Thác Cam Ly – danh lam thắng cảnh biểu tượng của “Thành phố ngàn hoa”, “Thành phố mộng mơ” từng đi vào thơ, nhạc, họa, nay đối với tôi chỉ còn trong tâm tưởng…

Thác… vẫn bốc

mùi hôi!

Ðến Ðà Lạt hàng chục lần, lần đầu tiên là năm 1995. Ðiểm đến của tôi vẫn là thác Cam Ly (90, đường Hoàng Văn Thụ) bởi gần trung tâm thành phố. Thác nước đổ từ trên cao xuống xối xả, tung bọt trắng xóa. Không gian xanh, sạch, đẹp đúng nghĩa. Và sau này có trở lại vẫn ghé thác Cam Ly… Tôi nhớ như in, tháng 3 năm ngoái, tiết trời vẫn còn Xuân, tôi lên Ðà Lạt và không quên ghé Khu Du lịch thác Cam Ly. Khu Du lịch thưa vắng khách. Nói như một nữ nhân viên ở đây là do còn ảnh hưởng dịch COVID-19 nên ít khách; mùa khô nên thác ít nước… Song, rác thải các loại từ trên cao với xác súc vật chết theo dòng nước đổ về trôi lềnh bềnh dưới chân thác tạo nên mùi hôi nồng nặc thì… vẫn như cũ! Lúc bấy giờ có một đoàn khách 6 người xếp hàng đợi chụp ảnh. Một chị trong đoàn kêu ơi ới bạn xếp vào hàng. Có một cô gái cứ lừng khừng. Tôi đến gần hỏi vì sao vậy, cô đáp gọn lỏn: “Hôi quá, nín thở mà chụp ảnh làm sao cho đẹp được chú?”. Anh thợ chụp ảnh phải ra sức năn nỉ chặp lâu mới được cô ta đồng ý đứng vào hàng.

Lần này, chiều mồng hai Tết Quý Mão (23.1.2023) tôi mua vé 40 nghìn đồng/vé (năm ngoái 25 nghìn đồng/vé), vé gửi xe máy (5 nghìn đồng) vào thăm thác với nhiều hy vọng… sẽ khác trước. Cầu bắc qua dòng nước, các tiểu cảnh, tượng hình người, thú, gùi… đều mới được quét vôi đón khách du xuân. Nhưng khách vẫn lưa thưa, thác vắng vẻ. Chừng đâu hai mươi khách là cùng. Hầu hết là khách từ miền Tây, miền Ðông Nam Phần chứ khách miền Trung, miền Bắc không thấy lai vãng. Tôi hỏi một anh thanh niên đến từ phường Hóa An, thành phố Biên Hòa, Ðồng Nai, sau khi chụp ảnh cho người nhà, cảm tưởng về thác Cam Ly. Anh cười cười, nói thẳng: “Cảnh thì đẹp nhưng mà hôi quá!”. Một đôi vợ chồng khách du lịch khác, quê ở huyện Hóc Môn, TP. HCM, chia sẻ: “Lần đầu tiên được người bạn giới thiệu đến đây. Chúng em thấy khu du lịch sao mà vắng vẻ quá! Có lẽ mùi hôi đã khiến du khách không muốn đến”.

Cổng vào Khu Du lịch thác Cam Ly

Một nhân viên ở đây (xin giấu tên) cho biết, cứ mỗi buổi sáng, từ lúc 6 giờ, trước giờ làm việc, là 6 nhân viên tập trung lo mỗi việc vớt rác! Ngày nào cũng vậy, nhất là mùa khô vừa vớt rác vừa bị mùi hôi thúi xộc vào mũi, dù có bịt khẩu trang. Nếu vào mùa mưa thì rác trôi dần về hạ lưu ra tận… sông Ðồng Nai! Mùa khô, thùng xốp, bao nilon, xác súc vật chết, vỏ chai… dập dềnh trên mặt nước hồ dưới chân thác, có thứ tấp vào hai bên chân cầu bắc ngang mặt hồ… Anh nhân viên không giấu giếm khi kể với tôi: “Biết là môi trường ô nhiễm trầm trọng nhưng đâu có được đóng cửa, vẫn phải phục vụ. Chỉ khi mưa lớn gây ngập lụt mới ngừng đón khách. Khách cũng có người than phiền, có người chửi đổng là hôi thúi mà vẫn bán vé lấy tiền! Khổ lắm anh ơi!”. Du khách có mấy ai biết chọn mùa mưa mà đến thác để tránh mùi hôi? Thác vẫn không có gì khác, vẫn mùi hôi lưu cữu!

