Bà con mình ai cũng biết: Quân là quân đội. Phiệt là phe hoặc tầng lớp cầm quyền. Quân phiệt chỉ một nhóm người thuộc quân đội có quyền lực chính trị rất lớn, nắm toàn quyền cai trị đất nước.
Có quyền lực từ nòng súng, bọn chúng thao túng, chi phối các lĩnh vực chính trị, kinh tế, hoặc xã hội. Trong lịch sử Việt Nam có loạn thập nhị sứ quân (944-968). Soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà có viết tuồng cải lương: ‘Người vợ không bao giờ cưới’ về mối tình của Kiều Mộng Long Hữu Phước và Sơn nữ Phà Ca Út Bạch Lan. Lịch sử thế giới thời cận đại, nhà Thanh sụp đổ năm 1912, nước Tàu rơi vào thời kỳ quân phiệt cát cứ, các lãnh chúa thường xuyên đánh nhau giành quyền lực. Và cũng vào đầu thế kỷ 20, Nhật Bản, bọn quân phiệt kiểm soát chính quyền, đem quân xâm lược Trung Quốc. Năm 1940, Nhật Bản chiếm đóng Việt Nam. Nhật Bản ép buộc nông dân Việt Nam nhổ lúa để trồng các cây đay, thầu dầu. Đay được sử dụng để sản xuất bao tải và quân phục cho lính Nhật. Hành vi, tàn nhẫn, vô nhân tính nầy làm khoảng 2 triệu người, ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, và Hải Dương phải chết đói. Dân Bắc gọi Nhật Bản là quân phiệt Nhật để phê phán, chỉ trích sự độc tài, chuyên chế của các thế lực quân sự của nước Nhật Bản vào thời đó. Sau khi Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Ở Việt Nam, Ngày 19 tháng 8 năm 1945, lợi dụng việc Nhật không còn khả năng kiểm soát, tạo ra khoảng trống quyền lực; cộng với sự căm phẫn của người dân, Việt Minh cướp được chính quyền.
Còn bà con Nam Kỳ gọi là Nhựt Bổn hoặc Nhựt lùn. Vì lùn xịt, sĩ quan Nhựt đeo kiếm lịnh, đi phải vén kiếm lên mới bước được cho nó oai. Soạn giả tuồng cải lương như Hà Triều Hoa Phượng trong tuồng “Khi Hoa Anh Đào nở” gọi Nhựt Bổn là nước Phù Tang. Cây Phù Tang không có thật. Theo truyền thuyết, thần thoại Trung Quốc, cây này mọc ở phương Đông, nơi mặt trời mọc. Vì vậy, Phù Tang có nghĩa là: “Đất nước nơi mặt trời mọc”

Ayako Kobayashi trong vai Oshin khi nhỏ – nguồn nippon.com
Nhiều từ vựng tiếng Việt ngày nay đã mượn từ tiếng Nhật. Như: món ‘Sushi’, ăn cá sống với mù tạt cay nồng hai cái lỗ mũi. Nhậu thì rượu Sa Kê. Mặc có ‘Kimono’ với dây thắt lưng bằng vải. Giải trí có ‘Karaoke’; với ‘kara’ (rỗng) và ‘oke’ (nhạc), hát trên nền nhạc. Ngoài võ ‘Judo’ (Nhu đạo) để tự vệ; Nhựt còn có ‘Sumo’; hai thằng Nhựt bự như hai con bò mộng, bước lặc lè vô một cái vòng tròn để vật nhau chơi.
Viết vòng vo tam quốc là nhập đề lung khởi (nói lung tung), cuối cùng tui muốn nói đến hai chữ “ô sin”. Hồi xưa bà con Nam Kỳ của mình gọi em giúp việc là bạn ở; kẻ ăn, người ở trong nhà. Việt Cộng như soạn giả Trần Hữu Trang tức Tư Trang trong ‘Đời Cô Lựu’ Hội đồng Thăng, hoặc soạn giả Điêu Huyền trong “Tiếng hò sông Hậu”, Hội đồng Dư kêu là đầy tớ. Còn sồn sồn trong ‘Tấm lòng của biển’ soạn giả Hà Triều Hoa Phượng gọi là vú nuôi, vì có cho cô chủ bú tí. Vai vú nuôi nầy cũng do diễn viên Ngọc cũng tên Nuôi, tức Ngọc Nuôi, vợ của nghệ sĩ Việt Hùng thủ diễn.
