Ðiện thoại reo từng chập trong lúc Liên đang rửa chén. Ðịnh làm xong sẽ gọi lại, nhưng tiếng chuông nhạc dường như hấp tấp, vội vã, không chịu ngưng, Liên đành phải lau tay, lên tiếng:

– Con đây dì Út.

– Liên à, sao mẹ con ho cả tuần, mệt mỏi không ăn ngủ được mà con không đưa đi khám bệnh? Hôm qua, mẹ con gọi cho dì, nói con sợ mất sở hụi, không dám nghỉ, cứ ôm tiệm nails làm riết mà không để tâm đến bệnh hoạn của mẹ.

– Dì Út ơi, mẹ con chỉ ho, nhảy mũi chút đỉnh vì “allergy” thôi. Con đưa thuốc, mẹ không chịu uống, nói bệnh này hà rầm chứ có nặng nề gì đâu mà uống hoài cho lờn thuốc.

– Ừ… thì dì muốn nhắc con, mẹ con năm nay hơn tám mươi rồi, ngày tháng theo ông, theo bà cũng không xa, con ráng chăm sóc mẹ chu đáo. Chị Ba con và thằng Tâm bận rộn chuyện làm ăn, lại ở xa, nên không báo hiếu cho mẹ được, chỉ còn con….

Liên cao giọng, cướp lời:

– Còn con, rảnh rang hơn, sung sướng hơn. Khỏi phải đi làm, ở nhà mà mỗi tháng được lãnh tiền chăm sóc mẹ già của chương trình “home care”, hổng chừng con còn “ăn” luôn tiền già của mẹ nữa. Chị em của con ai cũng nói vậy, cả dì Út cũng nghĩ vậy nữa phải không?

– Ðâu có… Dì … chỉ…

– Con sướng quá mà sao không chị em nào vào lãnh cái sướng của con đi. Ai cũng lo chuyện làm ăn của họ, còn con, con cũng muốn được như chị Ba với thằng Tâm, ở xa, lâu lâu gọi thăm mẹ, ngon ngọt lời thương nhớ, tới lễ lộc thì gửi quà về cho mẹ, không một lần nghe mẹ trách móc, lẫy hờn, mà còn được mẹ khoe khoang với mọi người, tụi nó ở xa chứ hiếu thảo với tui lắm. Còn cái đứa ở chung lo lắng từ A tới Z thì bị mẹ gọi khắp bàn dân thiên hạ để than phiền, nó cho tôi ăn uống như tù, lạt lẽo khô khan, lúc nào cũng phải kiêng cữ, đồ ăn ngon thì giấu biệt. Hồi đó, dì Út nuôi bà ngoại, con nghĩ dì cũng quá hiểu tính nết thất thường của người già, cũng một chuyện mà bữa nay nói vầy, ngày mai nói khác, rồi móc ngoéo, cay đắng với con cái, sao giờ dì lại lên tiếng trách con, khi chưa biết hết mọi chuyện.

Xem thêm:   Dòng chữ trên tường

Mẹ con khen chị Ba có hiếu lắm, lo cho mẹ từng chút một. Vậy mà sang đây ở mấy bữa, con đã nhắc, bác sĩ nói đường của mẹ cao lắm phải cữ ngọt, chị đâu có nghe, cứ mua chè cho mẹ, còn bỏ cốt dừa thiệt nhiều cho béo, cho ngon, rồi đêm đó mẹ bị tiêu chảy, đi không kịp, phân rớt rải từ phòng ngủ ra tới phòng tắm, con lui cui dọn dẹp, tẩy rửa, lụp cụp mấy tiếng đồng hồ, chị Ba ngủ ở phòng bên cạnh, im re không bước ra hỏi thăm một tiếng, chứ đừng nói là giúp con lau chùi, rửa ráy cho mẹ. Vậy theo dì, đứa con có hiếu của mẹ nên làm gì lúc đó hả dì Út?

– Ừ! thì… chị Ba con… tệ thiệt…

– Con tưởng, dì cũng nói giống như cách biện luận của chị Ba “mày làm quen rồi… chứ tao… nghe mùi đó là tao bị mửa”.

Nghe chị Ba nói mà con không biết nên cười hay nên khóc. Dì có biết là con rất muốn được ra ngoài đi làm, để được tiếp xúc với bạn bè, mở mang kiến thức, chứ con đâu muốn ru rú trong nhà. Với học vấn, khả năng của con, con có thể kiếm tiền gấp ba lần số tiền ít ỏi con nhận được từ công việc của “home care”.

Nhưng vì thương mẹ, con phải chấp nhận. Vậy mà đâu có ai thèm hiểu cho con. Chị em của con dạy con phải biết báo hiếu công ơn dưỡng dục của mẹ. Nhưng chính bản thân họ có làm được điều đó không? Hiếu thảo với cha mẹ là bổn phận của tất cả con cái, chứ đâu phải riêng một đứa nào. Chữ hiếu đâu phải chỉ là tiền, là lời nói đầu môi, chót lưỡi. Nếu không ai làm được thì hãy để yên cho con làm. Con không sanh nạnh, so bì, nhưng đừng tỏ ra mình là đứa con có hiếu, mà chữ hiếu của họ chỉ là mớ lý thuyết suông, rồi dằn vật, chỉ trích con. Ðừng dạy dỗ con phải hiếu thảo với cha mẹ theo cái cách nói được mà không làm được của họ….

