“Con, đứa trẻ lạc loài trên xứ lạ

Đang quay cuồng theo cơm áo, ngựa xe

Mà thương mạ vẫn thường hay tựa cửa

Bên mâm cơm chờ bóng đứa con về! (hp)

Chúng ta thường có thành ngữ “trông như trông Mẹ đi chợ về!” Thời ấu thơ, tôi cũng như các bạn đều có thời gian trông Mẹ, không phải trông “như” trông Mẹ đi chợ về, mà trông Mẹ đi chợ về thật, để có chút đồ chơi, củ khoai hay chiếc bánh. Chúng ta chỉ trông Mẹ trong một thời gian quá ngắn ngủi, khoảng thời gian học ở trường sơ cấp hay tiểu học, rồi sau đó bắt đầu lớn xác, ham chơi, theo bạn bè và thú vui thời niên thiếu, chúng ta đâu còn trông gì ở Mẹ nữa. Nhưng ngay trong thời gian đó Mẹ đã trông chờ chúng ta mỗi ngày, mỗi bữa, chờ trông cho đến cuối cuộc đời của Mẹ.

Ngày Mẹ mang thai con, Mẹ tính từng ngày từng tháng, để chờ đợi đứa con khóc oe oe mấy tiếng chào đời. Khi bà mụ cho biết đứa con tay chân lành lặn, Mẹ sờ tay để biết chắc là mình có một thằng con trai, Mẹ vui sướng, mừng đến chảy nước mắt. Mẹ ơi, thằng con trai đó, lớn lên đã làm được gì để Mẹ vui, để đền ơn những giọt nước mắt ngày xưa của Mẹ. Lớn lên, thời gian con đến trường, Mẹ nghe chừng tiếng trống trường, chờ con bên ngưỡng cửa, giở nón hay cởi áo tơi mưa cho con. Biết con háu đói, Mẹ không đợi Cha về, bát cơm nóng được xới ra chờ con, hạnh phúc nhìn con cầm đôi đũa.  Rồi Mẹ nôn nóng chờ ngày con trưởng thành, ra đời  bắt đầu kiếm được miếng ăn. Ðiều đó, Mẹ chẳng bao giờ là chờ từ nơi con món quà nhỏ, tấm vải hay món tiền đem về biếu Mẹ. Rồi một ngày kia con phải rời gia đình đi xa như con chim rời tổ, hớn hở trước những phương trời rộng mở có  bao giờ nhìn lại. Mẹ vẫn trông chờ một buổi chiều nào đó, bước chân con giẫm trên bậc cửa về thăm Mẹ, để Mẹ nhớ những ngày thơ ấu con có thói quen gì, thích những món ăn nào để Mẹ vội vàng ra chợ, nấu sẵn bữa cơm cho con ngày về.

Rồi Mẹ đã nhắc nhở, chờ đợi ngày con lập gia đình, đó là nguồn vui của một người Mẹ thấy con khôn lớn, thành gia thất, cho Mẹ yên lòng. Nhà có con dâu rồi, Mẹ lại trông con sớm có cháu cho Mẹ bồng. Một đứa còn quá ít, Mẹ lại trông chờ những đứa tiếp theo. Ngày con ra chiến trận, phải chăng hàng đêm Mẹ vẫn thường thức giấc, lo sợ nghe những tiếng súng từ xa vọng về, và mong một ngày nào đó đứa con trở về bình yên, lành lặn. Những ngày Lễ Tết, lẽ ra là thời gian sum họp, nhưng sự xa cách vẫn còn: “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con/ khi thấy mai đào nở vàng bên nương.” “Mẹ thương con ngồi cầu Ái Tử!”, câu ca dao ngày xưa muốn lặp lại địa danh Ái Tử với lòng “thương con” của Mẹ, nhưng cầu phải chăng là nơi Mẹ đứng đợi con về. Nỗi buồn vọng phu chắc không cao bằng niềm đau chờ con. Chúng ta đã chứng kiến bao nhiêu cảnh “tre khóc măng”, “lá xanh rụng xuống, lá vàng trên cây” để thấy rằng nỗi đau mất Mẹ không cao bằng niềm đau xót của Mẹ mất con. Trong chiến tranh, đã có bao nhiêu chiếc quan tài phủ lá cờ tổ quốc trở về, thời gian đã làm cho người goá phụ nguôi ngoai vì có những đứa con lớn lên bên mình, nhưng khoảng trống vắng mất con trong lòng người Mẹ làm sao lấp nổi.

Rồi lòng Mẹ xót xa khi con phải vào nhà tù, trong những ngày vận nước điêu linh. Hình ảnh người Mẹ già tóc bạc, lưng còng đứng trước cổng trại tù chờ con ngày đó làm sao con quên được. Và mỗi đêm phải chăng Mẹ vẫn chờ, như nghe có tiếng còi tàu xa xa, hay tiếng xe đỗ trước cửa  nhà, mơ hồ có tiếng ai gõ cửa, phải chăng con của Mẹ đã trở về để gọi hai tiếng “Mẹ ơi!”

Ở nơi xứ người, Mẹ vui vì đã nuôi đàn con khôn lớn, nhưng rồi mỗi ngày con mỗi xa, để lại Cha Mẹ trong ngôi nhà trống vắng. Mẹ biết con không về, Mẹ biết con giờ này đang có bao nhiêu điều bận rộn, không còn một khoảnh khắc nào nghĩ đến Mẹ. Nhưng người mẹ vẫn chờ, chờ người phát thư dừng lại trước cửa nhà, dù là với một tấm thiệp vô hồn mua trong một tiệm tạp hoá; chờ tiếng điện thoại reo, dù là một lời hỏi thăm vội vàng, vắn tắt. Nhưng không, tuyết trước nhà vẫn rơi lạnh lùng, và ngôi nhà vắng lặng, nghe rõ cả nhịp chiếc đồng hồ treo trên vách.

Trong phút lâm chung của Mẹ, con cái đã tề tựu bên giường, nhưng Mẹ vẫn còn những đứa con xa. Mẹ bịn rịn cuộc đời này chưa muốn ra đi vì đang chờ đợi những đứa con chưa về. Nghe lời thì thầm trên đôi môi của Mẹ: “Thằng Hai, con Út đã về chưa?” Thôi, xin Mẹ hãy bình thản ra đi, những đứa con vô tình của Mẹ đang còn mải mê “mơ Khanh, mơ Tướng”, đang chạy theo những lôi cuốn của cuộc đời, để không bao giờ cầm được bàn tay khô héo của Mẹ, nói được tiếng “con đã về đây” cho Mẹ vui lòng.

Chúng ta chờ Mẹ được bao lâu, trong khi Mẹ chờ chúng ta suốt cả cuộc đời, từ khi đặt con vào dạ cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vẫn còn chờ con.

Quả thật chúng ta là đứa con vô tâm, bạc bẽo, nếu đợi đến ngày Vu Lan mới nhắc đến Mẹ, mới nhớ đến bông hồng đỏ, hồng trắng! Mẹ ơi! Khi nuôi con, con cũng chưa thấm thía được tình yêu của Cha Mẹ, nhưng lúc về già mới thấy mình bất hiếu!

Hạnh phúc thay cho những đứa con còn Mẹ, nên con thường ao ước phải chi mình còn Mẹ, nhưng liệu còn Mẹ, con đã làm gì được cho Mẹ vui lòng. Phải chăng những gì khi đã mất đi mới thấy quý, và trong cuộc đời chúng ta, đã có bao nhiêu điều hối tiếc.

HP