tet-va-sau-tet4

Đường sách Nguyễn Văn Bình ngày Mùng Hai Tết với những ‘mọt sách’ say chữ

Qua Tết được năm ngày, trên lý thuyết, Tết đã hết. Các cơ quan nhà nước bắt đầu làm việc lại. Trong thực tế, ở miền Bắc, sau Tết, hội hè đình đám mới bùng lên mạnh mẽ. Bắt đầu là lễ hội Ðống Ða ngày Mùng Năm. Mùng Sáu hội Chùa Hương. Mùng Mười hội chùa Yên Tử, Mười Bốn hội Quan Họ Bắc Ninh… Mục đích của người đi lễ, ngoài chuyện du sơn ngoạn thủy, thay đổi không khí ngột ngạt chốn thị thành thì đơn giản là vui xuân, xả stress, cầu hạnh phúc bình an, phát tài phát lộc. Thế nhưng trong cách thực hành tín ngưỡng của số đông người tự nhận là đệ tử Phật, nhiều ‘hạt sạn’ thô thiển lộ diện. Hỏi một nhóm thanh niên, họ thú thực đi chùa chỉ vì ‘gần thi, nghe nói chùa thiêng lắm’, ‘có một xuất miễn phí, ngu gì nằm nhà’, ‘không đi bồ em nó giận, nó bỏ’. Các bà các ông làm ăn thất bại, nợ nần vây bủa, lận đận gia đạo còn ‘đời’ hơn. Chẳng cần biết Ðức Phật, Ðức Thánh sự tích ra sao, có công đức gì, chỉ biết ‘sắm mâm lễ vật to ‘vật vã’, thuê người đội (vì nặng quá, đội không quen, rụt cổ), kèm tờ sớ chữ nho (cũng thuê ‘thầy’ viết, nội dung gì thì chỉ có Phật và ‘thầy’ đọc nổi), để lên bàn thờ, rồi xuýt xoa khấn vái (có người khấn thuê, đọc sớ thuê phụ họa)… Hết tiết mục khấn vái, tới tiết mục đốt mã, rải tiền công đức các khám thờ, hốc cây, khe đá được cho là thiêng…Một bà tiểu thương chợ Hàng Da – Hà Nội tính đốt ngón tay một hồi, nói nhẹ như không: ‘Cả đi cả về một ngày trời, từ thuê xe, mua các loại đồ lễ, thuê viết, thuê khấn đến xem bói, ăn uống… chỉ độ hai chục triệu’. Hai chục triệu, số tiền nuôi sống năm sáu gia đình nông dân một tháng.

tet-va-sau-tet5

Linh vật chó trên đường hoa Nguyễn Huệ

Ở Sài Gòn, chuyện ăn Tết, chơi Tết khiêm tốn và ngắn ngủi hơn miền Bắc. Nếu không ra khỏi thành phố, người dân sẽ dạo chơi đường hoa Nguyễn Huệ, chụp ảnh linh vật ‘Mậu… Phú Quốc’, hoặc trốn nắng trong Hội Hoa Xuân Tao Ðàn. Với thành tích 38 lần khai hội, quy tụ hơn 4000 hiện vật của đủ bộ môn sinh vật cảnh, năm nay Hội Hoa Xuân Tao Ðàn vẫn là điểm vui chơi lý tưởng. Người lớn tuổi rất thích khu trưng bày mai, lan, bonsai, đá cảnh… Thanh thiếu niên lại không thể bỏ qua tiết mục múa lân của các đoàn lân hàng đầu Sài Gòn – Chợ Lớn thay nhau trình diễn hàng đêm. Trong ba ngày Tết, lễ Phật xin xăm nở rộ tại chùa Vĩnh Nghiêm, Vạn Hạnh, Phổ Quang, Xá Lợi, Pháp Hoa, chùa Ông Bổn, Chùa Bà Thiên Hậu… Khác người miền Bắc, người Sài Gòn không đốt mã đầu năm, đội lễ dâng thánh kèm sớ tấu, nhét tiền lẻ vào miệng ngựa thờ, rồng, hạc, rùa đá, đặt tiền dưới pháp tòa Phật, nhét tiền vào tay Bồ Tát, sờ áo La Hán… Thời trang của các ‘Thị Mầu’ không còn áo yếm ‘mát lưng người mặc, nóng mắt người nhìn’ như mấy năm trước mà thịnh hành kiểu áo dài ‘chó đớp bảy ngày không tới’. Nữ đội mấn, mặc áo dài qua đầu gối cùng váy xòe đen, giầy cao gót. Nam áo dài gấm, quần jean, giầy Nike. Ðể có một bộ quốc phục như vậy, đi may chí ít cũng mất vài trăm ngàn nên thay vì may, nhiều bạn trẻ chọn cách thuê. Tùy kích cỡ và chất liệu vải gấm, ren thun, nhung, voan… giá thuê một bộ áo dài dao động từ 50,000 đồng tới 120,000 đồng một giờ. Trước hiện tượng áo dài cải cách bùng nổ dịp Tết Mậu Tuất, phải thẳng thắn thừa nhận, tuy tính thẩm mỹ còn có chỗ phải bàn nhưng áo dài cải cách đã chấm phá những mảng mầu tươi sáng, lạ mắt cho bức tranh ngày Tết phương Nam.

