Câu hỏi

Thưa Luật Sư, tôi có một đứa con trai. Tôi định làm di chúc để lại tất cả tài sản cho nó sau khi tôi qua đời. Nhưng sau khi nó lập gia đình và cô con dâu không thích tôi, tôi không thể đến chơi nhà tụi nó nữa. Hai vợ chồng nó ở nhà riêng do chính tiền tôi giúp mua. Nhưng mỗi lần tôi đến chơi là vợ nó mặt cau có, khó chịu. Bây giờ tôi rất nhớ các cháu nội tôi mà không biết phải làm sao. Theo luật sư tôi có nên giữ ý định để lại tài sản cho thằng con tôi không?

Trả Lời

Thưa bà, câu hỏi của bà vừa liên quan đến lĩnh vực pháp luật mà còn liên quan nhiều đến lĩnh vực đời sống gia đình. Do đó chúng tôi xin lạm bàn thêm về lãnh vực này cho vui.

Thưa bà, rất nhiều chi tiết không được đề cập đến và đó là những chi tiết mấu chốt để thông hiểu và giải quyết vấn đề.

Bà không nói là ngoài cậu con trai, bà còn có những thân nhân ruột thịt hay họ hàng nào khác mà có thể cũng xứng đáng nhận tài sản của bà. Bà cũng không đi vào chi tiết những vấn đề gì đã gây ra mối quan hệ không được tốt đẹp giữa bà và cô con dâu. Có thể là cô con dâu đó hoàn toàn sai, hoặc có thể điều gì đó gây sự hiểu lầm giữa hai người, hoặc là tính tình của bà và cô con dâu không hợp và khắc khẩu dù cả hai đều là người tốt. Dù vì lý do gì đi nữa thì có vẻ bà cho rằng lỗi hoàn toàn là do cô con dâu.

Cũng có thể bà làm điều gì đó khiến cô con dâu bị tự ái hay tổn thương, nhưng bà không muốn kể ra vì bà cho là bà không có gì sai hoặc cho dù bà có sai đi nữa thì cô con dâu phải nhường nhịn bà hay tuân thủ bà vì vai vế của bà trong gia đình.

Xem thêm:   Trứng (kỳ 2)

Theo kinh nghiệm trong nghề luật của tôi cũng như trong cuộc sống, khi hai người bất hòa thì thường là cả hai đều có lỗi, ngoại trừ những trường hợp bất khả kháng như một bên có căn bệnh tâm thần, đầu óc không được bình thường gây ảnh hưởng xấu đến tính cách hay cách hành xử. Hoặc là đối tượng có vấn đề vì sử dụng chất cấm, chất kích thích.

Nếu vấn đề không phải là vì những điều bất khả kháng như trên, bà có thể bình tâm và khách quan để cân nhắc là mình có phần nào lỗi không? Nếu có, thì chính mình có thể làm gì để giúp hòa giải mối quan hệ giữa hai bên?

Mình không thể nào bảo bọc và sở hữu con trai mình cả đời được. Cha mẹ thương yêu và lo cho con cái vô điều kiện, nhưng con mình sẽ phải sống cho cuộc sống của riêng nó ngay cả khi mình còn sống hay sau khi mình qua đời.

Còn việc bà có nên giữ ý định để lại tài sản cho con trai bà hay không cũng là một câu hỏi phức tạp mà chỉ có bà là người có thể quyết định. Tuy nhiên, tôi cũng có thể có một vài câu hỏi hầu để giúp làm sáng tỏ vấn đề hơn. Bà nói dù bà giúp tiền để con trai bà mua nhà, nhưng bây giờ bà không thể đến căn nhà đó nữa để thăm con trai bà vì cô con dâu. Lý do bà không thể đến thăm nữa vì bà cảm thấy không thoải mái với thái độ của cô con dâu hay vì chính con bà đã nói thẳng với bà là họ không muốn bà đến nữa?

