Một nữ bác sĩ gốc Việt ở Little Sài Gòn (quận Cam) lần nào gặp tôi cũng lật lật hồ sơ bệnh án đọc rồi hỏi câu: “Chị làm nail hả?” (Phát âm chữ “nail” không có “s.”) Lần thứ nhứt, tôi trả lời: “Không, tui làm nghề khác. Nói chung là không lao động nặng được do tui có nhiều thứ bịnh khác nữa.” Lần tái khám thứ hai, thứ ba, y chang như vậy, nữ bác sĩ cũng vẫn vừa lật lật hồ sơ (quay lưng về phía tôi) vừa hỏi câu ấy, và tôi cũng trả lời “Không, tui làm nghề khác. Phần lớn thời gian tui làm việc trên máy tính.” Lần thứ tư, vừa nghe câu: “Chị làm nail hả?” thì tôi bật ra luôn như cái máy: “Không, tui làm nghề khác. Tui bưng phở.” Tại ở Mỹ không có nghề phụ nữ cầm chổi tre quét rác ngoài đường và đẩy xe rác, nếu có thì tôi đã trả lời: “Tui quét rác.” luôn rồi. Thật tình, tôi không hiểu tại sao người gốc Việt ở đây gặp nhau cứ mặc định nhau làm “làm neo”? Mới gặp lần đầu thì không nói làm chi, đàng này gặp nhiều lần rồi và trả lời nhiều lần rồi, mà lần nào cũng hỏi câu: “Chị làm nail hả?” Giới làm nails ra đường thể hiện sang trọng hơn tôi nhiều chớ đâu bèo nhèo như tôi. Nghe đồn (và chính tôi đã thấy) họ đi xe mới, xài quần áo giày dép đồ hiệu, điện thoại đời mới và mặt luôn “make up” sáng rỡ, nhiều người “đại tu” thẩm mỹ viện luôn cả khuôn mặt. Tôi thì khi cần thiết mới make up, phần lớn những lần ra đường tôi đều mặc quần áo lèng èng rẻ tiền, và để mặt mũi tự nhiên. Nhứt là đi bác sĩ thì cần thiết phải để da mặt không bị son phấn che phủ thì bác sĩ mới đánh giá được chính xác tình trạng sức khỏe của mình như thế nào qua biểu hiện của làn da.

nguồn: eandt.theiet.org 

Người Việt lạ lắm, cứ thấy ai đạt thành tích gì đó (ông nghị này bà nghị kia hoặc giữ chức vụ trong chính phủ hơi bự bự) thì vội vàng vơ vào đăng Facebook “tự hào” ngay lập tức, dù người kia chẳng hề biết mình là “thằng cha căng chú kiết nào.” Mặt khác, người ta “vinh” thì gia đình người ta, bạn bè người ta hưởng, người ta có cho mình “ké” chút nào đâu, mỗi ngày mình vẫn phải nai lưng ra cày như trâu để kiếm tiền tự nuôi thân, cuộc đời mình vẫn cứ vậy không có gì thay đổi, vậy mình “tự hào” vì cái gì? Cho nên các cụ nhà ta ngày xưa có câu: “Thấy người sang bắt quàng làm họ,” “Thương vay khóc mướn.” Và cũng từ hiện tượng này mà đẻ ra hiện tượng tự phong nghề này “cao quý” hơn nghề kia rồi cứ vơ vào “tự hào” đồng hương nào hành nghề “cao quý,” dù mỗi lần cần tới dịch vụ của họ thì họ cũng thu tiền sòng phẳng chớ không bớt 1 xu nào (Chưa áp dụng câu “Quen mặt đắt hàng” là có phước rồi,) còn đồng hương nào làm nghề “bình dân” thì không thấy ai “tự hào” hết trơn hết trọi.

Xem thêm:   Nguyễn Đức Đạt một cung đàn lạc quan

Tánh tôi hễ thấy cái gì chướng mắt, trái tai thì hay nói nhiều, gọi là “tạt gáo nước đá” vô cái sự – sung – sướng – đang – nóng – hôi – hổi của thiên hạ, nên cũng nhiều người ghét tôi lắm. Mặc kệ, tôi vẫn thường hay nói nghề nghiệp là sự phân công lao động hợp lý, người làm việc này người làm việc kia, sống trong xã hội thì mọi người nhờ vả lẫn nhau và biết ơn lẫn nhau chớ không tự cung tự cấp một mình như thời ăn lông ở lỗ được. Thử nghĩ coi một ngày đẹp trời nào đó mà ông lái xe đổ rác nghỉ làm việc thì kỹ sư, bác sĩ, luật sư, ông nghị bà nghị, quan chức tai to mặt bự, áo gấm cổ cồn, v.v. đều thúi hoắc hết. Tưởng đâu chỉ là nói chơi cho vui, ai ngờ cái sự “thúi hoắc” cả tuần nay đã hiển hiện thành “sự thật kinh hoàng” ở quận Cam.

