Người Mỹ gọi chuyện đùa là joke! Chuyện chung chung vô thưởng vô phạt thì gọi là ‘clean joke’, giễu ‘sạch’; còn chuyện giễu có dính líu ít nhiều đến tình dục là: ‘dirty joke’, giễu ‘dơ’.

Suốt cả một cuộc đời, ai mà không nói đùa, ít nhứt là một lần, để trêu chọc ai đó?

Hồi mới lớn là mình đã biết nói đùa mà bà con cô bác gọi là chọc gái, ghẹo gái, dê gái.

“Cô kia bới tóc đuôi gà! Nắm đuôi cô lại hỏi nhà cô đâu? Cô kia bới tóc đuôi chồn! Nắm đuôi cô lại hỏi… hỏi cái gì hè?”

Ðùa như vậy gọi là đùa vô duyên bị em chửi là thường. Còn đùa ý nhị gọi là đùa có duyên thì em nào cũng thích nghe và thích luôn cả người nói. Vì người có óc hài hước nói ra những câu đùa ý nhị, ắt hẳn là người rất thông minh mới sáng tác ra những lời như dệt gấm thêu hoa, xứng đáng là cha sắp nhỏ, đám con của em sau nầy…

Tuy nhiên cũng có những câu đùa ác ý làm người nghe hộc máu mồm máu miệng. Cứ làm tới, làm tới đi thì trước khi người nghe hộc máu mồm máu miệng là mình đã bị hộc máu mũi trước rồi.

Thế nên dù nói đùa, viết chuyện đùa cũng nên ‘cẩn trọng… mới vô áy náy!’

cu-ngo-dua-vui-trong-ti-chu

Bảo Huân

o O o

Chuyện rằng: Tiệm Pizza Hut, trên Jefferson Highway, ở Stafford, tiểu bang Virginia, Huê Kỳ, được khách hàng đặt bánh pizza trên mạng và yêu cầu thêm một chuyện đùa.

Em gái giao bánh pizza bèn viết, bằng mực trắng, câu: “What do a pizza delivery driver and a gynecologist have in common?” “They both have to smell it, but neither of them get to eat it.”

“Một anh giao bánh pizza và một ông bác sĩ phụ khoa có chung điểm gì?” “Cả hai có thể ‘hửi hửi’, mà không anh nào được quyền ‘quằm’.”

Nhưng người em gái giao bánh pizza đâu có biết rằng niềm vui đã nằm trong thiên tai; vì khách hàng của em lại là hai thằng bé vị thành niên, một đứa mới 12 tuổi, và một đứa lên 15 tuổi.

Em cứ tưởng khách có thẻ tín dụng để đặt pizza ắt hẳn là thành niên rồi chớ, nên em ‘vô tư’, dè đâu nó mượn thẻ của má nó mới chết!

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

Dẫu tiếng Mỹ là tiếng mẹ đẻ đi chăng nữa, tui e rằng hai chú nhóc nầy không thể nào hiểu hết cái ngôn ngữ đa tầng, đa nghĩa, thâm sâu ảo diệu về chuyện giường chiếu nầy đâu.

Ngay cả tui đây, từng tuổi nầy rồi, bôn ba khắp chốn ta bà, nhiều trận đánh xáp lá cà mà còn hiểu một cách tờ lờ mờ, hiểu một cách lơ tơ mơ…

Cho đến khi em yêu của tui cắt nghĩa bằng bạch văn chỉ rõ ra rằng, tui mới cảm được hình ảnh ‘giựt giựt’ của câu mà em gái giao pizza muốn truyền tải.

“Rằng hay thì thiệt là hay! Ðọc lui, đọc tới thấy hay càng nhiều!”

Nhưng bà Má Virginia nầy lại thấy không hay, không vui, không cười gì ráo mà lại quạu mới báo!

Ðọc xong, bà má than phiền với viên quản lý tiệm bánh, rồi còn đăng hình lời giễu dơ nầy lên trên mạng xã hội để câu ‘likes’.

“Tui thiệt là kinh ngạc thiếu điều té ghế luôn! Ðâu ai ngờ được Pizza Hut giễu dơ đến thế. Tôi gọi cho tác giả và nói với cô ấy rằng tôi hy vọng cô ấy sẽ không bị mất việc về chuyện nầy.” 

“Nhưng buồn thay! Cô ấy đã bị đuổi. Làm cư dân trên mạng, nghe chuyện ùa vào bảo vệ em giao bánh pizza, chửi rủa tui quá xá hè!

Chỉ có vài người lèo tèo là đứng về phía của tui thôi.”

“Qua câu chuyện nầy, hãy để người em gái giao bánh Pizza Hut học được kinh nghiệm là muốn viết cái gì bậy bạ nên suy nghĩ cho chín chắn, giễu dơ phải có chỗ, có lúc chớ trên hộp bánh pizza là không phải chỗ ấy.

“Em gái giao bánh pizza hãy gởi câu chuyện dung tục nầy cho má em đi. Coi má em nghĩ làm sao nhe!

o O o

Tuy nhiên đó chỉ là hạt cát trong sa mạc, giọt nước giữa đại dương. Chỉ 1% cư dân trên mạng binh vực bà má Virginia chút đỉnh. Chớ còn 99% còn lại họ ‘xì nẹt’ tơi bời hoa lá.

Trên twitter, họ còn xúm nhau kêu gào đòi công lý cho người em gái giao pizza, có cái đầu hài hước hơi ‘đen đen’ ấy, trót lỡ dại mồm, dại miệng.

