Lan Cao (sinh 1961) tên thật Cao Thị Phương Lan, con gái của cố Ðại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu Trưởng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Lan Cao sinh ra tại Việt Nam. Bà đến Mỹ lúc chiến tranh Việt Nam kết thúc, khi đó được 13 tuổi. Lan Cao nhận bằng B.A. ngành khoa học chính trị tại trường Mount Holyoke College năm 1983 và bằng Tiến sĩ Luật (Juris Doctor) của trường đại học luật Yale. Bà hiện là giáo sư môn luật kinh tế quốc tế tại Chapman University. Ngoài ra bà cũng nổi tiếng với các cuốn tiểu thuyết Monkey Bridge (Cầu khỉ) (1997) và “The Lotus and The Storm” (Hoa Sen và Bão Tố) (2014), viết về hậu quả của Cuộc chiến Việt Nam và cuộc đời của những người tị nạn sang Hoa Kỳ.

Lan Cao – nguồn dvan.org

Cuốn Cầu Khỉ – Monkey Bridge của Lan Cao được giới phê bình văn học ca ngợi là tác phẩm hư cấu mang ý nghĩa hùng hồn và quan trọng, khắc họa vùng đất Việt Nam sau chiến tranh theo góc nhìn và kinh nghiệm của một người Mỹ gốc Việt. Bằng việc hình tượng hóa thể nghiệm khi đi qua một cây cầu khỉ — vốn là cây cầu khẳng khiu, chông chênh, được xây dựng bằng những cây tre nhỏ, một hình ảnh quen thuộc của nông dân và làng quê Việt Nam trong nhiều thế kỷ — nhà văn Lan Cao đã khéo léo đan xen, kể một chuyện mà xuyên suốt là một hành trình đầy nguy hiểm giữa quá khứ và hiện tại, giữa Ðông và Tây. Tác giả đã lồng ghép hai bản thể câu chuyện vào nhau, một là phiên bản Việt Nam theo góc nhìn của một người di dân ở Mỹ, do một cô gái trẻ kể lại; và phiên bản thứ hai là một câu chuyện đen tối về sự phản bội, âm mưu chính trị, bí mật gia đình và sự trả thù theo góc nhìn của mẹ cô gái. Những khung cảnh và địa danh huyền ảo, đầy sức ám ảnh được mô tả trong Cầu Khỉ cũng là một điểm sáng của tác phẩm. Những chất liệu hư cấu vốn thường được dùng trong thần thoại và truyền thuyết Việt Nam, lưu truyền giữa các thế hệ, bao hàm cả truyền thuyết, lịch sử Việt Nam và ước mơ của quá khứ cũng như tương lai. Nhà văn Isabel Allende sau khi đọc tác phẩm đã nhận xét rằng “Với sự nhẹ nhàng, cân bằng và tinh tế đáng kinh ngạc, Lan Cao đã vượt qua vực thẳm của sự đau thương, mất mát, chia ly và lưu đày, để kết nối ở một mức độ khác giữa những thực tế ở Việt Nam và Bắc Mỹ, và kết nối ở một mức độ sâu hơn là những thực tại của thế giới vật chất và thế giới của các linh hồn.”

Xem thêm:   Squatters. những kẻ chiếm nhà

DH – tin Internet