Nữ tài tử Kiều Chinh là một tên tuổi lớn của điện ảnh VNCH trước 75 và của cộng đồng người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ và hải ngoại. Bà đã tham gia đóng rất nhiều phim của Mỹ.

Bìa sách  

Sau hai buổi ra mắt sách tại tiểu bang Washington DC và Houston, Texas, nữ tài tử Kiều Chinh đã trở về Quận Cam, California để ra mắt cuốn hồi ký của bà tại đây vào ngày 10 tháng 10, 2021. Buổi ra mắt hồi ký “Kiều Chinh-Nghệ Sĩ Lưu Vong” được tổ chức tại nhà sách Tự Lực tại Little Saigon. Nét đẹp, tài năng và sự nghiệp thành công đã làm nhiều người biết đến và bà nổi danh như cồn. Từ lúc chưa khai mạc đã có nhiều người hâm mộ đợi sẵn trước nhà sách để được gặp bà, mua sách và bày tỏ lòng yêu mến cùng bà.

Kiều Chinh trong chiếc áo dài lụa màu vàng, ngồi ký sách cho độc giả luôn tay với nụ cười vẫn rất duyên dáng là một hình ảnh đẹp và đầy ấn tượng. Người mua sách xong đứng xếp hàng dài cho bà ký sách, và chụp hình với bà. Các đài truyền hình quay và phát trực tiếp buổi Ra Mắt Sách (RMS). Nhà báo Ðinh Quang Anh Thái điều khiển chương trình buổi RMS một cách linh hoạt và trôi chảy, ông nhận ra được nhiều nhân vật nổi tiếng hay có tên tuổi đến tham dự để giới thiệu cùng quan khách. Ông còn vui miệng kể những câu chuyện và kỷ niệm liên quan tới Minh tinh Kiều Chinh rất thú vị. Tỷ như, chuyện thời xưa khoảng năm 1993 khi phim “The Joy Luck Club” vừa chiếu tại rạp. Khán giả VN đi xem phim này rất đông vì nghe tin có tài tử Kiều Chinh đóng. Ðinh Quang Anh Thái ngày đó hàn vi, lái Taxi cùng Phạm Huấn, Mai Chửng và một số bạn bè văn nghệ cũng hành nghề này. Cuối buổi trình chiếu khán giả ra về bằng Taxi nên Ðinh Quang Anh Thái  và bè bạn trúng mối. Ai cũng mừng vui và cám ơn Kiều Chinh lia lịa vì bà mà họ được đắt hàng. Một câu chuyện nữa làm quà liên quan tới Ðại Sứ Bùi Diễm tại Mỹ như sau. Ông Bùi Diễm là người đã viết cuốn hồi ký nổi tiếng “Gọng kềm lịch sử” và cũng là người thực hiện cuốn phim “Hồi chuông Thiên Mụ” (1957). Khi ấy Kiều Chinh được Bùi Diễm và tài tử Lê Quỳnh mời đóng vai ni cô Như Ngọc là vai chính trong phim. Vào một chiều Tháng Tư sau này, cụ Bùi Diễm tới thăm Kiều Chinh tại ngôi nhà cũ ở Studio City. Cụ bảo nhỏ với Ðinh Quang Anh Thái  là “ Kiều Chinh ngày trước xinh lắm đấy nhé, bây giờ vẫn còn xinh”. Ðinh Quang Anh Thái  bảo sao cụ không nói thẳng với chị ấy. Cụ trả lời “Muốn nói chứ, mà không dám!!!”.

Xem thêm:   Xe ôm... ôm những nỗi niềm!

Nhà văn Nguyễn Ðình Toàn đang trong tình trạng sức khỏe rất yếu, chống gậy đến dự, ngồi bên KC phải thốt lên  “Anh ngồi bên cạnh em anh run lắm, run … hết cả người”.  Ðinh Quang Anh Thái  nói “May mà anh Toàn không bị bệnh tim, không thì …”

Nhà văn Doãn Quốc Sĩ và Kiều Chinh. Photo: Trịnh Thanh Thủy / Trẻ


Sự nghiệp điện ảnh của Kiều Chinh

Tài tử Kiều Chinh đã đóng trong các phim:

Hồi chuông Thiên Mụ (1957). 