Ngọn lửa đình công nhóm lên ở thành phố Huntington Beach mới đây lan ra các thành phố Garden Grove, Anaheim và Fullerton, Santa Ana, Fountain Valley, Yorba Linda, Brea, Chino Hills, Villa Park, La Habra Heights, Placentia, Seal Beach, khu du lịch nhà giàu Disneyland và đang có nguy cơ lan tỏa ra toàn quận Cam (34 thành phố,) tất nhiên cư dân gốc Việt ở Little Sài Gòn cũng bị ảnh hưởng trầm trọng. Phụ trách vấn đề đổ rác ở quận Cam do công nhân của hãng dịch vụ Republic Services và họ đang đình công, những công nhân này cũng là thành viên nghiệp đoàn Teamsters Local 396. Sau khi hợp đồng lao động đã hết hạn vài tháng trước nhưng giữa công nhân và hãng dịch vụ không đạt được thỏa thuận trong việc ký hợp đồng lao động mới dẫn tới việc có khoảng 400 nhân viên Republic Services đình công. Phía công nhân cho rằng “hợp đồng lao động bất bình đẳng” (“unfair labor practice”) và cư dân thì phải “dài cổ” chờ đợi được đổ rác cho tới hết tuần sau trong khi chờ hai bên thương thảo hợp đồng mới. Phần lớn công nhân là người gốc Latino và da đen. Theo Teamster, công ty Republic Services không chịu thay đổi điều kiện hợp đồng và “đe dọa” các công nhân tham gia đình công. Teamster cũng tố cáo rằng công ty đang tổ chức “đi đêm” với số ít công nhân mà không thương thảo hợp đồng công bằng hơn với số đông.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Tuy nhiên, không phải tất cả các khu vực đều bị ngừng đổ rác. Tỷ như tại các thành phố khu vực Little Sài Gòn và vùng phụ cận thì có nơi vẫn được đổ rác bình thường, có nơi không, và các bệnh viện, trường học, những nơi cần chú ý an toàn y tế công cộng vẫn được đổ rác.

Hội đồng các thành phố thông báo dân chúng tạm thời để thùng rác ngoài đường, nếu ai cần đổ gấp thì phải tự mình chở rác tới 5 địa điểm đổ rác công cộng được quy định, bao gồm bãi đất trống Gothard Street Public Works Yard, công viên Greer, công viên Edison, công viên Murdy, và sân golf Meadowlark. Ðây là một vấn đề khó khăn cho cư dân khi không phải gia đình nào cũng có xe truck mui trần chở rác, làm cách nào khiêng thùng rác (nhà bếp) lên xe cá nhân, cũng không thể moi rác trở ra cho vô từng bịch nilon nhỏ hơn, và tiền đổ xăng đã tăng gấp hai (so với đầu năm 2020) khiến cho nhiều người ngại nổ máy xe. Mà nếu cứ chất chồng trong những thùng rác “há mồm” (vì quá đầy) ngoài đường thì vấn đề bay mùi hôi khắp nơi là điều không tránh khỏi.

Riêng Hội Ðồng Thành Phố Huntington Beach đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp địa phương vào ngày Thứ Tư (Dec 15,) nhằm huy động lực lượng từ cảnh sát và nhân viên chữa cháy của thành phố để tìm cách dọn dẹp rác thải đang dần dần tràn ngập các con đường.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 11 tháng 4 năm 2024

Truyền thông, nghiệp đoàn Teamsters Local 396 và hãng dịch vụ Republic Services không nói rõ điều kiện thương thảo, nhưng chúng ta có thể hiểu phần lớn các cuộc đình công xảy ra đều do đòi tăng lương, giảm giờ làm, hưởng bảo hiểm và lương hưu tốt hơn. Trong tình hình hiện nay, yêu cầu đòi tăng lương là cần thiết bởi vật giá leo thang ít nhứt là 12%. Tuy nhiên, do dịch bệnh, dân chúng bị mất thu nhập nên đòi hỏi cư dân trả tăng giá tiền đổ rác cũng là một vấn đề nan giải đối với các bên.

Ngược lại, có người nói rằng “những người cầm bảng đình công mập mạp trắng trẻo” chắc “sướng muốn sướng thêm.” Quỷ thần ơi, tôi nghèo nhứt nước Mỹ đây nhưng ngồi một chỗ nhiều nên cũng ú nu. Nghèo mới không có thời gian thể dục, ăn kiêng, chớ giàu họ đi gym suốt làm sao mập nổi.

Chưa bao giờ người ta cảm thấy “ông lái xe đổ rác” có giá như lúc này. Hồi nhỏ, khi mong ngóng ai đó người lớn thường ví như ngóng “Má đi chợ về,” thì bây giờ thay vô câu “Má đi chợ về” là “Ông lái xe đổ rác.”

TPT