Trên thực tế, luật về gánh nặng xã hội đã có hiệu lực từ nhiều năm nay. Luật này nhằm hạn chế những người muốn có thẻ xanh nếu họ dựa vào chính phủ để xin những nhu cầu căn bản trong đời sống. Trước đây, luật này không khắt khe như hiện nay.

Nếu luật mới về gánh nặng xã hội có hiệu lực, nó sẽ áp dụng cho tất cả những người ngoại quốc đang sống hợp pháp ở Hoa Kỳ và những người đang nộp đơn xin quy chế thường trú nhân.

Những điều lệ mới này chưa thành luật nhưng đã gây hoang mang và xáo trộn cho rất nhiều gia đình di dân. Một số di dân đã tránh những trợ giúp công cộng vì sợ sẽ mất cơ hội có thẻ xanh. Những bản tường trình gần đây cho thấy nhiều cha mẹ di dân đã rút tên con cái của họ ra khỏi các chương trình về sức khỏe công cộng mặc dù các trẻ em này hợp lệ để hưởng sự trợ giúp đó.

Tuy nhiên, mặc dù những điều lệ mới chưa thành luật, sẽ có rất nhiều những vụ kiện tụng làm chậm trễ việc áp dụng những điều lệ mới.

Theo các điều lệ được hành pháp đề nghị, đơn xin thẻ xanh của quý vị có thể bị từ chối nếu BẤT CỨ những điều sau đây xảy ra:

– Quý vị hiện đang thất nghiệp và không thể cung cấp quá trình làm việc. Không có bảo hiểm sức khỏe và đang trong tình trạng y tế nghiêm trọng.

– Quý vị đang nhận những lợi ích công cộng, bao gồm: Lợi tức Phụ Cấp An Sinh (SSI), Trợ giúp tạm thời cho những gia đình khó khăn (TANF), phiếu thực phẩm (SNAP), Ðiều 8 Trợ giúp thuê nhà, Trợ giúp y tế không khẩn cấp (Medicaid), Trợ giúp điều trị bệnh viện lâu dài, Trợ giúp thuốc Medicare Part D, hoặc bất cứ những lợi ích nào của liên bang, tiểu bang và địa phương.

Xem thêm:   Người di dân Trung Quốc tại biên giới San Diego

– Quý vị đã từng nhận bất cứ những lợi ích nào kể trên trong 12 tháng trong ba năm qua.

– Lợi tức gia đình của quý vị dưới 125% theo quy định của liên bang về tiêu chuẩn được xem là nghèo đói. (Thí dụ như một gia đình bốn người có lợi tức dưới 31,375 Mỹ kim được xem là nghèo đói).

– Ðiểm tín dụng (credit score) tại Hoa Kỳ quá tệ hoặc vừa phải. Không có bằng trung học. Không thông thạo Anh ngữ. Có mang nợ.

Quý vị có thể xin thẻ xanh nếu:

– Ðang làm việc và có quá trình làm việc. Không có những tình trạng y tế nghiêm trọng hoặc tàn tật. Lợi tức gia đình ít nhất 250% theo quy định của liên bang về tiêu chuẩn được xem là nghèo đói. (Chẳng hạn như một gia đình bốn người có lợi tức 62,750 Mỹ kim) và nếu không nhận những lợi ích công cộng trong ba năm qua.

Ðể có thẻ xanh, quý vị nên có điểm tín dụng tốt, không có nợ, có bảo hiểm y tế cá nhân, có bằng trung học và thông thạo Anh ngữ.

Hành pháp thay đổi luật 2008 về việc trục xuất những người tỵ nạn chiến tranh VN

Hành pháp đã tự quyết định thay đổi hiệp ước 2008 giữa Hoa Kỳ và Việt Nam để trục xuất những di dân Việt Nam phạm tội đã đến Hoa Kỳ trước năm 1995.

