Chiều Chủ Nhựt, 29 tháng Bảy rồi, anh chị em cựu sinh viên Ðại học Khoa học Sài Gòn có làm cái buổi họp mặt bỏ túi tại nhà anh bạn, chỉ cách nhà tui có một giậu mồng tơi xanh rờn.

Bất cứ một hành động nào cũng vậy muốn thành công phải có hội đủ ba yếu tố là: thiên thời, địa lợi với nhân hòa.

Thiên thời là chiều Chủ Nhựt bà con mình rảnh là cái chắc. Bắt đầu lúc 3 giờ, ai ham nói dóc cho vui thì lù lù tới sớm, tới đúng lúc đồng hồ khỏ bon bon ba tiếng, nói sùi bọt mép một hồi cho đã chừng hai tiếng, tới 5 giờ đói bụng ăn tối là vừa.

Dù chữ rằng ‘ăn nói’. Ăn no mới có sức mà nói…Nhưng bên Úc nầy hình như ngược lại bà con mình khoái nói hơn là ăn nhe! Thưa tui cũng vậy! Khoái nói, khoái nổ hơn ăn.

Mở đầu buổi họp mặt là anh nhạc sĩ thuộc ca đoàn sắp xếp dàn nhạc một người, gồm cây piano điện và cây đàn guitar thùng, cùng hai cái “mi-cà- rô’ hiệu Yamaha (đọc là Già-mà- ham).

goi-do-oi

Thấy mấy anh làm MC nổi tiếng, nên tui cũng ham, chụp lấy một cái ‘mi cà rô’ để mở màn, giới thiệu chương trình văn nghệ cho nó xôm tụ, sôi động cái không khí trầm buồn của mùa Ðông Melbourne lạnh quéo cả râu là: “Xin mời quý anh mình hợp ca bản: ‘Ngựa phi đường xa’ của nhạc sĩ Lê Yên.

Một chị bạn đồng môn, thuộc ban SPCN, hỏi ngặt: “Ở đây có anh nào ‘ngựa’ đâu?” Tui giả lả, cười như ngựa hí: “Có chớ! Tui nè!”

Ðề nghị ‘ọt rơ’ nên tui đành hát thì thầm: …Ngựa phi ngoài xa thật mau. Lúc nguy nàn ta yêu thương nhau

Lúc bên đời quyết sức phấn đấu/Giống Tiên Rồng hết sức phấn đấu/ Cùng mây nước ta hát vang lừng trong nắng vàng …”

“Ê! Nói dai nói dài nói dở ẹc. Mỗi người được quyền nói hai phút mà thôi!” Thiệt một lời của anh bạn nầy bắn ra xối xả làm tan nát lòng nhau!

Bị chặn bản họng, tui nhớ mà thương mấy ông MC dẫn chương trình ca nhạc, dẫu tốn bao nhiêu là công sức chuẩn bị nhưng nói sao cho vừa lòng người? Nói rộng người cười nói hẹp người chê! Cái nghề làm dâu trăm họ mà!

Xem thêm:   Hủ tiếu?

Thôi! Tui về bàn, tiu nghỉu ngồi, rót ra ly rượu đỏ, ực một cái để nuốt trọn nỗi sầu đời bởi tìm được người tri kỷ trên bước đường tỵ nạn, lưu lạc nầy cũng khó dàng trời mây như tìm một cánh chim bay! Em bay biển Bắc mà tui tìm biển Ðông.

Anh bạn ngồi gần tui an ủi nghe thương hết sức: “Bữa nay tui cũng xin nói nhiều, xin cái lỗ tai của anh cảm phiền. Tui cũng biết người ta bỏ ra chỉ 5 năm để học nói và suốt cả đời để học cách im lặng. Nhưng tui với bà xã tui đang trong cao điểm mùa chiến tranh lạnh. Ở nhà tui chỉ ‘diện bích’, nói chuyện với bức tường, suốt cả tháng nay. Bữa nay có cơ hội xin anh cho phép tui ‘khai khẩu’ sợ để lâu tui bị ‘á khẩu’ thì nguy!”

Nói về: ‘Gọi đò ơi đi!’ Sở dĩ tui chọn đề tài đó là vì trong cái ‘email’ gởi cho cả bọn, kêu réo họp mặt với nhau, mới đầu chỉ được có 19, 20 mạng. Ít quá, nên ông ‘Cò’ tổ chức giận lẫy, tính Melbourne tình xù…

Nhưng gia chủ kiêm khổ chủ can gián rằng: “Có bao nhiêu chơi bấy nhiêu mà… Tùy tấm lòng!” (Nhưng ông anh, vốn dân xứ Quảng quê mình, phát âm chữ ‘lòng’… làm tui nghe hơi giựt thịt)

o O o

“Dù là tiếng mẹ đẻ của mình, muốn xài cho nó trúng khía, phải tìm hiểu từ nguyên cũng không phải dễ; nhưng công khó nầy cũng tạo nhiều lý thú để mình xài tiếng Việt ngày càng vi diệu hơn… để giỏi nghề viết văn, viết báo.

Ông anh nghe tui nổ lốp bốp, tưởng bụng tui có tới 3 bồ chữ như Cao Bá Quát nên hỏi: “Tại sao lại gọi là xe đò?”

Theo nhà văn Sơn Nam, thì ngày xửa ngày xưa đồng bằng Nam Kỳ sông nước chằng chịt, phương tiện đi lại chủ yếu bằng đò, ghe, mãi cho đến thập niên ba mươi, người Pháp thành lập vài hãng xe chở khách đi miền Tây.

Thời ấy đường bộ chưa phát triển, xe đến bến, khách phải đi tiếp bằng đò nên người ta gọi là “xe đò” cho tiện.

