Không chỉ đi xe đạp, đi tàu điện nhằm giảm khí thải, bảo vệ môi trường mà đạp xe còn là cách tăng cường luyện tập thể dục nâng cao sức khỏe. Phong trào đi xe đạp đã được cổ vũ từ nhiều năm nay tại các nước Âu Châu. Trong thời điểm khủng hoảng năng lượng hiện nay thì việc đi xe đạp ở Đức càng được khuyến khích. Xe đạp dành cho mọi lứa tuổi.

Cứ trên làn đường dành riêng mà đạp     

Cạnh việc tiết kiệm tiền đổ xăng, tiền gửi xe, tránh nạn kẹt xe thì dùng xe đạp là lựa chọn tốt nhất, ngoại trừ những người ở vùng ngoại ô xa nơi làm việc ở trung tâm thành phố phải dùng xe hơi. Nhiều người dân Ðức vẫn dùng xe đạp đi lại dù nhà có một hoặc hai xe hơi…xịn.

Các nước Âu Châu thành phố thường chật hẹp, đường phố rất nhỏ nên đậu xe là một điều nan giải, không khéo sẽ bị phạt thậm chí bị cẩu xe đi mà chủ nhân sẽ phải vất vả truy tìm! Ðiều đó cũng thúc đẩy việc đi xe đạp hoặc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng ngày càng nhiều.

Không khó thấy trên đường phố Berlin các em nhỏ đạp xe đạp hoặc loại mà Việt Nam gọi là xe lướt scooter dùng hai chân quẹt đẩy lia lịa  dưới đất cho xe lướt tới và các em nhỏ đều đội mũ bảo hiểm. Có cả những cháu bé từ ba đến bốn hay năm tuổi sử dụng thành thạo xe lướt scooter đẩy bằng chân chạy theo cha hoặc mẹ đi bộ hoặc xe đạp bên cạnh… rất ung dung và tự tin. Khi nào mệt, mỏi chân quá thì có ba hoặc mẹ giúp…vác xe!

Đèn tín hiệu dành cho xe đạp

Ðường luôn có lối dành riêng cho xe đạp nên cứ tự tin mà lướt, thẳng chân mà đạp! Trẻ dưới 8 tuổi muốn đi xe đạp trên vỉa hè phải có người lớn…“áp tải”. Trẻ trên 10 tuổi có thể đạp xe xuống lòng đường nhưng phải có… “chứng chỉ” tựa như bằng  lái xe vậy. Tôi có đứa cháu ngoại, trước khi vào lớp Bốn đã được cảnh sát giao thông đến trường chỉ dẫn sơ lược kiến thức về an toàn giao thông và kỹ năng sử dụng xe đạp. Một số biển báo thông dụng trên đường phải thuộc, phải biết; cách điều khiển xe khi dừng đèn đỏ, khi có đèn xanh; cách vượt xe cùng chiều, rẽ trái, rẽ phải v.v. Vượt qua phần kiểm tra mới được cấp “chứng chỉ”!

Xem thêm:   Tháng Ramadan

Các shipper ở đây cũng dùng xe đạp hoặc xe đạp điện đi giao hàng (chỉ trong phạm vi bán kính 4 km). Nghĩ đến các shipper ở bên mình chạy xe mô tô giao hàng như chạy giặc, chạy như ma đuổi mà khiếp! Giao hàng xa mấy cũng ôm!

Xe đạp cũng có tượng!

An toàn đặt lên hàng đầu

Người đi xe đạp có thể không đội mũ bảo hiểm nhưng không được đạp xe trong lòng đường sau khi đã uống rượu bia vượt mức cho phép. Trên vỉa hè hoặc dưới lòng đường thường có làn đường dành cho xe đạp. Nếu gặp những chỗ không có làn đường dành riêng thì xe đạp có thể dùng chung làn đường với xe hơi. Người đi bộ chớ có đi vào làn đường dành cho xe đạp và ngược lại.

Cần chú ý biển báo. Nghe kể đã có không ít trường hợp người đi bộ lấn đường xe đạp bị xe đạp tông gây thương tích nặng. Không ít người đạp xe đạp cứ như… cua-rơ không bằng! Người đi xe đạp có thể đi chung đường với người đi bộ trong trường hợp đặc biệt nhưng phải nhường đường ưu tiên cho họ hoặc cảm phiền dắt bộ…một đoạn.

Xe đạp dưới lòng đường dừng khi đèn đỏ

Người đi xe đạp nếu thiếu đèn (ban đêm), chuông mà gặp phải cảnh sát giao thông tuần tra (cũng bằng xe đạp) thì “ăn” giấy phạt ngay! Nếu vượt đèn đỏ hoặc đạp xe ngược chiều thì mức phạt khá nặng, có thể vài chục euro. Ði xe đạp rẽ phải, rẽ trái phải đúng cách. Nào là rẽ trái trên đường dành cho xe đạp có vạch kẻ đường; nào là rẽ trái theo tín hiệu của đèn dành riêng cho xe đạp; nào là phải tập trung chú ý quan sát luồng đường khi không có đèn giao thông dành cho người đi xe đạp; nào là dừng ở bên phải trước khi rẽ trái v.v. Nhớ là đạp xe hàng một, muốn vượt xe đạp khác thì vượt lên từ bên trái, cần thiết lắm mới bấm chuông. Nhiều điều khoản của Luật Giao thông đường bộ nghe qua cũng đã rối rắm huống chi “lạ nước lạ cái” như tôi.

Xem thêm:   Ngủ trưa trong lớp

Ði xe đạp cho đúng luật ở Ðức cũng không dễ đối với người nước ngoài! Anh bạn người Việt mới quen nói với tôi, đi xe đạp có khó gì đâu miễn là đừng…biết luật!? Nghe đâu đi xe đạp điện (xe đạp có động cơ có thể đi nhanh hơn 25km/giờ) phải có giấy phép lái xe và bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Tóm lại, đi xe đạp mà lạng quạng là bị phạt như chơi chưa kể những ánh mắt nhìn không thân thiện khi mình…vô tư vi phạm luật.

Có ba mẹ bên cạnh nên tự tin hơn!

Không có “cửa” cho việc năn nỉ hoặc “lót tay” cảnh sát xin thông cảm bỏ qua! Ði xe đạp vừa rèn luyện sức khỏe vừa chống ô nhiễm môi trường cớ chi không dùng phương tiện thân thiện, gần gũi này đi lại? Ở Việt Nam tôi cũng hay đi xe đạp nên khi thấy hai, ba chiếc xe đạp trong kho, tôi muốn hỏi mượn cậu em vợ một chiếc chạy thử. Nhưng con gái tôi khuyên đừng thử “món” này. Ði xe đạp bên này không có dễ! Vả lại, chưa rành đường… Cứ tàu điện cho an toàn! Nếu còn thời gian ở Ðức lâu hơn chắc tôi cũng phải thử…đi bằng xe đạp cho giống người ta. Ðánh giá cao về nhiều lợi ích khi đi xe đạp nên trong một vườn hoa nhỏ trên đường Pasedagplatz, Berlin, người ta còn đặt một “Tượng đài xe đạp”…thật là vui mắt!

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân – Kỷ niệm về đời lính dù

Với cái nhìn của một người đang sống tại VN, tôi mơ đến ngày nào đó nước mình không còn làn đường hỗn hợp (thật sự là hỗn loạn) xe tải nhẹ, xe con, xe gắn máy, xe mô tô, xích lô, đi bộ! Bước chân ra đường là tự tin không còn lo với sợ tai nạn giao thông rình rập.

Tác giả đi xe đạp ở Việt Nam

LKD