Bạn đã từng bao giờ mang balo đến một nơi xa lạ khám phá thiên nhiên và con người ở một vùng đất mới với lịch trình tự do của riêng bạn?

Phố cổ Đồng Văn   

Ði một mình hay đi với nhóm bạn đều có những thể nghiệm thú vị riêng.

Hãy tin tôi đi, tự ngắm nhìn bản thân mình mà nhìn ra thế giới, bạn sẽ thấy cuộc đời phong phú hơn, bạn sẽ sống một lúc nhiều cuộc đời mà bạn chưa bao giờ ngờ đến. Bạn sẽ mở lòng hơn, yêu quý thiên nhiên hơn, và quan trọng hơn hết bạn sẽ thấu hiểu cuộc đời muôn màu muôn vẻ của kiếp nhân sinh quanh mình.

Tôi yêu những con đường tôi đã qua, những con người tôi đã gặp, nếm những món ăn đặc sản của mỗi vùng đất, nhìn ngắm nền văn hóa của từng địa phương, hiểu được lịch sử hình thành và hiểu được tại sao làm nên con người nơi ấy.

Nhờ những chuyến leo núi khám phá thiên nhiên, những chuyến đi từ thiện giúp đồng bào lũ lụt, miền núi, những chuyến đi làm tình nguyện viên cho ICISE tôi đã đi hết những làng mạc, xóm nhỏ trong từng địa phương mình sống, chỉ trong vài năm gần đây tôi đã bước chân đến các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phú Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão, Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, đã leo lên đỉnh những ngọn núi quanh thành phố từ Bà Hỏa, Vũng Chua, Xuân Vân, Hải Minh, Nhơn Hải, Eo Gió, Cát Tiến, Cát Hải, Trung Lương … nhờ những chuyến đi đó tôi hiểu hơn vùng đất tôi sống, hiểu hơn người dân lam lũ quê mình, mới biết rằng trên vùng núi An Lão cao tít kia có “Cổng Trời”, An Nhơn có làng nấu rượu Bầu Đá, làng nghề khảm gỗ tinh xảo nằm trên những cánh đồng vàng óng. Phù Cát có làng làm nón ngựa dành cho giới quý tộc, quan quyền khi xưa, nói là nón ngựa vì có lẽ đội khi ngồi trên ngựa. Làng nón có từ thời Tây Sơn. Phiên chợ nón chỉ họp lúc nửa đêm.

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Và không gì tuyệt vời hơn, sảng khoái hơn khi bạn đứng trên đỉnh núi lộng gió đón bình minh giữa biển khơi, thiên nhiên biến đổi kỳ thú trong từng phút giây. Hoặc ngắm thành phố mình sống trải dài dưới tầm mắt trong nắng sớm mờ sương.

Nhờ những chuyến đi phượt từ Nam ra Bắc với các anh chị Tạp chí Quán Văn Sài Gòn, lần đầu tiên tôi biết ngã ba Đông Dương là như thế nào khi đứng trên đỉnh núi cột mốc 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia bên cửa khẩu Bờ Y-Kon Tum để nghe một tiếng gà gáy vang xa 3 nước. Những địa danh Phú Bổn, A YunPa, Krông Pa, Chư Sê hiện trên trang giấy … nghe chị Lệ kể câu chuyện đau lòng của người đàn ông đi tìm vợ hơn 40 năm trên con đường này mà thấy rưng rưng. Cứ đến tháng 4 hàng năm là người đàn ông ấy đi từ Pleiku xuống Tuy Hòa qua con đường này để tìm vợ con bị thất lạc trong cuộc di tản hỗn loạn năm xưa. Năm 1975 đã có bao gia đình tan nát, bao gia đình ly tan, bao gia đình mãi mãi không còn nữa.

Trên đỉnh núi Eo Gió – Bình Định

Ngồi trên đầm phá Tam Giang ở Huế nghe tiếng mưa rơi mà nhớ ngày bé đọc cuốn tiểu thuyết “Đồng tiền Vạn Lịch” trên căn gác nhỏ cũng vào một buổi chiều mưa không biết Phá Tam Giang mênh mông là nơi chốn nào. Không ngờ có ngày mình ngồi ăn trưa trên Phá Tam Giang với các nhà văn mọi miền xưa cũ.

