Có phải đúng như thế không, hay đó chỉ là mơ mộng của thi sĩ? Dẫu sao, thì em ơi, xin đừng tuyệt vọng. Bởi không phải chỉ có mình anh mơ ước như thế, mà Mục Sư Luther King, John Lennon và nhiều người nữa cũng đã nghĩ như anh. Và mới đây thôi, anh đọc thấy trên trang blog của một thiếu nữ ở Hà Nội, có nick là traveller, những dòng chân thật và cảm động sau đây.
“Ngày tôi còn học đại học, năm thứ 2, tôi thi hùng biện ở trường. Ban giám khảo bảo tôi có thể lấy một ví dụ về tình yêu thực sự không? Và tôi kể câu chuyện này:
“Ngày 11/9, cả nước Mỹ kinh hoàng vì những gì xảy ra. Những tàn phá và thiệt hại to lớn, khủng khiếp hơn cả, đó là những người không bao giờ có thể trở về nhà được nữa. Và có một điều ít ai nghĩ đến, là bao nhiêu tình yêu đã chết đi; thay vào đó là lòng hận thù.
Một thời gian sau khi thảm kịch xảy ra, người ta vẫn thấy những đóa hoa, những ngọn nến và những tấm thiếp đặt nơi tưởng niệm. Lẫn trong vô vàn những thứ ấy là tấm ảnh của một cô gái trẻ tươi cười. Ðằng sau tấm ảnh viết “Vì anh đã không còn em để yêu thương, nên anh sẽ học cách yêu thương cả nhân loại”.
Với tôi, đó là tình yêu thực sự”.
Tôi trở vào trong cánh gà, một cô bạn ôm tôi, nói rằng câu chuyện của tôi cảm động lắm, hay lắm. Dĩ nhiên là tôi không được giải gì trong cuộc thi ấy. Cô bạn ôm tôi được giải cũng khá cao, không nhớ là nhất hay nhì.
Gần 4 năm trôi qua, câu chuyện ấy vẫn còn nguyên ý nghĩa với tôi. Nếu bây giờ có ai đó hỏi tôi về một tình yêu thực sự, tôi sẽ vẫn kể lại đúng như thế. Tôi không nhớ đã đọc được nó ở đâu, nhưng không quan trọng. Quan trọng là vẫn có những con người như vậy, những tình yêu rộng lớn như vậy. Nghĩa là tôi không một mình. Mà tôi chưa bao giờ một mình, khi còn có những người bạn và những tình yêu đơn giản nhưng đầy màu sắc từ họ.
Boyz II Men – End Of The Road, hôm qua khi bài hát này vang lên, cả mấy đứa chúng tôi đã cùng nhau hát oang oang
Although we’ve come to the end of the road
Still I can’t let you go
(Mặc dầu chúng ta đã đi đến cuối đường
Tôi chẳng thể nào buông tay để em đi…)
Vậy đó. Mọi người sống là để yêu nhau. Còn gì đẹp hơn, phải không bạn? Và bạn có nghĩ rằng nếu ta trồng thêm được những bông hoa thì sẽ bớt đi cỏ dại và gai góc? Vậy, cũng như John Lennon, cũng như mục sư Martin Luther King, cũng như cô blogger nói trên, tôi là người mơ mộng, nhưng không là người duy nhất trên đời này.
Viết thêm sau khi đọc lại: Mình viết bài trên khoảng đầu năm 2008. Nhiều năm đã trôi qua, biết bao biến đổi, vui buồn trộn lẫn, mà với mình buồn nhiều hơn vui. Một trong những nỗi buồn lớn nhất đến với mình, đó là người trăm năm đã bỏ mình đi vào đúng Ngày Giáng Sinh năm 2011. Sau khi đã có với nhau 50 năm chung sống. Nỗi đau khiến mình phải kêu lên theo lời gió trong bài thơ sau đây:
Hãy nghiêng tai dưới gió. lắng nghe
hãy nhìn rồi sẽ hiểu
Bởi không còn em trên đời này nữa
nên tôi tập yêu hết thảy loài người
hãy nghiêng tai dưới gió. lắng nghe
hãy nhìn rồi sẽ hiểu
buổi chiều. đi trên đường. có khi tôi gặp một
chiếc lá. khô
và sớm mai ra vườn, thấy cây hồng vừa
nở những bông màu vàng
mùa đông. tuyết rơi. nhặt xác một con chim bên gốc
sồi già
và trên cao. đàn ngỗng trời. xoải cánh bay
tôi chợt hiểu. như lời bài hát
có sớm mai. tất phải có chiều tà
có gặp nhau dưới mái trường phượng đỏ ngày xưa.
tất có ngày chia tay. mùa đông. em đi
theo chuyến xe của gió
và tôi. đi. dưới trời mưa new orleans
nhìn quanh không thấy bóng dù
như ta cùng đi trên con đường hàm nghi ngày nọ
em ơi. nụ cười của em. vẫn theo anh
cho dù nhiều thứ đã mất đi. nhiều điều không còn nữa
cho nên anh tập yêu thương cả loài người
và chim muông. cây cỏ
dưới bầu trời này
như thuở ấu thơ tới trường với cái chong chóng
trên tay
TN