“Nếu không có âm nhạc, thế giới sẽ rất buồn tẻ…” Ai đó đã nói vậy, và có lẽ đúng như vậy thật, âm nhạc không chỉ là nhịp điệu và giai điệu mà một liệu pháp tác động tích cực đến tâm lý, tâm trạng của con người, tạo năng lượng, giải tỏa sự cô đơn, phiền muộn…

Mời bạn đọc cùng chúng tôi gặp gỡ ban nhạc Dynamix, không chỉ quen tên ở Dallas mà trên các sân khấu hải ngoại… 

Thiên An: Xin chào anh Phi, leader của ban nhạc Dynamix. Tôi đã được nghe  ban nhạc Dynamix biểu diễn nhiều lần, ở nhiều sự kiện khác nhau. Nhưng  không rõ ban nhạc thành lập năm nào, hy vọng khi đó tôi đã chào đời…

Phi Dynamix: (cười) Chắc chắn anh trẻ hơn tuổi của tất cả thành viên ban nhạc… cộng lại (cười).

Dạ, thưa anh Ban nhạc Dynamix thành lập vào khoảng năm 2010. Tuy nhiên sau đó có một thời gian ngưng hoạt động vì một số thành viên trong ban nhạc bận rộn công việc làm và Dynamix mới hoạt động lại từ tháng 5 năm 2022 với những thành viên mới. Mặc dù là những thành viên mới nhưng anh em đã từng có dịp chơi chung một sân khấu với nhau trong vài show ở Dallas.

T.A: Như vậy Dynamix cũng có “tuổi” kha khá rồi. Theo tôi nhớ, ở Dallas-Fort Worth trước có nhiều ban nhạc khác nữa, nhưng cuối cùng thì đến nay chỉ còn Dynamix là còn trụ vững…

Phi Dynamix: Hiện tại thì vẫn còn một vài ban nhạc khác vẫn hoạt động nhưng rất khó kiếm show,  vì nhu cầu giảm đi so với trước kia, do phong trào karaoke, one man band và DJ sau này phát triển mạnh.

T.A: Lý do nào để Dynamix thoát ra khỏi sự đào thải của quy luật đó?

Phi Dynamix:  Thực ra mỗi phong trào đều có cái hay riêng. Full band cũng vậy,  nếu như full band (ban nhạc) siêng năng tập tành, anh em ban nhạc ăn ý với nhau, và luôn cập nhật những bài hát “trending” thịnh hành. Nghề nào cũng vậy ạ, nếu luôn trau dồi bản thân và học hỏi thì có thể thoát  ra khỏi quy luật đó.

Ban nhạc Dynamix chơi trong một Lễ Hội Xuân 2024

TA: Không chỉ riêng tôi, mà nhiều người quen, yêu chuộng âm nhạc, đều công nhận rằng, hễ có một sự kiện nào mà có được full-band thì nghe “đã” hơn, “phê” hơn và âm thanh đầy đặn hơn…

Phi Dynamix: Đúng vậy, luôn có sự khác biệt giữa full band đánh nhạc live và karaoke, one man band, hoặc DJ. Mình có thể giải thích  đơn giản là khi chơi full band thì âm thanh được truyền tải đến khán giả “tròn” hơn, cộng thêm sự tương tác từ cả hai phía như những tràng pháo tay từ khán giả làm cho ban nhạc và ca sĩ phấn khích hơn, và khán giả cũng hưởng ứng tích cực hơn.

Xem thêm:   Bâng khuâng Trung Thu... xưa!

Karaoke và DJ thì âm thanh đã được thâu và cân chỉnh trong studio để phù hợp cho người nghe chủ yếu là cho phòng khách gia đình, trong xe ô tô hoặc cell phone, nên âm thanh sẽ khác với âm thanh cho một hội trường lớn hoặc sân khấu ngoài trời. Do vậy, nhiều chương trình vẫn thích tổ chức với một dàn full band đàn live khi số lượng khán giả từ vài trăm hoặc trên ngàn người.

TA: Một full band thường có những nhạc cụ nào?

Phi Dynamix: Tuỳ theo thể loại nhạc nhưng riêng nhạc Việt Nam thì thể loại pop vẫn được ưa chuộng nhất. Full band cho thể loại này thì thường có Trống, Bass, Guitar, Keyboard, thời gian gần đây thì những bài hoà âm mới từ Việt Nam thường xuyên có thêm tiếng kèn saxophone.

