Hoa Kỳ là một quốc gia đã dang tay đón nhận người tị nạn không phân biệt sắc tộc. Có những người, sau khi ổn định cuộc sống đã góp công, góp sức trong công việc giúp đỡ những người tị nạn đến sau, như một cách đáp trả ân tình cho đất nước đầy lòng nhân ái, đã cưu mang và tạo cho mình cơ hội để đạt được sự thành công tốt đẹp trên quê hương thứ hai. Một trong số những người ấy là Tiến sĩ Walter Nguyễn.

Xin mời quý độc giả theo dõi cuộc trò chuyện dưới đây…

Tiến Sĩ Walter Nguyễn

Sinh Đặng (SĐ):  Chào Tiến sĩ Walter Nguyễn. Được biết năm 17 tuổi ông đã được học bổng sang Mỹ du học theo dạng “trao đổi học sinh”. Xin ông cho biết, học sinh được chọn phải đạt tiêu chuẩn nào và vài nét về chương trình này trong thời điểm đó.

Tiến sĩ Walter Nguyễn (WN): Năm 1967, tôi được sang Mỹ theo chương trình trao đổi học sinh (AFS) khắp thế giới của một tổ chức tư nhân Hoa Kỳ, nhằm mục đích trao đổi văn hóa. Tiêu chuẩn tuyển chọn là học sinh giỏi lớp 11 ở các trường trung học. Tại Ðà Nẵng, tôi là một trong hai học sinh được chọn. Học sinh được tuyển chọn sẽ được cấp học bổng qua Mỹ, để theo học lớp 12 trong thời gian một năm. Tôi được một gia đình người Mỹ ở tiểu bang Wisconsin nhận nuôi và theo học tại trường trung học địa phương. Tốt nghiệp trung học tại Mỹ với bằng cấp tương đương bằng Tú Tài 2, tôi trở về Việt Nam, theo học ban Anh ngữ tại đại học Văn khoa, sau đó tiếp tục lên cao học với ngành Ngữ học. Năm 1973, sau khi tốt nghiệp, tôi được tuyển vào làm việc tại Bộ Dân Vận Chiêu Hồi, Trung tâm Dân Vụ và Cục Thông tin Quốc ngoại. Chức vụ là Chủ sự phòng liên lạc báo chí.

SĐ: Ông đến Mỹ năm nào? Tiếp tục học hay đi làm và lập gia đình?

Tiến sĩ WN: Tôi vượt biên cuối năm 1982, định cư tại Mỹ năm 1983 và được gia đình người Mỹ đã “nuôi” tôi 16 năm trước ở Wisconsin bảo trợ. Ở đây, tôi  đi làm hai năm. Ðến năm 1986, tôi học cao học ở đại học Minnesota, thành phố Minneapolis và tốt nghiệp 1988. Sau đó, được tuyển vào làm việc tại quận hạt Hennepin. Năm 1989 tôi về Dallas, làm việc cho một bệnh viện tâm thần tại Palestine City, cách Dallas 120 miles và lập gia đình năm 1990. Cùng năm đó, tôi ghi danh học tiến sĩ tại đại học UTA và tốt nghiệp năm 1994.

TS. Walter Nguyễn trong ngày tốt nghiệp (1994)

SĐ: Động lực nào đã gợi ý cho ông thành lập Trung tâm Tư vấn Đông Dallas? Đây là cơ quan thiện nguyện tư nhân hay trực thuộc một hệ thống xã hội nào của tiểu bang hay liên bang?

Tiến sĩ WN: Năm 1990 tôi được cơ quan Dallas Challenge tuyển dụng làm việc. Cơ quan nầy muốn thành lập trung tâm East Dallas Counseling Center để giúp đỡ người tị nạn, đặc biệt là thanh thiếu niên Ðông Nam Á. Họ cần người điều hành là người Á Ðông. Sau 3 năm, họ giao luôn cơ quan nầy cho tôi. Từ cơ sở đó, năm 1993  tôi thành lập một cơ quan từ thiện độc lập và vẫn giữ tên cũ. Thông qua chương trình giáo dục về ma túy và tư vấn về ma túy cho thanh thiếu niên và các gia đình ở Ðông và Ðông Nam Dallas như ban đầu, cơ quan đã mở rộng thêm các dịch vụ y tế, xã hội cho người tị nạn và người nhập cư.

Xem thêm:   Người nhập cư ở Sài Gòn

SĐ: Khi cơ quan đổi tên, thì Mosaic có tiếp tục chương trình giúp cho người tị nạn như ban đầu không? Có bao nhiêu chương trình khác mà cơ quan ông đã đề ra?

Tiến sĩ WN: Khi mở rộng phục vụ các nhu cầu, chúng tôi nhận thấy không chỉ giới hạn trong phạm vi Ðông Dallas.

