Khi nghĩ về Dolly Parton, mọi người thường hình dung ra nàng là một ca sĩ như tượng thần, cực kỳ phong phú và để lại nhiều ảnh hưởng. Đâu có ai hiểu rằng mặc dầu bà là một người trình diễn nhạc đồng quê tuyệt vời nhất, thành công nhất, nhưng buổi đầu đời của nàng không lấy gì làm rạng rỡ.

Sinh ra ở ven rừng dưới chân ngọn núi Smoky Mountain, trong một ngôi nhà gỗ, bà là con gái thứ tư của một gia đình mười hai chị em. Robert Lee, cha bà, là một nông gia trồng thuốc lá, mẹ bà là Avie Lee thường ốm đau.

Do cái nghèo đeo đẳng, đám trẻ nhà Parton trở thành đề tài cho lũ bạn chế giễu.

Khi Dolly lên chín, đám bạn ở trường Canton thường đem chiếc áo khoác may bằng những mảnh vải nhiều màu sặc sỡ ra chọc quê. Sau này, nhớ lại câu chuyện, bà xúc động viết nên bài ca tuyệt vời nhất về tấm áo này. Bà hãnh diện về tình yêu và sự hy sinh đã kết thành tấm áo và gợi cảm hứng sáng tác cho bà. Sau đây là lời Dolly Parton về chiếc áo khoác nhiều màu sặc sỡ của bà. NS

Thắm Nguyễn

Má bắt tay vào việc may cho tôi một chiếc áo khoác. Nhà nghèo, không đủ tiền mua tấm vải nguyên khổ, mà phải kết nhiều miếng vải vụn đủ màu lại để cắt may thành tấm áo. Thông thường thì má tìm những mẩu vải càng hợp màu nhau càng tốt để khi kết lại bên nhau chúng không quá lộ liễu. Nhưng, với tôi, má đã biết rõ con người và cá tính của tôi, nên má quyết định may cho tôi chiếc áo với những mảnh vải nhiều màu sặc sỡ.

Xem thêm:   Trở về thế giới tuổi thơ

Phải mất biết bao công sức để cắt may một cái áo khoác, ngay cả khi cắt ra từ một tấm vải nguyên, huống chi phải kết những miếng vải nhỏ lại rồi mới cắt may. Biết vậy, tôi theo dõi công việc má làm hầu như mỗi ngày. Má vừa làm vừa kể chuyện tấm áo nhiều màu của ông Joseph trong Kinh Thánh. Cha của Joseph là Jacob cho ông tấm áo này như một dấu hiệu của tình thương và coi ông là đặc biệt. Tôi cũng cảm thấy y như vậy. Tôi ngắm má cẩn thận gấp mép từng miếng vải nhỏ và khâu những mũi kim thật sít để không bị lòi xơ ra ngoài. Khi trong gia đình có quá nhiều con, thử tưởng tượng bà mẹ phải chia thì giờ ra như thế nào cho mỗi đứa. Cho nên khi thấy má bỏ công sức ra may áo cho tôi, tôi cảm thấy mình được cưng như thế nào.

Ngay khi chiếc áo vừa may xong, tôi xin má khoác lên mình và đi lại trước lò sưởi như một con công. Tôi có thể đoan chắc rằng những trẻ khác sẽ ghen tị với tôi chẳng phải chỉ vì chiếc áo mà còn vì tôi được má cưng chiều. Và tôi bắt đầu hiểu những anh em của ông Joseph đã ganh với ông như thế nào đến nỗi họ phải nhốt ông dưới giếng và rồi đem bán ông làm nô lệ. Tôi thì không bị bán làm nô lệ nhưng nhiều lần bị ngắt véo và giật tóc. Mặc kệ, tôi không thèm chấp. Tất cả chỉ vì họ ghen tức với tôi và chiếc áo. Nó quả thật là đẹp.

Xem thêm:   Tháng Tư. hoa loa kèn & bóng mẹ

Tôi nhớ vào cái đêm má may xong áo, tôi đã mặc nó đi quanh nhà cho tới khi má bảo cởi ra và mọi người đã cảm thấy chán vì khen áo đẹp. Ðêm đó, tôi hầu như không chợp mắt. Chẳng khác nào đêm Noel. Sáng hôm sau, trời không đến nỗi lạnh lắm nhưng má vẫn cho phép tôi mặc áo khoác tới trường vì biết chẳng thể nào thuyết phục tôi làm khác. Và thế là tôi bước xuống đường. Trong đời, tôi chưa bao giờ háo hức tới trường như thế.

Tôi ào vào trường như một cơn lốc màu sắc, tự hỏi không biết có bao nhiêu người ngưỡng mộ mình. Tôi hãnh diện vì cái áo khoác của tôi lắm. Tôi muốn mọi người chiêm ngưỡng. “Xem áo mới của tôi nè!” Tôi khoe với một thằng nhóc. Nó khinh khỉnh bảo, “Mới à? Như một đống giẻ vụn.” Tim tôi hơi chùng xuống, nhưng hắn chỉ là thằng trẻ ranh. Ðể xem, sẽ có những người khác nhận thấy chiếc áo thiệt là đặc biệt và tuyệt vời. Tim tôi lại chùng xuống nữa khi những đứa khác cười ngạo cái áo của tôi. Chẳng bao lâu cả căn phòng vang tiếng cười và những lời chế giễu. Tôi chỉ muốn kể cho bọn chúng nghe chuyện má kể về ông Joseph trong Thánh Kinh để chúng thấy tôi đặc biệt, diễm lệ và tuyệt vời như thế nào. Nhưng chúng đâu chịu nghe tôi.

Xem thêm:   Dòng chữ trên tường

Tim tôi rạn vỡ. Tôi không hiểu làm sao người ta có thể độc ác và ngu dốt đến thế khi cười chế nhạo tôi. Cô giáo bước vào, thấy tôi bị đem làm trò cười, cô cố gắng tìm cách giúp đỡ. “Hay em đem áo vào treo ở tủ kia,” cô gợi ý, nhưng tôi nhất định không. Bọn chúng sẽ không thể nào làm lung lay lòng kiêu hãnh của tôi, tình yêu của tôi đối với má và niềm tin trong tôi. Tôi cứ nhất quyết ngồi lại, chịu nóng nực, chờ cho bọn chúng về hết. Tôi chờ cho tới kẻng tan trường. Và tôi bước đi trong ánh nắng chiều Thu, đầu ngẩng cao dưới trời mây trắng. Tôi biết trên cao Người đang hãnh diện nhìn tôi trong chiếc áo nhiều màu sặc sỡ.

Mặc dầu đau đớn, cái kinh nghiệm ở trường ngày hôm ấy là một ân sủng đối với tôi. Ðiều này tạo cảm hứng cho tôi nhiều năm sau khi tôi sáng tác ca khúc đã trở thành dấu ấn của riêng tôi. “Chiếc áo khoác nhiều màu sặc sỡ” là bài hát ưa thích tôi đã viết và trình bày trong bao nhiêu năm. Nó đạt thành công rực rỡ và đã giúp tôi quên đi nỗi đau thời thơ ấu.

NS

(theo Dolly Parton)