Lời Giới Thiệu: Câu chuyện xảy ra được ghi lại dưới đây của Luật sư Anh Thư có thể là một kinh nghiệm cho bất cứ gia đình nào rơi vào trường hợp nan giải như trong bài, nó dính dáng tới benefits của bệnh  nhân, tới tâm lý của người thân trong cơn bối rối khó quyết định khi phải chọn rút ống cho người bệnh hay cứ duy trì đời sống thực vật của bệnh  nhân.

Vệt nước mắt đã phần nào khô đọng, đóng cời hai bên khóe mắt. Chị nằm đó im lìm và bất động đã hơn 3 tháng.  Lồng ngực chị lúc căng lúc xẹp nhịp nhàng theo tiếng máy trợ thở. Anh vẫn còn trong bộ đồng phục của người thợ máy, đôi tay sần sùi, lấm lem nắm chặt tay chị hôn rồi trong tiếng nấc nghẹn ngào anh van xin: “Về với anh và các con em nhé? Mau chóng mà bình phục để hai vợ chồng mình bắt đầu enjoy cuộc sống và đi du lịch với nhau chứ.”

Nói rồi anh lại ôm mặt khóc nức nở. Người đàn ông vốn dĩ trầm lặng và khô khan trở nên tức tưởi, nghẹn ngào.

Trước đó tôi đến chơi với chị. Vừa vui vẻ trò chuyện chị vừa đưa hai cánh tay lên cho tôi xem và thắc mắc không hiểu sao chị bị nổi mẩn đỏ mấy tuần rồi mà không hết. Tôi khuyên chị nên lấy hẹn đi gặp bác sĩ.  Chị gật gù đồng ý rồi chị em tôi lại tíu tít về tình hình dịch bệnh và những tiến triển lạc quan khi thuốc chích ngừa Covid bắt đầu phổ biến và nhiều người được tiêm chủng.

Bất ngờ thay, một tuần sau, anh đột ngột phải chở chị đi cấp cứu vì chị bị khó thở.

Vào trong phòng cấp cứu, bệnh viện thử Covid cho chị ngay và nhiều lần kết quả xét nghiệm đều là “negative” (không có bệnh).  Các bác sĩ lúng túng khi họ cố gắng định bệnh cho chị.  Họ chỉ biết chung chung rằng chị bị viêm phổi (pneumonia).

Tuy nhiên có nhiều loại vi trùng gây viêm phổi khác nhau. Một người có thể bị viêm phổi từ cảm lạnh (cold), hoặc cảm cúm (flu), hoặc bất cứ từ một chứng bệnh khác dẫn đến việc nhiễm trùng gây viêm phổi.

Ðể có thể chữa trị hiệu quả, bác sĩ cần biết loại vi trùng nào gây viêm phổi để cho chị thuốc kháng sinh thích hợp, giúp tiêu diệt loại vi trùng gây viêm phổi đó thay vì chỉ cho thuốc kháng sinh chung chung và cầu may là nó sẽ giúp chữa trị.

Bệnh viện gọi gia đình chị vì bác sĩ muốn gặp nói chuyện với mọi người. Anh nhờ tôi vào bệnh viện cùng gia đình để giúp trao đổi với bác sĩ tình hình bệnh lý của chị. Ðây cũng là lần đầu tôi thấy mặt chị sau khi chị nhập viện.

Gương mặt thanh tú, xinh đẹp với má lúm đồng tiền mới tháng trước còn tươi cười thì giờ đã xanh xao, vô hồn. Các con chị im lặng, trầm tư mỗi đứa một góc, không ai nói ai.

Người y tá thoăn thoắt thay ống dẫn máu, ống truyền dịch chất bổ, và điều chỉnh máy móc y tế gắn đầy người chị. Cô nhìn tôi ái ngại, rồi cô cất tiếng: “You guys can try to talk to her.” (Quý vị có thể thử nói chuyện với bà ta.)  Cô con gái của chị nhẹ lắc đầu trong tuyệt vọng. “I don’t think my mom can hear us any more”. (Tôi không nghĩ mẹ tôi có thể nghe được chúng tôi nữa.)

