Nhớ lúc còn nhỏ, mỗi lần ăn cơm bỏ mứa là tôi bị cha chửi banh nóc luôn. Cha tôi nói: “Ăn bao nhiêu bới cơm bấy nhiêu, ham ăn bới cho cố rồi ăn hổng hết bỏ mứa, tội trùng đầu”. Bà ngoại thì nói: “Đứa nào ăn cơm bỏ mứa nghèo suốt đời”. Tôi ngạc nhiên và cãi lại, không hiểu sao có một chén cơm thôi mà hai người này “hung hăng” rủa tôi quá xá vậy. Ngoại giải thích: “Đại phú do thiên, tiểu phú do cần”, nghĩa là giàu to thì do phước phần Trời cho, cái này hiếm có lắm, không phải ai muốn mà được, trăm ngàn người mới có một người. Cần là cần kiệm, siêng năng, giàu nhỏ là do tự mình quyết định, không ăn xài phung phí thì kiến tha lâu đầy ổ, dù không giàu cũng không đến nỗi chết đói.

Hai năm nay, khi nước Mỹ đang bị thiệt hại thê thảm, kinh tế tuột dốc vì cúm Tàu thì cái sự làm giàu “nhờ Trời” và làm giàu bền “nhờ chính mình” thể hiện rất rõ nét.

“Đại phú do thiên”

Nhiều người Mỹ gốc Việt cho rằng, ở các tiểu bang do đảng Dân chủ nắm quyền đã cố tình lợi dụng dịch bệnh để phá hoại kinh tế nước Mỹ, cấm cửa người dân và bắt buộc các doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa với lý do “non-essential businesses” (doanh nghiệp không thiết yếu) làm cho các doanh nghiệp nhỏ bị phá sản. Trong khi đó, chánh phủ tiểu bang “nịnh” doanh nghiệp giàu cho mở cửa buôn bán thoải mái dù cùng buôn bán hàng hóa giống nhau (quần áo, giày dép…) vì các “ông lớn” là “essential businesses” (doanh nghiệp thiết yếu.) Ðiểm danh các ông lớn này có những cái tên như Walmart, Costco hay Target.

Tôi cho rằng, cái sự “đóng cửa” lâu dài này có phần quá đáng. Việc đóng cửa chỉ làm cho nhiều người phá sản chớ không bảo vệ gì được sức khỏe người tiêu dùng. Ðến tháng Sáu năm nay là tròn hai năm, cư dân “vô businesses che mặt kín mít như đi cướp” nhưng tôi vẫn long nhong ngoài đường đi biểu tình, đi ăn (trong) tiệm, đi mua sắm… mà vẫn chưa hề bị con cúm Tàu ghé thăm, dù tôi không chích ngừa. Chỉ cần đeo khẩu trang, sát trùng tay đúng cách, giữ khoảng cách khi tiếp xúc mà sức khỏe bình thường thì cần chi phải cấm các cửa tiệm bán quần áo, giày dép mở cửa đón khách? Vì vậy, việc cư dân bất bình với lệnh cấm cũng có lý do chính đáng. Nhưng bất bình tới mức quy cho chánh phủ “nịnh” nhà giàu, cố tình “tiêu diệt” nhà nghèo thì sự bất bình ấy có phần quá khích và có định kiến quá mức với các đại doanh nghiệp.

Xem thêm:   Đầm Môn, Đèo Cả, Vũng Rô & Hòn Nưa

Theo tôi được biết, các chuỗi tiệm Walmart, Costco hay Target về mặt pháp lý thì được coi là một loại chợ – tiệm tạp hóa cao cấp do trong các chuỗi tiệm này ngoài các loại hàng hóa công nghiệp (không ăn được) thì còn bán thực phẩm, nước uống, giấy vệ sinh, chất tẩy rửa, đồ dùng nhà bếp, trang thiết bị phòng vệ sinh, thuốc chữa bệnh thông thường, phụ tùng xe hơi v.v. đều là mặt hàng thiết yếu cả. Tuy quần áo, giày dép không phải là mặt hàng chính của các đại doanh nghiệp này (thường bị khách chê xấu) nhưng nhờ lịnh cấm mà họ được “ăn may” khi họ “hốt” hết lượng khách của các tiệm nhỏ chỉ chuyên bán quần áo, giày dép. Có thể nói, trong đại dịch cúm Tàu này, ai xui thì xui, nhưng Walmart, Costco hay Target thì lại “ăn nên làm ra” ào ào chớ không bị ảnh hưởng gì.