Năm 1997, chúng tôi thành lập Chương trình Chống Bạo hành Gia đình Ða Văn Hóa. Năm 2001, mở rộng các dịch vụ cho nạn nhân của nạn buôn người và thành lập chương trình Chống Buôn Người đầu tiên trong tiểu bang. Do đó, năm 2003 tên cơ quan được đổi thành Mosaic Family services.

Mosaic vẫn giúp người tị nạn và vẫn được chính phủ trợ cấp ngân sách giúp người tị nạn. Những dịch vụ trợ giúp về y tế, xã hội và  những trợ cấp khác để ổn định cuộc sống, kể cả việc giúp thủ tục xin thẻ xanh và thi quốc tịch. Các dịch vụ hoàn toàn miễn phí. Cơ quan có nhân viên giúp đỡ làm hồ sơ gửi lên Sở Di Trú, bổ túc và cập nhật hồ sơ. Sau nầy, có rất nhiều người đến từ Miến Ðiện, Afghanistan, Iraq, Congo v. v.

Từ hai chương trình giúp đỡ nạn bạo hành và buôn người, vì nhu cầu cơ quan có thêm hai chương trình nữa là cố vấn pháp lý và tư vấn tâm lý. Hai chương trình nầy được mở rộng, không phải chỉ riêng nạn nhân của bạo hành hay buôn người mà còn giúp những người nghèo khi gặp vấn đề pháp lý hay tâm lý. Có rất nhiều nhu cầu phục vụ, về pháp lý thì có luật sư, về tâm lý có chuyên viên tư vấn, về nhà cửa và các phúc lợi xã hội thì có  sự hướng dẫn của các nhân viên thông thạo trên 25 ngôn ngữ.

Walter Nguyễn và gia đình bảo trợ (1985)

SĐ: Để giúp những nạn nhân tránh được bạo lực gia đình hay buôn người, Mosaic có cơ sở nào cho họ tạm trú an toàn không?

Tiến sĩ WN: Khoảng năm 2000, chương trình Chống Bạo Hành đã gây quỹ được 500 ngàn đôla. Chúng tôi mua một chung cư (apartment) có 8 phòng, làm trung tâm tạm trú (shelter) cho những nạn nhân đủ mọi sắc tộc. Sau đó, một dòng tu của các nữ tu công giáo từ Pháp, cho sử dụng miễn phí một “building” hai tầng, có 10 phòng -chúng tôi đặt tên  Mosaic House – trong khu đất rộng 62 mẫu, vùng Oak Cliff. Tại địa điểm này, chúng tôi phục vụ được nhiều nạn nhân hơn và là nơi tạm trú của 46 nạn nhân, thay vì 30 như chỗ cũ.

Xem thêm:   Trùm Q

SĐ: Các nạn nhân được giúp đỡ thế nào tại nơi tạm trú của Mosaic House và thời gian là bao lâu?

Tiến sĩ WN: Hiện tại, những nạn nhân phụ nữ và trẻ em trốn khỏi bạo lực gia đình và nạn buôn người, phải trốn khỏi nhà để tìm sự bảo vệ an toàn. Ðối tượng nầy không nhất thiết phải là tị nạn, mà tất cả các di dân của Texas đủ điều kiện sẽ được cung cấp nhà ở an toàn, thực phẩm, quần áo, đồ dùng vệ sinh, y tế, đồ gia dụng cùng các nhu cầu pháp lý và tư vấn tâm lý. Thời gian tối đa là 3 tháng. Tại trung tâm tạm trú có một đội ngũ nhân viên phục vụ đa văn hóa túc trực 365 ngày trong 1 năm, hầu giúp đỡ các nạn nhân qua các dịch vụ nói trên, để họ xây dựng lại cuộc sống và hướng tới sự độc lập và tự túc.

Sau khi hết thời gian tạm trú tại Mosaic House, nếu cần, nạn nhân sẽ được giúp đỡ để có thể chuyển qua Transitional Housing, một địa điểm khác. Ðây là “apartment”, thời gian cư trú được dài hạn hơn, cho đến khi nạn nhân có thể tự túc cuộc sống mới.

TS. Walter cùng song thân.

SĐ: Xin ông cho biết về mô hình tổ chức điều hành cơ quan.

Tiến sĩ WN: Thành phần Ban Quản trị gồm có:

-Walter H. Nguyen, Ph. D:  Giám đốc điều hành.

-Ngọc Hân Lê, CPA: Giám đốc tài chính

-Kirk DeCardenas: Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

-Cindy J. Young: Phó Chủ tịch.

-Lloyd M. Ruffle: Thủ quỹ Hội đồng Quản trị

-Ashley Settle Podesta: Thư ký Hội đồng Quản trị.

SĐ: Ngân sách điều hành cơ quan từ thiện mà ông thành lập có từ đâu?

