Nhớ Mother’s Day hồi năm ngoái! Tội nghiệp con vợ tui quanh năm suốt tháng, đầu tắt, mặt tối. Hết nấu cơm, rửa chén, giặt đồ; nên tui kêu em nghỉ một ngày để tui vào bếp. Hậu quả là tối hôm đó, em yêu phải gấp gấp xách quần chạy vào nhà thương cấp cứu.

Tui dùng chữ ‘ngộ độc’ thực phẩm. Nhưng em yêu cứ khăng khăng là em bị tui ‘hạ độc’. Tui thuốc em chết phứt cho rồi để rước về một con ngựa bà khác!

Tui nghi là tại em coi phim bộ của Tàu nhiều quá chăng? Nên em nhìn đâu cũng thấy kẻ thù? Nhìn chồng, tức là tui, đầu ấp tay gối biết bao năm cũng là thích khách muốn ám toán em truất ngôi Võ hậu. Thiệt là oan ơi ông Ðịa! Thế nên Mother’s Day năm nay, em cách chức ‘tổng khậu’ một ngày của tui. Mới lò dò xuống bếp, coi em bữa nay cho ăn cái giống gì thì em đuổi tui như đuổi tà lên nhà trên để em đổ bánh cống.

Tui hỏi em yêu có biết tại sao người ta gọi là bánh cống không? Thì em đáp lại, chỉ một câu hỏi của tui, bằng một bài diễn văn.  Em nói cống hình trụ có quai cầm, dùng để đong rượu. Có một tên tướng VC, dân Giồng Trôm, ở ngoài đồng, không có ly hột mít, phải uống rượu bằng cống; nên y có tên là Ðồng Văn Cống đó! Tui cãi: cống dùng để thoát nước qua hương lộ. Tây bố, ổng chém vè dưới cống ngoài đồng, trốn lính Lê Dương ruồng; nên ổng mới có tên là Ðồng Văn Cống.

“Hỏi anh có nhớ Bãi Xàu. Bánh xầy chiên mỡ, bánh bao thịt bằm”. Hai bàn nạo, bạn em, dân xứ dừa Bến Tre nói: miệt Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau gọi bánh cống là bánh Xầy, bánh của người Tiều. Kêu là bánh cống vì nó đúc trong cái cống đong rượu, nước mắm, giấm sửu (xin đừng nói lái).

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

Ông Vương Hồng Sển có viết: “Bánh nhưn đậu xanh, chiên mỡ heo, trên mặt có kèm một con tép vàng cháy ngọt bùi, tép nhỏ thì mỗi bánh có hai con tép, bánh ấy, ở Sốc Trăng gọi “bánh xầy”, qua Châu Ðốc, Tri Tôn, gọi “bánh xà cón”: khi lên Chợ Lớn, Sài Gòn thì gọi bánh “giá” (?) (nhân giá đậu xanh) hoặc “bánh tôm khô chiên” (Ông Sển viết Sóc Trăng thành Sốc Trăng).

Theo ông Sển, Sốc Trăng là xứ tôm tép tươi còn nhảy xoi xói. Tôm tép nhiều nên giá nó rẻ. Pha một mớ cơm nguội trong lúc xay bột, thì bánh chiên mềm nhưng giòn.

Khi cắn, chiếc bánh trong miệng, nhai vừa giòn khướu vừa thơm thơm mùi tép và thơm mùi mỡ mới, khi nuốt vào khỏi cổ, bánh còn để lại một dư vị mặn mặn cay cay của chén nước mắm ớt rẻ tiền, khi bánh đã nuốt vô tới bụng tới bao tử mà chưa thấy no và còn muốn ăn nữa nhưng bánh đã thôi chiên, thì khi ấy dư vị kia thật là thần sầu quỷ khốc .

Bánh xầy không đâu ngon bằng làm tại chợ Sốc Trăng và tại chợ làng Ðại Tâm (Xoài-Cả-Nả cũ)”.

Phần tui, lúc còn đi học ở Sài Gòn, năm 1970, ở trọ nhà người ta trong hẻm 482 đường Phan Thanh Giản. Xế trưa bụng đói cồn cào; xe bánh ướt của chú Ba đẩy qua trước cửa, tui kêu một dĩa bánh ướt ăn để trừ cơm. Trên dĩa bánh có giá luộc, rau… cái bánh cống cắt bằng kéo, chan nước mắm ớt. Mồ hôi tươm ướt từng chưn tóc.