Tôi xót xa ôm cháu vào lòng và an ủi mọi người. “Mình cứ thử nói xem sao.  Biết đâu…” Ba cậu con trai chị vẫn ngồi im lặng. Không gian bỗng nặng nề, oi bức dù máy lạnh của bệnh viện vẫn chạy đều.

Xem thêm:   Tránh bị lừa gạt (kỳ 2)

Buông vòng tay ôm cô con gái của chị, tôi tiến đến bên giường và “tiên phong” phá vỡ sự tĩnh lặng tang tóc. “Chị ơi, em thèm cá kho tộ của chị quá. Chị ráng hồi phục sớm để về nhà nhé…” Rồi anh cũng tiến tới giường bệnh. Tôi  nghe những lời anh tha thiết với chị mà không cầm được nước mắt.

Sau một tiếng chờ đợi, bác sĩ Himalaya Lele chuyên về giải phẫu nội tạng trong lồng ngực bước vào. Ông xem qua màn hình giám sát những hoạt động của những máy hỗ trợ bệnh nhân rồi liến thoắng nói: “Tôi chỉ đến kiểm tra xem bà ta đã tỉnh dậy chưa và ngạc nhiên là tình trạng không có gì tiến triển. Tôi bác sĩ lấy tế bào phổi để thử nghiệm. Theo kết quả cho thấy thì bà ta bị Covid-pneumonia.

Tôi há hốc mồm sửng sốt vì trước đây những xét nghiệm khác đều cho kết quả rằng chị không bị Covid. Ông giải thích rằng ông không phải là người bác sĩ chính chăm sóc chị hằng ngày, mà vừa rồi ông chỉ làm tiểu giải phẫu để cắt lấy tế bào phổi của chị làm biopsy test (xét nghiệm tế bào) để gửi sang phòng thí nghiệm bên Chicago chuyên về Covid.

Ông trả lời rất chung chung về tình trạng sức khỏe của chị rồi ông nhanh chóng bỏ đi. Gia đình thất vọng vì một lần nữa họ lại cảm thấy rối tung trong mù mờ vì không có một câu trả lời nhất định gì về tương lai sức khỏe của chị.

Tôi nhận ra rằng chúng ta thường trông chờ ở bác sĩ những câu trả lời chính xác về y tế nhưng chính họ cũng nhiều khi không biết và không có câu trả lời thích đáng.  Họ chỉ có thể làm việc dựa vào kiến thức, huấn luyện và kinh nghiệm.  Họ làm “medical”  (y tế) chứ không thể làm “miracle” (phép màu), mà “miracle” là điều mà chúng ta thường trông đợi trong khủng hoảng, tuyệt vọng.

Khi các bác sĩ không thể chẩn đoán bệnh của chị, họ quyết định cắt một tế bào phổi của chị để gửi sang phòng thí nghiệm bên Chicago.  Kết quả gây bất ngờ cho mọi người là chị đã từng bị Covid và nó dẫn đến chứng viêm phổi, nhưng vì chị không có những triệu chứng thông thường của bệnh Covid như nóng sốt, đau nhức, ói mửa, mất khả năng mùi/vị, ho khan, khó thở nên mọi người không nghĩ là chị bị Covid.

Ðặc biệt, ngay cả khi bác sĩ thử nghiệm nhiều lần qua nhiều cách khác nhau, kết quả khẳng định rằng chị không bị Covid thì mọi người cũng an tâm phần nào, nhưng các bác sĩ “lúng túng” không biết bệnh viêm phổi của chị xuất phát từ căn bệnh nào.

Sau khi cơ thể chị đã nhanh chóng khỏi bệnh Covid ngầm không ai hay biết, bất ngờ thay, di chứng bệnh viêm phổi do Covid gây ra đã âm ỉ phá hoại hai lá phổi của chị bằng cách “xây dựng đồn lũy” rải rác trong lá phổi của chị, rồi sau đó vi trùng gây viêm phổi do Covid dùng chính chất kháng thể và tế bào của cơ thể chị để phát triển, lây lan và đột ngột ập vào tấn công, phá hủy toàn bộ 2 lá phổi của chị.

Ðến khi chị bắt đầu cảm nhận triệu chứng của bệnh viêm phổi phát xuất từ Covid là lúc chị bị khó thở thì có lẽ đã quá trễ để bác sĩ có thể giúp cứu vãn cho chị.

