Bị ngứa ngáy, hắt hơi do dị ứng với phấn hoa, vật nuôi, bụi hoặc nấm mốc… buộc ta phải dùng thuốc dài hạn, hoặc chích ngừa tại phòng mạch. Tuy những phương pháp đó rất hiệu quả, nhưng nhiều người muốn cách điều trị mau hơn, tiện hơn.

Có ba lựa chọn được các nhà dị ứng học đề xuất:

Thuốc đặt dưới lưỡi

Đây là loại thuốc viên hoặc thuốc giọt bán theo toa, có chứa chất gây dị ứng, được gọi là liệu pháp miễn dịch ngậm dưới lưỡi (sublingual immunotherapy – SLIT).

Loại thuốc này giống như chích ngừa. Khi một lượng nhỏ chất gây dị ứng được đưa vào, dần dần cơ thể sẽ hình thành khả năng miễn dịch với nó. FDA đã phê duyệt 4 loại thuốc viên: hai dành cho cỏ, một cho cỏ phấn hương và một cho mạt bụi. Ngoài ra còn có thuốc nhỏ dưới lưỡi thường được bác sĩ chuyên khoa dị ứng thực hiện tại văn phòng nhưng chưa được FDA chấp thuận.

Nhưng cần biết là thuốc chỉ hiệu quả nếu các triệu chứng dị ứng phù hợp với chất gây dị ứng trong thuốc nhỏ hoặc thuốc viên.

Chích vào hạch bạch huyết

Liệu pháp miễn dịch Intralymphatic (ILIT) gồm ba lần chích chất gây dị ứng –  được siêu âm hướng dẫn – trực tiếp vào các hạch bạch huyết ở bẹn.

Các hạch bạch huyết là trung tâm miễn dịch của cơ thể. Chích chất gây dị ứng trực tiếp vào hạch làm cho nhiều tế bào của hệ thống miễn dịch tiếp xúc cùng một lúc, khởi động một phản ứng để cơ thể dung nạp chất gây dị ứng. Các nghiên cứu ban đầu cho thấy nó có hiệu quả làm thuyên giảm lâu dài ở một số đáng kể bệnh nhân.

Xem thêm:   Trị cảm, cúm (kỳ 2)

Tuy ILIT có vẻ khả quan nhưng nó vẫn được coi là đang thử nghiệm và chưa được phổ biến rộng rãi, hoặc chưa được bảo hiểm chi trả.

Uva / uvb và ánh sáng đỏ

Đây là phương pháp điều trị được gọi là quang trị liệu trong mũi (intranasal phototherapy), được thực hiện với các thiết bị phát ra sóng ánh sáng vào lỗ mũi để giảm viêm.

Khi bị dị ứng với một thứ gì đó, hệ thống miễn dịch sẽ gây viêm ở phần cơ thể tiếp xúc với chất gây dị ứng. Về mặt lý thuyết, giảm viêm có thể bớt nghẹt mũi và các triệu chứng khác, tuy nhiên, nghiên cứu về các sản phẩm này còn ít, kém phẩm chất, và chưa có thiết bị nào được FDA chấp thuận để điều trị.

Tuy liệu pháp ánh sáng có hiệu quả đối với các bệnh trạng khác như bệnh vẩy nến (psoriasis), nhưng còn quá sớm để kết luận nó có an toàn và hiệu quả đối với bệnh dị ứng hay không?

(Theo Prevention)