Câu Hỏi: Mẹ tôi vừa qua đời mà không có di chúc. Từ 10 năm trời nay, tôi là người chính chăm sóc mẹ dù gia đình có tất cả 4 anh chị em. Mẹ cho tên tôi vào ngân khoản của mẹ từng nói với riêng tôi khi mẹ mất, mẹ muốn tôi được lấy hết tiền trong ngân khoản đó. Tôi chưa bao giờ lấy tiền của mẹ khi bà còn sống mà chỉ dùng tiền trong bank account của mẹ hằng tháng để trả những chi phí của mẹ. Còn thiếu bao nhiêu tôi tự bù vào.

Sau này, mẹ dọn về sống chung với gia đình vợ chồng con cái tôi khi bố tôi mất và sức khoẻ của mẹ ngày càng yếu. Căn nhà bố mẹ ở lúc trước, các anh em chúng tôi quyết định cho người mướn và tôi cũng là người đứng ra quản lý, sửa chữa căn nhà đó khi cần. Tiền mướn nhà chi phí sửa chữa tôi liệt kê rõ ràng hằng năm với mẹ.

Bây giờ tôi có cần phải nói cho các anh chị em của tôi biết về tiền trong nhà băng mà tôi và mẹ tôi cùng đứng tên chung trong account hay không?  Tôi biết căn nhà và các tài sản khác chúng tôi đã mướn luật sư để giải quyết việc được thừa kế tài sản. Nhưng ngân khoản tôi đứng chung tên với mẹ tôi có phải là tài sản chung của mẹ và tôi mà khi mẹ mất tôi có quyền thừa kế tất cả tiền trong ngân khoản đó không?

Lúc còn sống, mẹ tôi không muốn tôi nói cho các anh chị em khác biết về tiền trong nhà băng của mẹ vì mẹ chỉ tin tưởng tôi.  Bây giờ mẹ mất, các anh chị em cứ hỏi tôi về tiền trong nhà băng của bà. Tôi chưa nói gì hết. Theo luật pháp thì tôi có phải nói cho họ biết không? Cám ơn luật sư.

Trả Lời: Thành thật chia buồn cho sự mất mát của gia đình bạn. Về khía cạnh khách quan, bạn đã có cơ hội để gần gũi, chăm sóc mẹ trước khi bà qua đời. Tuy nhiên đó cũng là một trách nhiệm rất nặng nề mà những người anh chị em khác có thể không hiểu rõ những hy sinh mà bạn phải gánh chịu trong suốt 10 năm qua.

Xem thêm:   Bạn có phải là người dễ bị lừa không?

Dù tài sản thừa kế phân chia như thế nào đi nữa thì bạn đã làm tất cả trong khả năng của mình để trước khi an nghỉ nơi chín suối, mẹ bạn đã được người thân ruột thịt chăm sóc hằng ngày mà không phải vào viện dưỡng lão.

Bạn cho biết rằng mẹ bạn bỏ tên bạn vào ngân khoản nhà băng của bà. Ðiều đầu tiên chúng ta cần xác minh là bạn là “joint owner” (đồng chủ quyền) hay “authorized signer” (người được quyền thay mặt ký tên)? Ðây là yếu tố để quyết định là bạn có được tự động thừa hưởng tiền trong ngân khoản nhà băng đó hay không.

Nếu mẹ bạn không muốn bạn là người được lấy trọn số tiền đó thì bà đã cho tên bạn vào chỉ với tư cách là “authorized signer”.

Còn nếu bạn là “joint-owner” hay “co-owner” và bạn đã chăm sóc mẹ bạn suốt 10 năm trời và mẹ bạn ngay khi còn sống cũng không muốn nói cho các người con khác biết về tiền trong ngân khoản này, thì khi bà qua đời, vì bạn là người đồng chủ quyền của ngân khoản đó, bạn có thể tự động rút hết tiền ra và đóng ngân khoản đó mà không cần phải thông qua tòa án hay thông báo cho ai để được lấy tiền đó.

Theo luật pháp, “joint owner”, người đồng chủ quyền là người được lấy trọn số tiền trong ngân khoản mà 2 người cùng đứng tên đồng chủ quyền khi 1 trong 2 người qua đời. Và nếu đó cũng là ý nguyện của mẹ bạn khi bà còn sống thì các anh chị em của bạn nên tôn trọng.

Tuy nhiên, ngân khoản đồng chủ quyền cũng là một vấn đề khá phức tạp vì nó có thể ảnh hưởng đến thuế thừa kế mà nhiều người khai thuế thông thường không biết phải khai như thế nào vì họ không hiểu rõ về luật pháp.

