Hồi tuần trước, sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị đã trở thành một sự kiện chính của thời sự thế giới khi hầu hết các phương tiện truyền thông lớn nhỏ đều có những bài viết hay số báo đặc biệt về cuộc đời của Bà. Nữ Hoàng Anh hay Hoàng gia Anh nói chung luôn thu hút sự chú ý của truyền thông cùng người dân thế giới, một phần chính vì vai trò của họ trong lịch sử và bang giao quốc tế. Chuyên mục mời các bạn cùng tìm hiểu đôi điều về vai trò Nữ hoàng Anh nhân sự kiện này.

nguồn truthout 

Vương quốc Liên Hiệp Anh (UK), hay Vương quốc Anh bao gồm các quốc gia Anh, xứ Wales, Tô Cách Lan (Scotland) và Bắc Ái Nhĩ Lan (Northern Ireland), là một quốc gia có thể chế quân chủ lập hiến (constitutional monarchy) và dân chủ nghị viện (parliamentary democracy), như một số quốc gia khác trên thế giới vẫn còn giữ thể chế chính trị quân chủ như Tây Ban Nha, Hòa Lan, Thụy Ðiển, Nhật Bản, Thái Lan… và vài quốc gia Ả Rập khác. Ðiều này có nghĩa là Nữ Hoàng hay Quốc Vương đóng vai trò là Nguyên thủ quốc gia, là người đứng đầu quốc gia và Thủ tướng nắm quyền hành pháp, là người lãnh đạo và điều hành Nội các chính phủ.

Nhưng vai trò của Nữ Hoàng hay Quốc Vương Anh không giới hạn trong khối Liên Hiệp Anh này mà còn mở rộng ra thế giới khi Nữ Hoàng Elizabeth II cũng là Nữ hoàng của 14 lãnh thổ tự trị và vài quốc gia như Canada, Úc, Tân Tây Lan, Jamiac, Bahama…  các quốc gia mà Nữ Hoàng bổ nhiệm những quan toàn quyền đại diện cho  Bà tại đây. Bà cũng là biểu tượng đứng đầu, xem như Quốc Trưởng của khối Thịnh Vượng Chung (Commonwealth) bao gồm 54 quốc gia, từ Châu Âu, Châu Phi sang Châu Á với hơn 2 tỉ dân.

Vương triều Anh đã tồn tại 1,200 năm và Nữ Hoàng Elizabeth II là người nối ngôi đời thứ 32 kể từ khi vị Ðại Ðế Alfred đầu tiên của nước Anh lên ngôi vào cuối thế kỷ thứ chín. Bà cũng là người chấp chính lâu đời nhất, hơn 70 năm trong chiều dài lịch sử của vương triều Anh.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Xã hội phát triển, các mô hình chính trị thế giới thay đổi, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã chuyển sang mô hình dân chủ đại nghị, tức người dân bỏ phiếu bầu chọn những người lãnh đạo quốc gia, kể cả tại Anh. Mặt khác, từ một đế chế hùng mạnh với vài tỉ thần dân trong nhiều thế kỷ trở thành một vương quốc Anh trong gần một thế kỷ qua, sau khi các quốc gia thuộc địa giành được, hay được trao trả độc lập, trở thành những quốc gia độc lập, có chủ quyền. Do đó Nữ Hoàng hay Quốc Vương Anh không còn là những nhân vật nắm giữ quyền lực ngay tại Anh và các quốc gia từng là thuộc địa Anh như trong các thế kỷ trước.

Tuy nhiên tính biểu tượng và ảnh hưởng tinh thần của họ ở mặt nào đó vẫn hiện diện tại các quốc gia kể trên. Ðó là một trong những lý do Nữ Hoàng cùng Hoàng gia Anh vẫn được nhắc đến với lòng kính trọng, không riêng tại Anh.

Nữ Hoàng Elizabeth II, người đứng đầu khối Thịnh Vượng Chung gồm 54 quốc gia – nguồn IEvren

Nữ Hoàng Anh là một vai trò mang tính nghi thức, nghi lễ và là biểu tượng tối cao của quốc gia và trong đối ngoại. Nữ Hoàng hay Quốc Vương là người đón tiếp các Nguyên thủ quốc gia khác, công du đến các quốc gia trên thế giới trong những dịp đặc biệt và ban các diễn từ đến quốc dân trong những đại lễ quốc gia. Trong vai trò nghi thức này, Nữ Hoàng không can dự trực tiếp vào chính trường cùng các chính sách quốc gia. Hay khác hơn là không điều hành chính phủ và đất nước mà trách nhiệm này thuộc về Thủ Tướng chính phủ.

Vậy tại sao người dân Anh vẫn tiếp tục ủng hộ mô hình quân chủ và tôn kính, ngưỡng mộ Nữ Hoàng cùng hoàng tộc đến vậy? Các cuộc thăm dò cho thấy đa số dân Anh, như theo thăm dò của  Ipsos MORI cho thấy đến 86% dân Anh ủng hộ hoàng gia, cho rằng nước Anh nên tiếp tục giữ nền quân chủ của mình.

