Ai có dịp đến Houston, đều nghe qua Phương My Music, và không ít người ghé qua tiệm sách và nhạc phong phú này. Ở đây, có thể xem như một “trung tâm văn hóa” với rất nhiều, băng đĩa, sách báo, từ Cali, Dallas Texas, và vài tiểu bang khác. Những tờ báo, quyển sách, băng đĩa muôn màu muôn vẻ dường như vô tận, sẽ níu chân khách viếng thăm đến vài tiếng đồng hồ để ngắm nghía, săm soi, chọn lựa…
Ngân Bình (NB): Tôi biết đến Phương My từ lâu, tên tiệm rất nữ tính này bắt nguồn từ đâu vậy chị?
Văn Bạch Lan (BL): Dạ đó là tên của hai vợ chồng người em mà tôi quý nhất trong nhà.
NB: Chị sang Mỹ từ năm nào và bước đầu có thuận lợi không?
BL: Tôi đến Hoa Kỳ từ năm 1990. Tuy muộn so với đa số đồng hương, nhưng nhờ đã có gia đình định cư từ trước, nên sự hội nhập với đời sống mới khá nhanh.
NB: Xin chị cho biết tiệm sách ra đời từ năm nào?
BL: Tiệm sách được mở cửa từ năm 1990. Vì sự tiến bộ của điện toán qua bao thập niên, nhất là trong khoảng gần hai thập niên qua, nên mục tiêu và phạm vi hoạt động của Phương My cũng bắt buộc phải thay đổi theo, và đồng thời Phương My cũng di chuyển từ Downtown Houston đến vùng Southwest Houston trong khu vực Hồng Kông 4, trên đường Bellaire.
Dù bao thay đổi, duy chỉ có một điều không hề thay đổi, đó là Phương My phục vụ khách hàng rất tận tâm, bằng tấm lòng người yêu văn nghệ, yêu chữ nghĩa. Nhờ vậy, cho dù qua bao thăng trầm, Phương My vẫn được quý đồng hương khắp nơi ủng hộ và thương mến.

Bạch Lan (trái) và các bạn trong nhóm CGV
NB: Cơ duyên nào đưa đẩy để chị trở thành chủ nhân của một tiệm sách lớn như vậy?
BL: Khi còn ở trong nước, tôi cũng đã từng là “cô hàng sách”, và có lẽ cái nghiệp vẫn còn (cười), nên khi vừa đặt chân đến vùng đất mới, gia đình đã chuẩn bị ngay công việc để tôi tiếp tục với công việc cũ, một công việc mà tôi yêu thích.
NB: Khi mới mở tiệm, Phương My có gặp trở ngại nhiều không?
BL: Khi còn ở VN, tôi đã từng đứng trước quầy sách nhiều năm, nên cũng không bỡ ngỡ gì mấy khi Phương My do 5 anh chị em trong gia đình điều hành.
NB: Ngoài sách báo, băng đĩa, Phương My có thêm những mặt hàng nào khác không?
BL: Trong giai đoạn đầu, tiệm “Phương My Music” thiên về giải trí, nên mặt hàng chính là CD, với nhạc thời tiền chiến, video phim bộ, sách vở là những tác phẩm thời Tự Lực Văn Ðoàn, các văn thi phẩm trong thời chinh chiến, sau nầy lại có thêm các tác giả tại hải ngoại sáng tác. Ðặc biệt là những sách viết về chính trị, có một thời làm mưa làm gió, hồi đó thậm chí bán không kịp in. Sau này, theo yêu cầu của khác hàng, Phương My lấn dần sang lãnh vực máy móc, như máy tự điển điện tử, máy hát karaoke với dĩa laser.
NB: Từ đâu Phương My có những nguồn sản phẩm mới này?
BL: Những sản phẩm được bày bán tại đây được cung cấp bởi các trung tâm băng nhạc ở California. Sách, báo phần lớn do các tác giả trực tiếp giao đến. Máy móc thì từ những công ty sản xuất của Hoa Kỳ, Nhật Bản v.v.

