Câu Hỏi

Anh tôi lập gia đình đã trên 20 năm. Ba năm qua, hai vợ chồng anh tôi sống ly thân. Trước khi lấy nhau, vợ anh dọn về sống chung với mẹ già để tiện chăm sóc cụ. Sau khi đám cưới, mẹ vợ của anh tôi thuyết phục anh dọn vào ở chung và bà nói là căn nhà bà đã payoff sẽ là quà cưới cho hai vợ chồng anh khi bà qua đời. Từ đó, anh về sống chung với vợ, mẹ vợ và anh phụ trả tiền điện nước, sửa chữa căn nhà. Sau khi sức khỏe của mẹ vợ càng ngày càng đi xuống mà để cụ ở nhà thì cũng không ai chăm sóc được đầy đủ vì cụ cần có y tá túc trực, vợ chồng anh phải đành cho cụ vào nursing home. Chị dâu tôi hoàn tất thủ tục tòa án để chính thức là người “Guardian” của cụ để chị có quyền quyết định tất cả vấn đề cho cụ từ y tế đến tiền bạc, tài sản của cụ.

Gần đây, hai vợ chồng anh bắt đầu có những mâu thuẫn không hòa giải được và chị dâu tôi đã dọn ra ở riêng. Lúc này, anh trai tôi đã về hưu và lương hưu thì cũng giới hạn nên chị dâu tôi không “xài” anh trai tôi được nữa, cứ một hai đòi ly dị.  Hai người lập gia đình trễ nên không có con cái với nhau. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chị dâu tôi đe dọa là sẽ đòi lại căn nhà và kiện anh đưa anh ra tòa để đuổi anh ra khỏi nhà nếu anh trai tôi không chịu tự dọn ra để chị dâu tôi bán nhà.

Anh trai tôi có quyền tiếp tục ở lại căn nhà đó hay không? Sau 20 năm nuôi vợ anh vì chị dâu tôi bản chất làm biếng, được gia đình cưng chiều nên trước giờ không nỗ lực đi làm kiếm ăn. Trước khi lấy chồng chị sống dựa và tiền bạc của bố mẹ chị, và sau khi lập gia đình thì sống dựa vào chồng nên anh tôi luôn phải là người kiếm tiền chính để trang trải cuộc sống của hai vợ chồng. Hai vợ chồng anh có hôn thú đàng hoàng, anh tôi trả chi phí sửa chữa căn nhà đó trong suốt 20 năm qua, và mẹ vợ từng hứa tặng cho vợ chồng anh căn nhà này khi bà mất, anh tôi có thể thắng kiện nếu vợ anh đưa anh ra tòa đuổi anh ra khỏi nhà không? Giá nhà cách đây 20 năm thì rẻ, nhưng với thị trường nhà bây giờ rất có giá. Mẹ vợ anh có thể bán căn nhà đó trên $400 ngàn đô la một cách dễ dàng. Nếu bên vợ đuổi anh tôi ra và bán căn nhà đó, anh trai tôi có quyền đòi chia phần nào tiền họ bán nhà hay không?

Xem thêm:   Nơi thờ phượng

Trả Lời

Anh trai bạn đang ở tình thế bất lợi mà có ra tòa kiện tụng thì anh trai bạn có khả năng sẽ bị thua kiện. Dù mẹ vợ anh từng hứa là bà sẽ tặng cho hai vợ chồng anh trai bạn căn nhà của bà sau khi bà qua đời, bà không hề làm giấy tờ gì để bảo đảm quyền lợi của người anh trai của bạn. Ngay cả khi nếu bà có từng làm di chúc với ý nguyện tặng căn nhà cho hai vợ chồng người anh trai của bạn đi nữa thì bà cũng có thể thay đổi quyết định bất cứ lúc nào khi bà còn sống và làm lại di chúc khác để lại căn nhà cho con gái của bà thôi khi bà thấy hôn nhân của con gái mình có nguy cơ đổ vỡ. Sau khi bà qua đời, chúng ta có thể cân nhắc quyền lợi gì của anh trai bạn có dựa vào giấy tờ gì hiện hữu liên quan đến căn nhà khi bà mẹ vợ mất.