Tôi hiểu cảm giác bị tổn thương của bà trong cả hai trường hợp. Bên cạnh đó, trước đây mỗi khi bà đến thăm, bà có đòi hỏi gì ở anh con trai và cô con dâu không? Bà có hỏi ý họ trước khi bà đến không? Dù bà là người bỏ tiền ra giúp con trai bà mua căn nhà đó, nhưng đó vẫn là căn nhà riêng của cậu con trai và là không gian riêng tư của gia đình cậu con trai. Món quà hiện kim bà tặng cậu con trai giúp cậu mua nhà phát xuất từ tình yêu thương con vô điều kiện, không đi kèm với những thỏa thuận gì trong giấy tờ hay hợp đồng chính thức. Sau khi cho đi rồi, món quà ấy cậu con trai có trọn quyền sử dụng theo ý cậu ta và  bà  cũng không có quyền quyết định hay xâm nhập vào không gian riêng tư của gia đình con trai bà khi họ không cho phép. Ðó cũng là điều sẽ áp dụng với tài sản thừa kế mà bà định để lại cho con trai bà.

Xem thêm:   Tránh bị lừa gạt

Bà có thể tin tưởng hoặc không tin tưởng con bà sử dụng tài sản bà để lại một cách hợp lý hay không. Nhưng sau khi bà mất, cậu con trai thừa hưởng tài sản của bà, bà không thể nào điều khiển hay quản lý tài sản của mình nữa.

Tôi cũng có một đề nghị, có thể chính con trai và con dâu bà cũng đang phải đương đầu với những căng thẳng và áp lực của công việc và gia đình riêng của họ. Thay vì đột ngột đến làm họ mệt mỏi, bà rủ họ cùng đi vacation với bà để cả hai bên thoát ra khỏi không khí ngột ngạt thông thường.

Trong chuyến đi chơi đó bà mở lòng quan tâm, phụ giúp họ coi cháu để họ có thời gian lãng mạn riêng tư với nhau. Rồi khi cả hai bên thư giãn, bà hỏi ý kiến họ xem nếu khi bà muốn sang nhà họ chơi như thế nào thì thuận lợi và thoải mái cho họ. Thật tình trao đổi để đi đến giải pháp cho cả hai bên vẫn tốt hơn là kết tội và áp đặt.

Ngoài ra, trong vấn đề thừa kế tài sản, bà có thể nhờ luật sư làm cái “Trust” cho con trai bà, và trong những điều khoản bà đưa ra có thể liệt kê rõ ràng ý nguyện bà muốn tài sản bà sử dụng như thế nào, ngay cả việc bà muốn phần nào của tài sản bà chỉ dành riêng cho chi phí việc học hành của các cháu nội, bà cũng có thể đưa ra trong hồ sơ giấy tờ Trust.

Xem thêm:   Trứng

Bên cạnh đó, tài sản thừa kế là tài sản riêng của người được thừa kế. Cậu con trai của bà có thể hoàn toàn tách rời và để riêng tài sản mà anh ấy được thừa hưởng sau khi bà qua đời, nếu hôn nhân của anh ấy bị trở ngại thì tài sản đó cô vợ không được quyền đòi chia tài sản.

Nhưng nếu anh ta sử dụng để đầu tư thì cô vợ có phần nào quyền được phân chia.  Chẳng hạn, bà để lại cho cậu con trai $300,000.00, và cậu con trai dùng tiền đó mua một căn nhà đầu tư trong thời gian vợ chồng còn chung sống với nhau, nếu căn nhà đó sau đó được đánh giá thị trường là $500,000.00 khi ly dị, thì cô con dâu có quyền đòi chia $100,000.00.

Ngoài ra, nếu anh con trai lấy tiền để chung trong nhà băng ra để sửa nhà hay đóng tiền property tax, thì cô con dâu cũng có thể đòi chia đôi thêm số tiền đã bỏ ra trong account chung đó.

Bà nên nói chuyện riêng với con trai bà trước, sau đó tìm cách nói chuyện với cả hai vợ chồng con trai bà một cách ôn hòa với ý nguyện hoà giải.

Chúc bà thành công trong việc hòa giải với dâu con của bà.

Ls. AT