Vua Khải Định

Vua Khải Định (1885–1925), tên khai sinh Nguyễn Phúc Bửu Đảo, là vị vua thứ 12 của nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, ông là con trưởng của vua Đồng Khánh, mẹ là Dương Thị Thục. Năm 1889, vua Đồng Khánh mất, Bửu Đảo còn nhỏ nên không được kế vị. Trước ông có hai đời vua là Thành Thái và Duy Tân.

Vua Khải Định trị vì từ năm 1916 đến 1925. Dưới thời vua Khải Định, đất nước bị Pháp đô hộ, ông không có ý chí phản kháng người Pháp. Mọi việc đều do Tòa Khâm sứ định đoạt. Ông cũng không được lòng dân chúng. Ở Huế nhân dân đã truyền tụng câu ca dao phổ biến về Khải Định:

Tiếng đồn Khải Định nịnh Tây,

Nghề này thì lấy ông này tiên sư!”

Toàn cảnh lăng vua Khải Định       

Vua Khải Định có 12 bà vợ nhưng chỉ có một người con với bà Nhất giai Hậu phi Hoàng Thị Cúc là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, tức hoàng đế Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn.

Người ta đồn rằng vua Khải Định là người đồng tính. Ông có một hậu cung có rất nhiều cung tần mỹ nữ nhưng ông không đam mê phụ nữ mà chọn nam giới phục vụ cho mình.

Vua Khải Định rất yêu thích văn hóa Pháp từ trang phục đến kiến trúc. Ông tự sáng chế ra những bộ y phục cho mình và cho cả quan hộ vệ. Ông rất chuộng việc trang điểm, ăn mặc lòe loẹt, chải chuốt, không tuân theo y phục hoàng tộc truyền thống. Bức tượng đồng hiện đặt ở cung An Định thể hiện cách ăn mặc này với áo bào cách tân, chân đi bốt, trên áo có gắn nhiều huân chương, tay đeo nhiều nhẫn.

Bức tượng đồng vua Khải Định hiện đặt ở cung An Định

Vua Khải Định có khiếu thẩm mỹ và óc sáng tạo về mỹ thuật. Ông đặc biệt thích kiến trúc châu Âu.

Ngay sau khi lên ngôi, Khải Định đã cho xây dựng nhiều cung điện, dinh thự, lăng tẩm cho bản thân như điện Kiến Trung, cung An Định, cửa Trường An, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, đặc biệt là Ứng Lăng.

Xem thêm:   "Người yêu nước"

Ông là vị vua cuối cùng xây dựng lăng tẩm.

Đám tang vua Khải Định

Lăng Khải Định

Tên chữ là Ứng Lăng, tọa lạc tại phường Thuỷ Bằng, Huế. Là một lăng khác tất cả các lăng tẩm của các vị vua tiền nhiệm về bố cục cảnh quan, kết cấu kiến trúc.

Vua Khải Định đã tham khảo nhiều tấu trình của các thầy địa lý cuối cùng đã chọn triền núi Châu Chữ làm vị trí để xây lăng mộ cho mình.

Điểm chú ý đầu tiên khi đến lăng Khải Định là phía trước dẫn lên trên có 4 con rồng theo thế trườn dần xuống phía dưới ôm lấy viên ngọc.

Từ cổng đầu tiên lên đến tầng sân đầu tiên, hai bên có hai dãy nhà Tả và Hữu tòng tự, mỗi tòa nhà có ba gian. Là nơi thờ các vị quan có công với triều đình.

Án thờ vua Khải Định

So với lăng của các vua tiền nhiệm, lăng Khải Định có diện tích nhỏ hơn nhiều nhưng cầu kỳ về kiến trúc và trang trí mỹ thuật. Về kiến trúc, lăng Khải Định được người đời sau đặt ra ngoài dòng kiến trúc truyền thống thời Nguyễn bởi mới, lạ, độc đáo, ngông nghênh, lạc lõng… Trong đó có sự hiện diện các trường phái kiến trúc như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique….

Điều này là kết quả của hai yếu tố: sự giao thoa văn hóa Đông – Tây trong buổi giao thời của lịch sử và cá tính của Khải Định.

Về vật liệu xây lăng, vua Khải Định cho du nhập toàn bộ ngói Ardoise, sắt thép, xi măng… từ Pháp về làm thành bê tông, có độ bền cao …

Bi Đình ở trên nhìn xuống

Đi tiếp lên khu vực sân thứ hai là Bái Đình, có Bi Đình và hai trụ biểu.

