1

Lần thứ hai tôi trở lại động Thiên Ðường (*), Quảng Bình sau 11 năm. Có khác là thêm một con đường dốc lài, dài 570m dễ lên núi hơn so với 524 bậc cấp. Tôi nhớ lại 11 năm trước khi mình còn khỏe hơn bây giờ nhưng leo chừng ấy bậc cấp cũng thở phì khói ra tai.

Ði đường dốc lài cảm giác được ngắm rừng trong không gian bao la, dừng chân không phải để nghỉ mà nghe  lá hát, ngắm nhìn những ngọn núi đá vôi xung quanh và tha hồ thả trí tưởng tượng của mình vào hình thù của núi. Kìa là một con đại bàng đang bung đôi cánh nhìn xuống cõi nhân gian, nọ là một con cú mèo…

Một cô làm công việc quét lá với cây chổi hết sức dễ thương là được bó bằng những tàu lá xanh. Tôi đứng lại trêu cô: “Ðố ai quét sạch lá rừng/Ðể anh khuyên gió gió đường rung cây/Rung cây rung cội rung cành/Rung sao cho chuyển lòng anh với nàng”. Cô cười, bẽn lẽn nhìn chúng tôi, những du khách không chịu già, bata huỳnh huỵch đường lên núi, í ới chụp hình…

Cô hỏi: “Các chị ở miền Nam ra?”. Một chị trong đoàn nói: “Từ Sài Gòn. Em đi Sài Gòn bao giờ chưa?”. Cô cười, giọng nhẹ như gió thoảng: “Em chưa. Cũng mơ đến Sài Gòn một lần cho biết nhưng không có điều kiện”.

Tại bàn làm việc nơi cửa động, chúng tôi nhờ một hướng dẫn viên đi cùng. Thật thú vị khi cô hướng dẫn viên vừa thuyết minh, lại chụp hình giúp cho nhóm. Cô sử dụng iPhone khá thành thạo. Cô nói, bởi nhà cô có cửa hàng điện thoại và cô học chụp hình từ các tay máy chuyên nghiệp đến đây nên cô biết chỗ nào chụp đẹp thuận sáng, cách sắp xếp người… Cả đoàn chúng tôi ai nấy đều hài lòng với những tấm hình chụp sáng, đẹp, ảo diệu trong động Thiên Ðường.

Lúc trở ra, tôi đi cùng cô. Ðược biết, cô tốt nghiệp cao đẳng, làm nơi đây hơn 10 năm rồi. Lương không cao nhưng chấp nhận được. Thỉnh thoảng có tiền thưởng của khách.

Tôi hỏi thăm cô về một cô bé chụp hình tôi gặp 11 năm trước ở Thiên Ðường mà tôi không nhớ tên, chỉ biết nhà cô ấy ở Phong Nha.

Xem thêm:   1 giàu to 2 vướng nợ

Cô cười: «Thế thì cháu chịu. Nhưng những người chụp hình ở Phong Nha xưa kia giờ nghỉ hết rồi, cô ạ”.

Chúng tôi xuống chân núi theo lối bậc cấp, thong thả, nhẹ nhàng và ra bãi đậu xe bằng xe điện. Ngồi cạnh tay lái, tôi hỏi chuyện cô tài xế tên H năm nay 35 tuổi mà đã có bốn đứa con. Cuộc sống khá vất vả với đồng lương eo hẹp. Mùa đông khách được khoảng bốn triệu rưỡi một tháng, mùa vắng khách chỉ còn ba triệu rưỡi.

H theo đạo Công Giáo. Cô nói, vùng Phong Nha Kẻ Bàng này hết 95% là người Công giáo. Có ba giáo xứ là Bàu Sen, Chày và Hà Lời. Cô ở giáo xứ Bàu Sen, làm ca đoàn trưởng. Con trai H chơi đàn cho nhà thờ, là Cha xứ nhờ thầy về dạy nhạc cho cháu.

Cô nói, cháu tính vào Sài Gòn làm việc nhưng chưa đi được vì ca đoàn chưa có người thay. Khi nào tìm được ai thay, cháu mới đi. Thu nhập nơi đây không đủ sống. Ngày làm, ngày nghỉ. Ngày nghỉ thì không phải mất tiền gửi con.

Tôi hỏi H, nếu vào miền Nam thì làm gì? H nói, cháu có nghề may mặc, cháu sẽ xin làm công nhân nơi nào đó. Tôi hỏi tiếp, nếu không xin được làm công nhân thì sẽ làm gì? H trả lời: “Cháu giúp việc nhà”.

Chồng H làm phụ hồ, mỗi tháng kiếm được khoảng bốn triệu rưỡi. Bốn đứa con đang tuổi lớn, chỉ có cách duy nhất là H phải gửi con cho nội ngoại để đi làm xa, chắt chiu gửi tiền về nuôi con ăn học.

Tôi nhìn gương mặt H, tuổi 35 không buồn không vui. Tôi đã đến vùng Phong Nha Kẻ Bàng lần thứ tư, các cô gái ở đây đều có gương mặt ưa nhìn, vóc dáng nhỏ, gầy. Không học hành nhiều, tuổi hai mươi chưa lập gia đình bị coi quá lứa, lỡ thì. Lấy chồng lại cắm mặt làm lụng nuôi con.

2

Tôi nhớ lại câu chuyện 11 năm trước, tôi đặt tên cho câu chuyện ấy là: “Mưu sinh ở Thiên Ðường”. Cô bé ấy giờ làm gì?

