Thì có một tay Ba Ke hai nút trong nước sửa lưng tui là: “Người ta nói thẳng ruột ngựa, ông lại nói uốn ngoằn ngoèo như ruột ngựa?”
Đọc là tui biết ông nội nầy giành ngu của tui hết trơn rồi nên tui tính im lặng vô tuyến. Nó có biết tranh luận văn chương là cái giống gì đâu? Nói tới nói lui chỉ tổ mất thời giờ ngồi nhậu và tán dóc! Nên tui né: “Cái nầy là ông Sơn Nam nói! Tui chỉ cọp dê một câu thôi! (Chôm nhiều thiên hạ biết mình đạo văn như mấy tay làm luận án tiến sĩ trong nước ta ở thời buổi mạnh ai nấy la là ta giỏi. Chớ hổng có đứa nào ngon vỗ ngực tự nhận mình là thằng ăn cắp.)
“Thú thiệt với ông! Nhỏ lớn tui chỉ thấy con ngựa chớ chưa thấy ruột ngựa bao giờ. Mà tui e chắc ông cũng vậy. Do đó ông muốn ‘dạy đời’ nói cái nầy đúng; nói cái kia sai, để ông chĩa, để ông đâm xuồng bể thì ông đã kiếm trật người rồi. Tui thấy ông nên kiếm ông Sơn Nam mà cãi nhé!” Ai dè cây muốn lặng mà gió chẳng chịu ngừng, thằng chả chụp cho tui cái nón cối to tổ bố. Thằng chả nói tui viết báo mà quen cái ‘thói hèn nhát’ của bọn nhà báo CS khoái xài, xài thường nên xài rất thiện nghệ là khi viết trật bèn đưa tai to mặt bự ra mà đỡ đạn. Nghe mới ứa gan chớ! Giả nói vầy: “Chẳng lẽ không nghe người lớn nói; thành ngữ cũng có ghi. Lại còn mượn Sơn Nam ra đỡ đạn”
“A! Thằng nầy hỗn dám chọc tới ‘lão gia’ thì tao cho cha mầy cũng chết! Dĩ hoà vi quý mà nó hổng chịu nên tui xỏ ngọt thằng chả như vầy: “Tui xin gởi nguồn tui trích dẫn để ông học hỏi thêm hầu từ rày về sau mà biết cách nói chuyện một cách khiêm tốn nhé!” Trong Hương rừng, tập Hương rừng Cà Mau, Sơn Nam viết: “Mũi xuồng quá nhỏ, nào đủ chỗ để hai người cùng ngồi ngang nhau. Hơn nữa, bơi xuồng theo lối mới này nó chưa quen. Mặt trời sụp xuống thấp, rọi thẳng từ trước mặt. Con rạch quá nhỏ, uốn ngoằn ngoèo như ruột ngựa nối liền qua những lung, bàu, tròn tròn méo méo như hình mấy cái bao tử, gan, lá lách… Sậy mọc khỏi đầu.”

Bảo Huân
Tui thấy cái nầy ngộ nè giữa Úc và Mít trong tranh luận từ trong nhà ra ngoài cửa. Úc sai là nhận nó đã sai! Để ngày qua ngày lại nó ít sai hơn. Còn ‘Mít cộng’ không nhận sai bao giờ. Thấy mình sai, ngậm ống đu đủ chém vè dưới giề lục bình lặn mất. Tui đâu có chịu. Bút chiến như Mike Tyson quánh võ đài phải biết ăn thua chớ. Nên tui rượt theo hỏi nà: “Sao cuối cùng ai đúng ai sai?” Sau khi chọc quê cho thằng chả tức hộc gạch chơi tui bèn xùy ra con bài tẩy vạch ra cái ngu của thằng chả bằng cách cắt nghĩa thành ngữ ‘thẳng ruột ngựa’.
Ông bà mình không có tả ruột ngựa thẳng băng như ông nghĩ đâu nhe! Thành ngữ nầy nghĩa bóng ai cũng biết là để chỉ những người có tánh tình bộc trực và thẳng thắn!
Tại sao vậy? Vì ngựa ăn cỏ vô bao tử rồi xuống ‘thẳng ruột ngựa’ luôn. Chớ không phải ruột ngựa nó thẳng. Tiếng Việt mình nói đường thẳng, một danh từ. Nói đường cong, một danh từ. Chớ hổng có thằng khùng nào nói đường cong thành cong đường bao giờ. Xuống là một động từ. Thẳng là một trạng từ bổ nghĩa cho động từ xuống. Xuống thẳng nghĩa là đi một lèo hổng có quẹo, có ghé ở đâu cả.
Mà tại sao thẳng ruột ngựa mà hổng phải thẳng ruột bò hay thẳng ruột trâu? Vì hệ tiêu hóa của con bò gồm miệng, dạ dày 4 túi (dạ tổ ong, dạ cỏ, dạ lá sách, dạ múi khế), ruột non, ruột già. Ai khoái ăn bò vò viên trước cửa rạp chớp bóng Đại Đồng đường Cao Thắng Sài Gòn đều biết. Khi ăn, lưỡi bò như cái liềm cắt cỏ bỏ vào miệng nuốt vào thực quản, đi vào dạ cỏ để đó. Khi nghỉ ngơi, bò “ợ” cỏ lên miệng nằm nhai lại. Chính vì vậy bò luôn nhai nhóp nhép như em yêu nhai kẹo “chewing-gum’.
Ngựa cũng ăn cỏ như bò, nhưng ngựa không nhai lại. Cỏ xuống thẳng ruột ngựa. Ngựa hổng có huỡn ở không nằm buồn buồn ợ ra nhai lại như trâu bò đâu nha cha! Nghe tui chọc quê, tay Ba ke hai nút nầy sẽ tức đỏ ‘dế’!
ĐXT