Nhưng đa phần mấy em giúp việc còn trẻ, khoẻ nên không kém phần hấp dẫn. Nên có chuyện rằng: Một em giúp việc muốn được lên lương. Bà chủ rất tức giận hỏi: “Em nghĩ sao mà đòi được tăng lương?” “Chà, thưa bà, có nhiều lý do lắm: Một là em ủi đồ láng hơn bà”. “Ai nói em ủi đồ giỏi hơn tui ?” “Ông nhà! Chồng của bà, ông ấy nói như vậy.”
Lý do thứ hai: “Em nấu ăn ngon hơn bà”. “Nói dối! Ai nói em nấu ăn ngon hơn tôi?” “Ông nhà! Chồng của bà, ông ấy nói như vậy.” Bà chủ càng lúc càng kích động: “Bậy, không đúng!”
“Lý do thứ ba chuyện giường chiếu em đã điếu hơn bà!” Tới lúc nầy thì bà chủ sục sôi, gầm lên: “Thằng chồng tao cũng nói như vậy phải không ?” “Không thưa bà! Anh làm vườn nói”. Một khoảnh khắc im lặng trôi qua. “Vậy… em muốn lên bao nhiêu?”

Tác giả Sugako Hashida và 2 tài tử Ayako Kobayashi và Yuko Tanaka – nguồn topcount
Hồi xưa em giúp việc là vậy nhưng khoảng năm 1994, bà con mình không gọi mấy em là bạn ở nữa mà gọi là ‘ô sin’. Chẳng qua chuyện vầy nè: ‘Oshin’ là một bộ phim truyền hình dài 297 tập được phát sóng từ 1983 đến 1984 ở Nhật Bản. Chiếu toàn thế giới đã đời, 10 năm sau mới tới Việt Nam. Vì dưới chế độ CS, tiền đâu để mua bản quyền về chiếu chùa cho dân coi để quên cái đói!
Bộ phim kể về cuộc đời của cô gái tên là Oshin, sinh ra trong một gia đình nghèo khó nên phải làm việc vất vả để giúp gia đình. Câu chuyện của Ô sin là câu chuyện của nước Nhật Bản thất trận Thế chiến thứ hai, gượng dậy trong hoang tàn đổ nát. Bộ phim Oshin với tài tử Ayako Kobayashi, sinh ngày 5 tháng 11 năm 1967, đóng vai Oshin thời thơ ấu. Sau khi Ayako Kobayashi đóng vai Oshin lúc nhỏ, minh tinh Yuko Tanaka, sinh ngày 17 tháng 1 năm 1961, tại tỉnh Fukuoka vào vai Oshin lúc trưởng thành. Vào vai Oshin, cả hai tài tử Ayako Kobayashi và Yuko Tanaka đã hoàn toàn chinh phục khán giả Việt Nam. Trong phim Oshin, chuyện của một cô gái Nhật kiên cường vượt qua nhiều nghịch cảnh để tới thành công. Nhưng trong tiếng Việt, ‘ôsin’ là người con gái còn trẻ giúp việc nhà, chăm sóc gia đình, nấu nướng, lau dọn v.v.
Ông chủ ‘khoái’ em ô sin và đôi khi em ô sin cũng ‘chịu đèn’ ông chủ. Cũng như Cựu Thống đốc California, Arnold Schwarzenegger, tò tí với Patty, một người giúp việc lâu năm. Em tọt cho ông chủ một thằng cu; cả hai giống hịt nhau như hai điếu thuốc.
Chiều cuối năm quê người, lên Facekook tình cờ thấy hình hai Oshin ngày cũ, tui bèn tìm tài liệu viết ngay một bài kẻo cái hứng nó buồn tình nó ‘sayonara’ một đi không trở lại thì uổng lắm. Kỷ niệm xưa quê nhà gợi nhớ trong tui bùi ngùi quá mạng bà con ơi! Hu hu! Tui ‘dục tửu phá thành sầu’ nghĩa là tui đi nhậu rồi nói dóc để quên nỗi buồn xứ xa, xa xứ!
ĐXT