Hiệp ước 2008 không cho trục xuất những công dân Việt Nam đã đến Hoa Kỳ trước năm 1995. Nhưng hành pháp hiện nay lại tin rằng những di dân đến Hoa Kỳ trước năm 1995, sau đó phạm tội ở Hoa Kỳ, đều có thể bị trục xuất một cách hợp lệ.

Xem thêm:   Tồn đọng chiếu khán di dân giảm 4%

Bộ Nội An nói rằng có 7,000 ngoại kiều phạm tội đến từ Việt Nam đã có lệnh phải rời khỏi Hoa Kỳ. Những người chưa có quốc tịch Hoa Kỳ này đã bị bắt, bị buộc tội và có lệnh phải rời khỏi Hoa Kỳ bởi một chánh án liên bang. Ðó là một trong những chính sách ưu tiên của hành pháp là trục xuất những kiều dân phạm tội trở về quê hương của họ.

Hiệp ước 2008 được thành lập giữa Hoa Kỳ và nhà nước cộng sản Việt Nam trước đây tuyên bố rằng công dân Việt Nam “không là đối tượng phải trở về Việt Nam” nếu “họ đã đến Hoa Kỳ trước ngày 12 tháng Bảy năm 1995”.

Ông Ted Osius, cựu Ðại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã từ chức khỏi ban Ngoại Vụ Hoa Kỳ vì chính sách trục xuất của Tòa Bạch Ốc. Ông nói rằng: “Những người này thực sự không có một đất nước để trở về và nhà nước Việt Nam vẫn còn nghi ngờ họ. Hầu hết những người trong danh sách bị trục xuất là những người tỵ nạn vì chiến tranh đã từng sát cánh với Hoa Kỳ. Nay, nếu chọn cách này, và nếu nhà nước Việt Nam đồng ý, họ sẽ bị trở về một nước đang bị cai trị bởi chế độ cộng sản”.

Từ năm 1998, những lệnh trục xuất đã được ký cho hơn 9,000 người Việt Nam. Hiện nay, những người đến trước năm 1995 sẽ không được miễn trục xuất nữa. Ðiều này sẽ làm cho hai thành phần sẽ gặp nguy hiểm: Những người không phải là công dân Mỹ mất quy chế hợp pháp (kể cả thẻ xanh) vì họ đã phạm tội nghiêm trọng, và những di dân bất hợp pháp đã từng sống ở Hoa Kỳ từ 1995 nhưng chưa bao giờ có quy chế thường trú hợp pháp hoặc là công dân Hoa Kỳ.

Xem thêm:   Người di dân Trung Quốc tại biên giới San Diego

Hỏi Đáp Di Trú

Hỏi: Khi nào những điều luật mới về gánh nặng xã hội có hiệu lực?

Đáp: Những điều luật mới sau cùng về gánh nặng xã hội có thể được phổ biến trong năm 2019. Nó sẽ chắc chắn gặp phải những vụ thưa kiện pháp lý của các nhóm bênh vực quyền lợi di trú tại Hoa Kỳ. Việc áp dụng luật mới có thể bị trì hoãn một năm và có thể lâu hơn.

Hỏi: Ông Ted Osius, cựu Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, hiện đang làm nghề gì?

Đáp: Ông Osius hiện là phó chủ tịch Ðại học Fulbright ở Việt Nam. Ðây là một trường đại học ở Sài Gòn, được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tài trợ.

Hỏi: Nhà nước Việt Nam có chấp nhận nhiều người Việt bị trục xuất từ Hoa Kỳ không?

– Ðáp: Hiện nay con số vẫn còn ít nhưng Hoa Kỳ đang áp lực nhà nước Việt Nam nhận nhiều hơn. Dĩ nhiên, tất cả 7,000 người Việt trong danh sách sẽ không thể bị cơ quan Thi Hành Luật Di Trú và Thuế Quan (ICE) trục xuất về Việt Nam. Nhà nước Việt Nam sẽ không bao giờ chấp nhận điều này.