A Yank in Vietnam (1964)

Operation C.I.A. (1965) 

Người tình không chân dung (1971),

M*A*S*H (1977)

The Children of An Lac (1980),

The Letter (1982), 

The Girl Who Spelled Freedom (1986),

Hamburger Hill (1987),

Gleaming the Cube (1988),

Catfish in Black Bean Sauce (1999), 

What’s Cooking (2000), Face (2002),

Returning Lyly (2002).

The Joy Luck Club 

Vượt sóng (Journey from the Fall)

Kiều Chinh tại nhà riêng. Photo: Trịnh Thanh Thủy / Trẻ

– Năm 1996, Viện Khoa học và Nghệ thuật Truyền hình Mỹ (Academy of Television Arts and Sciences) đã trao giải Emmy cho phim tài liệu Kieu Chinh: A Journey Home của đạo diễn Patrick Perez / KTTV.

– Năm 2003, tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc tế (Vietnamese International Film Festival), Kiều Chinh được trao giải thưởng Thành tựu Suốt đời (Lifetime Achievement Award). Cũng trong năm 2003, tại Liên hoan phim Phụ nữ (Women’s Film Festival) ở TorinoÝ, Kiều Chinh được trao giải Diễn xuất Đặc biệt (Special Acting Award).

– Ngày 15 tháng 3 năm 2021, tại thành phố Los Angeles, tiểu bang CalifoniaHoa Kỳ, Kiều Chinh đã vinh dự nhận giải thưởng Thành tựu trọn đời do Ban tổ chức Liên hoan phim Thế giới Châu Á (AWFF) trao tặng

Xem thêm:   Mùi hương bí ẩn ở Bagan

Các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, hoạ sĩ, diễn viên, người mẫu, ca sĩ, đạo diễn, chính khách, v.v. tham dự rất đông. Tất cả đều đứng xếp hàng mua sách và đợi bà ký tên. Ai cũng muốn có chữ ký bà trong sách như một lưu niệm ý nghĩa.

Thị Trưởng thành phố Westminster, Quận Cam cũng có mặt, ông phát biểu cảm tưởng khi được hỏi ông nghĩ gì về sự kiện ngày hôm nay.

– Hôm nay là ngày RMS, cuốn hồi ký của Kiều Chinh tại nhà sách Tự Lực mà thời tiết lại rất đẹp và ấm áp. Bà là một  tên tuổi rất quen thuộc với cộng đồng người Việt chúng ta tại hải ngoại. Bà đã có nhiều đóng góp trong nền điện ảnh tại VN trước kia và Hoa Kỳ. Tôi thật vui khi có đông đảo mọi người, văn nhân thi hữu và các đồng hương yêu mến bà đều hiện diện.

Trên, trái qua phải: Họa sĩ Phan Khánh, Họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, Guest, Lê Chiều Giang, Nhà thơ Vũ Hoàng Thư, Nhà văn Trịnh Y Thư, Nhà thơ Đặng Phú Phong. Dưới: Tài tử Kiều Chinh, Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. Photo: Trịnh Thanh Thủy / Trẻ

Tôi thấy LS Nguyễn Quốc Lân, Uỷ Viên Hội Ðồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove, đang đứng xếp hàng đợi Kiều Chinh ký tên lên sách. Khi được hỏi cảm tưởng của ông về Kiều Chinh trong vai trò tài tử của bà trong văn hoá nghệ thuật VN. Ông nói:

– Tôi có thể nói cô Kiều Chinh là một cây cổ thụ của kho tàng văn hóa của Việt Nam tại hải ngoại. Cô cũng là một chứng nhân của lịch sử qua bao nhiêu thăng trầm của đất nước VN từ thời 1954 cho tới nay.  Do đó, hồi ký của cô sẽ là một văn kiện rất quan trọng. Không những cho nền văn hoá văn học nghệ thuật của đất nước mình mà còn cho những thế hệ trẻ sau này. Tôi đang chờ đợi tác phẩm này được viết bằng tiếng Anh, và nó cũng đang được thực hiện.

