Ở đâu đó một lần bạn đọc đã gặp người thợ sửa giày ở thành phố Đà Lạt của tôi rồi. Bây giờ là người thợ đánh giày ở Ga Victoria. Đây mời các bạn theo dõi câu chuyện. NS

Nào, ta uống cạn ly cà phê đắng, gõ ly mà hát -bây giờ là chuyện một người thợ đánh giày. Ðây, xin giới thiệu với các bạn, Jan của thành phố London. Phải nói rằng với vẻ thông tuệ, nếu ông cặm cụi ở một góc thư viện nào đó, người ta có thể nghĩ Jan Responolek là một vị giáo sư khả kính đang nghiên cứu đề tài. Thế nhưng tại đây, nép mình bên một ngách nhỏ dẫn tới một khách sạn sang trọng bên ngoài nhà ga lớn Victoria ở London, người đàn ông nhập cư gốc Ba Lan bền bỉ “làm bạn” với những đôi giày ngày này qua ngày khác.

Jan vốn là người say mê triết học và từng là giám đốc marketing hồi còn ở Ba Lan, tuy nhiên ít ai biết điều ấy. Ông bỏ quê hương ra đi vì không muốn ôm mãi nỗi buồn mất cha, mất mẹ. Tới định cư ở Anh, ông Jan phải bắt đầu lại từ con số 0. Với một người ở tuổi ngũ tuần trên một đất nước xa lạ, đây không hề là chuyện dễ dàng. Hồi đầu ông phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội. Cuộc gặp với Simon Fenton-Jones, người từng có thời gian làm việc tại Việt Nam, giám đốc điều hành công ty chuyên cung cấp dịch vụ đánh giày StreetShine, đã mang lại cho Jan lối thoát.

Xem thêm:   Tháng Tư. hoa loa kèn & bóng mẹ

Cuộc sống nơi xứ người tất nhiên không có nhiều những biểu hiện thân thuộc ấm áp. Ðôi khi, ông Jan đang ngồi chợt lặng đi nhìn vào cõi xa xăm. Ấy là những phút giây ngắn ngủi tiếng sóng nhớ thương quê nhà Ba Lan dậy lên trong lòng ông. Thế nhưng, người ta ghi nhận suốt 4 năm qua, Jan luôn luôn bền bỉ với những đôi giày, với đủ mọi chất liệu, màu sắc và cả giai cấp, và luôn tìm thấy niềm vui trong công việc đó.

Thắm Nguyễn

“Tôi hạnh phúc vì làm cho khách hàng vui. Phải yêu thích thì mới có thể làm tốt công việc của mình, cho dù đó có là nghề được coi là hạ đẳng đi chăng nữa”, Jan nói.

Trải qua nhiều gian khó nhưng Jan vẫn giữ được cho mình sự hài hước và tươi trẻ, bởi phương châm sống của ông là “hãy mỉm cười vì sức khỏe của bản thân”.

“Ðó là Phillips – bạn thân của tôi”, ông cười và chỉ vào một bức tượng nhỏ, trên vai có khoác một chiếc giày da màu trắng. “Ðó cũng chính là hình ảnh phản ánh con người tôi trong công việc: nhẫn nại, luôn luôn nhẫn nại”.

Cũng như người thợ sửa giày của CL trên góc phố Ðà Lạt, ông Jan cũng ưa kể mọi chuyện với người qua lại dừng chân. Và tiếng loa, tiếng người đi lại ầm ào ngay sát nơi ông ngồi đánh giày không làm át được những câu chuyện khác nhau về cuộc đời, về công việc ông kể với khách hàng.

Xem thêm:   Con búp bê thời nhỏ

Có hàng trăm, hàng nghìn người đã in dấu chân ở cái góc khuất nhỏ nơi Jan mưu sinh hàng ngày. Ngoài ra còn vô số những lời nhắn nhủ của khách hàng dành cho Jan, viết bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, lấp đầy 8 quyển lưu bút cũ kỹ đen màu xi đánh giày mà người đàn ông này đã cất giữ bấy lâu nay.

Một vị khách viết: “Chào Jan thân mến, tôi quay trở lại đây như một kẻ nghiện. Tôi có thể làm được gì nếu thiếu bàn tay của ông? Cảm ơn nhiều lắm vì sự giúp đỡ của ông”.

“Khi tôi rảo bước trên đường phố đông đúc, tôi chợt nhận ra rằng một sự thay đổi nhỏ nơi đôi giày cũ giúp tôi tràn ngập niềm vui”, một người khác bày tỏ.

Jan thú nhận ông không hiểu hết tất cả những thứ tiếng viết trong những quyển lưu bút nhưng chúng là một tài sản vô giá, giúp ông bền bỉ với một nghề mà ông bảo là “dốc hết trái tim mình cho nó”.

Với Jan, không có việc gì là thấp hèn và làm nghề gì cũng cần sự đam mê.

Ðó là chuyện người thợ đánh giày ở ga Victoria, London. Nó có chút gì đó giống với chuyện người thợ sửa giày của NS trên góc phố Ðà Lạt năm xưa. Cả hai đều nhẫn nại, đam mê công việc và giữ tinh thần lạc quan. Với NS, họ là những người bạn tin yêu, thân thuộc.

Xem thêm:   Trở về thế giới tuổi thơ

NS

(theo CL-Viết ở Phố Văn)