Phải nói ở Sài Gòn bây chừ, người được trọng vọng, săn đón, mong chờ nhất, còn thân thiết và bao dung, chờ đợi ta hơn cả người thân… không ai khác, chính là những shipper – người giao hàng. Không tin, hãy nhìn vào các bình luận thường thấy của các cư dân mạng Việt Nam trong đó có tôi.

Lý do shipper (dưới đất) được dân Sài Gòn trọng vọng – Facebook       

Người gọi tôi dậy mỗi sáng không phải mẹ mà là anh shipper.»

«Ba mình mời anh shipper vô uống nước, đàm đạo chuyện đời, ảnh lỡ miệng khai tuần này tôi đặt 20 đơn hàng…»

«Hôm bữa mình xuống hơi chậm một chút do đang thay đồ. Shipper nhắn tin: “Hình như là anh chiều em quá rồi em hư phải không?». Nghe xong phải vội vã chạy xuống vì sến quá.»

«Anh shipper nhà em, «Anh quăng gói hàng rồi gọi em nói mai anh ghé lấy tiền nha bé».»

«Mua ít ít thôi mắc công mai mốt shipper mời đám cưới. Anh shipper xóm tôi cưới hai lần đều mời tôi.»

«Chồng tôi bây giờ là anh shipper quen dạo trước.»

«Ông chồng mình cũng shipper, có khi nào ổng léng phéng với khách hàng thân thích không trời?»

«Tôi với anh ship còn thân nhau đến mức ổng giới thiệu em trai cho tôi với mong muốn giúp tôi thoát ế.»

Trong những đám tiệc của gia đình nào đó, sẽ loáng thoáng thấy người mặc đồng phục của một hãng quản lý người giao hàng nào đó, không phải người thân hay họ hàng xa mà có thể chính là người giao hàng thân thiết của gia chủ. Hồi hai năm dịch Cúm Tàu tàn phá Sài Gòn, khi cộng đồng mạng lên bài thương tiếc người đã mất oan mất ức ở các trại tập trung người nhiễm và nghi nhiễm Cúm Tàu, có không ít bài viết dành cho những shipper thân quen… Nói chung, tầm quan trọng của shipper đối với thị dân Sài Gòn tương đương tầm quan trọng của nước mắm gừng đối với con cá trê chiên giòn rụm vậy. Bởi đường Sài Gòn ngày càng tấp nập, mưa gió thất thường, cây không còn nên nắng là nắng bể đầu, cống không thông nên mưa mấy hột là ngập lút bánh xe… người dân ngày càng chán ra đường, nhất là sau hai năm dịch giã vật giá leo thang, xăng giảm mỗi lần nhỏ giọt, cỡ vài đồng VND/lít ($1 USD = 23,000 VND) nhưng toàn tăng kỷ lục từ 1,000 tới vô tận VND/lít xăng.. Có khi mua xăng không ra… Dần dần người người chọn mua hàng online, nhà nhà cũng vì vậy mà chọn bán hàng online. Ngay cả gánh bún riêu, xe bánh tráng trộn chút xíu cũng hợp tác với các công ty công nghệ kinh doanh dịch vụ giao hàng.

Shipper được lì xì, mời ăn tân niên, thậm chí mời gia chủ tới dự đám cưới của mình – chuyện không lạ ở VN dạo gần đây – Facebook

Ở Việt Nam không có gì để khoe với các bạn xa xứ, tại bạn tôi toàn ở mấy nước phát triển, giàu có, nhân quyền, nữ quyền, đen quyền, vàng quyền, trắng quyền có đủ… đến đồ ăn Việt Nam, giờ không khó tìm ở xứ xa quê người nữa. Nên tôi chỉ biết «lấy le» bằng cách khoe ở Sài Gòn mua đồ là được nhận liền trong vài nốt nhạc. Mới hỏi ý bạn coi nên mua cái áo này không, nên ăn món kia không, chưa đầy tiếng đồng hồ sau chụp ảnh khoe trên tay món đó rồi. Vì Sài Gòn có dịch vụ giao hàng «hỏa tốc», chỉ trong 1-2 tiếng đồng hồ là nhận được hàng, đồ ăn thì trong vòng 30 phút… Nhưng nói đi phải nói lại, tuy Sài Gòn «địa thế hiểm trở», nhưng đông dân, đông hàng quán… đa số đoạn đường giao hàng ngắn, hoặc không xa cách như ở các nước đất rộng người thưa khác. Shipper ở đâu không biết chứ ở Sài Gòn thì cực gấp nhiều lần, phải chu đáo, nhẹ nhàng, rồi còn phải thông thuộc đường sá, giữ cho đồ ăn toàn vẹn sau khi vượt qua bao nhiêu là ổ gà ổ chó ổ voi, hẻm hóc, ngập lụt… và còn phải nhanh nữa – đồ ăn giao tới mà nguội một chút cũng có thể bị mắng vốn.  Nghề nào cũng cực, nhưng nghề shipper có nhiều rủi ro, vì vừa lao động chân tay vừa hao tổn tinh thần. Ngoài chuyện bị ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài, còn mệt mỏi, lo lắng như có thể bị boom hàng – có khi ngày uống mấy chục ly trà sữa (bị ai đó từ chối nhận) dầu không hảo ngọt, bị đền tiền vì giao thiếu đồ ăn hay hư hại không phải do bản thân gây ra, chưa kể nhiều bạn nữ bị khách sàm sỡ. Shipper ở Sài Gòn chịu cực giỏi, nếu được đặt hàng như chàng shipper ở Nhật dưới đây, dám họ cũng nhận:

Xem thêm:   Biden & Trump

Một thanh niên Nhật kể lại câu chuyện rằng anh đã thực hiện chuyến leo núi Phú Sĩ để ngắm cảnh. Khi ở trên đỉnh núi, anh rất ngạc nhiên khi có một người trên đó nói rằng họ muốn ăn pizza. Cứ tưởng là người kia đùa, nhưng hóa ra anh ta muốn ăn là thật. Ngay lập tức người đó đã đặt hàng qua mạng một cái pizza và cũng lo là không biết có shipper nào dám nhận giao đơn hàng này không. Thật bất ngờ khi thông báo đơn hàng giao trên đỉnh Phú Sĩ đã có người nhận giao hàng! Tuy nhiên, thanh niên đặt đơn hàng vào lúc sáng, nhưng mãi đến trưa pizza mới được giao tới. Ðiều này cũng dễ hiểu thôi, vì shipper cũng phải leo lên đỉnh núi chứ có phải đi thang máy lên đâu. Anh chàng đã leo núi hết 5 tiếng đồng hồ,  và cuối cùng đã tới đỉnh núi và giao pizza cho người đặt hàng.

Cái bánh pizza có giá là 3,776 yên (647,000 VND), nhưng cước phí giao hàng hơn 40,000 yên (~ 6.8 triệu VND). Câu chuyện này không rõ thật hư, nhưng có hình ảnh kèm theo khi lan truyền trên mạng coi bộ cũng uy tín. Nếu tôi là người giao hàng, tới 1/99 ngọn núi, cái bánh pizza kia đã chui vô bụng rồi!

Quay lại chuyện giao hàng ở Sài Gòn, đôi khi giao hàng từ quận 1 tới quận 12 còn khó hơn là giao hàng từ chân núi lên đỉnh núi, vì những trắc trở và rủi ro bất ngờ từ cơ sở hạ tầng chung. Bởi vậy, hồi dịch Cúm Tàu, chính quyền nói sẽ đưa quân đội ở tỉnh khác hoặc ngoài Bắc tới giao hàng thay cho lực lượng shipper Sài Gòn sẵn có, ai ai cũng phản đối và ngán ngẩm với tương lai tối tăm, mù mịt vì biết là họ không làm tốt hơn được. Vì “chú bộ đội” không thông thạo đường sá Sài Gòn, thiếu luôn cái căn bản là phương thức kết nối giữa người giao và người nhận hàng (thứ mà những hãng công nghệ như Grab, Gojet, Shopee… đã phải bỏ ra hàng tỷ đô và vài năm mới tạo ra được). Ngoài ra, họ mang tâm lý khác, không phải tâm lý của người phục vụ chuyên nghiệp.

Xem thêm:   Nạn nhân của Putin

Hồi dịch Cúm Vũ Hán, nhiều người từng trách các shipper ở Sài Gòn đã sinh ra nhầm thời – cái thời mà tủ lạnh để bảo quản thực phẩm mùa dịch không thiết yếu bằng nghe “lãnh tụ” huấn thị hàng ngày thay cơm, nên họ bị phạt vì giao tủ lạnh. Nhưng nay, người dân nhận ra đã quên là trong ngành shipper đa dạng, có những shipper bình đẳng hơn, đó là những shipper trên trời – những tiếp viên hàng không.