Xem thêm:   Khăn choàng tắm?!

“Em giao bánh pizza nầy làm việc hơn cả yêu cầu. Ðáng để nhận thêm tiền tip. Câu chuyện đùa cũng vui mà; thì việc gì mà nhảy đông đổng lên để làm người ta bị đuổi, bị bể nồi cơm. Nhứt là chỉ vài ngày trước lễ Giáng Sinh, ai cũng cần tiền cho gia đình đi chợ.”

“Tyler, con trai tôi 20 tuổi đặt bánh pizza và yêu cầu cô giao bánh viết cái gì lên đấy. Cô ấy viết rằng: “Em yêu anh Tyler”. Xong ký tên cô gái giao bánh pizza. Con tui khoái quá, giờ vẫn còn khoái.

Tuy nhiên tui chỉ cười hè hè. Cô ấy chưa biết gì về con mà nói yêu con? Quả là một chuyện đùa. Tui cũng đâu có đăng lên mạng để càm ràm. Và không có ai bị mất việc đâu hè!”

“Người em gái giao pizza nầy đã điện thoại đến để xin lỗi nhưng kết cục vẫn bị viên quản lý tiệm bánh nắm đầu đuổi. Em còn trẻ nghèo đi giao bánh pizza tiền hổng có là bao. Sao nỡ lòng nào chó cắn người áo rách? Hả dạ bà chưa?”

Giận cá họ chém luôn cả thớt. Tay quản lý tiệm Pizza Hut nầy cũng bị đưa lên thớt. “Hỡi tiệm Pizza Hut thân mến. Nếu tôi đặt bánh pizza, xin thêm phô mai ‘đen thùi lùi’ thay vì phô mai ‘trắng xác’. Sau đó tôi không thích; thì xin hỏi ông rằng: ông có nắm đầu người làm bánh theo yêu cầu của tôi để đuổi họ hay không hả?”

Lỗi nhỏ như con thỏ đáng lý bỏ qua cho thì ông lại làm to chuyện, đập nồi cơm của nhân viên mình để làm quảng cáo mà không phải tốn tiền chăng?”

Rồi người khác lại vặn vẹo tui là: “Bà cho rằng câu đùa nầy quá sỗ sàng, không thích hợp cho con nít nó đọc. Vậy tại sao bà lại chụp hình hàng chữ nầy đăng lên mạng xã hội, rồi con nít của người khác đọc thì sao?”

(Hỏi ngặt nghe! Cà lăm… Biết trả lời sao?)

“Tốt hơn nên dạy dỗ con mình.  Ðặt bánh pizza là để ăn… Cô gái giao bánh đâu có nhiệm vụ tấu hài để làm tụi bây vui đâu.”

“Nhưng tui tin là bà sẽ bao che, cho rằng tụi nó vô tội, đầu óc ngây thơ trong trắng lại bị đầu độc bởi cô bán pizza tối ngày cứ tơ tưởng đến chuyện tù ti tú tí.”

Có người còn nói xỏ xiên bà má Virginia nầy không có óc hài hước gì hết trơn, hết trọi:

Xem thêm:   Anh Hai Nổ

“Có ai đó nói với tui rằng pizza của bà ấy lâu rồi ông chồng không muốn ăn.

Vì ông chồng mắc ăn pizza của con vợ bé đêm nay rồi. Hi hi!”

o O o

Qua câu chuyện lùm sùm ở trên, tui cũng học được bài học rất hay là viết chuyện đùa không phải chỉ đùa đâu! Phải dòm trước trông sau, coi chừng “Anh cứ ngỡ đùa vui trong tí chút. Ðâu có ngờ đùa mãi đến điêu linh!”

Thế nên: Có một chỗ an toàn để nói chuyện đùa, chuyện tiếu lâm mặn như muối hay nhạt như nước ốc gì cũng được là nói với bạn thân của mình trên bàn nhậu. Nghe qua hay thì nhớ, dở thì bỏ; hơi sức nào để bụng rồi bị sình bụng chớ phải không?

Nói đi thì cũng nói lại. Dân chơi thì sợ gì mưa rơi! “Ðã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.”

Nếu sợ quá thì những tác giả chuyên sáng tác chuyện đùa cho những show hài kịch trên truyền hình Mỹ, đâu còn ai dám viết để cho bà con mình tìm vui trong phút giây thôi, mà mình lại bị giũa tới tàn đời.

Chỉ cần nâng cái nghệ thuật đùa vui trong tí chút bằng 1% tài nghệ của nhà thơ lục bát Bùi Giáng, là an toàn trên xa lộ, là thanh lịch trong thành phố hè.

Ông Bùi Giáng có hai câu lục bát lừng danh, gieo vần trật lất, theo giai thoại nói về hai nhà thơ ‘cách mạng’ cùng mình, ‘cách mạng’ từ đầu tới chưn là: nữ sĩ Thu Ba và nhà thơ Thu Bồn!

“Thu Ba ca ngợi Thu Bồn/ Thu Bồn khoái chí sờ ‘vai’ Thu Ba!”

Ðọc xong, không ai có thể hiểu khác ý của nhà thơ cho được!

Ðúng là bực sư tổ trong làng viết chuyện đùa vui trong tí chút! Ðáng cho đám hậu sanh như tui kính cẩn nghiêng mình học và tập!

DXT – melbourne