Đã nghe tiếng bài thơ “Tau Chửi” kinh dị của Trần Vàng Sao không ngờ có ngày gặp ông trên giường bệnh với ngôi nhà đặc trưng của thôn Vỹ Dạ, với những nét vẽ Bồ Đề Lạt Ma khốc liệt treo đầy trên tường. Người đàn ông có tiếng chửi khốc liệt ấy là một ông già ốm yếu, gầy giơ xương với hai mắt vẫn còn tinh anh, với những vần thơ trĩu nặng nỗi buồn:

Xem thêm:   Đầm Môn, Đèo Cả, Vũng Rô & Hòn Nưa

“…Tôi yêu đất nước này cay đắng

Những năm dài thắp đuốc đi đêm

Quen thân rồi không ai còn nhớ tên

Dĩ vãng đè trên lưng thấm nặng

Áo mồ hôi những buổi chợ về

Đời cúi thấp …

Đêm nào mẹ cũng khóc

Đêm nào mẹ cũng khấn thầm

Mong con khôn lớn cất mặt với đời

Tôi yêu đất nước này khôn nguôi …”

(Bài thơ của một người yêu nước mình)

Sững sờ trên đất Kinh Bắc với những cây cầu đá hàng mấy trăm năm vẫn còn lưu giữ trong một miền quê cổ, cây đa đầu làng, những ngôi nhà mái ngói rêu phong vây xung quanh hồ, con đường lát gạch vẫn còn nguyên nếp cũ. Thăm đền thờ tiến sĩ Lê Văn Thịnh vị trạng nguyên đầu tiên của nước Việt, thái sư thời Lý, ông từng là thầy của vua nhưng cuối cùng bị nịnh thần hãm hại, bị đày và chết. Trong điện thờ có bức tượng Xà thần bằng đá một tai điếc một tai không, hàm răng cắn vào thân mình nói lên nỗi hàm oan trong “Vụ án Hồ Dâm Đàm”. Từ xưa đến nay, trên đất nước tôi đã có biết bao công thần tài giỏi trung nghĩa bị hãm hại?

Chao đảo trước vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ của núi rừng Mai Châu, Hòa Bình, những con đường ngoằn ngoèo đèo dốc nổi tiếng hiểm trở của núi rừng Tây Bắc, từ Hà Giang tôi đi Đồng Văn, Lũng Cú, Cao Bằng, Bắc Kạn, thương nụ cười rạng rỡ của các em bé trên đỉnh Mã Pì Lèng.

Voọc Chà Vá trên đỉnh Sơn Trà Đà Nẵng

Ngồi bên dòng sông Thu Bồn, nghe gió mát từ lòng sông với lung linh muôn sắc đèn lồng trên phố cổ Hội An mà nhớ đến nơi giao thương trù phú nhà Nguyễn.

Xem thêm:   1 giàu to 2 vướng nợ

Không tin nổi trên đời lại có loài động vật hoang dã đủ sắc màu đẹp mê hồn của Voọc Chà Vá trên đỉnh Sơn Trà một sớm mai mưa phùn lạnh giá. Lặng nhìn cây cổ thụ ngàn năm cao ngất trên đỉnh núi, chạm vào những lớp vỏ xù xì thô nhám mà thấy ngàn năm trôi qua trong ánh mắt.

Những dòng sông đỏ ngầu phù sa trên sông nước Miền Tây khi tôi qua những miệt vườn trù phú trĩu quả, hái ăn tại vườn những chùm nhãn lồng căng mọng, nghe bài “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng của Cao Văn Lầu

“Từ là từ phu tướng

Báu kiếm sắc phong lên đàng

Vào ra luống trông tin chàng 

Năm canh mơ màng

Em luống trông tin chàng 

Ôi gan vàng quặn đau í a…”

Chiêu một ngụm trà chanh mật ong mát cả ruột gan trước lời mời ngọt lịm của các cô gái miền Tây duyên dáng.

Hà Nội mùa Thu, các chị các bà gánh hàng hoa, gánh xôi cốm gói trong những lá sen, gánh cả hương mùa thu qua từng con phố nhỏ. Tôi ngồi bên vỉa hè Bát Đàn ăn tô phở Bắc nóng hổi xuýt xoa vì gió lạnh. Nhớ tuỳ bút “Phở” của Nguyễn Tuân. Ngắm dòng người du lịch đông vui trên phố cổ sau mùa dịch.

Chao ôi, những con đường tôi đã qua, những ngày đi tôi đã sống, đã hít căng lồng ngực hơi thở của đất nước mình mà thấy yêu quê hương vô vàn.

Đi để cảm nhận, để sống và để trân quý cuộc đời tươi đẹp mà ngắn ngủi này.

Đi để biết yêu thương, biết quý những ngày mà ta còn tồn tại.

Núi rừng Tây Bắc

BM