Bệnh viện cũng từ chối giải phẫu thay phổi vì sức khỏe chị quá yếu để có thể vượt qua giải phẫu, chưa kể đến việc khó khăn tìm người hiến phổi thích hợp với cơ thể của chị để tránh cơ thể chị phản vệ và tấn công tiêu diệt lá phổi được thay thế và dẫn đến tử vong.

Xem thêm:   Nhật thực

Bác sĩ Kashif chuyên về phổi (pulmonary) và là người chăm sóc theo dõi tình trạng bệnh lý của chị thường xuyên cho gia đình biết hiện tại khoa học chưa lý giải được từng cá thể của bệnh nhân hay nguyên do nào mà có người lại bị biến chứng viêm phổi nguy hiểm gây tử vong.

Và dù kết quả biopsy test cho thấy rằng di bệnh viêm phổi nặng của chị phát xuất từ Covid, hiện tại y khoa vẫn chưa có thuốc để chữa trị cho loại vi trùng viêm phổi này.  Ðiều duy nhất mà bệnh viện có thể làm là sử dụng những phương tiện máy móc y tế và thuốc để giúp hỗ trợ làm giảm những triệu chứng của bệnh viêm phổi như sốt, khó thở, thiếu máu, và duy trì sự sống chứ không có thể trị bệnh được. Chính cơ thể bệnh nhân mới có thể đánh bại vi trùng gây viêm phổi này.

Tôi hỏi ông khả năng chị qua cơn hôn mê căn bệnh viêm phổi do Covid gây ra thì ông trả lời rằng chỉ 1%-2%. Sau đó, ông nhấn mạnh rằng ngay cả khi chị có tỉnh dậy thì khả năng chị sẽ sống đời sống thực vật suốt đời rất cao.

Tôi hỏi thêm nếu để tiếp tục nằm chữa trị như hiện thời thì tình trạng của chị sẽ kéo dài được bao lâu. Người bác sĩ đượm buồn trả lời, với khoa học kỹ thuật y tế tân tiến hiện nay và điều kiện y tế thuận lợi ở một nước hiện đại, giàu có như Hoa Kỳ, bệnh viện ở đây có thể duy trì đời sống thực vật của bệnh nhân mãi mãi và đó cũng là điều bất hạnh cho con người.

Ông nói thêm hiện tại, tiến hóa vượt bậc của khoa học dẫn đến việc nhân loại bị đưa vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan: duy trì đời sống thực vật cho bệnh nhân mãi mãi và bệnh nhân trở thành gánh nặng cho gia đình về kinh tế lẫn tinh thần và thể xác, hay buộc đi đến quyết định rút ống và cướp đi cơ hội hồi phục cuối cùng của bệnh nhân dù ít ỏi đến đâu.

Ngày hôm sau, bệnh viện lại cho người gọi điện thoại cho cô con gái. Người trên phôn là bác sĩ khác chuyên về Palliative Care (dịch nôm na là dịch vụ chăm sóc y tế tập trung vào việc giảm sự đau đớn, giảm triệu chứng bệnh cho bệnh nhân chứ không điều trị). Ông cũng đề cập về vấn đề “hospice care” là nơi bệnh nhân được chuyển đến khi tất cả hy vọng chữa trị bệnh đã không còn, và đội ngũ y tế chỉ tập trung vào những phương tiện và thuốc men giúp bệnh nhân có thể ra đi nhẹ nhàng hơn.

Chưa kịp “tiêu hóa” tin tức về khả năng hết bệnh của mẹ không được khả quan từ bác sĩ, cú điện thoại về việc khả năng phải quyết định rút ống làm cô con gái hoảng loạn, tuyệt vọng.  Cô cảm thấy là mình đang bị áp lực phải đi đến quyết định này.

Anh nhờ một  người bác sĩ quen thân với anh gọi điện thoại đến bệnh viện. Sau đó, người này gọi lại cho anh và cho biết tình hình chị không xấu đi cũng không tốt lên nên chính ông cũng không thể đưa ra một lời khuyên cụ thể nào ngoài việc “cứ chờ”.

