Theo từ điển Hán Việt cắt nghĩa: báo, động từ, là: báo cáo, báo tin, thông báo. Còn báo, danh từ, là tờ nhựt trình, nhựt báo, báo ra hằng ngày. Còn ‘vãn báo’, báo ra buổi tối.

Ngoài báo chí chuyên đăng tin xe cán chó, còn có báo ảnh. Không phải đăng hình con chó mà đăng hình mấy con đầm ở truồng. Như tạp chí Playboy. Ông nào ông nấy nhìn nước miếng nhểu tới rún, vén lên không kịp. Nên Playboy bán đắt hết biết luôn.

Ðó là hồi xưa, hồi thời báo chí Việt Nam Cộng Hòa cực thịnh kìa. Nhưng thời hoa mộng nay còn đâu? Sau 75, nhựt báo của người Việt tị nạn CS trên toàn thế giới đếm chưa hết một bàn tay. Ða phần là tuần báo.

Ðể sống sót với nghề, báo viết nó đẻ ra báo nói. Báo nói nhiều như nấm mối gặp mưa, trên mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Twitter…

Trăm hoa đua nở như vậy nhưng tựu trung gom lại chỉ là hai loại: Báo viết và báo nói. Báo viết thì có ký giả. Báo nói thì có phát thanh viên.

Mấy em phát thanh viên trên truyền hình thanh sắc vẹn toàn, không thua gì hoa hậu. Thanh là tiếng nói dịu dàng như mật rót vào tai. Mật thì ngọt; rót vào tai cho kiến bu bắn chết Tía mình luôn. Nghe riết rồi ghiền. Khoái tiếng em hơn là tiếng the thé của bà chằn lửa ở nhà mình.

Còn sắc của em là nghiêng thùng đổ nước. Ðẹp như phát thanh viên Trà My của đài VOA vậy đó!

Nói hổng phải khoe gì với bà con, hôm Father’s Day nè có một em ‘Em Xi’ ở Little Saigon, đẹp nức nở, đẹp ná thở xin phép đọc bài về từ phụ của tui. Bụng tui tính hỏi coi em có cho tui cắc nào để bù tiền bút mực, để tui  rủng rỉnh xu hào mua rượu uống chơi hông? Thấy em đẹp quá, lại ăn nói gió đưa ngọt ngào; nên tui quên phứt!

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Hổng phải tới già rồi, tui mới dại gái đâu! Mà tui dại gái từ thuở dậy thì, thuở mới lún phún râu măng hai bên mép.

o O o

Lại nhớ năm 1975, chuyện cách đây đã 47 năm. Tối 28 tháng Tư, rầu cho vận nước. Tui bắt chước người xưa ‘dục phá sầu thành tu dụng tửu’ lai rai vài xị đế với ông Thượng sĩ Trưởng ban 4 truyền tin, Chi khu Kế Sách tỉnh Ba Xuyên.

Thì đài BBC Luân Ðôn loan báo xe tăng CSBV đã bò tới chân cầu Tân Cảng trên xa lộ Biên Hòa. Và quân Dù của chúng ta đang chống trả quyết liệt. Vậy là thôi rồi Lượm ơi!

Rồi sau nầy thoát khỏi ngục tù CS bao la, vọt qua được tới Melbourne, theo thói quen xưa, tối tối từ 7 giờ tới 9 giờ đêm, tui không ôm em yêu mà tui ôm lấy cái ‘ra dô’.

Tui nghe người đẹp Ngọc Hân, Trưởng ban Việt ngữ của Ðài SBS (Special Broadcasting Service) Úc Châu Sydney thỏ thẻ.

Nhớ cái giọng lên bổng, xuống trầm, ngắt hơi đúng nhịp đàng hoàng. Nhớ cái giọng rõ ràng và khúc chiết.

Nhớ câu cú đúng văn phạm. Nhớ cách dùng chữ sáng trong. Nên nội dung bài viết nghe em đọc, nó cực kỳ dễ hiểu.

Ða số thính giả mình ở Úc là người tị nạn CS phát xuất từ Miền Nam. Nên giọng Sài Gòn của Ngọc Hân, Phượng Hoàng hay Quỳnh Liên của Ðài ABC (Australian Broadcasting Corporation) tiếng Việt nghe nó đã ơi là đã!

Mỗi lần nghe tiếng thỏ thẻ trên làn sóng phát thanh thì mấy người đẹp nầy lại dắt tui về quê cũ.

Giờ thì Ðài SBS không còn được hay như xưa nữa! Giọng Bắc Hà Nội sau 75, tiếng nầy dính với tiếng kia, õng ẹo như con lăng quăng, (ý quên con bọ gậy).

Chữ dùng thì bậy bạ. Ðôi khi quá đà thành tục tĩu. Như chữ ‘tự sướng’ chẳng hạn!

Nhớ hồi chiến tranh Việt Nam, lúc CSBV xâm lăng VNCH, bà con mình hay nghe Ðài VOA hay BBC.