tet-va-sau-tet3

Một gian hàng chợ Tết

Suốt đêm Mùng Bốn, nguyên ngày Mùng Năm, liên tục những chuyến xe đò, xe gắn máy chở người kèm hành lý cồng kềnh từ miền Tây, miền Trung đổ về Sài Gòn cho viên chức, công nhân kịp đi làm trở lại vào Mùng Sáu. (Học sinh, sinh viên hết Mùng Mười mới trở lại trường). Dư hương Tết, chỉ còn trong những chậu cúc đầu thềm, những tấm hình ‘tự sướng’, những món ăn mang theo từ quê nhà và vài tờ tiền mừng tuổi có chữ đề tặng của ‘ai kia’. Nhưng dù sao, thế vẫn còn là có Tết, có vui. Chẳng bù cho những vùng không thiết Tết. Ðiển hình như huyện Xuyên Mộc, ‘thủ đô tiêu’ của tỉnh Bà Rịa Vũng Tầu, cách Sài Gòn hơn 150 cây số. Do năm ngoái nhuận một Tháng Sáu nên Tết năm nay trùng với mùa thu hoạch tiêu. Nhìn vườn tiêu chín đỏ, thay vì mừng vui hỉ hả, nhà vườn buồn nẫu ruột. Chợ ngày cuối năm, hoa tươi, dưa hấu, kẹo bánh, đồ trang trí, quần áo may sẵn… bày san sát lề đường. Mặc trẻ con kéo áo chỉ trỏ, cha mẹ cứ ngoảnh mặt bước qua. Hỏi nhiều người, đều nhận được chung một lời tâm sự: ‘Ba năm trước, tiêu 200,000 đồng một ký. Trồng tiêu xây nhà tiền tỷ ngon lành. Ai cũng tranh nhau cầm cố sổ đỏ mua đất trồng tiêu. Hậu quả là cung vượt cầu, giá rớt thê thảm, hiện còn 60,000 đồng một ký’. Nhân công hái tiêu (gọi tắt là công) phần lớn người Nghệ An, Quảng Bình, Long An, Cà Mau. Trước Tết, thấy giá tiêu xuống mạnh, họ nản, bỏ về quê sớm. Qua Tết, các chủ vườn tiêu Hòa Hiệp, Hòa Hội chạy đôn chạy đáo kiếm công. Thím Hai Mướp, bấm điện thoại liên tục. Không kết quả, thím cau có bực bội: ‘Giờ này mà còn ở miết ngoài quê! Mấy mẫu tiêu đã phải trải bạt…Chết luôn!’

tet-va-sau-tet2

Cầu may cầu phước không thể thiếu

Khác không khí tiêu điều của các vườn tiêu thiếu thợ, trung tâm y tế Medic Sài Gòn gần chợ Bưng Kè, ngày nào cũng có bệnh nhân. Xe cấp cứu chuyển bệnh chạy như tên bắn, hụ còi inh ỏi. Cách Medic hai cây số, là… trại hòm. Tết nhất nói chữ ‘hòm’, không hên. Ðúng! Nhưng ba ngày Tết, đi tắm biển nước cuốn, đi chơi núi trượt chân, đi thăm thú họ hàng, bạn bè bị ép ăn nhậu. Từ chối thì bị giận, bị choảng. Bệnh gan bệnh gút nại ra, không ai duyệt! Than tửu lượng kém, không ai tin! Bảo nhà xa, đường đông, lái xe lạng quạng, không ai nghe! Ðành nhắm mắt nốc ly lớn ly bé, rồi… cắt hộ khẩu trần gian. Báo hại ‘anh hòm’ có chuyện làm. Sơ sơ mấy ngày Tết, theo báo cáo của Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia thì cánh nhà hòm toàn quốc chỉ bán được có mỗi… 200 chiếc ‘vi- la sáu tấm’ cho những người bị ma men vật chết khi chạy xe!

tet-va-sau-tet1

Đi lễ chùa đầu năm, nhiều người chỉ đứng ngoài sân cho thoải mái

Nhìn chung, thời gian một tuần trước Tết, một tuần sau Tết cổ truyền, người Việt nào cũng ít nhiều đau bệnh vì Tết, nghèo khổ vì Tết, điên đầu vì Tết nhưng đồng thời cũng vui như Tết, sướng như Tết, bừa phứa như Tết. Nhằm hạn chế những thiệt hại, tổn thất về tiền của, thời gian, nhân mạng, nhiều người đòi noi gương thiên hạ bỏ Tết Ta hoặc nhập Tết Ta với Tết Tây ăn chung một lần cho gọn… nhiều người lại nhao nhao bảo là trăm ngàn lần không được.

Xem thêm:   Roma - La Mã

Tại sao không được? Không biết, chỉ biết là không được!

tet-va-sau-tet

Chợ Tết vắng vẻ ở xã Hiệp Hòa do tiêu ế.

XH