MC Bạch Lan – Hội ái hữu VL-VB mừng Xuân
NB: Hiện giờ, mọi người có thể tìm đọc sách, cũng như nghe nhạc từ internet. Điều này có ảnh hưởng đến việc mua sách cũng như CD nhạc không?
BL: Từ khi nền công nghệ internet phát triển mạnh mẽ, thì chẳng những thị trường CD âm nhạc bị chậm lại, nhất là sách báo lại càng thu hẹp hơn. Tuy vậy, với tấm lòng thiết tha cùng chữ nghĩa, và cũng còn là cái nghiệp, nên gia đình tôi vẫn duy trì Phương My Music cho đến nay.
NB: Chị có thể chia sẻ với độc giả Trẻ một vài niềm vui, nỗi buồn hay kỷ niệm nào đó trong công việc không?
BL: Tôi có dịp tiếp xúc với rất nhiều khách hàng. Mỗi người một tính. Có một vị khách cao niên, thường xuyên đến tiệm, hầu như mỗi tuần. Lần nọ, bác nhờ tôi tìm hộ một tác phẩm cũ, gần như đã tuyệt bản… Trải qua thời gian khá dài, tôi cũng đã tìm được món quà tặng ông cụ. Khi gọi điện thoại nhắn tin ra nhận sách, thì đó là cậu con trai chứ không phải chính ông. Tuần lễ sau, tôi đến dự tang lễ. Hình ảnh gây xúc động nhất là quyển sách ấy nằm trong tay cụ với gương mặt thanh thản.
Còn niềm vui thì cũng không kém, khi tôi nghĩ rằng công việc của mình dù nhỏ bé nhưng góp phần gìn giữ tiếng Việt trên xứ người.
NB: Chị nghĩ thế nào về tương lai của nền văn học VN tại hải ngoại khi người thích đọc sách đã già, người trẻ thì không thích đọc sách lắm và có nhiều nhà xuất bản, tiệm sách đóng cửa?
BL: Mọi việc đều diễn theo quy luật đào thải của Tạo hóa, nhưng tôi vẫn hy vọng sự đóng góp thật khiêm nhường của chúng ta sẽ phần nào giúp tiếng Mẹ-Ðẻ không bị mai một, để các cháu thế hệ nối tiếp còn gọi chúng ta là “Ông-Bà-Cô-Bác-Cô-Dì-Cậu-Mợ…” chứ không phải vỏn vẹn bằng tiếng “YOU”!

5 chị em của Bạch Lan và thân phụ
NB: Nhà văn Bùi Bích Hà cho rằng “không chỉ xương da mà sách còn có linh hồn”. Chị nghĩ sao về điều này?
BL: Thưa chị, tôi nghĩ: “Văn chương thi phú từ tâm hồn mà ra”, nên sẽ sống mãi dù bằng cách này hay cách khác, tựa như câu chuyện mà nhà văn Bùi Bích Hà đã kể trong một bài viết “… Chúng tôi nhớ lại bài thơ cổ, đăng trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư, người Việt Nam nào ra đời trong thế kỷ 20 đều thuộc: “Ðêm qua ra đứng bờ ao, Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ, Buồn trông con nhện giăng tơ. Nhện ơi nhện hỡi, nhện chờ mối ai?”… Ðiều bất ngờ vô cùng lý thú là một anh trong nhóm chúng tôi đang có nguyên vẹn cuốn sách này trong tay, khiến tôi tự hỏi làm sao mà một cuốn sách mỏng có thể trôi nổi gần một thế kỷ, để vẫn đường hoàng tồn tại trong tủ sách của một người yêu sách như thế?.”
NB: Được biết chị cũng là hội viên của Văn Bút miền Trung Nam Hoa Kỳ. Có lần tôi đọc được bài viết rất cảm động của chị đăng trên báo Trẻ, đó là niềm đam mê sẵn có từ thuở nhỏ hay do ảnh hưởng của công việc?
BL: Tiếp xúc với sách báo lâu ngày nên phần nào có ảnh hưởng đến sở thích làm thơ viết văn, vì thế tôi đã tập tành để trang trải nỗi lòng. Tôi có gửi đến báo Trẻ bài viết “Bên Vòng Tay Mẹ Mùa Thu Cuối” với bút hiệu Song Thy, và được đăng bài vào dịp “Lễ Mother’s Day”.
NB: Chị nghĩ, sách vở có ảnh hưởng đến người đọc không?. Chẳng hạn như những loại sách “học làm người” có thể làm cho người ta thay đổi cách suy nghĩ cũng như cách hành xử với những người chung quanh?
BL: Tôi nghĩ rằng, ảnh hưởng nhiều hoặc ít tùy từng người, nhưng chắc chắn sách vở sẽ mở ra cho mỗi người trong chúng ta những khám phá mới.

Bạch Lan và 2 ái nữ
NB: Sở thích của chị là gì?
BL: Tôi thích đi du lịch và làm việc thiện nguyện. Tôi nghĩ, sở thích cũng thay đổi theo thời gian. Hiện tại, tôi thích mỗi ngày được ngắm bình minh rạng rỡ nơi phương Ðông, thích chăm sóc vườn hoa “Uyển Lan Viên” sau nhà và tìm thấy sự bình an khi thì thầm tâm sự với chúng mà tôi tin rằng chúng thấu hiểu được tâm sự của tôi (cười).
NB: “Uyển Lan Viên”, cái tên dễ thương này từ đâu ra vậy chị?
BL: Là tôi đặt tên cho vườn hoa mà tôi bỏ công chăm chút từng ngày. Có lẽ, ảnh hưởng từ tiểu thuyết Quỳnh Dao từ nhỏ nên tôi muốn có chút lãng mạn cho một nơi chốn mà tôi yêu thích.
NB: Nếu bây giờ có được một điều ước, chị sẽ ước gì?
BL: Tôi mong ước đem được niềm vui và hạnh phúc đến cho gia đình, cùng những người thân yêu và bằng hữu.
NB: Cám ơn chị Bạch Lan đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện thú vị.
BL: Xin chân thành cảm ơn chị Ngân Bình và quý báo đã cho “Phương My Music” cuộc phỏng vấn này. Trẻ là tờ báo mà từ lâu chúng tôi ngưỡng mộ. Uớc mong báo TRẺ tiếp tục trường tồn và thăng tiến.
NB