Hỏi

Thưa Luật Sư,

Hai vợ chồng tôi lấy nhau đã hơn 26 năm, và trong suốt 26 năm qua vợ tôi và mẹ tôi vẫn không ưa nhau. Trong tương lai, tôi sẽ là người duy nhất thừa hưởng tài sản của mẹ tôi để lại, ít nhất cũng khoảng vài triệu. Tôi muốn sử dụng và đầu tư tài sản thừa kế này theo ý mình. Nếu bất cứ chuyện gì xảy ra cho tôi thì tôi muốn con cái của tôi là những người duy nhất được thừa kế tài sản này khi tôi mất. Có cách nào mà mẹ tôi có thể chắc ăn rằng vợ tôi không được đụng vào tài sản mà tôi được thừa hưởng từ mẹ? Và nếu hôn nhân của hai vợ chồng tôi trục trặc, dẫn đến ly dị, tôi phải làm để vợ tôi không có quyền đòi phân chia tài sản này?

Trả lời

Theo lời bạn cho biết là mẹ bạn và vợ không “ưa” nhau, thì cũng thông cảm tại sao bà không muốn con dâu được đụng đến tài sản của mình để lại. Ðiều mà bạn và mẹ bạn có thể yên tâm rằng tài sản kế thừa thì thường luật pháp không cho là tài sản chung (community property). Ðó là tài sản của riêng bạn mà bạn có trọn quyền tiêu xài hay đầu tư tùy ý. Tuy nhiên có một số vấn đề phức tạp trong luật pháp mà bạn cần hiểu rõ.

Tài sản chung (community property) là những tài sản có được, mua được hay sở hữu trong thời gian là vợ chồng với nhau ngay cả khi chỉ một người đứng tên mua. Nhưng tài sản thừa kế không được đương nhiên cho là tài sản chung mà luật pháp quy định đây là tài sản riêng của người được thừa kế. Có điều, người được thừa hưởng tài sản phải ngay từ đầu rạch ròi và để riêng tài sản thừa hưởng mà không được lẫn lộn với tài sản chung để rồi khi có tranh chấp xảy ra, tài sản thừa kế có thể bị coi như tài sản chung nếu người được thừa kế không cẩn thận.

Xem thêm:   Hợp đồng mua bán nhà

Chẳng hạn tiền được bố mẹ cho thừa kế thì nên để vào một tài khoản riêng mà chỉ có người thừa kế đứng tên chứ không nên nhập nhằng để chung vào tài khoản mà hai vợ chồng cùng đứng tên. Hai vợ chồng cũng có thể ký thừa nhận rõ ràng, thỏa thuận trên giấy tờ rằng tài sản thừa hưởng là tài sản riêng. Có 2 loại giấy tờ mà hai vợ chồng có thể hoàn tất trước khi lấy nhau hoặc sau khi lấy nhau về vấn đề phân định rõ ràng đâu là tài sản chung, đâu là tài sản riêng.  Giấy tờ pháp luật hai người làm trước khi lấy nhau cho việc phân định tài sản là Prenuptial Agreement; Giấy tờ mà vợ chồng có thể làm sau khi đã kết hôn gọi là Postnuptial Agreement.

Hầu như tất cả các tiểu bang có quy định rằng tài sản thừa hưởng không nên dùng cho mục đích có lợi chung để có thể dẫn đến tranh chấp và tài sản đó trở thành tài sản chung mà người phối ngẫu được quyền phân chia tài sản đó khi ly dị. Chẳng hạn nếu bạn dùng tiền thừa hưởng để mua căn nhà cho hai vợ chồng sống chung hay là dùng tiền đó để sửa chữa căn nhà mà hai vợ chồng cùng đứng tên làm chủ thì có thể dẫn đến việc tòa xử đó trở thành tài sản chung.

Nếu bạn được thừa hưởng căn nhà của mẹ bạn. Theo luật của Texas, khi tài sản thừa hưởng là bất động sản hoặc là một vật gì cụ thể chẳng hạn như đồ trang sức, vật dụng, đồ vật quý, thì đó là tài sản riêng của người được thừa kế.  Tuy nhiên, nếu người phối ngẫu giúp làm tăng giá trị căn nhà đó vì bỏ tiền chung ra tu sửa căn nhà đó thì giá trị tăng lên là phần người phối ngẫu được phân chia tài sản khi ly dị. Hoặc nếu người được thừa kế căn nhà, sau đó dùng căn nhà cho thuê thì dù chủ quyền của căn nhà đó là tài sản riêng, nhưng lợi tức đem đến từ căn nhà đó lại là tài sản chung mà người phối ngẫu được quyền chia đôi.

Xem thêm:   Để có hình ảnh TV đẹp nhất

Dựa vào điều bạn nói, có lẽ chính bạn cũng không cảm thấy an toàn, vững chãi trong chính hôn nhân của mình.  Theo kinh nghiệm hành nghề luật sư của tôi, có những người không được thuận hòa trong đời sống hôn nhân và đưa nhau đến văn phòng luật sư nhiều lần, nhưng vẫn cứ hòa giải và sống được với nhau đến trọn đời. Rồi có những cặp vợ chồng “im ỉm” tưởng như thuận hòa nhưng hóa ra chỉ là cố gắng âm thầm chịu đựng, và rồi bỏ nhau một cách bất ngờ. Nên có lẽ điều đúng đắn và khôn ngoan nhất là hai bên thẳng thắn, rõ ràng ngay từ đầu về việc tài sản thừa hưởng là tài sản riêng và tách rời, để ra riêng biệt mà không nhập nhằng khiến việc tranh chấp trở nên phức tạp hơn.

Bên cạnh đó, nỗ lực nhường nhịn và đối xử tốt với bố mẹ của người phối ngẫu có thể cũng là một điều có lợi vì nó giúp cuộc sống của chúng ta nhẹ nhàng hơn, và biết đâu cuối đời vì mình tốt mà bố mẹ chồng hay bố mẹ vợ cũng thương mà không tiếc gì việc để lại tài sản cho cả hai vợ chồng. Dĩ nhiên nói đi thì cũng nên nói lại, có những ông bà rất khó khăn với dâu rể mà làm cách nào cũng không chiều lòng họ được.

Như vậy thì người Cha, Mẹ nào có tài sản để lại nên viết di chúc ghi chú rõ ý nguyện của mình, và người được thừa kế nếu muốn làm theo ý bố mẹ mình về tài sản mình được hưởng thì nên tham khảo trực tiếp một luật sư khi sử dụng tài sản thừa kế như thế nào để tránh gây tranh chấp về sau.

Xem thêm:   Mua nhà không khó

Ls. AT