Côn Đảo đẹp. Từ trên máy bay nhìn xuống với đường viền ngoạn mục biển xanh, cát vàng, sóng trắng, cây rừng. Đẹp no mắt khi ngồi trên xe ngắm cảnh từ phi trường Cỏ Ống về trung tâm. Hôm ấy vẫn còn chút xuân, hoa đào nở hồng ven đường, bên dưới là biển. Tay tôi cầm máy hình nhìn phía nào cũng muốn bấm máy cho đã, bỏ một góc nào cũng thấy tiếc.

Chiều trên biển                 

Nghỉ tại khách sạn Sài Gòn – Côn Ðảo, nên sáng trưa chiều tối tôi đều có dịp ngắm cổng trại Phú Sơn với mặt tiền rất đẹp. Ðang mùa cây bàng thay lá, những con đường xanh nõn lá bàng, những vết u nần thời gian trên thân cây, đẹp, trầm tĩnh, dịu dàng và tươi sáng bởi sự kết hợp giữa hai màu xanh non và màu thời gian. Màu lá xanh mới còn nổi rõ trên nền những bức tường đá trầm mặc tạo nên hình ảnh tương phản giữa quá khứ và hiện tại.

Cầu tàu ở Côn Đảo

Những cây bàng nghĩ gì nếu chúng có tư duy như con người, hay những bức tường đá đen chạy dài ôm cua con đường muốn tâm sự với con người điều gì làm sao tôi biết được; nhưng tôi biết chắc một điều là nó khiến tôi nhớ đến bức tường thành nhà lao Thành Diên Khánh quê tôi (có từ thời nhà Nguyễn), nằm trước mặt nhà bà ngoại, tôi lớn lên cùng với nó cho đến ngày nó được đập bỏ đi. Những chuyện mẹ kể ngày xưa còn bé ấy rất quen thuộc khi tôi nghe cô hướng dẫn viên ở trại Phú Hải kể về những câu chuyện cũ khiến tôi cảm giác như gặp lại mẹ và giọng bà đều đều bên tai.

Mặt bên trong cổng trại Phú Sơn

Bức tường thành trước nhà ngoại tôi xây bằng đá và vôi (sau này đập ra thấy viên đá to gấp đôi viên đá chẻ bây giờ), cao thoai thoải khoảng 5, 6 mét, bên dưới có bề dày dễ đến 3 thước, nhưng lên đến trên cùng chỉ còn khoảng 2 tấc, găm dày đặc miểng chai, nhìn có cảm giác như bức tường thành hơi bị “khum”. Hồi ấy, ông ngoại tôi cho rằng, người ta xây bề thành trong một thế võ, người có võ nghệ cao cách mấy cũng khó lòng nhảy qua được. Những xà lim tối gọi là “cellule noire”, trong xà lim này có cùm sắt, bên dưới cùm là mặt láng để gác chân lên, nhưng bên trên có răng cưa với mục đích làm cho chân không xê dịch được. Xà – lim có ánh sáng gọi là “cellule – air”, còn có xà lim đặc biệt dành để nhốt người ngày mai đem đi bắn gọi là “cellule mort” (xà lim tử tội)… Những điều mà tôi đã thuộc lòng nên những hình ảnh bên trong các trại ở nơi đây khiến tôi cảm giác không xa lạ lắm!

Hàng cây bàng ở Côn Đảo

Tôi thích những buổi sáng được sống chậm với ký ức khi ngồi trong nhà hàng của khách sạn nhìn ra cổng trại Phú Sơn. Ánh nắng xuyên qua tàn cây bàng, lốm đốm trải trên mái ngói, đẹp dịu dàng và lãng mạn. Trong tiếng nhạc rải đều, có tiếng gió hát, lá đùa lao xao. Dòng thời  gian trôi chậm, quá khứ – hiện tại đan xen… Như dòng sông hoài niệm, đẹp và buồn… Tôi lững thững chân bước, thơ thẩn trước cổng và nhẹ đẩy hé bức rèm thời gian. Hình bản đồ Việt Nam khắc ở phía trên cùng cổng chính và dòng chữ xưa cũ “Tổ quốc trên hết”, “Việt Nam Cộng Hòa muôn năm” vẫn còn giữ nguyên…

Ngôi nhà đổ nát ở Côn Đảo

Tôi bước chậm trên đường, nghe rõ tiếng bước chân mình gõ nhịp. Tôi đi rồi dừng lại, nhìn ngắm bao quát rồi chi tiết. Góc nào cũng đẹp, từ một lô cốt canh gác ở góc cua con đường bên trong dày lá bàng khô cũng thấy lãng mạn, gợi sự bay bổng của trí tưởng tượng… Cho đến vỉa hè, hàng cây bàng sần sùi, đâu đâu cũng gặp vết thời gian hàng trăm năm.

Đường nhỏ ở Côn Đảo

Một ngôi nhà cũng hoang tàn đổ nát gần hết, đẹp một cách liêu trai. Tôi đã đứng thật lâu bên hàng rào nhìn vào bên trong. Cây cao che phủ mái nhà. Cây lớn lên hoang dại bên mái ngói xiêu, hàng lan can không còn nguyên vẹn ngậm ngùi dấu thời gian. Tôi hình dung vẻ đẹp của ngôi nhà thời hưng thịnh. Từ hàng hiên này nhìn ra biển, những đêm trăng, sóng biển vỗ nhẹ, lá cây lao xao… Tự nhiên trong trí tôi hiện lên một ngôi nhà, có tiếng đàn, tiếng hát, tiếng cười vui mùa thanh bình…

Đường biển ở Côn Đảo

Thuê một chiếc xe điện, nhóm chúng tôi 4 người bắt đầu hành trình vòng quanh Côn Ðảo. Những con đường nhỏ sạch sẽ, các di tích lần lượt lướt qua trong màu xanh bàng nõn dịu mắt. Những vòng ngã ba, ngã tư xinh xinh… Có một triển lãm hình ảnh gì đó kéo bước chân du khách trẻ dừng lại nhìn ngắm, chuyện trò… Vài người khách nhàn nhã trầm ngâm bên tách cà phê, đúng nghĩa họ đang sống chậm.