Tiến sĩ WN: Có ba nguồn chính, một là của Sở Tị nạn Liên bang, hai là  Bộ Tư pháp Liên bang, ba là Bộ Y tế và Xã hội tiểu bang. Ngoài ra còn nguồn thứ tư là những “foundation” tư nhân, tức là quỹ tài trợ do những tổ chức hoặc cá nhân lập ra, để tài trợ nhân đạo hay những hoạt động có ích lợi cho cộng đồng, xã hội. Theo luật, quỹ nầy có quyền đầu tư nhưng mỗi năm phải trích ra tối thiểu 5% ngân sách của họ cho các cơ quan từ thiện khác, hoặc tôn giáo, giáo dục v.v. Do đó, cơ quan Mosaic có quyền xin, bằng cách phải gửi đề xuất (proposal) cho họ. Riêng ở Texas có cả ngàn Foundation như vậy. Nếu đề án gửi xin được chấp thuận thì mình sẽ có ngân sách.

Gia đình TS. Walter Nguyễn

SĐ: Xin ông cho biết về chương trình pháp lý miễn phí giúp nạn nhân.

Tiến sĩ WN: Chúng tôi có 4 luật sư và 2 trợ lý, được tài trợ bởi ngân sách Bộ Tư Pháp liên bang và tiểu bang để giúp hai đối tượng là nạn nhân bạo hành và buôn người. Trước tiên, luật sư sẽ giúp nạn nhân có giấy RO (lệnh cấm) của tòa án của County, để cấm người hành hung đến gần nạn nhân.

Xem thêm:   Sông nước quận 8

Cách đây khoảng 10 năm, Liên bang có luật VAWA (violence against women act) cho phép nạn nhân là phụ nữ di dân bất hợp pháp có đủ bằng chứng bị bạo hành, nhờ luật sư của trung tâm nầy lập hồ sơ, xin cho họ hưởng quy chế thường trú. Luật nầy gọi là “Self petition”, tức là nạn nhân tự nộp hồ sơ xin hưởng thường trú mà không cần người bảo lãnh. Có rất nhiều người Thái, Ðại Hàn, Phi Luật Tân và Việt Nam hưởng được đặc ân này.

SĐ: Thưa ông, với những đóng góp tích cực trong suốt thời gian làm việc, ông có nhận được phần thưởng nào không?

Tiến sĩ WN:  Dạ, năm 2005 tôi được UTA trao giải thưởng cựu sinh viên ưu tú (Distinguished alumni award). Ðây là giải thưởng cao quý nhất trao cho cựu sinh viên đã có những đóng góp lớn cho cộng đồng và xã hội. Năm 2011, tôi được bình chọn và trao tặng giải thưởng Liberty Bell Award (giải thưởng cái chuông tự do) bởi Texas Association of Young Lawyers (Hiệp hội những luật sư trẻ) nhờ sự đề cử của dân biểu kiêm luật sư Rafael Anchia.

TS. Walter Nguyễn nhận giải thưởng của Crystal Charity Ball dành cho Mosaic Family Services

SĐ: Được biết, lập gia đình và có con rồi ông mới trình luận án tiến sĩ. Có nghĩa là ông vừa đi làm, vừa đi học, vừa phụ giúp săn sóc con cái. Động lực nào giúp ông có thể đảm nhận được nhiều công việc như vậy?

Tiến sĩ WN: Ðộng lực chính là đam mê học hỏi, muốn đạt được những kiến thức và bằng cấp cao nhất để có thể cạnh tranh với những người bản xứ.

SĐ: Đã đến tuổi hưu, ông có định nghỉ hưu trong năm nay không?

Tiến sĩ WN: Năm nay, tôi đã nộp đơn xin Hội đồng Quản trị về hưu mặc dù có hơi trễ, nhưng Hội đồng chưa tìm được người thay thế, nên yêu cầu tôi làm việc thêm một thời gian nữa cho đến khi họ tìm được người.

SĐ: Ông có lời khuyên gì với đồng hương về nạn buôn người, bạo hành, không chỉ vợ, mà có khi người chồng cũng là nạn nhân?

Tiến sĩ WN: Chúng ta phải tìm hiểu về luật pháp Hoa Kỳ để không trở thành nạn nhân hay người chủ mưu một cách vô tình hay cố ý, vì khi đã phạm tội thì luật pháp không tha, đồng thời hướng dẫn những đồng hương mới qua, bà con, bạn hữu, hiểu thêm về quyền tự do, cũng như sự tôn trọng nhân phẩm mỗi con người ở xã hội này.

SĐ: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.

Tiểu sử Tiến sĩ Walter Nguyễn

-1967: Được học bổng đi Mỹ theo chương trình AFS.

-1968: Tốt nghiệp High School, trở về VN

-1973: Tốt nghiệp Cao học ngành Ngữ học tại

Đại học Văn khoa, Sài Gòn.

-1973: Làm việc tại Trung tâm Dân vụ

Cục Thông tin Quốc ngoại.

-1982: Vượt biên.

-1983: Định cư tại Mỹ.

-1986: Học Cao học tại Đại học Minnesota.

-1993: Gầy dựng cơ quan Mosaic.

-1994: Trình luận án tiến sĩ về SS Work tại Dallas.