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Vì sao?

Sau năm 2010 thì thác Cam Ly không còn là điểm đến hấp dẫn của du khách phương xa như trước nữa do ô nhiễm môi trường. Nói danh lam thắng cảnh do Nhà nước quản lý sẽ không hiệu quả trong khai thác nhưng giao cho tư nhân để mong có sự thay đổi vẫn không thành. Lỗi do ai?

Trước kia, hoạt động du lịch chưa phát triển mấy. Nhà cửa, khách sạn, nhà hàng, quán tiệm không chen chúc như bây giờ. Ðà Lạt gần với thiên nhiên xanh. Làm gì có các biệt thự thời Pháp còn lại biến thành nhà tập thể cho cán bộ, viên chức nhà nước? Làm gì có máy điều hòa, quạt lạnh, quạt máy? Làm gì có ban đêm ngủ không cần phải đắp mền? Làm gì có chuyện rừng thông bị lén lút chặt phá? Những cánh rừng thông ngày càng lùi xa dần thành phố bởi bàn tay của con người đang tâm tàn phá. Dân lao động đến cán bộ nhà nước cũng “chung tay” đầu độc rừng thông bằng nhiều hình thức (khoét lỗ cây, đào rễ đổ thuốc diệt cỏ…) để chiếm đất, khai thác bán, cất nhà v.v. Thành phố Ðà Lạt như nóng dần lên! Với nếp sống… bất kể, bất chấp nên chi rác thải, nước thải cứ đổ ra sông suối. Bao bì đựng phân bón, hóa chất của các làng hoa cũng vất thải ra suối, trôi đâu thì trôi, cứ tìm chỗ thấp mà đến. Từ thượng nguồn, các khách sạn, nhà hàng kể cả nhà dân đều dùng ống xả nước thải đổ về suối, thác. Thế nên thác Cam Ly… lãnh đủ!

Hình tượng được sơn phết mới

Công tác quản lý đô thị của chính quyền thành phố Ðà Lạt qua hiện tượng ô nhiễm thác Cam Ly sau hơn 10 năm càng bộc lộ sự yếu kém khi không giữ được vệ sinh môi trường của một thắng cảnh quốc gia nổi tiếng, được xếp hạng từ năm 1998! Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Ðà Lạt được giao khai thác Khu Du lịch thác Cam Ly cũng hời hợt trong việc quản lý, kinh doanh. Thà đóng cửa chứ không thể hoạt động, khai thác kiểu “tận thu” trong khi thác bị ô nhiễm trầm trọng và hơn nữa là khiến du khách bất bình lẫn thất vọng đành phải quay lưng.

Xem thêm:   Dubai

Thôi, hãy bớt đi những ngôn từ văn vẻ, quảng cáo lừa mị nào là thác Cam Ly vẻ đẹp mê hồn, vẻ đẹp mê hoặc; không hối tiếc khi dừng chân ở thác; ngọn thác sinh thái, điểm phải dừng chân v.v. Mùi hôi đã đẩy du khách đi xa lắm rồi!

Hãy trả lại vẻ đẹp hoang sơ, trong lành cho thác Cam Ly với mùa khô thì róc rách, mùa mưa thì ầm ào sôi động và tuyệt không mùi hôi ô nhiễm! Hy vọng lần sau trở lại, thác Cam Ly sẽ không có nghĩa…thác là chết mà thật sự hồi sinh!

Nước sủi bọt bốc mùi hôi

LKD