Đường vòng biển ở Côn Đảo

Qua chợ, những con phố có các cửa ti buôn bán nhưng mọi thứ không vội vã như thường thấy ở những thành phố trên đất liền, cảm giác rất rõ nét một nhịp điệu Côn Ðảo chậm, từ tốn, điềm tĩnh.

Có rất nhiều bãi tắm nhỏ như thế này ở Côn Đảo

Xe đưa chúng tôi đi hết một vòng Côn Ðảo. Biển chiều bên dưới xanh biếc pha trộn với màu cây rừng và màu trời xanh. Tôi chụp một bức hình ngược sáng, dãy núi chạy dài mà hướng dẫn viên du lịch nói với chúng tôi có tên gọi là núi Tình Yêu. Anh chàng giải thích bởi hình dáng hai ngọn núi chụm đầu vào nhau giống như chàng đang hôn nàng… Thiên nhiên đẹp luôn khiến người ta thích tưởng tượng về những điều lãng mạn, thơ mộng nhất gắn với con người hàng tỉ năm nay là tình yêu chẳng hạn.

Gọi là núi Tình yêu

Du khách chụp hình với máy bay đang hạ cánh

Chúng tôi có một buổi sáng nghỉ ngơi ở bãi Ðầm Trầu, một bãi biển khá đẹp, bình yên, biển hôm ấy gần như không có sóng và thưởng thức các món đặc sản. Một điều rất thú vị ở nơi đây là bạn có thể nhìn những chiếc máy bay đáp xuống sân bay Cỏ Ống rất gần. Hầu như ai đến đây đều cố chụp cho được tấm hình máy bay sà xuống nhanh trên đầu và cười rộn rã. Người lớn như trẻ lại bởi sự háo hức hình ảnh có một không hai này. Chúng tôi cũng vậy, ngồi bờ biển chờ máy bay xuống vừa tán chuyện, vui làm sao! Riêng việc canh máy bay và người sao cho có bức ảnh thật ưng ý cũng là một kỷ niệm khó quên.

Trên đường đi bãi Đầm Trầu Đảo

Chúng tôi dành một ngày để đi hang đá Ðức Mẹ nằm trong vườn Quốc Gia Côn Ðảo. Ba nơi có Thánh Giá mà tôi đã gặp: Một, di tích nhà thờ bên trong nhà tù Phú Hải, hai là hang đá Ðức Mẹ và ba là Giáo điểm Côn Sơn cách trung tâm khoảng 3km.

Trên đường lên Hang đá Đức Mẹ

Hang đá Đức Mẹ rất nhỏ, nằm bên đường

Xe điện dừng ngoài đường lớn. Theo một con dốc thoải khoảng 400m bắt đầu những bậc cấp lên núi. Hang Ðức Mẹ nằm ở vị trí không cao lắm, đường lên rất mát do cây rừng phủ khắp trên đầu. Hang đá nhỏ nằm khép nép, bên trong có tượng Ðức Mẹ và một bàn thờ nhỏ. Chung quanh vách hang có gắn những tấm bảng ghi lời cám ơn bằng tiếng Pháp và tiếng Việt, ngày tháng vào những năm 60. Tôi đoán, có nhiều người Pháp đã đến đây. Họ đến rồi đi và trở về để lại những lời tạ ơn.

Bàn thờ trong hang đá Đức Mẹ

Những tấm bảng cám ơn bên trong hang đá Đức Mẹ

Rời hang Ðức Mẹ chúng tôi tiếp tục khám phá cầu Ma Thiên Lãnh, Bãi Bàng, Bãi Ðất Thắm… Trên đường đi có những cây dây leo còn gọi là “Những kẻ ranh mãnh” vì chúng bắt đầu cuộc sống trên mặt đất – nơi chỉ nhận 1 – 2% ánh sáng mặt trời. Ðể có thể lấy được ánh sáng mặt trời, tổng hợp chất hữu cơ cần thiết, chúng đã khôn khéo tận dụng các cây khác và không tốn một chút công sức nào; bằng cách trực tiếp cuốn quanh các thân cây to khác để dễ dàng tìm lên tận đỉnh cao của khu rừng bằng con đường nhanh nhất. Tôi thật sự “ồ à” khi thấy cây dây leo thật to ngoằn ngoèo trên đất rồi vươn lên cao không biết chúng bắt đầu  và kết thúc ở đâu…

Dây leo trong rừng

Giờ đây khi viết những giòng này, coi lại album Côn Ðảo, tôi bỗng thèm trở lại một lần nữa, chỉ để đi bộ vẩn vơ trên những con đường nhỏ ấy, chạm bàn tay mình lên những u nần thời gian của gốc bàng và ngẫm ngợi. Rồi ào xuống biển bơi vài vòng, rồi đi ăn tối…

Tác giả chụp hình kỷ niệm bên dây leo

ĐTTT