Chứng kiến sự khủng hoảng tinh thần của gia đình chị khi nhận được tin tức và lời khuyên trái ngược nhau từ nhiều bác sĩ, tôi thương cảm cho sự hoang mang và kiệt sức của gia đình chị sau nhiều ngày đêm lo lắng thăm nom chị nằm hôn mê trong bệnh viện.

Xem thêm:   Easter

Bên cạnh đó, sau 3 tháng nằm trong bệnh viện, công ty nơi chị từng làm việc trước khi nhập viện liên lạc với gia đình và hối thúc chị phải làm hồ sơ xin “long term disability benefits” (lợi tức tàn tật lâu dài) để bảo hiểm của hãng tiếp tục trả tiền bệnh viện cho chị. Nhưng với tình trạng hôn mê, người nhà có thể giúp chị xin bảo hiểm với điều kiện gia đình phải có giấy ủy quyền (Durable Power of Attorney).

Vấn đề khó khăn ở chỗ là: trước đây chị có làm di chúc, nhưng không ai trong gia đình, ngay cả chị, nghĩ là chị có thể rơi vào hoàn cảnh đời sống thực vật nên ngoài di chúc, cả hai vợ chồng chị chẳng ai có giấy ủy quyền để được thay thế người bệnh trên phương diện luật pháp để giải quyết những vấn đề cần thiết.

Chú ý, có 2 loại giấy ủy quyền khác nhau. Ngoài giấy ủy quyền liên quan đến luật pháp gọi là Durable Power of Attorney để giải quyết giấy tờ, luật pháp, tài sản, tiền bạc, có một loại giấy ủy quyền khác riêng biệt liên quan đến y tế gọi là Medical Power of Attorney cũng rất quan trọng.

Giấy ủy quyền Medical Power of Attorney cho phép người nhà thay mặt giải quyết trên phương diện y tế chẳng hạn giải phẫu hay không, điều trị y tế như thế nào, rút ống hay không.

Hầu như ai cũng mạnh dạn tuyên bố rằng họ muốn gia đình rút ống khi họ bị sống đời sống thực vật, nhưng một chi tiết vô cùng quan trọng mà hầu như tất cả những người làm giấy ủy quyền hay di chúc không bao giờ đề cập đến là nếu họ rơi vào tình trạng đời sống thực vật thì bao lâu sau khi bác sĩ thông báo về khả năng hồi phục hầu như không có thì người nhà được ủy quyền có thể quyết định rút ống theo ý nguyện của bệnh nhân.

Khi nào rút ống? 1 tháng? 1 năm? 10 năm? là vấn đề vô cùng trọng đại mà người làm di chúc và giấy ủy quyền cần phải đi vào chi tiết cụ thể với gia đình trên giấy tờ rõ ràng. Ngay cả, hướng dẫn trên giấy ủy quyền gọi là “Do Not Resuscitate” cũng không đủ vì chỉ là họ không muốn được hô hấp nhân tạo khi đột ngột ngừng thở hay khi tim ngừng đập.

Chứng kiến hoàn cảnh nan giải, éo le của gia đình chị, tôi rút kinh nghiệm và bắt đầu hỏi khách hàng về thời gian cụ thể nào thì gia đình có thể rút ống khi tôi làm việc với họ về vấn đề giấy di chúc và 2 loại giấy ủy quyền.

Ngạc nhiên thay, cho đến bây giờ, vẫn chưa có một người khách hàng nào có thể đưa ra câu trả lời cụ thể về việc khi nào gia đình có thể rút ống.  Mọi người trong gia đình thương yêu chị, chẳng ai muốn rút ống. Mà có rút ống thì khi nào là thích hợp? Ðó là câu hỏi nan giải mà nếu giấy ủy quyền y tế (Medical Power of Attorney) của người bệnh cần đề cập rõ ràng thì mới có thể giúp người nhà có một hướng giải quyết rõ ràng, nhất định trong lúc đau buồn và hoảng loạn tâm lý mà không sợ bị sai lầm, hay bị oán trách bởi những thành viên khác của gia đình.

Người bệnh là người quyết định thích hợp nhất cho mình khi còn tỉnh táo, khỏe mạnh, nhưng có mấy ai trong chúng ta chuẩn bị sẵn sàng và chi tiết cho cái chết của mình?

Ls. AT