Xem thêm:   Liên minh phòng thủ chống Iran

Sự phục vụ quốc gia và chính phẩm cách của Nữ Hoàng Elizabeth II đã góp một phần không nhỏ khi duy trì được sự kính trọng này với Hoàng gia Anh trong vài thế kỷ qua.

Sinh năm 1926 và kế vị vua cha để thành Nữ hoàng Anh từ năm 1952 lúc 25 tuổi, Nữ Hoàng Elizabeth II đã từng trả lời với BBC trước khi nối ngôi rằng, “Cả cuộc đời tôi, dù dài hay ngắn, sẽ để tận hiến phục vụ”.  Không chỉ nhắc lại điều này khi đã trở thành Nữ hoàng mà cuộc đời của Bà đã thật sự thực hiện theo tâm nguyện như vậy.

Năm 1939, khi Anh chính thức tham chiến Ðệ Nhị Thế Chiến, chị em Bà lẽ ra đã được di tản sang Canada nhằm giữ an toàn cho hoàng gia trước những cuộc ném bom vào London. Mẹ của Bà là Hoàng Hậu Elizabeth cương quyết ở lại vì cha Bà là Quốc vương George VI không muốn rời bỏ người dân. Bà lớn lên trong chiến tranh như vậy, tham gia vào các chương trình phát thanh gởi đến những trẻ em Anh phải di tản vì chiến tranh và tham gia các cuộc ủy lạo binh sĩ.

Nữ Hoàng Anh đóng một vai trò mang tính nghi thức, nghi lễ và là biểu tượng tối cao của quốc gia – Nguồn Yui Mok, Reuters

Năm 18 tuổi, bà  không chỉ là người phụ nữ hoàng gia đầu tiên mà còn của cả Hoàng gia Anh nhập ngũ, mở đầu cho việc con cháu gia nhập quân đội Hoàng gia Anh về sau. Bà được huấn luyện và phục vụ như người lính cơ giới có số quân, học sửa và lái xe tải, xe cứu thương. Cuộc đời quân ngũ ngắn ngủi không là thứ trang sức vốn không cần thiết và chưa từng diễn ra với Hoàng gia Anh, mà phần nào thể hiện con người lẫn tính cách của Bà ngay từ lúc trẻ cho đến khi qua đời.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Hoàng gia Anh cũng trải qua lắm điều tiếng, thăng trầm ngay chính trong hoàng gia với những scandal tình cảm, ly dị hay những biến động của chính trường và xã hội Anh, trải qua bao nhiêu đời Thủ tướng và đón tiếp biết bao đời Tổng thống Mỹ cùng các Nguyên thủ quốc gia trên thế giới, Nữ Hoàng Elizabeth II vẫn giữ được khuôn mẫu và sự ngưỡng mộ của công chúng Anh cùng thế giới trong vai trò cùng nhân cách của một người đứng đầu Vương Quốc Anh. Người ta xem Bà như một sợi dây giữ được sự đoàn kết, hợp nhất của nước Anh, bất kể đảng phái chính trị hay cá nhân nào lãnh đạo chính phủ.

Không riêng trong Vương Quốc Anh mà nhìn sang khối Thịnh Vượng Chung Commonwealth cũng vậy. Commonwealth là một liên hiệp bao gồm 54 quốc gia thành viên tự nguyện trên thế giới, từng là một phần của Ðế Chế Anh như nói trên. Khối Commonwealth này là một trong những tổ chức quốc tế lâu đời nhất thế giới, sớm hơn cả Liên Hiệp Quốc hay khối NATO mang mục đích hợp tác và hỗ trợ các chính phủ thành viên, thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, cổ vũ hạnh phúc và sự phát triển của tất cả công dân trong khối và gia tăng lợi ích chung của khối trên toàn cầu.

Xem Nữ Hoàng Elizabeth II như là Quốc trưởng của mình không phải là điều dễ dàng hay không phải bất cứ thế hệ kế vị tiếp nối của Hoàng gia Anh cũng có thể đương nhiên nhận được vinh dự này. Chỉ có Bà ở được vị trí này lâu dài như vậy.

Hiếm có sự qua đời của người đứng đầu một quốc gia nào đó lại có đông đảo các lãnh đạo tôn giáo thế giới, các Nguyên thủ quốc gia gởi công điện chia buồn và lập tức cho biết sẽ bay sang London tham dự tang lễ của Bà như vậy. Ðiều này có lẽ cũng cho thấy vai trò lẫn sự kính trọng của thế giới đối với Nữ Hoàng Elizabeth II thế nào.

Nữ hoàng Elizabeth II tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 6 tháng 7 năm 2010 – nguồn publicintelligence.net

ĐYT