Người Do Thái vong quốc sau 2 ngàn năm lưu lạc sống nhờ trên rất nhiều quốc gia khác vẫn gìn giữ phong tục, tập quán ngày Tết của họ.

nam-moi-cua-nguoi-do-thai

nguồn: World Atlas

Rosh Hashanah (Hebrew: ), có nghĩa là ngày đầu của một năm mới theo niên lịch và thánh kinh Do Thái. Niên lịch Do Thái cũng dựa theo chu kỳ của mặt trăng, ngày đầu mỗi tháng cũng bắt đầu khi trăng mọc. Nhưng từ thế kỷ IV niên lịch Do Thái đã được sắp xếp để Rosh Hashanah không bao giờ rơi vào ngày Chủ Nhật, thứ Tư hoặc thứ Sáu. Nghĩa là ngày “Năm Mới” được “du di”, thay đổi theo việc tiện dụng của con người.

Rosh Hashanah được cử hành khoảng 163 ngày sau ngày đầu của tuần lễ Vượt Qua (Passover hay Pesach). Năm nay, 2018, Năm Mới của Do Thái đã diễn ra vào ngày 9 tháng Chín vào lúc mặt trời lặn và chấm dứt vào ngày 11 tháng Chín vừa qua. Nghĩa là người Do Thái ăn “Tết” trong mấy ngày chớm thu tại vùng Bắc Bán Cầu.

Mùng Một Tết Do Thái là “Tishrei”, hay tháng thứ Bảy của niên lịch Do Thái giáo (Nisan), trong khi tháng đầu tiên của Nisan là dịp lễ Vượt Qua. Rosh Hashanah kỷ niệm ngày Chúa Trời tạo dựng Adam và Eva, thủy tổ loài người – theo Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Tuy nhiên ngày lễ này cũng rơi vào lúc bắt đầu mùa canh tác trong vùng Ðông Nam Á và Ðông Bắc châu Phi. Do đó những người ngoại đạo thì cho rằng dịp Năm Mới kể trên là ngày bắt đầu cho một chu kỳ kinh tế mới của các vùng đất nông nghiệp.

Giao Thừa, hay buổi chiều trước ngày tân niên, có tên “Erev Rosh Hashanah” hay “New Year’s Eve”. Một ngày mới bắt đầu lúc hoàng hôn của ngày hôm trước, vì khi mặt trời lặn là lúc trăng lên. Tín đồ Do Thái thuần thành đến synagogue để cầu nguyện vào Giao Thừa hoặc năm mới, từa tựa như người Việt ta đi chùa, đi nhà thờ trong dịp đầu năm. Tuy nhiên mục đích mừng năm mới của người Do Thái là để tôn vinh và tri ân thượng đế đã tạo dựng ra con người và thế gian, do đó họ thường dùng bài kinh cầu “Avinu Malkeinu” tạm dịch là “Cha [chúng tôi], Vua [chúng tôi]” trong ngày đầu năm.

Xem thêm:   Nơi thờ phượng

Năm mới cũng là cơ hội để con người tự “tính sổ”, ăn năn hối lỗi về các việc làm không đẹp trong năm cũ. Tin rằng Thượng đế là quan tòa phán xét cuối cùng nên tín đồ Do Thái tạ tội với Thượng đế thay vì xin lỗi, đền bù cho con người chịu thiệt hại qua việc làm không đẹp của mình.

Sau khi dự lễ tại synagogue, theo lời dạy từ thánh kinh “hãy gây tiếng động”, người Do Thái có tập tục thổi tù-và (the shofar) làm bằng sừng cừu. Họ tạo tiếng ồn để bắt đầu năm mới, từa tựa như ta đốt pháo mừng xuân. Dường như việc dùng âm thanh để khai mạc một cuộc hội hè lễ lạt là một tập tục chung của người thế giới, bất kể ngôn ngữ, sắc tộc. Tuy nhiên, tiếng tù-và từ sừng cừu chỉ vỏn vẹn bốn âm thanh tekiah, shevarim, teruah và tekiah gedolah, lại nghe như tiếng khóc than. Thì ra tín đồ dùng tiếng than khóc ấy để nhắc nhở họ những tội lỗi đã phạm hầu sửa mình!

