Quốc hội Hoa Kỳ hiện đang thảo luận về Tiến Trình Ðiều Hòa Ngân Sách bao gồm ngân sách 3,500 triệu Mỹ kim. Một phần của dự luật này là các quy định mới về di trú do đảng Dân Chủ đề nghị. Những quy định mới này sẽ cung cấp tư cách pháp lý cho những người được hưởng chương trình DACA, công nhân nông trại và một số người di dân bất hợp pháp. Sẽ không dễ dàng để giữ các điều khoản nhập cư trong Tiến Trình Ðiều Hòa Ngân Sách. Và Ðảng Dân Chủ sẽ không thể thành công trong việc thông qua các điều luật di trú như một dự luật độc lập.

Ðể thành công, đảng Dân Chủ sẽ phải thuyết phục Quốc hội rằng các điều luật di trú sẽ có tác động trực tiếp đến ngân sách. Dự luật của Hạ viện cố gắng thực hiện điều đó bằng cách đưa ra những lệ phí đơn hợp pháp hóa và các điều khoản tài chánh khác.

Ngoài ra, tất cả 50 thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ phải đồng ý về dự luật, bao gồm các điều luật về di trú. Hai Thượng nghị sĩ Dân Chủ đã nói rằng họ không thoải mái về việc phê duyệt mức giá 3,500 triệu Mỹ kim của dự luật điều hòa ngân sách. Nói tóm lại, những thay đổi lớn về di trú vẫn rất không chắc chắn.

Đảng Cộng Hòa phản đối người tỵ nạn A Phú Hãn!

Xem thêm:   Hồ sơ di trú tồn đọng giảm

Hàng chục nghìn người tỵ nạn A Phú Hãn (Afghanistan) trốn thoát khỏi phe Taliban đang đến Hoa Kỳ, và một số cựu viên chức thời Tổng thống Donald Trump đang cố gắng thuyết phục đảng Cộng Hòa chống lại những người tỵ nạn này.

Các cựu viên chức đang viết bài, xuất hiện trên các đài truyền hình bảo thủ và gặp gỡ riêng với các nhà lập pháp Ðảng Cộng Hòa. Trong số những người phản đối người tỵ nạn A Phú Hãn có Stephen Miller. Ông Miller là người tạo ra hầu hết các chính sách và quy luật chống di dân của cựu Tổng thống Trump. Ông Miller nói rằng ông hy vọng các thành viên của Quốc hội sẽ đồng ý phản đối tất cả các kế hoạch tỵ nạn của chính quyền hiện tại.

Không phải tất cả các nhà lãnh đạo Ðảng Cộng Hòa đều đồng ý với chương trình nghị sự của ông Miller. Một số đảng viên Ðảng Cộng Hòa gọi nó là ác ý và trái với giáo lý Cơ đốc giáo. Ngoài ra, Ðảng Cộng Hòa bao gồm đa số các cựu chiến binh. Nhiều người trong số họ đã sát cánh cùng những người A Phú Hãn trong suốt cuộc chiến và đã cố gắng giúp đỡ các đồng nghiệp cũ của họ trốn thoát khỏi A Phú Hãn. Ngoài ra, những người theo đạo Tin Lành luôn chấp nhận những người tỵ nạn. Trong số các cử tri Ðảng Cộng Hòa, cộng đồng Cơ đốc giáo và các cựu chiến binh đều ủng hộ việc chào đón những người tỵ nạn A Phú Hãn.

Xem thêm:   Vấn đề di dân

Ngày đáo hạn Chiếu Khán không thay đổi trong Tháng 10

Thông thường, các ngày đáo hạn chiếu khán (visa) di dân cho thấy một số tiến bộ trong tháng 10, tháng đầu tiên của tài khóa mới. Tuy nhiên, năm nay, điều này đã không xảy ra. Lý do rất rõ ràng: Hầu hết các Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ đã bị đóng cửa vì đại dịch, vì vậy hầu hết các lọai chiếu khán di dân đã không được cấp kể từ năm ngoái. Tại Hoa Kỳ, đại dịch cũng đã ảnh hưởng đến tiến trình giải quyết hồ sơ tại Trung Tâm Chiếu Khán Quốc Gia (NVC). Hơn nữa, những người nộp đơn xin thẻ xanh ở Hoa Kỳ đã bị ảnh hưởng bởi các hạn chế của dịch Covid và Sở di trú USCIS hiện có một lượng hồ sơ rất lớn bị tồn đọng đang chờ giải quyết. Cuối cùng, số chiếu khán di dân không được sử dụng trong một năm không thể được thêm vào chiếu khán di dân  hiện có cho năm tiếp theo.

Ông Charles Oppenheim, viên chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, người tính toán những ngày đáo hạn, đã thảo luận về tình hình này. Ông không mong đợi nhiều về những chuyển động về những ngày đáo hạn chiếu khán trong vài tháng tới vì ngay bây giờ đã có đủ người nộp đơn xin chiếu khán và thẻ xanh có thể sử dụng tất cả các chiếu khán hiện có.