Xem thêm:   Tháng Tư. hoa loa kèn & bóng mẹ

Liên tắt máy trong tiếng khóc uất nghẹn.


Bạn thân mến,

Không phải chỉ có Liên là người con – tạm gọi là “bất hạnh” chứ không phải là “bất hiếu”- trong mắt người mẹ già đang ở tuổi thay tính đổi nết đâu, mà có rất nhiều người con đã phải nhận những sự phê phán sai lạc từ cha mẹ, người mà họ đang chăm nom, phụng dưỡng.

Hầu hết những người già khi không còn đi lại sinh hoạt bên ngoài được, không có thú vui nào khác ngoài việc dán mắt trên màn hình TV mỗi ngày, rất dễ bị chứng trầm cảm. Con cháu đang sống chung nhà, thường bận rộn cuộc sống, cũng không có thì giờ ngồi bên cạnh chuyện trò, thăm, hỏi han chi li (dù trước kia vẫn vậy) nên cảm thấy mình bị lãng quên, cô độc. Do đó, dễ sinh lòng bất mãn và lúc nào cũng cho là đứa con đang chung sống với mình bất hiếu, nên hay than phiền với các đứa con ở xa hay người họ hàng, bè bạn.

Ðây là hội chứng “trái nết” của tuổi già, gây ra sự bất hạnh cho cả cha mẹ và người con đang sống cùng. Ða số, những gia đình người Việt không tránh khỏi tình trạng đau lòng nầy và cũng không cách gì để thay đổi được não trạng của người già cho tới ngày nhắm mắt. Chỉ có người con là nạn nhân của sự phán xét sai lệch phải cam tâm chấp nhận.

Ðiều đáng nói là sự kết án mù quáng của các anh chị em không sống chung dưới một mái nhà, để tận mắt nhìn thấy từng sự việc xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, như trường hợp của cô Liên trong câu chuyện. Ðã hy sinh bỏ công việc để ở nhà chăm sóc mẹ từng miếng ăn, giấc ngủ và chịu đựng cả tính tình thay đổi nắng mưa của mẹ già, nếu không phải vì tình thương, vì chữ hiếu, liệu cô có làm được hay không? Cân đo về mặt vật chất, số tiền già và lương của chương trình “home care”, có xứng đáng với những gì Liên đang làm cho mẹ hay không?

Bảo Huân

Một chị bạn của người viết có bốn anh chị em và chị là người ở cùng cha mẹ. Cha chị D rất thương chị, vì hiểu những khó khăn của chị khi mẹ chị bắt đầu đổi tính. Ông luôn lên tiếng rầy la những anh chị em của chị D, vì nghe lời mẹ – những lời nói không đúng sự thật – nên lúc nào cũng nặng nhẹ, la mắng chị. Một ngày kia, ba chị họp cả gia đình và ra lệnh, “thằng Ba đón mẹ về ở ba tháng, kế đến là con Sáu, rồi con Bảy, luân phiên như vậy cho mẹ thỏa lòng mong ước” (vì mẹ chị luôn nói “nếu ở với thằng Ba, con Sáu tôi sẽ sung sướng hơn”). Kế hoạch của ba chị được thực hiện ngay sau đó với “con Sáu” là người thường “dài mỏ” chê trách người khác (nguyên văn câu nói của ba chị). Chị D tưởng mọi chuyện sẽ tốt đẹp theo ước nguyện của mẹ chị đối với những đứa con hiếu thảo theo cách đánh giá của bà, nhưng không ngờ, mỗi nhà bà chỉ ở được vỏn vẹn trên dưới một tháng. Cuối cùng, chưa hết một vòng do ba chị chỉ định, thì mẹ chị đã mếu máo gọi chị đón về, vì lúc đó bà mới biết “chỉ có con D là hiếu thảo, chăm lo mẹ hết lòng”. Lúc đó, mẹ chị mới hiểu đâu phải đứa con nào cũng chịu cực, chịu khó. Và cũng chính lúc đó bà nhận biết được đứa con nào thật sự có hiếu. May mắn là anh chị em của chị D cũng biết phục thiện khi thành thật nhìn nhận “khó làm vừa lòng mẹ”. Và cũng từ đó họ không còn xỉa xói chị như đã từng làm như thế trong nhiều năm qua.

Xem thêm:   Con búp bê thời nhỏ

Xin đồng cảm với chị Liên trong hoàn cảnh đáng buồn nầy, nếu có niềm tin tôn giáo thì hãy cầu nguyện cho nhẹ lòng. Ðừng hỏi tại sao cha mẹ và con cái đã từng yêu thương cả một đời không muốn lìa xa, mà khi hơi thở cha mẹ già chỉ còn thoi thóp như ngọn đèn sắp tắt lại sanh ra nỗi oan nghiệt nầy, bởi vì:

“Thế giới có triệu điều không hiểu

Càng hiểu không ra lúc cuối đời

Chẳng sao, khi đã nằm trong đất

Ðọc ở sao trời sẽ hiểu thôi” (*)

* Bài thơ “Không hiểu” của nhà văn Mai Thảo