Chợ trời bán đồ cũ (Flohmarkt) thường họp giữa trời hoặc có mái hoặc dù che. Nhưng mùa Đông lạnh lẽo, gió cắt thịt da chưa kể băng tuyết, chợ trời vẫn cứ hoạt động. Người bán, người mua tay chân lạnh cóng, bó mình trong những bộ quần áo ấm dày cộm, vướng víu thì mua với bán nỗi gì? Khỏi lo!

Chợ trời họp dưới hầm để xe nhộn nhịp
Bất kể thời tiết, chợ trời vẫn hoạt động
Ðầu tháng 12/2024, tôi trở lại chợ trời ở Biesdorf Center, quận Marzahn-Hellersdorf, Berlin. Trời mùa Đông âm u, mưa lất phất. Cảm giác của tôi khi trở lại nơi này là … thất vọng thật không ngờ! Chợ sao buồn hiu chẳng náo nhiệt như hôm tháng 7 vừa rồi tôi có đến. Người đi xuôi ngược cứ như thúc nhau. Đó là lần tìm mua được 5 cái dĩa nhựa cho người bạn thân ở Sài Gòn. Nhận được quà tặng, bạn đánh giá là đồ chợ trời ở bển còn ngon quá. Ngoài cái bìa cứng nhiều màu sắc, hình ảnh còn có bìa mỏng màu trắng bên trong đựng dĩa, và đặc biệt là không trầy xước gì, nghe rất mượt! Giá đồng hạng 10 euro/cái, rất hữu nghị.
Còn chợ hôm nay, mới 9 giờ sáng, sao mà vắng vẻ lạ thường. Phía trước và sau chợ, ngăn cách bởi một hành lang có mái che, có cầu thang lên xuống hầm để xe là cả khoảng sân rộng. Nhưng chỉ có vài chục gian hàng! Hàng bán áo quần cũ, giày, vali, đồ chơi trẻ em của mấy người Đức lớn tuổi và trẻ em chen với gian hàng bán vải, khăn quàng nhiều màu sắc và áo da của người Thổ … Đi tới đi lui một chặp là thấy nản, tôi bèn lên tàu điện quay về. Vừa đến nhà, cô cháu hỏi ông ngoại có mua được cái chi độc lạ không. Tôi nói chợ chi đâu vắng ngắt. Ông đi quanh quanh một chặp thôi là thấy quá buồn nên quay về! Cô cháu tròn mắt, cười: “Vậy là ông không xuống hầm rồi! Chợ vào mùa Đông mưa gió, tuyết lạnh là người ta đông dưới hầm đó!”. “Hầm đậu xe hả?”, tôi hỏi lại. Vậy là rõ. Phải đợi nửa tháng nữa kia mới trở lại và … nhớ xuống hầm dạo chợ trời!
Chợ trời họp dưới hầm để xe
Sau khi dạo một vòng chợ trời giữa trời đúng nghĩa, tôi theo đường thang cuốn xuống chợ trời … dưới hầm. Chợ trong tầng hầm do trần không cao lắm nên có cảm giác ấm áp vào mùa Đông giá lạnh. Đây là hầm để xe của một công ty xây dựng nhà ở. Hầm rộng rãi, chia nhiều ngăn để đậu xe… Khách đến chợ ai nấy áo ấm màu đen và màu xám, khăn quấn cổ, mũ len trùm kín đầu, giày ống … Nhìn thấy toàn màu tối. Trên trần, đèn ống nhiều nhưng không đủ tỏa sáng đều khắp khiến khung cảnh trở nên ma mị, huyền bí. Có một số gian hàng thắp thêm đèn. Có người mua chọn hàng rọi bằng đèn pin điện thoại. Có người mang theo sẵn đèn pin để … săn hàng. Khá nhiều gian hàng bán đồ điện, cây thông trang trí Giáng Sinh, có bán cả ông già Noel bằng len.
Các gian hàng bày biện ngay hàng thẳng lối. Nhờ rộng thoáng nên người đi không phải nhích từng bước. Trời mưa, gió lạnh như thế mà chợ vẫn họp, vẫn đông người đến mua.