Tôi không hỏi tên em. Tạm gọi em là A. A có vóc người mình dây, nhỏ nhắn, gương mặt khắc khổ, nước da mai mái đặc trưng người dân vùng nông thôn Quảng Bình. Em quá giang xe chúng tôi từ đoạn rẽ Phong Nha để lên động Thiên Ðường.

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Xe rộng, chẳng ảnh hưởng gì khi thêm một người. Vả lại, đoạn đường từ Phong Nha đến động Thiên Ðường khoảng hơn 20km nếu không quá giang được xe, chắc chắn em phải đi xe ôm. Lý do em xin nhờ xe để đến Thiên Ðường chụp hình. Tài xế cũng yên trí vì có người hướng dẫn không sợ bị lạc đường.

Chúng tôi mua vé vào đường lên động 120 ngàn đồng/người, đồng thời thuê luôn chiếc xe điện 8 chỗ đi vào.

Em cũng mua một vé 120 ngàn đồng. Lúc lên xe điện, 8 người ngồi còn rộng rãi, thấy em làng chàng bên xe ngỏ ý muốn xin đi nhờ, chúng tôi đồng ý. Thế nhưng, bảo vệ không cho em lên với lý do, xe không được chở quá 8 người. Vậy là em đành cuốc bộ quãng đường gần 2km.

Không hiểu em đi bằng cách nào mà xe điện vừa đỗ xịch đã thấy em lù lù xuất hiện. Từ đó em bám theo đoàn: “Mấy anh chị chụp cho em vài tấm”. Tôi ái ngại: “Ðoàn ai cũng có máy hình, em theo mấy đoàn kia đi”, nhưng em không chịu cứ bám riết chúng tôi.

Chúng tôi ai nấy cắm cúi đi lên hơn 500 bậc cấp, vừa đi vừa thở. Ðến nơi lại thấy em đứng đợi tự hồi nào, đến nỗi đồng buột miệng: “Con bé này đi nhanh như sóc!”.

Vào động, em cứ lẳng lặng đi bên chúng tôi, thỉnh thoảng thốt lên câu: “Mấy anh chị chụp cho em tấm hình”. Tôi thấy ái ngại quá!

Cuối cùng mọi người trong đoàn cũng kêu em chụp giúp vài kiểu.

Hỏi, chừng nào có hình bởi còn phải đi mấy nơi sợ không kịp thời gian, em bảo: “Khi ra là có hình”.

Ði xem gần hết động, tôi giục em xuống rửa hình, kẻo trễ nhưng em không trả lời cũng không chịu xuống trước.

Ði cùng với em, tôi góp ý em nên thuyết minh thêm cho khách, hy vọng sẽ chụp được nhiều hình hơn, biết đâu, còn được khách thưởng tiền. Em nói: “Em không có đi học về thuyết minh”. Tôi bảo cần gì học, ngày nào cũng lên đây, nghe mấy cô thuyết minh riết thuộc lòng chứ. Em cười.

Xem thêm:   Lễ hội hoa anh đào ở Macon

Xuống đến chân núi mọi người giục em đi rửa hình, em trả lời là về Phong Nha mới có hình làm ai nấy nổi giận. Hóa ra tại Thiên Ðường không có dịch vụ rửa hình.

Xe điện ra ngoài  chẳng ai chú ý đến em nữa, ra đến nơi đã thấy em có mặt. Chúng tôi đành phải quay trở lại Phong Nha. Tính ra, em đi bộ và chạy gần 4km, leo lên xuống cả ngàn bậc cấp, nhanh còn hơn sóc!

Lên xe, tài xế cáu, mắng em không nói thật làm mọi người bị chậm chuyến đi. Càng mắng, em càng lí nhí lời xin lỗi.

Tôi hỏi, xong đợt hình này em có lên lại Thiên Ðường nữa không? Em nói buổi chiều ở nhà đi rẫy.

Lúc em đưa hình, tôi hỏi rửa một tấm em phải trả bao nhiêu, em nói 7 ngàn đồng. Tôi làm con tính, buổi sáng đi với chúng tôi như vậy, em kiếm chưa được 30 ngàn đồng.

Hỏi em tại sao không mua vé tháng vào Thiên Ðường? Em nói Thiên Ðường không bán vé tháng, em muốn vào chụp hình phải mua vé như du khách. Tôi hỏi sao không chụp hình ở Phong Nha mà đi xa vậy? Em bảo, một tuần em chỉ chụp ở Phong Nha ba ngày, còn lại là Thiên Ðường. Ở Phong Nha em mua vé 200 ngàn đồng/tháng. Em nói thêm, có ngày em lên Thiên Ðường lỗ vì không chụp được tấm nào hay chỉ vài tấm. Hỏi thêm mới biết, chỉ riêng Phong Nha đã có đến gần 400 thợ chụp hình như em. Mưu sinh quả là chật vật!

Một bác sĩ trong đoàn tặng em 100 ngàn. Tôi nghĩ, với số tiền được tặng, chắc hôm đó là ngày hạnh phúc nhất của em dù bị nghe mắng mỏ hơi nhiều!

ĐTTT

(*) Động Thiên Đường, cách Đồng Hới 60 km về phía tây bắc, được khám phá ra năm 2005. Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh khám phá từ năm 2005-2010 và năm 2010 họ công bố hang này có tổng chiều dài là 31.4 km, hang dài nhất Châu Á. Do vẻ đẹp của nhũ đá và măng đá trong hang, họ đã đặt tên hang này là Thiên Đường.