Tết đến Xuân về là đồng hương gốc Việt quận Cam lại mở Hội chợ Hoa Xuân trước thương xá Phước Lộc Thọ mừng ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt.

Từ thời khu Little Sài Gòn chưa phát triển rộng mở như ngày nay, bãi dâu, vườn cam vẫn còn xum xuê chen hai bên phố xá, thì những khu thương xá được xây cất khang trang, rộng rãi như Phước Lộc Thọ cũng ít, thành thử địa điểm tiện lợi để Hội chợ Hoa Xuân tổ chức là trước thương xá Phước Lộc Thọ đã trở thành thông lệ. Nói tới Hội chợ Hoa Xuân thì đồng hương gốc Việt đều nghĩ tới Phước Lộc Thọ.

Hai năm trước, đại nạn cúm Tàu làm cho tình hình buôn bán ở Little Sài Gòn thê thảm, tiêu điều. Có tổ chức Hội chợ Hoa Xuân thì khách hàng cũng thưa thớt. Thêm điều bất lợi về thời tiết nữa là người ta đang mùa Ðông lạnh teo, mưa lác đác, còn dân mình thì ăn Tết cổ truyền, đốt pháo mừng Xuân.

Quý Mão năm nay, mọi người thoát được cái khẩu trang “rọ mõm” nên đi chợ Hoa Xuân thưởng lãm thiệt là đông vui tấp nập. Mà xui quá, ngày khai trương Hội chợ thì Nam Cali hứng ngay cơn bão, dù quận Cam chỉ là “bị ảnh hưởng” mà cũng mưa dầm dề suốt ngày từ sáng tới tối. Ngày Thứ Ba, thời tiết tốt hơn, dù rất lạnh, bầu trời xám xịt âm u nhưng không có mưa. Mừng quá, tôi vội vàng “phi” ngay ra Hội chợ Hoa để coi năm nay có gì mới, có gì lạ hơn mấy năm trước.

Xem thêm:   Đầm Môn, Đèo Cả, Vũng Rô & Hòn Nưa

Ðầu tiên, đập vào mắt tôi là dòng người đông nghịt ùn ùn đi bộ từ phía chợ Á Ðông đối diện qua đường tiến thẳng vô Hội chợ. Nhìn qua Hội chợ, thấy đầu người lô nhô đen đặc. Khách đông như vầy thì trong mười người ít ra cũng có một người mua bông, thiệt mừng cho người bán bông.

Ði vô bên trong, tất cả các con đường giữa các ki-ốt (kiosque) người qua kẻ lại rộn ràng, nhộn nhịp, và rất là đông đúc. Khách đi thưởng thức Hội Chợ không chỉ người gốc Việt ở quận Cam, mà có cả người Việt ở các quận lân cận lái xe hàng giờ tới mua bông. Xen lẫn trong số khách Việt còn có khách các sắc tộc khác đi Hội Chợ để coi bông, coi hát ngoài trời. Trẻ em thì mua những hộp pháo bẹp rứt ra từng viên nhỏ quăng mạnh xuống lối đi, hoặc lấy chân giậm lên cho pháo nổ lép bép liên hồi.

Mỗi ki-ốt đều có hai, ba người khách đứng lựa hàng. Năm nay, mai vàng miền Nam, đào hồng miền Bắc không thấy bày bán. Cúc đại đóa màu vàng rực rỡ, nhánh tầm xuân, “mai rừng Mỹ” (cây Forsythia mọc hoang thành bụi,) lan, hồng môn, trái cây Việt Nam, áo dài nam nữ, trường sanh (phát tài,) đồ chơi trẻ em ngày Tết, đồ treo trang trí cho cây bonsai, bao lì xì… ‘Năm nay, có lẽ vì gặp bão lớn nên chỉ có một gian hàng “mai rừng Mỹ” khoảng chừng vài trăm nhánh, hai gian hàng bán cúc đại đóa. Bán nhiều nhứt Hội chợ là nhánh tầm xuân nhiều màu: đỏ sẫm, đỏ cánh sen, vàng tươi, tím, cam, xanh lục, xanh dương, xám trắng. Tôi hỏi chị chủ bán tầm xuân bông này hàng của nước nào? Chị nói hàng nhập Trung Quốc. Tôi lại hỏi nhiều màu đẹp rực rỡ như vậy là màu thiệt của bông hay nhuộm? Chị trả lời màu nhuộm, màu thiệt của nó là màu này nè. Chị vừa nói vừa đưa ngón tay chỉ bó tầm xuân màu xám trắng. Lan trồng chậu vẫn nhiều về số lượng lẫn chủng loại như các năm trước. Có lẽ nhờ trồng “kín cổng cao tường,” “khuê môn bất xuất” nên thời tiết thế nào thì lan nhà ta chẳng hề hấn gì.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Hội chợ Hoa Xuân nhưng xuất hiện gian hàng lớn trưng bày và bán gạo đặc sản Sóc Trăng. Tôi tò mò đứng lại coi, thấy bao gạo đóng gói màu hồng. Tôi hỏi “Gạo này Sóc Trăng thiệt hay giả? Năm ngoái tôi mua 1 bao in màu xanh giá mắc nhứt chợ mà ăn một lần thì tôi “tởn tới già” không dám mua lần thứ hai.”  Ông chủ gạo nói “Bao màu xanh là đồ giả, của tui đồ thiệt bao màu hồng.” Và ông kêu tôi mua một gói nhỏ $5 ăn thử. Tôi cũng mua đại 1 gói. Gạo giá bán gấp đôi gạo Ba Cô Gái của Thái, nhưng thôi kệ, ổng muốn chỉ bán duy nhứt 1 gói để lời của tôi $2.5 hay còn muốn giữ chữ tín để bán thêm nhiều bao khác cho tôi là quyền của ổng.

Ngạc nhiên hơn cả là năm nay xuất hiện cái ki-ốt cũng bề thế của casino “Ba Cẳng Gà” để quảng cáo sòng bài. Trời, bộ ông chủ của casino “Ba Cẳng Gà” nghĩ rằng dân Việt ở Little Sài Gòn máu cờ bạc lắm hay sao mà bỏ tiền mướn ki-ốt, đưa nhân viên ra hướng dẫn người Việt đường đi nước bước tới thăm “Bác thằng bần”?

Ði tới đi lui vài vòng, tôi không thấy “Bà Ðồ” đẹp đằm thắm, trẻ trung so với tuổi, mặc áo dài khăn đóng, tay cầm bút lông chấm mực Tàu ngồi phóng bút vẽ lả lướt từng chữ đại tự trên nền giấy hồng điều. Tôi chợt bâng khuâng nhớ tới tình cảnh: “Năm nay đào lại nở/ Không thấy ông đồ xưa/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?” (Ông Ðồ – Vũ Ðình Liên)

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 18 tháng 4 năm 2024

TPT