Cuộc chiến nào cũng vậy, người ta thường đặt câu hỏi về tính hợp pháp của cuộc chiến. Mà để có tính hợp pháp thì bạn phải đưa ra bằng chứng cho hành động của bạn là hợp với luật pháp quốc tế. Như ta biết, những gì đem ra chứng minh được thì hầu hết những thứ đó không còn bí mật nữa. Thường để đưa đến quyết định tấn công thì chính quyền đó dựa chủ yếu trên tin tức tình báo, mà kết quả tình báo là những thứ không thể đem ra chứng minh một cách công khai để bảo vệ tính hợp pháp của quyết định tấn công được.

Tướng Qassem Soleimani là người đứng đầu lực lượng Quds Force thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) – một bộ phận chịu trách nhiệm chính cho các hoạt động quân sự ngoài lãnh thổ Iran. Nguyên tắc làm việc của lực lượng này là giật dây chứ không trực tiếp thực hiện những cuộc khủng bố. Khi gây ra những cuộc khủng bố, thì bao giờ kẻ chủ mưu là tội nặng nhất rồi đến kẻ thực hiện, nhưng để buộc tội được kẻ chủ mưu thì bao giờ cũng khó hơn là buộc tội kẻ thực hiện khủng bố rất nhiều. Như ta biết, chính lực lượng Quds Force là kẻ chủ mưu chuyên cung cấp vũ khí, cung cấp kinh phí và huấn luyện cho những tổ chức khủng bố ngoài lãnh thổ Iran như nhóm Shia ở Iraq, nhóm Hezbollah ở Lebanon, nhóm Hamas ở vùng lãnh thổ của người Palestine thực hiện.

Như vậy qua đây chúng ta thấy, nếu như có một vụ khủng bố xảy ra thì người ta sẽ thấy hoặc tổ chức Shia, hoặc tổ chức Hezbollah, hoặc tổ chức Hamas nhận trách nhiệm chứ lực lượng Quds Force của tướng Qassem Soleimani dường như là vô can. Vai trò chủ mưu của lực lượng Quds Force chỉ có thể được xác định bằng những tin tức tình báo của phía Mỹ chứ bản thân tổ chức này không nhận trách nhiệm tấn công khủng bố bất kỳ địa điểm nào cả. Mà như ta biết, những gì thuộc về tin tức tình báo là tài liệu mật làm sao Mỹ có thể đem ra để chứng minh rằng lực lượng Quds Force là kẻ chủ mưu đây? Chính vì thế mà sau cuộc tấn công hạ sát tướng Qassem Soleimani, một số tờ báo đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của Mỹ, và cũng theo cách này đảng Dân chủ cũng quy kết quyết định tấn công của tổng thống Donald Trump. Có những thứ “nhìn vậy chứ không phải vậy”, nhìn bề ngoài thì bất hợp pháp nhưng thực chất việc “bất hợp pháp” bề ngoài ấy lại rất cần thiết để bảo vệ an toàn cho thế giới.

Tin tức tình báo như là con dao 2 lưỡi, vì tính bí mật của nó mà đôi khi phía Mỹ tấn công kẻ chủ mưu thật thì lại bị quy cho là đã tấn công bất hợp pháp. Và cũng vì tính bí mật của nó mà đôi khi thế lực nắm quyền ở Nhà Trắng vẫn quyết định tấn công bằng cách tạo dựng ra một thứ “tin tức tình báo” giả tạo để thực hiện một mưu đồ chính trị. Năm 2003, chính quyền Tổng Thống George W. Bush đã dùng “tin tức tình báo” để quy kết chính quyền Saddam Hussen đang “phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt”. Và dựa vào thứ “tin tức tình báo” đó mà chính quyền Bush con đã thuyết phục được Quốc hội Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc đồng ý tấn công Iraq. Thế nhưng sau khi giải thể được chế độ Saddam Hussen thì mới té ngửa, đó chỉ là tin tức tình báo giả tạo, chính quyền Saddam Hussen chẳng có sở hữu thứ “vũ khí hủy diệt” nào cả.

Thực ra, nếu một cường quốc như Mỹ mà cái gì cũng làm việc dựa trên bề nổi “luật pháp quốc tế” thì chắc chắn Mỹ sẽ không thể đụng chạm được những chính quyền ranh ma như Iran, Bắc Hàn được. Trong cuộc chơi lớn trên bàn cờ thế giới, đôi khi Mỹ cần phải biết dùng chiêu mờ mờ ảo ảo để chế tài những kẻ ranh ma, điều đó là cần thiết. Mỹ họ biết chơi theo luật, nhưng không phải họ ngây thơ đến mức lúc nào cũng tuân thủ theo bề nổi mà luật pháp quốc tế quy định đâu. Để làm chủ cuộc chơi lớn, nếu chỉ biết bám vào những gì “luật pháp quốc tế” quy định thì nói thật, nước Mỹ bị mấy nước nhỏ vỗ mặt như thường.

Ảnh: Từ facebook Đỗ Ngà