Lại sắp đến ngày 11 tháng 9. Ðã gần 20 năm qua rồi trí óc con người còn nhớ hay đã quên cái ngày tang tóc bi thảm ấy.

“Phải luôn luôn nhớ rằng hãy quên đi tất cả.” Nhà văn Thảo Trường đã viết như thế mở đầu tác phẩm Ðá Mục. Nhà văn người Nhật Haruki Murakami khi xuất bản bộ tác phẩm 1Q84 cách đây mươi năm thì khẳng định, tác phẩm được gợi cảm hứng từ cuộc tấn công khủng bố ở Mỹ vào 11/9/2001.

“Bạn nghĩ gì khi nhìn thấy cảnh hai tòa tháp đôi WTC đổ sập. Với tôi, đó là những hình ảnh quá thực, quá ấn tượng. Dù nó cứ như là cảnh dựng bằng máy tính”, nhà văn bày tỏ cảm giác của mình về sự kiện chấn động này. Theo ông, nếu vụ tấn công 11/9 không xảy ra thì Tổng thống Mỹ sẽ là một con người khác và đất nước này sẽ không phát động cuộc chiến tranh chống Iraq.

“Cục diện thế giới sẽ khác đi. Ðiều này thật siêu thực. Ðó là lý do tôi viết 1Q84”, ông nói.

Nhà báo John Grogan cách đây nhiều năm cũng ghi lại như sau trên một trang viết ở cuốn Life Is Like A Sailboat: Tháng 9 đã bắt đầu với ánh trời rực rỡ, tràn đầy hy vọng. Một thứ sắc màu của hạnh phúc, nhưng sao nó giống thứ ánh sáng của một buổi mai cách đây 8 năm.

Vâng, lúc ấy là 8 giờ 45 phút sáng ngày 11 tháng 9. 2001. Một buổi sáng đẹp trời, đầy nắng, những con bồ câu bay lượn trong không, người người vui sống, nô nức đi lại trên hè phố. 8 giờ 45 phút sáng, đang yên bình, ấy vậy mà chỉ một phút sau thảm họa xảy ra. Tòa Tháp Ðôi của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở Nữu Ước sụp đổ với gần ba ngàn người chết.

Nhà văn Haruki Murakami và tác phẩm 1Q84 – nguồn paperback Paris 

Ðã gần hai mươi năm trôi qua kể từ ngày ấy. Nhiều người nói đã bao nhiêu năm rồi mà cái cảm giác mất mát vẫn còn đau nhói như mới xảy ra hôm qua. Thật vậy, mắt chúng ta tưởng còn nhìn thấy những mảng khói và lửa bốc lên từ lưng chừng hai tòa tháp, những bóng người như chim bay ra khỏi các cửa sổ rồi rơi xuống nền đất phía dưới; tai chúng ta còn nghe âm thanh những tiếng nổ rung chuyển và gạch ngói vỡ cùng tiếng người la thét, kêu khóc vang âm giữa bầu trời sớm mai đầy nắng của Nữu Ước; và tâm trí chúng ta còn quay cuồng với trăm ngàn ý nghĩ đen tối, kinh hoàng về một thảm họa phát xuất từ khối óc u mê của con người mà tưởng như từ trời xanh giáng xuống. Chỉ trong khoảnh khắc của một buổi sáng mà tới gần ba ngàn người chết – có những người tìm được xác, có những người chỉ còn lại một phần thi thể và có những người như biến mất vào hư vô. Chưa bao giờ một thành phố phải chịu đựng những tang tóc như thế. Và khúc tang ca của ngày 11 tháng 9 năm 2001 mãi mãi còn vang dội trong không gian, thời gian và trong trái tim người. Nó kể với chúng ta về những người vô tội đã chết, về những đổ vỡ và những hận thù mang màu sắc chủng tộc, tôn giáo. Chúng ta sẽ không bao giờ quên những đau thương mất mát ấy.

Xem thêm:   Đêm mưa bão, nghĩ tới loài cây dó

Hôm nay, sau gần 20 năm, xin các bạn cùng Nguyễn tôi mặc niệm những người đã chết, đồng thời hướng về sự hồi sinh của thành phố Nữu Ước để có thể nói lên rằng nơi này, nơi mà tường thành sụp đổ, một quốc gia đã trỗi dậy và ý sống của con người tiếp tục vươn lên. Nguyễn xin ghi lại.

“Ngày 11/9, cả nước Mỹ kinh hoàng vì những gì xảy ra. Những tàn phá và thiệt hại to lớn, khủng khiếp hơn cả, đó là những người không bao giờ có thể trở về nhà được nữa. Và có một điều ít ai nghĩ đến, là bao nhiêu tình yêu đã chết đi; thay vào đó là lòng hận thù. Thế nhưng, ở đâu đó trong bầu không khí chúng ta đang thở, tình yêu vẫn còn, như bông hoa mọc lên từ kẽ đá.

“Một thời gian sau khi thảm kịch xảy ra, người ta vẫn thấy những đóa hoa, những ngọn nến và những tấm thiếp đặt nơi tưởng niệm. Lẫn trong vô vàn những thứ ấy là tấm ảnh của một cô gái trẻ tươi cười. Ðằng sau tấm ảnh viết “Vì anh đã không còn em để yêu thương, nên anh sẽ học cách yêu thương hết thảy mọi người”.

Cũng trong ngày hôm ấy một bé gái mới 5-6 tuổi đang chơi với cái yo-yo đã ngừng lại tiễn cha đi làm ở khu Tòa Tháp Ðôi. Chuyện được nhà thơ NT Khánh Minh kể lại trong bài Cây Cô Ðọc. Phim có tên Will của đạo diễn Eusong Lee, đã đoạt giải tại The Student Academy Award vào ngày 8 tháng 6.2013. Mở đầu và kết phim là lời của người cha được đọc bằng một giọng nam cảm động, con gái, cha sẽ không sao đâu, cha sẽ trở về, phim kể, ông là một trong hàng ngàn nạn nhân của thảm họa khủng bố ngày 11 tháng 9.2001 tại World Trade Center. Buổi sáng ông chia tay con gái đi làm và rồi không về nữa, cô bé với nỗi nhớ thương cùng ý muốn mãnh liệt đã cố gắng với món đồ chơi yo-yo (mà cha cho cô trước khi đi làm) để quay ngược thời gian về lại thời điểm lúc sáng cha chia tay, và cái chết đã không xảy ra.

Xem thêm:   Không quên cái ác

Phải luôn luôn nhớ rằng phải quên đi tất cả. Vâng, hãy quên, vì như nhà văn Ba Kim của Trung Quốc nói trong sách Tùy Tưởng Lục, cứ nhớ mãi cái ác, cái xấu và nỗi đau thì khổ lắm. Ðành là thế, nhưng nếu chúng ta quên đi và tha thứ tội ác của bọn giết người thì cái ác sẽ còn sống mãi và lộng hành. Cho nên, qua những mảng hồi ức gợi lại ngày hôm nay, chúng ta nghĩ đến và xót thương những người đã chết ở Tòa Tháp Ðôi ngày 11 tháng 9. 2001, đồng thời vững tin rằng cái ác, cái xấu không thể tồn tại được trên dải đất này. Ánh nắng ngày ấy mờ đi trong khoảnh khắc vì những đám mây khói, nhưng rồi nắng lại lên mỗi ngày. Như sáng nay dưới bầu trời New York.

Tưởng niệm biến cố 9/11- nguồn myelomacrowd.org

TN – Tổng hợp