Chợ trời ở giữa trời mùa Đông thưa thớt người bán, người mua
Người bán, người mua
Người bán hàng ghi danh đến bán đi bằng xe ô tô, có chiều dài 4.5m, vào hầm thì trả lệ phí mặt bằng 45 euro. Nếu không có xe thì lệ phí 40 euro. Ai không dọn hàng bán dưới hầm thì lệ phí mặt bằng rẻ hơn nhiều. Riêng khách đi chợ thì đậu xe miễn phí. Thời gian mở cửa từ 6 giờ sáng đến 8 giờ sáng và kết thúc lúc 3 giờ chiều. Và yêu cầu không thể thiếu là khi trả lại mặt bằng, người bán phải bảo đảm sạch sẽ! Chợ trời ở đây họp vào Chủ Nhật tuần này thì Chủ Nhật tuần sau nghỉ, cứ vậy xoay tua … Nghỉ bán ở đây thì họ lại kéo nhau về họp chợ ở Công viên HavelPark Dallgow, rộng thênh thang, các gian hàng đều có mái che, tất nhiên đóng lệ phí mặt bằng cao hơn …
Người bán mang đồ vật của nhà mình không dùng nữa ra chợ bán đi. Không dùng là “đồ cổ” chứ không phải đồ hư hỏng. Ngoài đồ nhà còn đồ mua lại đem bán cũng có. Nhiều người Đức họ thấy can chi phải vất bỏ nên chịu khó chở đến chợ trời tiêu thụ…thu hồi lại ít tiền còm. Cũng có người nghĩ, những đồ vật còn thời gian “cống hiến” được, mình không dùng nữa, muốn mua cái mới cho… hợp thời trang. Biết đâu có người khác cần dùng đồ cũ thì sao? Ai cần thì mua về dùng với giá rất dễ chịu kia mà! Ở đây mà muốn vất đồ cũ như nệm, thảm, tủ, bàn, ghế hay những thứ cồng kềnh khác là phải nhờ dịch vụ chở đến bãi tái chế, có trả phí … Nhưng yêu cầu phân loại rác thải trước ở nhà. Riêng ai ở Berlin thì được miễn phí nhưng chịu khó xếp hàng dài nơi thu nhận rác.
Người mua thứ hàng mình cần, còn dùng được thậm chí còn tốt không phải ít. Tuy nhiên, người mua phải có đôi mắt tinh tường chứ nếu gặp phải đồ đã được sửa nguội hoặc tân trang thì xem như mất cả chì lẫn chài! Bà N. một “tín đồ” của chợ trời, kể: “Do quá vội vì thấy giá hời nên tôi mua một cái va li kéo còn mới, giá 15 euro. Sau khi dùng đi du lịch với bạn bè, kéo trên đường trở về thì quai xách bị bục. Té ra quai xách đã hỏng, người ta dùng hai con vít bắt lại rất khéo!”.

Người mua tha hồ chọn lựa hàng. Có gian hàng bán trái cây, cà phê…sẵn sàng phục vụ.
Hôm đến chợ, tôi gặp ông T.V.V. ngoài 60 tuổi, vốn là một thợ điện. Ông kể: “Có nhiều hộp đồ nghề kềm, búa, tuốc-nơ-vít, bu-loong … còn mới cáu luôn. Anh biết đó, đồ cơ khí của Đức nổi tiếng là dùng bền. Nhưng họ bán chưa tới 5 đồng. Tôi từng mua về dùng, có lúc mua 2, 3 hộp để dành tặng người thân”. Ông V. còn nói thêm: “Tôi có người bạn cùng đi xuất khẩu lao động năm 1988. Anh ta xây nhà ở một vùng ngoại ô, quận Lichtenberg. Nhưng nội thất, đồ dùng sinh hoạt không cần phải mua sắm mới, đắt tiền. Anh ta nói vậy là phí! Cứ chịu khó lội vài cái chợ trời ở quanh Berlin này mà mua sắm đồ nội thất, đồ dùng bếp núc! Bảo đảm đẹp, còn mới, ngon luôn, giá lại rất mềm! Từ bàn tròn, ghế dựa, giường ngủ, ghế xếp, tủ trang điểm, khăn trải bàn cho đến những cái bát, cái ly uống rượu, chảo nồi, lò nướng bánh mì … không thiếu gì!”
Như tôi thích lội chợ trời ở Berlin. Có chợ xa phải đi tàu điện ngầm, tàu điện trên cao rồi chuyển qua xe buýt mới đến nơi. Nhiều khi chẳng mua được thứ gì ra hồn hay có giá trị. Nếu có mua gì là mua cái túi xách hoặc cái ba lô đeo, vài cái zippo lạ lạ, máy ảnh điện tử đời cũ rích tặng cho mấy người quen, bạn bè thích sưu tầm “đồ cổ lỗ sĩ”. Đi nhìn ngắm, thư giãn là chính. Mà đâu chỉ có tôi, nhiều người cũng khoái lội chợ trời, gặp cái gì thích thì mua còn không thì về…tay trắng!
Mùa Đông tuyết lạnh cỡ nào cũng không quan trọng. Thay vì họp chợ giữa trời thì ta xuống hầm để xe sẽ ấm áp hơn. Có cầu là có cung! Cứ nhìn đi, người mua kéo nhau đi nườm nượp đến chợ họp dưới hầm cũng tạo nên bầu không khí ấm nóng đó thôi. Vẫn có gian hàng trái cây, nước uống. Khách cần mua là có ngay!
Vào mùa Đông, lúc này trời âm u, đường phố, nhà cửa chìm trong sương mù. Phải sau 8 giờ sáng mới bình minh và 4 giờ chiều thì trời đã sập tối! Rồi Đông lạnh giá tàn, Xuân ấm áp sẽ đến, ta lại hẹn nhau họp chợ giữa trời!
Bài & ảnh LKD