Toàn Drums

T.A: Kết hợp hài hòa giữa các nhạc cụ không bao giờ là sự dễ dàng. Yếu tố cần thiết nào để một ban nhạc có thể chơi ăn ý với nhau?

Phi Dynamix: Trước nhất là anh em trong ban nhạc phải cùng level với nhau, sau đó là siêng năng tập dợt, phải có cùng một đam mê, nhưng quan trọng nhất là thương yêu, tôn trọng, nhường nhịn lẫn nhau, vì ban nhạc cũng giống như một gia đình, thỉnh thoảng cũng có những ý kiến trái chiều. Nhưng nếu mọi người tôn trọng và thương yêu nhau như yêu âm nhạc thì chuyện gì cũng có thể vượt qua được.

TA: Tôi hoàn toàn đồng ý với anh về việc này. Những ban nhạc lớn trên thế giới, trình độ chuyên nghiệp rất cao như Led Zeppelin, Oasis, Pink Floyd, R.E.M, The Jam…còn tan tành. Thì Dynamix giữ được hòa khí, và duy trì được sinh hoạt của band đều đặn cũng là điều đáng phục…

Phi Dynamix: Vâng, đúng vậy, anh em ban nhạc toàn là những “chiến binh” lâu năm,  mến tài nhau, mỗi người cũng đã từng có kinh nghiệm điều hành ban nhạc trước đây nên rất hiểu biết, linh động để có thể hoà hợp cũng như thích nghi với nhau. Vì niềm đam mê âm nhạc nên mỗi người đều phải vì tập thể mà làm việc một cách hiệu quả nhất có thể. Đó là lý do Dynamix tập hợp lại với nhau và đầm ấm cho đến nay (cười).

Huy Bass

TA: Cơ duyên nào các anh em của ban nhạc Dynamix gặp nhau?

Phi Dynamix: Anh em có dịp đàn chung với nhau cho 2 tiệc cưới hồi tháng 5 năm 2022.

TA: Xin anh giới thiệu những thành viên ban nhạc với độc giả Trẻ.

Phi Dynamix: Tài năng nhất và trẻ nhất và cũng là nhân vật duy nhất còn “available and single” là tay trống Toàn (Drum). Toàn có style trống rất đặc biệt vì Toàn thích chơi thể loại nhạc Rock và Gospel. Toàn học, tập, nghiên cứu và áp dụng những kỹ thuật đó vào nhạc Việt Nam. Ngoài trống ra Toàn còn có thể chơi nhuyễn nhiều nhạc cụ khác như bass, guitar, keyboard.

Xem thêm:   Cá cơm

Bass thì có anh Huy, anh Huy từng chơi trong ban nhạc từ thập niên 80 ở các sân khấu ca nhạc ở Việt Nam, anh đã từng đi lưu diễn cho rất nhiều chương trình ca nhạc lớn tại nhiều tiểu bang khác ở Mỹ.

Guitar là anh Khanh học và chơi guitar từ thập niên 70, anh cũng là leader rất tận tuỵ, chơi hết mình cho ban văn nghệ của nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Garland,TX. Anh Khanh cũng chơi được nhiều nhạc cụ khác như: bass, drum….

Keyboard 2 & Sax: anh An tốt nghiệp kèn clarinet ở trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, dạy clarinet tại Nhạc Viện Quốc Gia Cambodia 2 năm, anh chơi được cả trống, bass, guitar.

Keyboard 1: Phi học piano từ lúc 5 tuổi. Phi tham gia band của trường middle school, high school và college tại Dallas. Phi bắt đầu chơi nhạc với band nhạc Việt vào năm 1991.

Khanh Guitar

TA: Theo chúng tôi biết, hầu như bên cạnh đam mê chơi nhạc, tất cả anh em đều có một công việc “tay phải” phải không?

Phi Dynamix: Dạ vâng. Anh em đều có công việc tay phải nên xác định ngay từ đầu là chỉ chơi nhạc cho thoả đam mê, không phải chơi nhạc “cơm gạo” như cách nói trong giới nghệ sĩ (cười).

TA: Dynamix là một ban nhạc khá bận rộn. Xin cho biết thường thường thì ban nhạc chơi trong những sự kiện nào, chuyến lưu diễn xa nhất và lâu ngày nhất là ở đâu?

Phi Dynamix:  Dạ nhiều nhất vẫn là những sự kiện cho hội đoàn, tiệc cưới, sinh nhật, hội chợ Tết, nhà thờ, chùa…Chuyến lưu diễn xa nhất và lâu ngày nhất là ở tiểu bang Iowa ở sòng bài Horse Shoes Casino cùng với ca sĩ Quang Dũng, Lam Anh, Lâm Nhật Tiến và Kỳ Phương Uyên.

