Năm 1862, từ Sài Gòn, thủy quân viễn chinh Pháp tràn xuống chiếm đóng rồi thiết lập đồn lũy tại Mỹ Tho. Để phòng chống nghĩa quân từ bưng biền Đồng Tháp tấn công về hướng Tây, thực dân Pháp làm hai con đường vành đai chiến thuật.

Tính từ trong ra ngoài là Lộ Vòng Nhỏ.

Ngoài xa hơn là Lộ Vòng Lớn, còn gọi là Lộ Dừa, cách Chợ Mỹ chỉ hơn 5 cây số.

Lộ Dừa là con đường dắt về quê Ngoại, nơi má đã sanh ra tuổi thơ tôi!

Melbourne trời đã cuối Xuân. Năm tận tháng cùng ngày sắp hết! Tui nhớ quê mình gió mùa Ðông Bắc, gió chướng, trời se se lạnh. Mấy ông già, bà lão ơn ớn xương sống, nhức mình nhức mẩy. Còn em yêu, trường Nữ Trung học Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho điệu đà khoác lên mình hạc xương mai một chiếc áo ấm màu sặc sỡ là biết chỉ còn vài bữa nữa là tới Tết.

Mùa nước nổi tràn đồng đã hết. Nước biển mặn theo thủy triều lên lẻn sâu vào các nhánh sông. Pha cà phê uống là phải xài nước mưa. Nước sông lờ lợ mặn, pha cà phê nó dở òm hè!

Quê Ngoại, ruộng đất ngày càng bị tế phân (chia nhỏ ra cho con cái). Thời đó chưa có lúa Thần nông ngắn ngày, ông bà mình làm lúa mùa, dài tới 6 tháng. Không có phân u-rê, thuốc trừ sâu. Cày bừa phải nhờ sức trâu, sức người vần đổi công. Ðược mùa lắm chỉ lối 8 giạ một công.

Vườn nhà Ngoại trồng tạp: cây mù u, cây trâm, mận, chanh, chuối, xoài… Khế chua với chuối chát khi ăn thịt luộc, khô nướng, mắm chưng. Xoài xanh ăn với nước mắm đường cay ớt sừng trâu. Lá lụa là lá xoài, lá điều non, chấm nước cá kho hoặc cuốn bánh xèo.

Trong xóm, chỉ có vài nhà ngói vách ván; đa phần là nhà lá, vách lá. Cổng bằng tre gai, hàng rào bằng cây keo hay bông bụp. Sân rộng dư chỗ trải đệm phơi lúa. Có bàn thờ ông Thiên, sập tối nào cũng thắp nhang.  Có cây rơm để dành cho trâu ăn.

Nhà nền đất chỗ lồi, chỗ lõm, cột kê tảng đá xanh. Vách bằng những thanh tre, đêm tư bề lộng gió làm chao những cây đèn cóc. Nhà trên, nơi tiếp bà con lối xóm là vài ba cái ghế đẩu vây quanh một chiếc bàn tròn. Trên bàn có một bình trà đặt trong vỏ trái dừa để giữ ấm dành cho mấy ông. Bình vôi, ống ngoáy dành cho mấy bà già trầu. Giữa nhà là một cái tủ thờ với một bộ lư và một bát nhang. Phía sau bàn thờ, cách một bức vách bằng ván bổ kho là một cái buồng. Trong cái buồng đó có một bồ lúa chừng vài chục giạ, xay từ từ ăn chờ cho đến mùa gặt mới. Cái buồng đó cũng được làm phòng hoa chúc cho mấy người cậu của tôi, cưới vợ về hạ màn cửa xuống để chú rể khám điền thổ cô dâu.

Xem thêm:   Hủ tiếu?

Nhà dưới cũng nền đất, cũng chỗ lõm, chỗ lồi. Vốn là dân chợ, lâu lâu theo má về thăm Ngoại, bước không quen, tui bị vấp hoài hè. Giàn bếp có ba cái cà ràng, ông táo cao tới rún. Dưới chân bếp, lá dừa khô cột lại thành bó, dùng để nhúm lửa hoặc làm đuốc quơ quơ trong màn đêm khi đi ăn đám về trời đã nửa khuya. Củi là tàu dừa phơi khô chẻ hai, xếp ngay ngắn dưới chân bếp cho dễ lấy đút vô lò.

Nhà dưới cũng có cối xay lúa, cối giã gạo, cối xay bột và mấy cái lờ, cái nôm dùng để bắt cá. Gần bếp có bộ ván đủ cho đám cháu chắt một bầy ngồi xếp bằng ăn đám giỗ. Chén đá, đũa tre khua lóc cóc (bị quở hoài hè) lúc sắp nhỏ (và) cơm. Tiếng chan canh húp nghe rồn rột.

Cách nhà không bao xa, ở ngoài sân là một cái chuồng trâu. Ðêm về Ngoại, lạ nhà khó ngủ, thao thức nghe tiếng trâu nhai rơm sột soạt lúc canh khuya. Lỡ trong chiều mưa rớt, tiếng ếch nhái, ễnh ương cứ ễnh a, cứ quềnh quang kêu bất tận ở ngoài đồng; nghe thật não lòng!

Phía bên kia sân nhà là một cái chuồng heo. Heo và trâu xưa giờ không thể nào là lối xóm biết điều với nhau. Bọn gà vịt cũng vậy. Ngày thì vịt xuống rạch lội vòng vòng, gục đầu xuống nước kiếm cá lòng tong, tép nhỏ mà ăn. Bọn gà mái thì dắt đàn con đi bươi, đi móc mấy con trùn lên mà đánh chén. Bọn gà trống, giống như tui thuở xuân thì, chỉ ở không, theo ve vãn bọn gà mái. Cuồng cẳng, cuồng chân thì rượt mấy con vịt xiêm chạy có cờ. Coi chuyện bức hiếp người khác để làm vui.