nam-moi-cua-nguoi-do-thai1

Cầu nguyện và hối tội xong thì người Do Thái cũng ăn uống những món đặc biệt vào dịp đầu năm. Táo nhúng trong mật ong là món ngọt phổ thông được dùng để mơ ước: năm mới cũng sẽ thơm ngọt như táo và mật. Món ngọt phổ thông khác là tzimmes, một loại rau củ hầm gồm cà rốt và trái cây khô như mận và nho, đôi khi có cả thịt cừu. Các món mặn bao gồm thịt gà và thịt bò, đặc biệt là phần thịt trên ngực con bò, brisket. Ðây là phần thịt khá khô (ít mỡ) và cứng nên thường được hầm cho nhừ. Người Do Thái hầm thịt bò, thịt gà với trái cây để lấy hương vị. Họ dùng hạt lựu trong các món ăn ngày lễ vì trái lựu có nhiều hạt, mỗi hạt có thể trồng thành cây, nên là hình tượng của việc sinh sôi nảy nở, dấu hiệu của sự thành tựu, tốt đẹp. Bí đỏ và hành tây xanh (leek) cũng là các món rau củ phổ thông khác.
Ðặc biệt là món bánh (mì) challah, một loại bánh hơi ngọt, chế biến từ bột mì, trứng và men. Ổ bánh hình tròn như sự liên tục của chu kỳ sống, không có điểm cuối cùng. Các loại bánh ngọt trong dịp đầu năm của Do Thái khá phong phú, bánh táo, bánh mật… mấy chục thứ. Ðây cũng là dịp nhi đồng được ăn ngọt thả giàn mà không bị cha mẹ nhắc nhở.
Họ “kiêng” ăn các loại hạt (nuts) vì theo cổ tục “gematria” (một cách giải thích các con số bí ẩn), ngôn ngữ Hebrew gọi các loại hạt là “egoz” và tội lỗi là “het”. Hai chữ này có cùng một ẩn số, và ăn hạt có nghĩa là [sẽ] phạm tội nên tín đồ Do Thái thuần thành đều kiêng cữ!?

Xem thêm:   Nơi thờ phượng (kỳ chót)

Gặp nhau ở synagogue, người Do Thái cũng chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới, họ nói “shana tova”  [Một năm mới tốt đẹp] và “gmar hatima tova” hay [Một thỏa ước / ký kết tốt đẹp] dựa trên niềm tin rằng các diễn tiến trong năm đã được [Thượng đế] sắp đặt [ký kết] sẵn từ ngày Rosh Hashanah. Nghĩa là dựa trên các hoạt động cũ, Thượng đế sẽ ban phát các điều hay/dở vào năm mới, một thỏa ước giữa con người và Thượng đế.

Khi hành lễ mừng năm mới, the Tashlich, người Do Thái ném những mẩu bánh mì xuống nước để “thả trôi” tội lỗi đã phạm.

Ngày “Tết” Do Thái thường được cử hành trong hai ngày, nhưng thực ra dịp lễ lạt ấy kéo dài đến 10 ngày. Theo sau là Yom Kippur, khi tín đồ thuần thành tập trung vào việc thờ phượng Thượng đế, xét mình và ăn năn hối cải. Theo niềm tin tôn giáo thì Rosh Hashanah không quan trọng bằng Yom Kippur: Hai ngày “năm mới” Rosh Hashanah (cũng có tên là “Yom Hadin” hay “Ngày Phán Xét” khi Thượng đế mở cuốn sổ “Sống và Chết”) chỉ để sửa soạn cho mười ngày ăn năn tội trong lễ Yom Kippur khi cuốn sổ kể trên được khép lại.

Từ Ðông sang Tây, dù theo âm lịch hay dương lịch, dù có những khác biệt về ngôn ngữ, chủng tộc và văn hóa, tựu trung năm mới vẫn là dịp con người “tống cựu, nghinh tân”, bỏ cái cũ để bắt đầu cái mới theo chu kỳ của đất trời. Năm mới cũng là dịp sum họp giữa những người thân quen, chia sẻ món ăn thức uống đặc biệt và để chúc tụng nhau những điều tốt đẹp. Theo tục lệ Do Thái, Dế Mèn cũng xin chúc độc giả của Trẻ một năm mới đầy những ngọt ngào ấm áp như táo và mật.

Xem thêm:   Nơi thờ phượng (kỳ 3)

TLL

Orlando, FL