TA: Tôi đã xem rất nhiều show ca nhạc, Mỹ, Pháp, Anh, Việt… nhiều chương trình rất độc đáo, vô cùng thành công. Nhưng tất cả hào quang trên sân khấu đều dồn vào người ca sĩ. Ít ai nhận ra ban nhạc, là những người cũng dày công tập luyện để giúp giọng ca đó tỏa sáng và cất cánh. Có bao giờ các anh cảm thấy mình bị “thiệt thòi” không?

Phi Dynamix: Dạ không, mỗi người mỗi việc mà (cười). Anh em chỉ cần được đứng cùng nhau trên 1 sân khấu, thả hồn vào âm nhạc, chơi hết mình là đủ rồi.

TA: Nghề nào cũng có vui buồn, nghề sân khấu càng nhiều “ngang trái” hơn, ban nhạc Dynamix chắc chắn cũng không là ngoại lệ. Xin anh kể cho độc giả Trẻ một vài chuyện không mấy vui hay những trục trặc ngoài ý muốn vì một lý do nào đó?

Xem thêm:   Ma Văn Pá

Phi Dynamix: Có lần ban nhạc Dynamix chạy show ở xa. Chiều hôm ban nhạc và ca sĩ đang dợt trên sân khấu để thử âm thanh, ánh sáng…. thì có một anh chệnh choạng bước lên sân khấu, bảo đệm cho ảnh hát bài “Một Đêm Say”, ban nhạc trả lời, dạ thưa anh tụi em không thấy có bài này trong chương trình tối nay ạ.

Anh ấy bảo: “Tôi mà không hát thì chẳng có anh chị nào được hát cả”. Bọn em ngạc nhiên khi lâu lắm mới nghe một giọng “quan quyền” như thế. Hóa ra anh ta là… chủ nhà hàng. Thế là ban nhạc đệm cho ảnh hát bài “Một Đêm Say”. Ảnh hát xong thì … tỉnh rượu và không khí vui vẻ trở lại (cười).

Phi Keyboard

TA: Không kể ca sĩ… “Một Đêm Say”, thì trong những show trình diễn, Dynamix đã từng chơi với những ca sĩ có tên tuổi. Với những ca sĩ đã thành danh, dĩ nhiên sự đòi hỏi của họ về việc đệm nhạc sẽ khắt khe hơn. Dynamix có cảm nhận gì khi chơi với những “ngôi sao”.

Phi Dynamix: Dạ có nhiều lắm chứ, như ca sĩ đề nghị ban nhạc sửa bài lại cho đơn giản hơn CD của chính họ phát hành. Hoặc có khi vì lý do nào đó, họ quên lời bài hát đã làm nên tên tuổi của mình, căng nhất là đến giờ trình diễn thì ca sĩ đổi một bài hát mới toanh, không có trong list nhạc để tập trước đó, nhưng cho phép Phi không nói tên ở đây ạ (cười).

TA: Hiện nay, trên thị trường có 2 dạng khán giả, một dạng nhạc xưa, trước 1975, một dạng nhạc mới. Làm sao Dynamix có thể phục vụ cả 2 giới  có “gu” khác biệt nhau này?

Phi Dynamix: Ban nhạc có thể dùng hoà âm mới, hiện đại hơn cho nhiều bài hát xưa nhờ vậy ban nhạc, ca sĩ cũng như nhiều thế hệ khán giả với nhiều “gu” nhạc khác nhau sẽ được hài lòng hơn.

TA: Nếu ai đó có sự kiện hay tiệc tùng, muốn liên lạc với ban nhạc Dynamix thì sẽ gặp ai?

Phi Dynamix: Đây là số phone của Phi, 214-566-0428, quý vị nào cần có thể gọi hoặc nhắn tin hay để lại lời nhắn giúp Phi.

TA: Cảm ơn anh Phi và ban nhạc Dynamix đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này. Chúc Dynamix luôn làm “bùng nổ” sân khấu và “nạp” thêm nguồn năng lượng mới cho khán giả sau những đêm nhạc sôi nổi.

Phi Dynamix: Thay mặt cho anh em ban nhạc Dynamix xin cảm ơn Báo Trẻ đã dành thời gian và tạo cơ hội cho anh em được tâm sự với quý vị khán giả khắp nơi và toàn thể độc giả báo Trẻ. 

An Saxo

TA