Xem thêm:   Đầu dê; thịt chó?

Gần bờ rạch là cái sàn nước. Cây cầu dừa có vạch khấc cho khỏi trượt ngã, đâm xuống nước để mình rửa cẳng hoặc tắm sông. Gần sàn nước có một cái lu. Múc nước sông lên lóng phèn để rửa chén bát. Còn nấu ăn, pha trà là phải xài nước mưa, hứng theo máng xối dọc hông nhà.

Bảo Huân

o O o

Tui thương má tôi mười. Thương bà Ngoại năm. Thương ông Ngoại chỉ một. Ông Ngoại tui là người hơi thủ cựu. Con gái không cho đi học vì sợ nó viết thư tình. Má tui sở dĩ biết đọc biết viết là vì phải theo giữ cậu Năm lúc đi học trường làng vì ông Ngoại sợ cậu Năm bị chúng ăn hiếp.

Mãi những năm 60 mà ông Ngoại vẫn còn để đầu tóc, búi thành một cái củ tỏi. Lúc má theo ba về Bưu điện Rạch Giá nhậm chức, má vẫn còn bới tóc. Ba muốn má uốn tóc cho nó văn minh thì má phải viết thơ về xin phép ông Ngoại nữa chớ!

Về quê, tui thấy ông Ngoại tui lăng xăng tối ngày hè. Huỡn thì ông ngồi tréo ngoảy ở nhà trên uống trà. Trà gởi mua tận chợ Cầu Lộ. Ðem về phơi phong thật kỹ rồi cho vào ve chai đậy nút, lâu lâu lại phơi nắng cho trà khỏi mốc. Vừa uống trà, ông phì phèo hút thuốc giồng, vấn giấy quyến để sẵn trong “hồ bao”.

Lâu lâu dẫn tui về thăm, má mang cho nhà Ngoại vài hộp sữa Kim Cương, một ký đường cát trắng với nửa ký cà phê bột. Ông Ngoại quý lắm đem cất vô tủ thờ khóa lại. Má cũng mua chừng hai ký thịt ba rọi từ chợ Mỹ. Bà Ngoại đem kho một mớ. Chừa một miếng đem luộc. Ông Ngoại rót rượu từ trong cái nhạo ra ly hột mít khà một cái nghe chừng khoai khoái lắm. Ðúng là có con mà gả chồng gần; có bát canh cần nó cũng đem cho.

Nghe má tui nói hồi xưa ông Ngoại cũng có nhậu lai rai. Nhưng toàn là uống rượu lậu cất ngoài các đám đế rậm rạp (nên mới gọi là rượu đế). Vì nấu rượu lậu mà bị Tây Tào Cáo hoặc lính thương chính (Douane Régie) bắt được là phải bị ở tù.

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Tây nó buộc dân mình phải uống rượu Fontaine (phông-tên) Rượu Ty nấu từ bọt đường, chứa quá nhiều chất độc nên dân nó hổng có ham!

o O o

Quê người, dẫu món ngon vật lạ nhưng tui vẫn nhớ về quê Ngoại, quê nghèo; vì tui nhớ má. Má mất rồi! Nhớ mắm sặc mà má thường nấu mắm kho bông súng cho con ăn mỗi khi con đi học ở Sài Gòn về.

Con cá sặc, con cá quê nghèo đã theo con suốt thời thơ ấu. Nhưng quê người, sông dài cá lội bặt tăm / Phải duyên chồng vợ ngàn năm em cũng chờ. Xa con cá sặc, xa luôn người em năm cũ! Chẳng qua vì thời cuộc, đôi ta lỡ làng duyên kiếp ba sinh hết ráo rồi em ôi!

Cá sặc, vào tháng Bảy âm lịch, mới nở, cá sặc non, nổi trên mặt nước từng bầy. Muốn bắt cá sặc bằng cách đặt lờ dọc theo các mương phèn.

Tháng Chạp, tháng Giêng, nước giựt khô đồng, cá sặc xuống đìa hết rồi. Những ngày giáp Tết là mùa tát đìa. “Cạn đìa mới biết lóc, trê, Còn ụp móng biết đâu rô, sặc”. Bắt được cá lóc, cá trê, cá linh, cá chốt, cá trèn và nhiều nhất vẫn là cá rô, cá sặc!

Cá lóc, cá trê rộng trong lu để đó để dành ăn từ từ. Còn cá sặc nhỏ lên khỏi mặt nước là chết hết ráo. Kho khô ăn không hết thì đành làm mắm, làm khô!

Nước sông trong sao chảy lộn sông ngoài. / Thương người xa xứ lạc loài tới đây”. Sau ngần ấy năm tha hương, đêm nay đốt lò hương cũ, sao nhớ vô cùng cái món gỏi khô cá sặc vốn của nhà nghèo, của vùng quê xa ngai ngái, của ngày xưa ấy! Khô cá sặc rằn nướng chín, thịt xé ra từng miếng nhỏ trộn với xoài thanh ca bằm mỏng thêm tỏi, ớt chan nước mắm đường. Dẫu đốt đuốc mà tìm cũng không thấy trong nhà hàng nào trên toàn nước Úc.

Chiều cuối năm nhớ về quê Ngoại. Nhớ má của con! Vì biến loạn, phải bỏ xứ đi nhưng cũng như bà con mình, trên cái lưỡi vẫn mang theo cái vị quê nhà; và cái tâm cứ vấn vương hoài cái hồn cố thổ.

ĐXT