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Nhưng miệt Mỹ Tho, Gò Công không có bánh cống đâu. Miệt đó có bánh vá. Có người nói cho thêm vài nhúm giá vô bánh, thế là có tên bánh giá (?!) Tui cho rằng nói vậy là nói tầm bậy nè. Giá đâu phải là cái chánh trong nhưn bánh đâu mà gọi là bánh giá? Ðóng vai phụ mà tên nguyên bảng hiệu nghe sao lọt cái lỗ tai? Phải gọi là bánh vá vì nó chiên bằng cái vá để múc canh, múc cháo. “Từ khi em gái lấy chồng, Anh ăn bánh vá Chợ Giồng với ai ?” Câu hỏi đặt ra là: Chợ Giồng nó ở đâu? Và bánh vá là bánh gì?

Chợ Giồng gần ngã tư Hòa Ðồng, thị trấn Vĩnh Bình trên quốc lộ 50, thời CS thuộc huyện Gò Công Tây.

Xứ Việt Nam mình thuộc nền Văn Minh lúa nước. Tây Úc, Mỹ nền văn minh lúa mì. Mình ăn cơm nấu bằng gạo. Ăn bánh làm bằng bột gạo. Tây, Úc, Mỹ không ăn cơm  nó ăn bánh mì. Ăn bánh làm bằng bột mì.

Chợ Giồng thị trấn Vĩnh Bình – nguồn timkiemduongdi.com

Bánh vá Chợ Giồng làm bằng bột gạo, bột năng, bột đậu nành, trứng gà và nước. Ðánh cho mịn để không bị óc trâu (vón cục). Nhân bánh vá có gan heo xắt hột lựu, thịt nạc bằm nhuyễn, tôm bạc đất cắt bỏ râu. Tất cả ướp gia vị.

“Múc một muỗng bột tráng phần đáy của chiếc vá, sau đó cho thịt bằm, gan heo, giá sống vào giữa vá bột, rồi múc thêm một lớp bột phủ lên trên; cuối cùng cho tôm bạc đất và đậu phộng rang lên trên cùng. Nhúng vài chiếc vá vào chảo dầu hoặc mỡ đang sôi, chờ cho bột tách ra khỏi vá thì từ từ rút chiếc vá ra khỏi chảo dầu. Chỉ còn mấy chiếc bánh nổi lềnh bềnh trong dầu nóng. Người chiên bánh phải để lửa nhỏ, liên tục trở bánh cho chín vàng đều hai mặt để không bị khét. Khi bánh chín, vớt để lên một chiếc vỉ tre vắt ngang miệng chảo cho bánh ráo dầu. Bánh vá chợ Giồng gói trong lá chuối khô, rau thơm các loại và bịch nước mắm chua ngọt.

Xem thêm:   Hủ tiếu?

Kết luận: Em yêu dân Cần Thơ, bến Ninh Kiều, bánh cống. Người xưa dân Hòa Ðồng bánh vá. Em nào, tui cũng nhểu nước miếng hết trơn hè!

Quê người, tui nhớ bánh cống cuốn với cải xà lách, rau thơm chấm nước mắm nửa đêm về sáng tại đèn Ba Ngọn, bến Ninh Kiều, Cần Thơ sau năm 1975.  Nhớ những ngày đói cơm, rách áo, ăn cái gì cũng ngon,

Không đọ được với bánh xèo; vì bánh cống, bánh vá quê nghèo, buôn gánh bán bưng. Bánh xèo có tiệm đàng hoàng. Như bánh xèo Ðinh Công Tráng, Tân Ðịnh gần hẻm Cảnh sát, nhà ông Tùng Lâm.

Má tui đổ bánh xèo ngon bá chấy bù chét. Mỗi Chủ Nhựt khoảng năm 1968, Má bán bánh xèo đắt lắm (đắt là nhiều khách chớ không phải bán mắc đâu nhe) bên hông rạp hát Ðịnh Tường cuối đường Lý Thường Kiệt gặp đường Trưng Trắc Mỹ Tho để nuôi tui ăn học. Con nhớ bánh xèo! Con nhớ Má! Má ơi!

DXT