Không hiểu do đâu Như Sao có thiện cảm với những người thợ sửa giày. Có lẽ do túi tiền ít khi căng phồng như người ta nên mình đã nhiều lần ghé thăm bác thợ giày trên phố. Ở quê nhà cũng như những năm đầu tới Mỹ. Nhờ những người thợ sửa giày này mà NS có được những đôi giày ưng ý để đi. Ngoài ra, đôi khi giày bị vẹt đế hay mòn gót, cũng phải nhờ cậy bàn tay người thợ sửa giùm. Thường thì NS mang đôi giày hư đến cho ông thợ rồi ngồi chờ. Sửa xong, lại xỏ giày vào đi tiếp.

Với NS, ông thợ sửa giày ngồi bên hông nhà hàng Mekong-Đà Lạt là người dễ thương nhất. Tận tụy, cẩn thận, kỹ lưỡng là những đức tính gắn liền với nghề nghiệp của ông. Ông không bao giờ sai hẹn, và nói như cách nói bên này thì ông là người làm việc có lương tâm. He always does a good job! Đây là lời Hemingway khen tặng một ông thợ đóng sách của thành Madrid ở Tây Ban Nha mà NS xin mạn phép dùng lại ở đây để bày tỏ cảm tình với người thợ sửa giày ở thành phố Đà Lạt ngày xưa mình từng gắn bó.

Tới đây, phải nói rõ một điều: NS yêu Đà Lạt, một phần cũng là do ở đó có … người thợ sửa giày quen biết! Ông chọn nghề sửa giày là vì nhà ông nghèo và cũng vì ông thích gần gũi với mọi người cũng như yêu đường phố. Chính nhờ ông mà Sao tôi biết được nhiều chuyện quanh khu chợ. Chẳng hạn ngôi khách sạn bên góc chợ được xây dựng năm nào. Chủ nhà hàng bánh mì baguette bên kia đường xuất thân từ đâu. Nhà nào có con du học Pháp. Nhà nào giàu có nhờ của cải ông bà để lại. Cô hàng bán đồ lưu niệm, cài nơ xanh, có chiếc răng khểnh, đang đứng nhìn ra đường kia, từng đi thi hoa hậu một lần. Bà chủ tiệm hoa ở cuối phố là người nhân đức nhưng đường tình duyên có nhiều trắc trở. Vân vân và vân vân… Ngồi nói chuyện một lát, ông sai con đi mua cà phê về cả hai cùng uống. NS và ông thợ sửa giày ngày càng trở nên thân thiết. Cho nên, sau này trên những bước lưu đày nơi đất Bắc đôi khi NS nhớ, rất nhớ Đà Lạt, và trong nỗi nhớ đó có hình ảnh ông thợ bên góc phố. Trong bài Chiều Bên Sông Giăng, ở đoạn ghi lại những hồi tưởng về Đà Lạt, Sao tôi nói về những dãy nhà đèn sáng, những chiếc xe bán kem và bong bóng cho trẻ em, những con phố nồng mùi lạc rang cùng phở nóng, những mâm bắp nướng vàng lườm, những quầy bán thuốc lá và diêm, đặc biệt “ở một vỉa hè nơi góc phố / người thợ sửa giày ngồi kể những cuộc phiếm du và những con đường”.

Ôi, người thợ sửa giày năm xưa chắc không còn ngồi ở góc phố đó nữa. Ông đi đâu, về đâu, còn có mặt trên thế gian này không?

Xem thêm:   Con búp bê thời nhỏ

Nhưng thôi, hãy uống cạn ly cà phê đắng, nhìn ra phố người mà hát.

Thắm Nguyễn

NS