Xem thêm:   Hủ tiếu?

Tại sao vậy? Vì bà con mình cho rằng hai cái đài nầy làm báo nói đàng hoàng, đưa tin khách quan và trung thực.

Như ông Lê Văn, biên tập viên kỳ cựu của VOA, qua đời năm rồi ở Mỹ, tuổi 84, đã để lại trong lòng thính giả nhiều thương tiếc các bài nói của ông.

Bảo Huân

o O o

Người ta nói ‘gừng càng già càng cay’.  Nghề báo viết, báo nói càng lâu càng hay. Người ta cũng nói ‘tre tàn măng mọc’. Nhưng tại sao gừng già không dạy cho gừng non. Tre già sao không kèm cặp mục măng cho nó thẳng? Mấy ông cứ từ từ biến đi để lớp trẻ  bơ vơ chữ nghĩa giữa chợ trời?

o O o

Mới đây nè, tui đọc được một bài  của Ðài VOA; nhưng lòng tui lại thất vọng vô cùng. VOA ngày xưa hay đến thế giờ sao lại đến nông nỗi nầy?

Bài báo viết về “Bà Phan Thị Kim Phúc, tức ‘cô bé Napalm’ trong bức ảnh nổi tiếng về vụ tấn công bom napalm ở Việt Nam vào năm 1972, hôm 4/7 đã hộ tống 236 người tị nạn cuộc chiến của Nga ở Ukraine trên chuyến bay từ Warsaw, Ba Lan, đến Canada, hãng thông tấn AP đưa tin.”

Nội động từ ‘hộ tống’ cũng đã gây ra nhiều lấn cấn về ngữ nghĩa. Theo từ điển, ‘hộ tống’ là bảo vệ và đưa một người khách ra khỏi một địa hạt. Như: “Luôn luôn có xe thiết giáp hộ tống” (Nguyễn Công Hoan). Chữ “hộ tống” thường dùng cho cho những nhân vật quan trọng cần ‘tiền hô hậu ủng’.

Còn đằng nầy họ là người Ukrainian tị nạn. Họ đang chạy trốn sự  tàn ác của quân xâm lược Putin để tìm đến Canada, một vùng đất bình yên, mà làm lại cuộc đời.

Thay vì dùng từ Hán Việt ‘hộ tống’ nghĩa tối tăm, thì mình dùng: “Bà Phan Thị Kim Phúc đến Warsaw, Ba Lan đón người tị nạn Ukraine để đưa họ tới Canada?!”

Xem thêm:   Kế Sách

Ông hoặc bà ký giả VOA viết như vầy thì hết nói luôn:

Tấm ảnh mang tính biểu tượng chụp do nhiếp ảnh gia Nick Út của AP cô bé Phúc lúc 9 tuổi vừa chạy vừa khóc trên đường với cơ thể trần truồng đầy thương tích vì trúng những mảnh bom đã được khắc trên chiếc máy bay của tổ chức tư nhân, phi chính phủ chở những người tị nạn đến thành phố Regina, thủ phủ của tỉnh Saskatchewan của Canada.”

Tấm ảnh được ‘khắc’ trên máy bay? Tấm ảnh được dán trên thân máy bay nghe còn có lý! Làm sao mà khắc cho được trời ạ?

Vì bà con mình ai cũng biết ‘khắc’ là dùng một vật rất cứng và bén để tạo hình, tạo chữ trên một mặt phẳng. Như khắc con dấu; khắc bài thơ vào đá.

Ai đem tấm hình mà khắc lên thân máy bay bao giờ?

Thưa bà con mình! Hồi chiến tranh Việt Nam ai cũng biết bom Napalm là bom xăng đặc. Bom xăng đặc do nhà hóa học Louis Fieser làm việc cho Cục Chiến tranh Hóa học Hoa Kỳ chế ra vào năm 1942 trong một phòng thí nghiệm bí mật tại Ðại học Harvard.

Napalm là một hỗn hợp của chất tạo keo và hóa dầu dễ bay hơi (thường là xăng hoặc nhiên liệu diesel). Xăng đặc dễ bám vào mục tiêu, cháy nhiệt độ từ 800 đến 1,200° C (1,470 đến 2,190° F).

Vậy mà ông hay bà ký ‘giả’ dám viết ‘thiệt’ là: “Cô bé Phúc lúc 9 tuổi vừa chạy vừa khóc trên đường với cơ thể trần truồng đầy thương tích vì trúng những mảnh bom ?!!”

Bom Napalm, bom xăng đặc, bom hoá học gây cháy thì có mảnh bom cái giống gì?

Viết lôm côm như thế Ðài VOA muốn ăn gì thì nói cho tui cúng.

Thưa các nhà báo nói thời lôm côm! Hãy khiêm tốn học hỏi bậc đàn anh đi trước. Viết và nói tiếng Việt khó lắm chớ hổng phải là chuyện giỡn chơi đâu!

DXT