Những ngày này trí óc bàng hoàng, muốn quên đi những thảm cảnh do dịch bệnh và con người gây ra ở quê nhà mà không thể nào quên được. Nhắm mắt lại vẫn thấy bềnh bồng những ảnh tượng diễu qua, diễu qua…

Một nhà báo tên Ngọc Diệp Trần viết: Ðứng sững tựa thân cầu, hai bàn tay khép, tôi vừa kịp hướng tới một cảnh tượng kỳ lạ trên bầu trời phía Tây thành phố. Ðoàn xe qua cầu như chậm lại, những người đi bộ hay đi xe đạp đều dừng lại tìm một góc tránh những cột đèn đường. Những cặp mắt nhất loạt hướng nhìn lên bầu trời. Một khoảng không nhuộm ánh xanh phớt vàng. Bầu trời là vòm giáo đường lộng lẫy tráng lệ. Lung linh giữa hai luồng hào quang chói lòa, hai đám mây màu xanh lam như hình ảnh một thiên thần bé nhỏ chắp tay cầu xin người mẹ vĩ đại. Ôi Thượng Ðế toàn năng, Ðức Phật từ bi cứu độ… Tôi thầm kêu lên trước cảnh tượng bi tráng với sự xúc động không thể kìm nén. Có phải thần thánh đang nghe thấu lời cầu nguyện của con người!

Chưa bao giờ chúng ta phải trải qua những nỗi lo âu như những ngày này. Ngày căng thẳng với những trận truy dồn dấu vết, những bệnh nhân quá trẻ vẫn không thể vượt qua. Những đứa bé chưa thể dùng thìa xúc cơm, phải mặc bộ đồ bảo hộ lên xe cách ly. Các y bác sĩ, những thanh niên tình nguyện làm việc đến kiệt sức… Chưa bao giờ chúng ta phải giữ khoảng cách với những người thân yêu, với bạn bè như thế.

“Sài Gòn bịnh nặng rồi!” Thành phố bảo bọc biết bao thân phận khốn khó đang lâm bệnh. Những con đường vắng hoe. Những đôi mắt âu lo sau những ô cửa đóng chặt. Những thân phận kiếm sống chật vật lại càng lao đao. Cả nước hướng về Sài Gòn. Người Huế hướng về bà con trong nớ, mà thương mà gói ghém từng bó rau, con cá, muối đậu sả gừng và cả những lời cầu nguyện mong mỏi chân thành chia sẻ.

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Ký giả Kong Kong thì ghi trên Ðàn Chim Việt: Một bãi chiến trường không tiếng súng nhưng khốc liệt. Hàng chục ngàn người đang tìm cách di tản ra khỏi Sài Gòn bằng mọi phương tiện, kể cả đi bộ, cả ngàn cây số để về quê, trong hốt hoảng và hỗn loạn. Ðã thế trên đường tháo chạy còn bị nhiều chốt giữ lại vì lệnh “giãn cách” của địa phương nên ùn ứ, vật vã, đói khát, nằm lăn ra ngủ giữa đường, có cả trẻ mới sinh, thật vô cùng thương tâm. Ðã thế có người may mắn về được đến quê nhà còn bị đuổi.

Dù Sài Gòn từng là vùng đất hứa, từng phải đóng thuế thân để nộp về trung ương 82% ngân sách, nhưng người nhập cư phải rời Sài Gòn với bàn tay trắng, với vô số lý do khẩn cấp về nhân sinh.

Nhà văn/họa sĩ Ðỗ Duy Ngọc than thở trên trang web:

Ðã qua ngày thứ chín, Sài Gòn trong tình trạng phong toả. Biết bao chuyện bi hài kịch diễn ra, biết bao nước mắt nhưng cũng không thiếu niềm vui từ những tấm lòng của người đến với người trong cơn hoạn nạn. Sáng nay nhận được một tấm ảnh ghi lại những xác chết vì dịch được bó kín lại trước khi đem thiêu. Tấm ảnh gợi lại cảnh bi thảm ở Ấn Ðộ, ở Indonesia, ở Philippines… một bức ảnh đầy ám ảnh mà tôi cố quên đi như cố quên những con số người nhiễm bệnh và tử vong ở Sài Gòn trong tuần lễ vừa qua. Tôi tìm đọc những tấm lòng thiện nguyện, những nhà hảo tâm đang miệt mài tìm kiếm nguồn thực phẩm cho dân nghèo. Họ gặp không biết bao khó khăn và trở ngại, họ đụng rất nhiều cản trở nhưng họ vẫn thực hiện công việc bằng tấm lòng vì đồng bào.