Cũng là Shipper, nhưng không bị kẹt xe… – Facebook

Shipper dưới đất có thể là shipper tốt – tận tâm với nghề, cũng có thể là shipper không tốt, nhưng họ đều là người lương thiện, làm việc mưu sanh bằng công sức của bản thân. Ðôi khi có người khoác áo shipper để cướp bóc, vận chuyển hàng cấm hoặc công an khoác áo shipper để tiện theo dõi tội phạm… Nên không phải cứ mặc đồng phục shipper là người giao hàng đúng nghĩa, vì người mặc đồng phục shipper dưới đất có trắng có đen có xám. Nhưng tiếp viên hàng không – đa số mặc đồng phục là áo dài – quốc phục VN, đã là shipper rồi thì chắc chắn 100% là tội phạm, vì thứ họ giao nếu không phải hàng cấm thì cũng là đồ lậu. Lâu nay, chuyện tiếp viên hàng không làm thêm nghề shipper trên trời để xách đồ lậu, bán hàng lậu không hề hiếm, nó như một ngành kinh tế trong vòng quay kinh tế thị trường, bởi họ có những ưu tiên khi qua các trạm kiểm tra hải quan và có cung thì có cầu. Nhưng lâu lâu mới có một chuyện lớn như chuyện bốn cô tiếp viên của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines vừa bị bắt quả tang xách hơn 11 kg thuốc lắc và ma túy tổng hợp, giấu trong các tuýp kem đánh răng, trên chuyến bay từ Pháp về phi trường Tân Sơn Nhất – Sài Gòn.

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Họ khai là không hề biết trong các tuýp kem đánh răng là ma túy, dầu khi công an kiểm tra các tuýp kem đánh răng chứa ma túy được xếp ngay ngắn, lẫn giữa áo quần của các nàng. Họ khai chỉ lấy tổng cộng 10 triệu VND tiền công ship hàng, trong khi giá trị lô hàng kem đánh răng mà họ vận chuyển còn thấp hơn 10 triệu VND. Nhân dân cả trăm triệu người, tính luôn Ðảng viên, chắc trên đầu ngón tay số người tin nổi lời khai của bốn cô gái. Nhưng chắc chính số người “đếm trên đầu ngón tay” này trả tự do cho bốn nàng tiếp viên hàng không trên với lý do chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự. Trong khi đó, đã có quá nhiều án tử dành cho người già, người miền núi ít học, người thiếu hiểu biết… bị lợi dụng vận chuyển ma túy qua phi trường, qua hải quan, biên giới Việt Nam. Không có ai khai là biết bản thân đang vận chuyển ma túy cả. Một trong những đặc tính của luật pháp là tính ổn định và có thể dự báo. Nghĩa là có thể giải thích và áp dụng luật pháp một cách thống nhất, trước sau như một chứ không thể chỗ vầy chỗ khác, lúc này lúc kia, vì vậy mà hiếm có ai không bất ngờ trước tin trả tự do cho những người bị bắt quả tang ship ma túy qua cửa khẩu Việt Nam. Vậy mà nó đã xảy ra… Nhiều người, ngay cả giới trẻ cũng bày tỏ sự tức giận trước thông tin này, vì Việt Nam là nơi có nhiều gia đình tan nhà nát cửa, nhiều người chết/điên khùng, trở thành kẻ xấu vì nạn nghiện ngập. Nhiều người còn so sánh chuyện này với chuyện bà Nguyễn Phương Hằng – chủ công ty Ðại Nam, đã bị tạm giam suốt hơn  1 năm (từ 24-3-2022) vì cãi lộn trên mạng, tới nay vẫn chưa bị kêu án, cũng không được cho tại ngoại hầu tra.

Không chỉ người trông chờ vào sự nghiêm minh của luật pháp buồn mà các con nghiện cũng… buồn. Họ lo, lượng ma túy/thuốc lắc lần này bị bắt lớn quá, các shipper trên trời kia tuy chưa bị khởi tố nhưng cũng mất việc làm, gây sợ hãi lây cho nhiều shipper trên trời khác, sắp tới thế nào nguồn cung ma túy, thuốc lắc cho thị trường VN cũng thiếu trầm thiếu trọng. Giá bán lẻ ma túy, thuốc lắc có thể sẽ tăng nhanh hơn giá xăng, có khi con nghiện không đủ tiền mua lại đi làm liều, xã hội càng bất an hơn. Hy vọng với chính sách mới, các cô tiếp viên sẽ được tha bổng, để thị trường nghiện ngập cứ bình ổn, con nghiện đàng hoàng sống như đã từng. Biết đâu Việt Nam thành thực trở thành đất nước hạnh phúc nhất thế giới vì toàn dân ai cũng mê phê ma túy, ai cũng cười ngờ nghệch với thuốc lắc, đá, ke… Shipper dưới đất cũng như shipper trên trời không còn bị phân biệt đẳng cấp nữa, vì ai cũng đi ship ma túy. Thế giới đại đồng, đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội mấy hồi!

Tội phạm giả làm Shipper đi bán ma túy – nld.com.vn

DU