Trong thành ngữ Việt Hán có câu “dĩ hòa vi quý”, khuyên người ta lấy sự làm hòa với nhau là quý, cũng đồng nghĩa với các thành ngữ Việt Nam “chín bỏ làm mười”, hay “một sự nhịn chín sự lành”. Một thế giới đẹp đẽ biết bao nhiêu khi người ta không còn tranh chấp, thù hận, kèn cựa, ghét bỏ nhau. Ðối với kẻ yếu, dĩ hòa là chấp nhận sự lấn áp của kẻ mạnh, không chống cự, không phản kháng, chống cự, phản kháng chỉ thêm u đầu chảy máu, thôi thì một sự nhịn có đến chín sự lành. Ðối với người dân bị cường quyền áp bức, đương đầu chỉ nhận sự thiệt hại, nên đành “chín bỏ làm mười”, miễn cho qua chuyện. Với tranh chấp giữa hai người, giải hòa là điều khôn ngoan, vì người xưa đã nói “vô phúc đáo tụng đình”, kẻ bị thiệt cũng đành im lặng, kẻ thủ lợi cũng yên tâm vì không ai dám kiện ra tòa án thêm dây dưa, tốn kém nên lần sau lại càng lấn lướt. Ðó là bản chất “hiền hòa” của người Việt thích cầu hòa, an phận, khôn ngoan hay dại dột, tùy người đối diện.

Ngày xưa thời thơ ấu, đi học, bị lũ trẻ du côn hàng xóm chận đường, dọa nạt, chống lại, đánh lộn với chúng nó, về nhà cha hay, thì bị lãnh thêm một trận đòn với lời la rầy: “Mày có làm gì mới bị chúng hiếp đáp, sao không chịu nhịn chúng nó đi!” Vì vậy, lần sau, bị gây hấn chỉ còn cách bỏ chạy, cúi đầu nhịn nhục mà đi, hay dùng đường tắt mà lánh nạn, vì “tránh voi không xấu mặt” hay “thương cha chớ chọc người phàm.” Tránh voi thì có gì mà phải xấu, không chọc người phàm còn được khen là con có hiếu. Vì vậy đi học thì bị bạn bè chơi gác, thầy bất công, đi làm thì bị đồng nghiệp lên mặt, sếp chèn ép là không dám nói một lời, vẫn được khen là người hiền lành, thuận thảo. Lớn lên, làm người, nhớ lời cha dặn, quen thói an phận, “một sự nhịn chín sự lành”, mọi việc đều qua!

Xưa hay nay thì cũng vậy, những cơ quan như thanh tra, giám sát không thực hiện được chức năng “cầm cân nảy mực” công chính của mình, bão hòa xấu tốt, trắng đen, mọi hồ sơ đều tốt, mọi chuyện đều vô sự, bỏ qua tội lỗi của người thì phần mình lại càng có lợi.

Trong cộng đồng người Việt xa xứ, có lẽ vì lời kêu gọi “bầu ơi thương lấy bí cùng”, tôi xin sửa lại câu sau: “dẫu rằng xấu tốt cũng chung một giàn” nên cứ nhịn nhục. Bị ông bác sĩ bills tiền vô tội vạ, định phản đối, kiện tụng thì bạn bè khuyên răn “tiền Mỹ, tiền gì của mày!” hay “làm gì cho thêm mất thời giờ, rắc rối, làm thinh cho qua chuyện”.

Bạn bè có người bị mổ lầm con mắt trái thay vì mắt phải, được năn nỉ mổ lại, mắt vẫn thấy đường mà đi, “có chuyện gì đâu mà làm ầm ĩ”. Nhận tiền cọc sửa nhà đồng hương rồi bỏ chạy, lường gạt, cũng cho qua, không kiện tụng, thêm rắc rối, chịu thiệt cho xong. Mua thức ăn thiu thối cũng làm thinh cho qua chuyện, gia đình khuyên, “lần sau đừng mua là xong”. Một người làm nghề mua bán nhà, lấy hồ sơ của một người đã mua nhà với mình, dùng để mua nhà cho một khách hàng khác không đủ điều kiện, sự việc vỡ lở, thay vì vạch mặt chỉ tên để cộng đồng biết mà tránh, theo luật pháp là ở tù, thân bại danh liệt, nhưng là đồng hương với nhau, nhịn nhục cho qua, làm ơn làm phước, để đức về sau cho con.

Chuyện cộng đồng có gì thì “đóng cửa bảo nhau”, đừng giở trò “vạch áo cho người xem lưng”. Lối cư xử “dĩ hòa vi quý” càng phổ biến thì, kẻ xấu vẫn nhan nhản, lộng hành, nên người tốt vẫn chịu thiệt dài dài. Không ai đứng lên chống với cái xấu, vạch mặt chỉ tên để làm tốt cộng đồng, một phần vì sợ hãi, sợ phiền hà, một phần quan niệm “chín bỏ làm mười”… Cũng không ai đoàn kết với ai để chống gian trá, với quan niệm “đèn nhà ai sáng nhà đó”, “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”.

Thời phong kiến, bị nạn cường hào ác bá, bị vua quan bách hại, bị nạn cậy quyền, dựa thế, người dân Việt Nam vẫn có truyền thống chịu đựng, “dĩ hòa vi quý” cho xong chuyện, má sưng rồi thì cũng chẳng còn cần kêu mạ! Thời ông Khổng Tử cũng khuyên người ta thấy nước đạo thì ra làm quan, nước vô đạo thì lui về ở ẩn, quân tử như Bá Di, Thúc Tề chứ không khuyên người ta phải tranh đấu với cái ác, tranh đấu với nhà cầm quyền là làm loạn, bất nghĩa, bất trung, dĩ hòa để cầu an cho yên nước yên nhà. Trung Cộng thời nay phục hồi Khổng Giáo cho trên dưới có tôn ti trật tự, nước có Vua, làng có Thành Hoàng để dễ bề cai trị.

Thời Cộng Sản thì hòa hoãn, che giấu để chuyện khỏi xé ra to, dân khỏi  làm loạn. Chuyện lớn thì “xử lý nội bộ”, chuyện nhỏ thì “đả thông tư tưởng” để đi đến việc đồng tâm nhất trí. Có mâu thuẫn nội bộ hay chống đối thì đã có chi bộ đả thông, thu xếp trước khi ra tập thể.

Nhà nghiên cứu Cao Cự Thanh cho rằng báo “Ong Ðất” của Bungary đã có cái nhìn chính xác về thời kỳ “bao cấp” của chế độ Cộng Sản, một thời kỳ làm thui chột khả năng của con người, xuề xoà, xếnh xái, nhịn nhục, cái gì cũng “nhất trí” “tất tần tật”. Trong xã hội này:

– Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc.

– Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương.

– Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống.

– Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống.

– Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng (trong riêng tư).

– Ai cũng không hài lòng nhưng ai cũng giơ tay “đồng ý”, “nhất trí”(ở chỗ tập thể).

Cuối cùng “úm ba la”, ba ta đều có lợi. Canh bạc cuối cùng: “hòa cả làng”.

Bảo Huân

HP