Người dân “tháo chạy” khỏi Sài Gòn bằng xe máy. (Ảnh: Facebook Lam Hong Nguyen)

Một cô gái tôi thường xem như con gái của mình xông pha, điều động, liên lạc mọi nơi để có gạo, có rau cho người thiếu thốn. Thức đêm, dậy sớm, quên ăn quên ngủ để có nguồn thực phẩm. Thấy thương lắm mà tôi không nhắn tin, không điện thoại cho cô ấy vì để cho cô không bị phân tán công việc. Chú viết mấy dòng ở đây như lời tán dương con và mong con giữ sức khoẻ. Hết dịch rồi chú cháu mình lại đi ăn Phở Dậu nha con.

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Một anh đã từng là nhà thơ, thường xưng là kẻ chăn bò, cũng làm nghề mua bán online để sống. Khi được tin có một chiếc xe tải chạy không đang trên đường từ Bảo Lộc về Sài Gòn đã liên lạc với người quen, bạn bè chuyển về được hàng tấn rau củ ủng hộ cho bà con.

Cũng không quên anh chàng Minh râu xăm trổ đầy người, ăn nói bặm trợn hàng ngày đổ hàng đống rau, củ với tấm bảng viết nguệch ngoạc: “Bầu miễn phí, mỗi người 1-2 trái, trái to thì lấy 1 trái. Trái bự thì lấy 2 trái đủ ăn” hay: ” Lấy đủ ăn, mai có tiếp, trừ không say hoặc mệt”. “Bó rau 5000đồng, ai mua thì bán, ai sin thì cho” cái lỗi chính tả của chữ ‘sin’ sao mà đáng yêu đến thế! Những dòng chữ không hoa hoè, hoa sói, không khẩu hiệu, quyết tâm mà đọc thấy thương lạ lùng. Anh ta còn bảo thiếu chi dịp kiếm tiền, đây là dịp để giúp bà con.

Một cặp vợ chồng ở Gò Vấp mỗi ngày nấu cả ngàn hộp cháo thịt mang đến những khu cách ly, phong tỏa sau hàng kẽm gai cho các em bé. Anh bảo người lớn cần cơm nhưng trẻ còn nhỏ cần cháo, sữa. Chu đáo, tận tuỵ đến thế mà không hoan hô, không cảm động sao được.

Mấy ngày phong toả, vì tuổi đã lớn, tôi không dám đi đâu. Nằm nhà tôi đọc nhiều báo, ghi nhận nhiều tin từ facebook, từ những trang mạng xã hội, từ youtube và thấy rằng có nhiều tấm lòng của người Sài Gòn đã rộng mở đến với người nghèo. Họ âm thầm làm, họ lặng lẽ làm, không dao to búa lớn, không kể lể, ban ơn. Họ chia sẻ thầm lặng.

Xem thêm:   Mùi hương hoa nhài, và nhạc rahab trên đường phố

Họa sĩ Phan Nguyên ghi trên Facebook Những hình ảnh đi vào lịch sử:  Một cuộc tháo chạy hoảng loạn, khổ sở của dân ngụ cư TP khi không còn việc làm, không còn nhà cửa, không còn tiền bạc… Ở lại thì chỉ có chết đói và dịch bệnh! Hậu quả của những khẩu hiệu duy ý chí và sự bất tài ngu dốt thâm căn!

Ôi, Sài Gòn của tôi. Xin khép lại bài đoản thi Phản Chiêu Hồn Ca phóng bút theo phong cách Tố Như tiên sinh. Ðể ghi lại một bản Sonnet vừa nghe được trên trang Phay-Văn sáng nay: Có hãi sợ đấy / có cách ly và hoảng hốt tháo chạy đấy / có người bệnh và có cả cái chết / có đói ăn và khát sữa / Nhưng Sài Gòn mấy ngày nay không còn bụi bặm ồn ào / đã nghe tiếng chim vang lên trên các lùm cây / trời xanh trong trở lại / cửa sổ nhà nhà đã mở nhìn qua hàng xóm / để nghe tiếng của nhau / nghe tiếng hát vang lên từ sân bệnh viện / và tiếng kèn an ủi nhau / thấy bóng những người thiện nguyện đi phát từng bó rau gói cơm tô cháo / và những trang thơ gởi đi / em sẽ sống lại anh sẽ sống lại / chúng ta cùng đứng ngắm sao trời. rinascero. rinascerai…

TN – Tổng hợp