Kim Tuấn tên thật Nguyễn Phước Vĩnh Khuê, sinh năm 1940 tại Thừa Thiên – Huế, bắt đầu sáng tác từ năm 1954, là nhà giáo, nhà thơ. Ông cũng từng là lính biên tái một thời gian dài ở Pleiku. Năm 1975 Kim Tuấn ở lại trong nước. Ông mất ngày 11-9-2003 (tức rằm Trung thu Quý Mùi) tại Quận I Thành phố Sài Gòn.
Thơ Kim Tuấn được nhiều người ưa thích. Thơ ông cũng rất mặn duyên với nhạc. Một số bài thơ của Kim Tuấn đã trở thành ca khúc của nhiều nhạc sĩ như: Nguyễn Hiền, Y Vân, Phạm Duy, Vũ Hoàng … Đọc thơ Kim Tuấn, ta như sống lại một thời xưa đầy hoa mộng mà cũng lắm bi thương do chiến tranh diễn ra tàn khốc từng ngày. Sau đây là một vài bài tiêu biểu để chúng ta cùng tưởng nhớ nhà thơ Kim Tuấn
SAO KHUÊ
chiều mưa bay
Sân ga chiều mưa bay
Nhìn em không dám nói
Nhìn em không dám nói
Tình riêng dìu nhau sầu
Cầm tay em giá lạnh
Sân ga chiều mưa mau
Trời không thương hai đứa
Mưa giăng mờ chuyến tàu
Làm sao anh cúi mặt
Làm sao còn thấy nhau
Em ơi trời giá lạnh
Mưa giăng mờ chuyến tàu
Đèn thắp buồn ga nhỏ
Biết bao giờ thấy nhau
Kèn trầm run tiếng thở
Chiều đưa em lên tàu
Mưa sao bằng nước mắt
Em khóc chiều hôm nay
Tàu đi người ở lại
Buồn rưng rưng phương này
Tàu đi sầu để lại
Ga nhỏ còn mưa bay
kỷ niệm
Từng bước từng bước thầm
Hoa vông rừng tuyết trắng
Rặng thông già lặng câm
Hai đứa nhiều nuối tiếc
Sương mù giăng mấy đồi
Tay đan đầy kỷ niệm
Mưa giữa mùa tháng năm
Dật dờ cơn gió thổi
Một tháng không trăng rằm
Mây núi ôm trời thấp
Giá rét về căm căm
Cao nguyên mù đất đỏ
Từng bước từng bước thầm
Cúi đầu in dấu mỏi
Tuổi trẻ buồn lặng câm
Núi nghiêng đầu thủ thỉ
Từng bước từng bước thầm
Hoa vông rừng tuyết trắng
Tuổi trẻ buồn lặng câm
Víu hồn hoang cỏ dại
Từng bước từng bước thầm.
Pleiku 1961
đường đi biên giới
Mai ra biên giới rừng xanh lá
Đứng chỏm núi cao nhìn mây bay
Xa nhà ngất ngưởng dăm hơi thuốc
Chiều xế hoàng hôn lạnh phủ đầy
Đường đi ngun ngút sương mù khuất
Vút đỉnh trời xa rừng núi xa
Gió hú đồi cây chân đá dựng
Ghềnh nghiêng thác đổ nỗi thương nhà
Thương nhà ta uống vơi bầu rượu
Nhớ bạn đành quên ngửa mặt cười
Đất đỏ bụi hồng thân gió cát
Mai về quê cũ biết còn ai?
Còn ai chinh chiến vui cùng lửa
Súng ngó trời xanh mắt ngó rừng
Đêm đốt đèn soi mình với bóng
Phương trời em đó có rưng rưng?
những điều
ghi trong giấc ngủ
Khi tôi trở về có con chim câu nằm trong tổ ấm.
Dây thép gai hết rào quanh đồn phòng ngự và người lính
đã trở về cày đám ruộng xanh.
Khi tôi trở về có con diều bay đùa trong gió.
Ở quê nhà, trên thảm cỏ xanh, có đứa trẻ để bụng
lòi chấm rốn đen cười nụ thanh bình.
Buổi chiều có con trâu rung mỏ vu vơ như trong giấc mộng.
Khi tôi trở về hai tay níu tim lồng ngực.
Giọng hát ru kéo lại dĩ vãng trầm trầm như chưa tắt thở.
Có người rủ nhân loại đi xem địa ngục mà không ai trả lời.
Khi tôi trở về mẹ vừa tóc bạc.
Đôi mắt nhìn vào tương lai và quên bao nỗi ưu phiền.
Con cò lại bay trong đồng ruộng xanh.
Lũy tre cúi xuống ưu tư cùng mùi khói un quen thuộc.
Khi tôi trở về tôi sẽ đi thăm bờ sông tuổi nhỏ,
tôi sẽ buồn thầm những chuyện ngày xưa và sẽ khóc một mình
vì quê hương tôi bao lần đau khổ, bao lần đắng cay, bao nhiêu tủi hờn.
Khi tôi trở về con chim kể lời ân ái.
Bài hát vang xa và vũ khí sẽ xếp thành cầu vồng trong ngày cưới.
Nhà mới dựng xây, có tiếng trẻ khóc u oa chào đời.
Có người đem tặng em bé quả bom nguyên tử, đứa trẻ đó cười
và ôm nó ngủ như ôm quả bóng.
Những dãy phố sớm mai thức dậy cùng tiếng chim ca,
lũ trẻ con mừng đời thịnh trị và tay yếu cố vồ ôm tương lai của mình.
Khi tôi trở về, khi tôi trở về cuộc đời xuôi chảy.
Có bóng trăng xưa soi trên lối vườn,
có rừng cây ốm vì nhiều thương nhớ,
và khi thức dậy tôi tìm thấy tôi.