Dịch vụ chôn cất và hỏa táng:

Sống có giai cấp, chết có thứ hạng

Làm người ai cũng phải đến lúc chết, và cái chết là nhất định, nhưng không ai muốn bàn đến chuyện chết và lo cho chuyện chết được êm đẹp. Chúng ta đã từng sắp xếp cho những chuyến du lịch lâu ngày như mua vé máy bay, sắp xếp hành trang, thuê nhà trọ, yêu cầu bưu điện giữ lại thư từ. Nhưng với chuyến ra đi vĩnh viễn, không trở về, chỉ có một số nhỏ lo mua đất chôn, sắp xếp chuyện hỏa thiêu, mua trước phần nhà quàn, nhưng ít người sửa soạn cho mình chuyện sau khi nằm xuống, thế tục thường gọi là “chuyện hậu sự,” bởi vì chuyện ấy còn xa, thậm chí đôi khi người ta còn sợ hãi mỗi lúc phải nói đến.

Chôn hay thiêu? Quàn bao lâu? Nghi thức tôn giáo? Giá cả ra sao?

Đó là những câu hỏi phải được biết trước khi chết.

Kỳ IV

Những chuyện bên lề

Nghi lễ Tôn Giáo.

Tốn phí cho nghi thức tôn giáo

Nhân viên phụ trách nhà quàn sẽ thiết lập bàn thờ tùy theo tôn giáo của người qua đời, trừ lễ vật là do gia đình cung cấp.

Ngoài ra, tang gia thường mời các linh mục Thiên Chúa, mục sư Tin Lành hay các tu sĩ Phật Giáo đến để làm lễ cầu siêu hay cầu hồn cho linh hồn người thân qua đời, việc này do tang gia đảm trách. Việc này tốn kém ra sao, có lẽ chúng ta cũng phải nói tới, như một trong những tốn phí của việc “hậu sự,” không nên tránh né, nhưng quả thật đây là một điều khá tế nhị, cần cân nhắc.

Chủ một cơ sở thương mãi ở Westminster có cho chúng tôi biết, khi thân phụ bà qua đời, bà có mời một số linh mục quen biết đến làm thánh lễ, sau đó bà có bỏ phong bì tặng cho mỗi Cha $100 như làm quà.

Một nữ bác sĩ Việt Nam ở thành phố Oakland, trong chỗ thân tình nói: “Khi chồng bà chết, bà có mời một linh mục cai quản một nhà thờ đến làm lễ. Sau đó bà có viết một tấm chi phiếu và một thiệp cám ơn, gửi đến ông. Vị linh mục này nhận tấm thiệp cám ơn nhưng gửi trả lại cho bà tấm ngân phiếu!”

Cách đây năm năm, có mấy cháu họ tôi, khi mẹ chúng qua đời, có đến một ngôi chùa ở Little Saigon mời thầy trụ trì đến tụng niệm. Thường thì nghi thức Phật Giáo có các phần cầu siêu, phục tang, cúng cơm và tụng niệm trong lễ di quan ra lò thiêu hay phần mộ để chôn cất. Trước đó, chùa nói với tang gia: “Tùy khả năng, tùy hoàn cảnh…” nhưng khi xong tang lễ, các cháu đến chùa cám ơn và gửi chi phí cho thầy $700 thì thầy nói rằng: “Thông thường, gia đình khác đưa $2,000.” Các cháu thưa với thầy về trình lại mẹ các cháu, nhưng vì “tùy khả năng, tùy hoàn cảnh,” các cháu đi luôn (quỵt) không trở lại!

Chúng tôi mong muốn, các cơ sở tôn giáo có hẳn một giá cả cho dịch vụ lo tang lễ, để gia đình người quá cố dễ tính toán mà không bị mặc cảm ray rứt, như là có lỗi với người sống lẫn người chết!

Quay phim – chụp hình

Giữ lại những hình ảnh tang tóc, đau buồn hẳn là không ai muốn, nhưng nhiều tang gia muốn lưu lại những hình ảnh kỷ niệm ngày người thân ra đi, cũng có khi chụp ảnh quan khách đến viếng hay các vòng hoa tang để ghi nhớ ai đã đến chia buồn, điếu vòng hoa. Người trong gia đình thường bận rộn hay không giỏi kỹ thuật chuyên môn để chụp ảnh hay quay phim nên phải nhờ đến các tay nhiếp ảnh hay quay phim chuyên nghiệp. Nhất là phần quay phim, không hề đơn giản, vì sau đó lại cần edit, cắt xén, lồng nhạc, chạy chữ cho thành một cuốn phim, từ khi cử hành lễ khâm liệm, phục tang, lễ cầu siêu, quan khách viếng tang, cho đến lúc thiêu xác hay hạ huyệt.

Giá cả cho một tang lễ tương đối rẻ hơn cho một đám cưới. Giá cả chụp ảnh quay phim đám tang trong thời điểm năm 2019 là: $1,200 cho 2 ngày. Dịch vụ sẽ giao cho tang gia 300 tấm ảnh, 3 bộ DVD hay 3 USB cho một phóng sự đã edit, cắt xén, chạy chữ, lồng nhạc.

Vòng hoa tang

Hiện nay theo dõi các cáo phó, người ta thường thấy tang gia xin

“miễn phúng điếu và tràng hoa” vì không ai muốn phải ân nghĩa, nợ nần. Một tràng hoa tang theo thời giá phải trên $200 mới nhìn được mắt, chỉ để trong phòng tang một hay hai ngày rồi cho ra thùng rác quả là một điều phí phạm. Tuy vậy có đám tang nào mà không có vòng hoa, phần lớn thiên hạ lại đánh giá sự lớn, nhỏ của một đám tang theo số vòng hoa.

Ðể bày tỏ sự tiếc thương người chết cũng như mối liên hệ giữa khách viếng và tang gia, đi viếng tang nhiều khi không thể đi tay không. Lấy ví dụ giữa gia đình thông gia với nhau, viếng tang không có lấy được một vòng hoa thì coi sao được. Vậy thì câu “xin miễn vòng hoa” cũng là chuyện nói cho có lệ, bổn phận và cảm tình của người thân thuộc, theo nghi lễ cũng phải cần đến một vòng hoa, dù chỉ bày biện trong một thời gian ngắn, sau đó vứt bỏ cũng không sao!

o O o

Xin đừng vội chết! Qua bốn kỳ báo, chúng tôi đã sơ lược cho các bạn những con số chi phí đáng kể và cũng đáng sợ. Những gia đình đã mua bảo hiểm nhân thọ (Life Insurance) hay giàu có có thể tổ chức tang lễ cho đúng với địa vị và hoàn cảnh. Những ai không có khả năng tài chánh hay không chuẩn bị trước, có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn bất ngờ! Sau khi viết bài phóng sự này, tôi chỉ có một điều mong muốn gửi đến tất cả mọi người:

“Đừng vội chết! Cái chết không rẻ như ta tưởng!”