Xem thêm:   Lừa đảo tình và tiền (kỳ 2)

Ngoài ra, một dạng sắp xếp sẵn việc được thừa kế tiền trong nhà băng mà không phải ra tòa là mẹ bạn có thể đăng ký với nhà băng khi bà còn sống thủ tục “transfer on death” (chuyển tài sản sang khi chết). Ðây là một dạng chỉ định người được lấy tiền trong nhà băng ra khi người đứng tên ngân khoản qua đời.

Tuy nhiên, khi đăng ký “transfers on death” người đứng tên nhà băng cần lưu giữ giấy tờ đăng ký hay xác nhận việc này, và báo cho người nhà biết vì đôi khi nhân viên nhà băng làm việc tắc trách, họ không cho người được chỉ định quyền thừa kế lấy tiền hay cũng không cho người được quyền thừa kế biết về việc người thân đã hoàn tất thủ tục này khi còn sống.

Bên cạnh đó, thủ tục này cũng giới hạn rằng khi người đứng tên nhà băng sống đời sống thực vật thì người được chỉ định quyền thừa kế không thể lấy tiền ra.

Theo tập san National Law Review, cho tên con đã trưởng thành vào ngân khoản được cho là một hình thức di chúc của người nghèo vì cái khó nó bó cái khôn.  Nếu dẫn đến tranh chấp thì rất khó chứng minh là việc thêm tên người con vào để tiện giúp trả bill hằng tháng, hay là một cách gián tiếp trao chủ quyền tiền trong ngân khoản cho người con đó khi qua đời. Nếu có tranh chấp, 3 vấn đề tòa án thường xem xét:

  1. Nguồn gốc tiền trong ngân khoản phát xuất từ đâu? Nếu người mất là người duy nhất bỏ tiền vào thì tòa án có thể cho rằng người con được bỏ tên vào chỉ để quản lý và thu xếp việc trả bill giùm chứ không có nghĩa là sẽ đương nhiên được thừa hưởng tiền hay là cả hai là đồng chủ quyền cho ngân khoản nhà băng đó.
  2. Quá trình sử dụng tiền trong ngân khoản vào những chi phí gì? Nếu trong thời gian người chủ chính của ngân khoản còn sống, chi tiêu sử dụng chỉ dành riêng cho người đó thì tòa án sẽ cho là cho thêm tên người con vào người con giúp giải quyết bill cho người chủ ngân khoản. Nhưng nếu người được bỏ tên vào ngân khoản sau cũng có thường xuyên sử dụng tiền trong nhà băng cho những chi phí của riêng họ thì tòa có thể cho là cả hai đồng chủ quyền (true joint account owners) ngân khoản.
  3. Ngoài ra, thời gian bắt đầu mở ngân khoản và khi bỏ thêm tên người thứ hai vào cũng quan trọng. Nếu những việc này xảy ra từ lâu trước khi người thân qua đời hay khi đầu óc còn tỉnh táo thì người con được bỏ tên vào ngân khoản cũng có thể thuyết phục tòa án rằng cả hai người thực sự là đồng chủ quyền. Nếu người đồng chủ quyền có giữ bằng chứng giấy tờ rõ ràng thì sẽ dễ chứng minh hơn là chỉ là lời nói suông.
Xem thêm:   Xét nghiệm máu bệnh Alzheimer

Rất nhiều chi tiết có thể gây ảnh hưởng đến kết quả vụ án nếu trong gia đình có tranh chấp. Khi mình không biết hay không rõ thì nên công khai với gia đình và người luật sư giải quyết việc thủ tục thừa kế tài sản cho gia đình. Dựa vào tài liệu và bằng chứng cung cấp, người luật sư đó có thể đưa đến kết luận công bằng, hợp lý dựa vào luật pháp mà những thành viên khác trong gia đình sẽ khó tranh chấp hơn.

Tuy nhiên, việc thừa kế tài sản là luật dân sự mà ai cũng có thể thưa kiện nhau, luật pháp không thể ngăn chặn việc kiện tụng. Còn việc ai thắng, ai thua thì chỉ sau khi ra tòa rồi thì mới có thể phán xét rõ ràng. Lý do đó, nếu khi còn sống, người cha/mẹ nên cho tất cả những người con biết ý nguyện của mình và làm giấy tờ rõ ràng thì đó cũng chính là cách giúp tránh gây tranh chấp, kiện tụng giữa các con.

L.S. AT