Khoảng mười năm trở lại đây, hình thức thanh toán, mua bán online, giao hàng tận nhà người mua đã trở nên dễ dàng, phổ biến, có độ an toàn cao nếu người mua biết chọn mua hàng từ những thương hiệu có uy tín. Trong thời gian bị cấm đủ thứ này, những đại gia bán hàng online cũng thuộc loại doanh nghiệp “gặp thời”, người tiêu dùng thay vì ra tiệm mua hàng trực tiếp thì bây giờ ngồi nhà đặt hàng qua smartphone nên buôn bán online cũng hốt bạc khẳm. Bán hàng online còn “móc túi” người tiêu dùng “ác liệt” hơn ở chỗ tính chi phí giao hàng rất cao nên buộc người mua phải mua số lượng nhiều hơn để được miễn phí giao hàng. Tôi cũng bị vụ “ép mua” này khi tôi phải mua một lúc hai đôi giày sandals dùng cho mùa Hè trong khi tôi chỉ có nhu cầu mua một đôi. Hai năm dịch cúm Tàu không làm các đại gia kinh doanh online hề hấn gì, trái lại họ còn phất lên bộn bạc nhờ nâng giá bán hàng, cho thuê chỗ bán hàng trên website của họ.

Xem thêm:   Dubai

“Tiểu phú do cần”

Kể từ khi có lịnh cấm túc tới nay thì 100% các chợ chuyên bán thực phẩm (supermarket) và tiệm tạp hóa nhỏ chưa bao giờ bị đóng cửa, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy các tiệm tạp hóa nhỏ (grocery stores) chỉ bán lèo tèo vài thứ trái cây (chuối, cam, táo,) bánh kẹo đóng gói/ hộp, dầu ăn, giấy vệ sinh, chất tẩy rửa, vài thứ dụng cụ nhà bếp, nước đá cục, pin đèn, nhưng các mặt hàng này lại là “essential businesses” nên tiệm nhỏ nhưng chủ tiệm vẫn bình tĩnh và điềm nhiên ngồi “lượm bạc cắc” mỗi ngày đều đều.

Khu vực Little Sài Gòn và các thành phố phụ cận có rất nhiều tiệm tạp hóa nhỏ kiểu này do người Mễ làm chủ, số tiệm tạp hóa của người Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay, dù ở đây có đến hàng trăm tiệm ăn Việt Nam. Người Mễ còn chăm chỉ “lượm bạc cắc” nên bất cứ tiệm tạp hóa nào cũng đều có treo bảng “We Accept EBT” (nhận thẻ thực phẩm- food stamps) dù họ bán các loại thực phẩm rất cò con, đơn điệu. Ðiều này cho thấy, bất cứ kiểu nào kiếm được tiền chính đáng dù số tiền thu được rất nhỏ, chủ tiệm Mễ cũng không bỏ qua. Trong khi đó, phần lớn tiệm bán thức ăn và trái cây của người Việt chỉ nhận tiền mặt.

Người Việt ở quận Cam kinh doanh không quan tâm tới website bán hàng, chỉ chú trọng vào việc bán hàng trực tiếp tại tiệm và nhận tiền mặt. Trừ chợ thực phẩm, phần nhiều các tiệm không nhận trả bằng thẻ, tôi đếm được hai tiệm Việt bán bánh, trái cây để bảng nhận EBT. Ngay cả kinh doanh quy mô như các supermarket hoặc nổi tiếng như Asian Mall Phước Lộc Thọ nhưng không một người chủ Việt nào có website trưng bày hàng hóa, chớ tôi không dám mơ tưởng tới chuyện họ bán hàng online như doanh nghiệp Mỹ. Ðùng một cái lịnh cấm đón khách, lịnh cấm túc dân chúng ban ra, doanh nghiệp nào thờ ơ với các phương pháp tiếp cận khách hàng online trở tay không kịp, đành chịu trận nhìn các đại gia online hốt hết khách.

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Người Việt còn có kiểu kinh doanh cổ lỗ sĩ khác là “Hàng mua rồi miễn trả lại” dù người mua chưa kịp dùng món hàng lần nào. Tiệm bán quần áo của người Việt có một nhược điểm rất lớn là không có phòng cho khách thử quần áo. Có lần tôi đi mua bộ áo dài và để thử bộ đồ thì bị bà chủ tiệm “nhét” vô cái ngách nhỏ xíu trong tiệm, chật chội, nóng như lò lửa giữa ngổn ngang tầng tầng lớp lớp vải vóc, quần áo đầy bụi bặm, không có gương soi. Nóng muốn xỉu nên tôi đã không xem kỹ, về nhà coi lại không vừa ý nhưng cũng không thể trả. Vì vậy, người có tiền rất ngại mua quần áo, giày dép trong tiệm Việt, thà thêm chục đồng mua trong tiệm Mỹ mà được thử, được trả lại thoải mái nếu dùng thử thấy không vừa ý.

Trong khi trào lưu kinh doanh online nở rộ khắp nơi lâu rồi mà nhiều người vẫn cứ khư khư ôm lấy kiểu kinh doanh cổ lỗ sĩ. Cho nên việc thất bại, phá sản này, trước khi trách trời, trách người thì cũng nên trách chính mình, thấy rõ nhược điểm của mình mà sửa đổi thì mới mong khá lên được.

TPT