Hiện tại bây giờ, bà mẹ vợ của người anh còn sống và nếu mẹ vợ là người duy nhất đứng tên chủ quyền căn nhà, trong khi đó vợ của anh trai bạn là người có quyền thay mặt quản lý tài sản của mẹ mình thì vợ của người anh hoàn toàn có đầy đủ chức năng và quyền lực đại diện mẹ mình kiện người con rể để đuổi anh trai bạn ra khỏi nhà.

Xem thêm:   Nơi thờ phượng (kỳ chót)

Dù anh trai bạn đã từng phải trả chi phí sửa nhà và trả tiền điện nước, theo luật pháp anh trai bạn không hề có quyền gì trong căn nhà đó. Cho nên, nếu gia đình vợ có bán căn nhà và kiếm lời với một số tiền lớn, anh trai bạn khó mà đòi được chia một đồng nào nếu gia đình vợ không muốn cho anh bạn. Bên cạnh đó, nếu ra tòa thì tòa án cũng có thể nhìn ở một khía cạnh khác. Ðó là trong suốt 20 năm ở căn nhà đó, anh trai bạn đã tiết kiệm được rất nhiều vì anh trai bạn không hề phải trả tiền mướn nhà mà được ở “free” ngoại trừ chi phí điện nước và sửa chữa.

Việc anh trai bạn từng bỏ tiền ra sửa chữa căn nhà, anh trai bạn có thể chứng minh bằng giấy tờ và biên lai những chi phí đó để yêu cầu tòa án xử để anh trai bạn được hoàn lại những chi phí đó. Nhưng có thể tòa sẽ không chấp nhận mà xem đó là những chi phí của một người ở nhờ hay người mướn nhà mà không phải trả tiền mướn nhà. Ngoài ra, căn nhà đã trả hết nợ nhà băng và anh trai bạn không phải trả tiền thuế nhà (property tax) hay tiền mortgage (tiền mượn nợ nhà băng), rất khó để anh trai bạn chứng minh bất cứ quyền nào trong căn nhà đó.

Xem thêm:   Nơi thờ phượng (kỳ 3)

Nếu đây là căn nhà mà người mẹ vợ đã chính thức sang tên cho cả hai vợ chồng người anh sau khi họ lấy nhau thì người anh có giấy tờ rõ ràng để chứng minh đây là tài sản chung của cả hai vợ chồng và được quyền phân chia khi ly dị. Ngoài ra, nếu đây là tài sản chung thì khi làm thủ tục ly dị, chỉ vì hai người không hợp với nhau hay đối xử không tốt với nhau thì tòa sẽ không cho đó là lý do chính đáng để đuổi một người ra khỏi nhà trong khi làm thủ tục ly dị. Nhưng nếu hai bên không tự thỏa thuận được với nhau, tòa có thể ra lệnh là trong thời gian tiếp tục tiến hành thủ tục ly dị, cả hai phải dọn ra và căn nhà đó bán đi để giữ tiền trong ngân khoản của tòa chờ đến ngày xét xử mà tòa chia ra theo hướng mà tòa cho là công bằng nhất, không nhất thiết phải là 50/50.

Ly dị chẳng những gây tổn hại cho tâm lý, tình cảm của đôi bên mà còn ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống về kinh tế, tài sản. Khi không còn sống chung được với nhau thì cả hai phải chấp nhận thực tế phũ phàng rằng những gì thuận lợi trước đây có thể sẽ không còn nữa. Anh trai bạn có thể đã về hưu, an phận và muốn tiếp tục được sống trong căn nhà mà ông đã liên tục sống và chăm sóc trong 20 năm qua. Tiếc rằng lời hứa suông của người mẹ vợ rằng bà sẽ tặng căn nhà cho hai vợ chồng người anh sẽ không nghĩa lý gì trước luật pháp và anh trai bạn sẽ phải dọn ra theo yêu cầu của người vợ mà không được bồi thường hay chia bất cứ số tiền nào khi vợ anh bán nhà.

Ls. Anh Thư

(cell phone: 623-341-8835)