Thấy LS Lân đề cập tới tiếng Anh và giới trẻ, tôi chợt nhớ tới một lần trong cuộc trò chuyện với cô Kiều Chinh, cô có tiết lộ việc cô được đại học Cornell hợp tác trong một dự án. Cô là người cung cấp các thông tin lịch sử của nền điện ảnh VN trước 75 cho họ trong việc nghiên cứu lịch sử điện ảnh VNCH.

Nghệ sĩ Đức Tiến, Kiều Chinh, Nhà báo Đinh Quang Anh Thái. Photo: Trịnh Thanh Thủy / Trẻ

Tôi hỏi ông thêm về vai trò của cô có giúp ích gì cho dòng văn học nghệ thuật Hoa Kỳ là dòng chính hay không? Ông trả lời:

Xem thêm:   Crab City

– Cuộc đời của cô là một nhân chứng không những quan trọng cho người Việt chúng ta mà còn cả cho dòng chính là Hoa Kỳ. Cho nên những lời nói và chia sẻ của cô rất quan trọng tạo thêm uy tín và sự chấp nhận văn hoá VN đối với xã hội dòng chính Hoa Kỳ. Ðó là một đóng góp lớn. Cá nhân tôi, tôi có nhiều dịp giới thiệu cô Kiều Chinh với cộng đồng Hoa Kỳ. Khi nói đến Kiều Chinh là một nhân vật trong phim “The Joy Luck Club”, từ đó họ nhận diện ra đây là một nhân chứng VN trong dòng chính Hoa Kỳ. Chỉ một móc nối đó thôi cũng đủ quan trọng. Cô còn đóng góp nhiều hơn nữa cho người Việt chúng ta hiện nay và trong tương lai.

Trong hàng người mua sách, ngoài những người có tuổi tôi thấy cả những người trung niên. Tôi đã hỏi một cô có từng xem phim cô Kiều Chinh đóng không? Cô bảo,

Kiều Chinh và vợ chồng Trần Văn Học (con trai Thi sĩ Nguyên Sa). Photo: Trịnh Thanh Thủy / Trẻ

– Tôi nghe tiếng cô Kiều Chinh lâu rồi vì cô nổi tiếng. Tôi có xem phim của cô từ bên VN, nên tôi mua sách để tìm biết thêm về cuộc đời cô.

Người cuối cùng chia sẻ cảm tưởng với tôi là chị Lê Chiều Giang, một người vừa làm thơ, vừa viết văn mà mới đây các tờ báo, tạp chí ở Cali đã giới thiệu tác phẩm “Không Ðứng Mãi Trong Tranh” của chị, cũng là người cộng tác của báo Trẻ, chị nói:

“Khi xem film: ‘The Joy luck club’, không phải chỉ riêng tôi mà nhiều người Việt Nam rất hãnh diện về Kiều Chinh. Vì bà đã góp mặt, với nhiều vai chính trong một số phim của điện ảnh quốc tế.

Hơn nữa, có vài film Việt Nam bà Kiều Chinh đóng đã gợi trong ký ức tôi những kỷ niệm về một quê hương xa vời. RMS, đã từ lâu tôi không còn tìm ra điều thú vị. Riêng sách của Bà, tôi đã phải lái xe hơn tiếng rưỡi lên tham dự với lòng quý mến…”

Guest, Thị Trưởng Tạ Đức Trí và Luật sư Nguyễn Quốc Lân. Photo: Trịnh Thanh Thủy / Trẻ

TTT