Trước cửa nhà anh

treo cái chuông gió

ngày xưa

khi bước chân em

vang trên thềm

là nó kêu lanh canh

bây giờ

chuông gió vẫn reo

dù em không đến nữa

Cái chuông gió, ở đây gọi là wind chime, được làm bằng đủ thứ vật liệu, từ kim loại đến những đồ dùng bằng thủy tinh, hoặc đất nung, hoặc những vỏ sò. Nó đã từng là nguồn cảm hứng của biết bao bài thơ, truyện ngắn… Ý Nhi, hiện ở trong nước, từng viết một truyện ngắn nhẹ nhàng, tựa đề là Có Gió Chuông Sẽ Reo. Một nhà văn Trung Quốc (đã quên tên) đã viết một truyện ngắn có tên Cái Chuông Gió. Truyện kể một mối tình thời chiến đã đổ vỡ nhưng vẫn còn ngân lên khi ngọn gió thời xưa tìm về…

Khi trong nhà có em bé, người ta thường treo lên một cái chuông gió để báo hiệu một niềm vui trong gia đình. Thường thì ít ai quan tâm đến ý nghĩa của nó, có khi chỉ vì nó phát ra  thứ âm thanh khiến cho con trẻ thấy thích thú mà thôi.

Thắm Nguyễn

Sau đây là một đoạn viết đặc sắc của Ðông Nghi, nhà văn trong nước, về Cái Chuông Gió.

Có âm thanh nào đáng yêu hơn tiếng chuông gió lanh canh trong trẻo vang lên khi cơn gió lùa qua cửa sổ. Một chiếc chuông gió là thứ đồ chơi nhỏ xíu nhưng làm cho các cô bé mơ mộng, và luôn khiến các cậu con trai nổi hứng tò mò.

Xem thêm:   Dòng chữ trên tường

Những chiếc chuông gió có thể tìm thấy với muôn hình dáng, mọi kiểu âm thanh ở các nhà sách, cửa hàng lưu niệm và cửa hàng đồng giá Nhật Bản.

Bạn có thể tận dụng những thứ vặt vãnh trong nhà: hai chiếc bút chì cột chéo để làm thanh treo, mấy sợi dây cước hoặc dây dù, vài mảnh gốm sứ vỡ, mấy hạt thuỷ tinh, hay mấy cái thìa nhỏ. Cũng có thể đục lỗ một tách trà kiểu Nhật mỏng nhẹ, xỏ dây qua rồi cột thêm vài vỏ ốc nhỏ. Thế là xong. Nếu muốn hoàn hảo hơn, bạn có thể tìm mua các vật liệu theo ý thích. Mỗi vật liệu khác nhau sẽ cho ra những âm thanh khác nhau: trầm đục, thánh thót, trong trẻo, nhẹ nhàng… Chỉ với chiếc chuông gió, sự sáng tạo có thể là một hành trình bất tận.

Hãy treo lên nơi thường có gió thổi qua… Và rồi chiếc chuông gió sẽ báo tin cho bạn biết, mùa xuân đã về rồi đó.

NS