Vin vào cách cắt nghĩa của ông Sơn Nam, có người ‘tán’ thêm là: Người Bắc gọi xe đò là xe khách hoặc xe ca, còn người Trung lại gọi xe đò giống như người Nam. Vì hầu hết các chủ xe chạy miền Trung là dân Sài Gòn nên ‘xe đò’ trở thành phương ngữ chung cho tiện (?!).

Xem thêm:   Kế Sách

Tui lại nghĩ khác. Ðò chở khách chạy dọc dòng sông thì gọi là đò dọc. Chạy ngang sông thì gọi là đò ngang, chạy tới bến nấy rồi quay về bến cũ. Vì vậy ‘Bến sông’ dành cho đò, còn ‘Bến xe’ là dành cho xe!

Chở khách đi từ bến nầy rồi quay về bến cũ giống như ‘đò’ sông chở khách ngược xuôi vậy; nên gọi là xe đò.

(Còn chữ giả đò thì sao? Bị hỏi quá xá là ngặt, tui phang đại vầy nè: ‘Giả đò’, nầy giống như ‘đò’ trong chữ xe đò; là hành động gì đó, cứ tới cứ lui hoài hè…

Như “Giả đò mua khế, bán chanh. Giả đi đòi nợ thăm anh đỡ buồn”

Giả đò là giả bộ giống con đò, chạy tới chạy lui hoài hè. Có chanh chua gần chết mà còn giả bộ (giả vờ) chạy tới để mua khế. Chứ thật bụng là em cần ‘trái’… khác!

Rồi chàng mặc quần xà lỏn đưa võng tòn ten ngoài hàng ba, thấy em bẹo hình bẹo dạng hoài hè: “Nè em hai! Mua khế bán chanh đã rồi giờ đi đâu vậy? “Em đi đòi nợ, nợ tình kiếp trước giờ nầy phải trả cho xong!”

o O o

Rồi có chú em nho nhỏ năm nay chưa tới sáu mươi, nghĩa là chiến tranh vệ quốc của miền Nam chống CS Bắc Việt, chú em chưa tới 17 tuổi, chưa đi lính mà nghe bậc đàn anh đi phép về nói: “Ngủ đò sông Hương ngoài Huế quá đã” là sao hả anh hai?

Ngủ “chay” hay ngủ “mặn”? “Ngủ đò’ hay ‘ngủ giả đò’? ‘Ngủ đò ngu sao mà ngủ giả đò’.

Nhưng sợ con sư tử Hà Ðông nó biết chuyện ăn chơi dẫu hồi chưa lấy nhau, nó nổi ghen sảng lên là tiêu tùng bộ đồ lòng hết ráo… nên anh giả nai, cắt nghĩa đen là: “Dọc theo sông Hương phía dưới cầu Trường Tiền có một bến đò “dã chiến” luôn có vài chục chiếc thuyền nhỏ đậu rải rác ngày cũng như đêm để rước khách nhàn du lên thuyền xong có thể đặt mua một vài món uống và ăn rồi được chủ thuyền đưa ra khỏi bờ và thả dọc theo dòng sông Hương nước chảy lững lờ, nhẹ nhàng và chậm chạp. Thời gian trên thuyền có thể một vài giờ hoặc cả ngày đêm tùy hai bên thoả thuận. Khách có thể là bạn văn nghệ, bạn thơ, bạn nhậu xuống để đàn hát, ngắm trăng ngâm thơ. Bởi Huế là đất thơ, đất của những tao nhân mặc khách; xưa giờ cũng vậy!

Xem thêm:   Đầu dê; thịt chó?

Ðó là ngủ chay! Còn ngủ mặn là: khách, một đôi nam nữ xuống để đánh cờ người!

Tui hồi đó hổng có làm cái vụ nầy rồi nhưng tui biết. (Có những chuyện mình chưa làm; hoặc không làm mình cũng biết đó thôi)

Cái biết đó là giống như Nguyễn Bắc Sơn: “Mai ta đụng trận ta còn sống. Về ghé Sông Mao phá phách chơi. Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm. Ðốt tiền mua vội một ngày vui!”

Mấy anh mình (khoảng 70 đổ lên) xưa đi lính, lội suốt bốn vùng Chiến thuật: ‘Tôi thường đi đó đây, bùn đen in dấu giày… áo đường xa không ấm gió phương xa, nghìn đêm vắng nhà’…. ra Quảng Trị, Vùng Một, đánh nhau với CS, lúc về Huế dưỡng quân đều biết cái vụ nầy!”

Tiền nhiều thì nguyên đêm gọi là ‘ngủ đò’, tiền ít thì… ‘lắc đò’. Thay vì ‘Sông Mao’ trong bài thơ, là đò trên ‘Sông Hương’ của mấy chị em ta! Do đó ‘Ngủ đò’ nghĩa là: xuống đò mà ngủ… He he!

Ông nào giờ từ hải ngoại về Việt Nam, mà nhất định không tin ông Bùi Giáng phán rằng: “Dạ thưa phố Huế bây giờ! Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương” cứ nằng nặc ra thăm để “ôm Huế vào lòng sẻ chia đắng cay gian khổ mặn nồng…” Rồi bay lại qua đây, khoe khoang thành tích, con vợ nhà chắc chắn trăm phần trăm sẽ ‘tra hỏi’, rồi đôi khi ghen quá… mất khôn sẽ tăng cường độ lên là ‘tra khảo’ “Về Huế anh có đi ngủ đò, lắc đò không vậy?”

Nếu có, thì cái chắc ông anh mình bị con sư tử Hà Ðông nó bẻ giò… về cái tội ngủ đò! Xin thành kính phân ưu, thành thật chia buồn với ông anh mình đã già mà còn khoái chuyện trăng hoa!

DXT – melbourne