Trong cuộc chiến diễn ra trên đất nước ta, rất nhiều ca sĩ đã đến tận những tiền đồn xa để hát cho lính nghe. Tiếng hát tiếng đàn của những nghệ sĩ  ấy đã làm ấm lòng các chiến sĩ, khiến họ còn thấy tin yêu ở cuộc đời và hy vọng. Trong khi đó, về phía đồng minh của ta, cũng có nhiều nghệ sĩ đi ra các chiến trường trình diễn giúp vui cho những chiến sĩ xa nhà. Một trong những nghệ sĩ nổi tiếng ấy là Bob Hope. Ngoài ra còn có Connie Stevens. Giáng sinh năm 1969, cô được máy bay chở đi hát cho các chiến binh Hoa Kỳ chiến đấu ở Việt Nam.

Sau đây là câu chuyện của Connie Steven và Bob Hope.

NS

Khi Bob Hope nói với tôi, “Thế nào cô cũng phải đến đấy,” Tôi biết tôi sẽ đi Việt Nam để giúp vui cho những người lính ở đấy, cho dù tôi đang có 2 con nhỏ, cả hai đều dưới 2 tuổi ở nhà.

Thật là một công tác khó khăn cho một nghệ sĩ trình diễn. Tôi sẽ phải ca hát giữa rừng già  trong cái nóng kinh người. Tôi sẽ không được dùng mỹ phẩm để làm đẹp. Tôi sẽ phải xuất hiện trong vẻ thô sơ của con người mình.

Giữa các buổi diễn, khi chúng tôi bay qua các vùng trời, từ phi cơ bay trong đêm chúng tôi trò chuyện với các chiến binh trên các chiến hạm ở dưới xa. Thế nhưng bay qua biển tôi thường buồn ngủ đến phải gục đầu xuống, một người nào đó phải đánh thức dậy và tôi đi lên phòng lái. Bob nói với tôi: “Tôi đang nói chuyện với chiến hạm dưới kia, họ đã xa nhà nhiều tháng nay. Họ đang ở ngoài khơi đại dương và máy nghe đang mở. Connie, cô nói chuyện với họ chứ?”

Xem thêm:   Những bông hoa trên xe buýt

Tôi chưa tỉnh ngủ hẳn, nhưng trong khoảnh khắc tôi bỗng thấy mình đang chuyện trò với 2,700 người giữa lòng đêm tối trên một mặt biển đen. Tôi nói: “Chào các anh. Rất vui được nói chuyện với nhau. Tôi hát cho các anh nghe được không?” Và tôi nghe tất cả đáp lại qua Intercom. “V.v…âng…”  Và tôi hát những bài hát vui. Lời phần lớn do tôi tự chế ra. Theo cái cách mà người Mỹ có thể cảm nhận được và là những điều mà cha mẹ, người thân của những người lính vẫn thường nói với họ.

Nghĩ rằng tôi đang nói chuyện với hàng ngàn con người khác nhau về hình thể, màu sắc, dáng vẻ … cố gắng thay mặt mẹ họ, chị em họ, gia đình, quê hương họ, tôi cảm thấy lòng hết sức rộn ràng. Nhất là khi tôi không nhìn thấy mặt những người lính ấy mà chỉ hát chỉ nói qua loa phóng thanh, nhưng cảm xúc của tôi đã truyền tới họ và dội ngược lại tới tận máy bay của tôi. Tôi đã quá sức xúc động bởi những gì mình đã diễn tả qua giọng nói, tiếng hát. Cho tới ngày nay hàng tuần tôi vẫn gặp trên đường phố một người nào đó đã nhìn thấy tôi đứng hát trong rừng già Việt Nam hay nghe tiếng tôi qua biển rộng trong đêm, và họ đã cảm ơn tôi.

Quả đúng là những người lính năm xưa ấy đã cảm ơn tôi trong khi lẽ ra tôi phải muôn vàn cảm ơn họ.

Thắm Nguyễn

NS

Xem thêm:   Con búp bê thời nhỏ

(theo Connie Stevens)