Bái Đình tuân thủ theo nguyên tắc kiến trúc lăng tại Huế, có tượng quan văn võ voi ngựa. Tuy nhiên một điểm khác so với tất cả các lăng khác là có đến 4 hàng tượng, mỗi bên 2 hàng. Hàng trước là quan văn võ, phía sau là tượng lính theo hầu và voi ngựa. Kích thước tượng cao hơn nhiều so với tượng ở các lăng vua tiền nhiệm. Tượng làm bằng bê tông nên độ tỉ mỉ cũng đẹp hơn rất nhiều. Dãy tượng lính theo hầu đi chân đất, đội nón lá đúng với giai đoạn thời đó.

Xem thêm:   Xích lô đạp ở Đà Nẵng đâu rồi?

Trụ biểu không giống như các lăng khác mà hình dáng như phù đồ (bảo tháp – nơi chứa cốt người đã mất ở chùa). Cột phù đồ hình tháp lấy cảm hứng từ Ấn Độ giáo. Phía sau phù đồ có tường rào hình giống thập giá (ảnh hưởng Thiên Chúa giáo).

Nghệ thuật khảm sành sứ ở lăng Khải Định

Bi Đình lấy kiến trúc cửa vòm của châu Âu, có tấm bia ghi công đức vua Khải Định, được viết bởi một vị quan trong triều bởi khi Khải Định mất, con ông là Vĩnh Thụy mới có 13 tuổi đang học ở Pháp.

Nếu ở lăng các vị vua tiền nhiệm, người đời không biết rõ ràng thi hài vua nằm ở đâu thì lăng Khải Định là lăng duy nhất mà toại đạo có hình chụp và được biết vị trí rõ ràng nhất. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, toại đạo được đặt ngay sau bức bình phong tại Bi Đình của lăng. Quan tài của vua được đưa vào vị trí bình phong (là cái cửa hầm) với toại đạo dài 30 m dẫn đến phần tẩm điện(*). Sau đó, người ta lấp đất lại xây thành bình phong. Phía trên hai bên bình phong lại có hai hình giống như thập giá. Nhưng sau này khi xem lại các hình ảnh, người ta cho rằng đây là sự hiểu lầm vì sự thật toại đạo không nằm ở Bi Đình mà nằm ngay trước bậc thang dẫn vào cung Thiên Định.

Lăng Khải Định chỉ một chiều đi lên cao, không có cao thấp xen kẽ âm dương hòa hợp như các lăng khác. Phần lăng đặt phía dưới, phần tẩm đặt phía trên. Nơi cao nhất là cung Thiên Định là nơi thờ phụng.

Cung Thiên Định lúc đang xây dựng

Tẩm điện hoàn toàn bằng bê tông, xây dựng công phu và tinh  xảo. Ở đây không còn kiến trúc cung đình Huế như cột kèo gỗ, ngói hoàng lưu ly…

Xem thêm:   Nạn xâm hại tình dục trẻ em

Mặt tiền cung Thiên Định trang trí rất cầu kỳ, chi tiết, ví dụ như đầu rồng thấy cả râu rồng. Trên mái có rồng chầu nhưng cách điệu nửa Tây nửa Ta.

Cung Thiên Định  gồm 5 gian: hai gian bên có Hữu trực phòng và Tả trực phòng dành cho lính hộ lăng ở bảo vệ lăng có những bức tường sơn giả đá cẩm thạch. Không có chỗ cho phi tần mỹ nữ của nhà vua lên ở lại, khác với các lăng khác khi vua mất các bà lên lăng sống, dọn dẹp hương khói cho đến cuối đời.

Ở giữa có 3 gian chính. Gian trước (giữa) đặt án thờ có bức chân dung của vua Khải Định, trên trần nhà có một bức tranh rất đẹp là Cửu long ẩn vân (9 con rồng ẩn trong mây) do nghệ nhân người Quảng Điện Phan Văn Tánh vẽ. Điều rất lạ là gần trăm năm nhưng trần không bám màng nhện hay bị bụi bẩn.  Có 3 bức tranh Cửu long ẩn vân trong gian chính này.

Giải thích về vị trí toại đạo

Một điểm nữa là nghệ thuật khảm sành sứ ở đây rất đặc sắc. Từ những mảnh sành nhỏ ghép lại thành hình nổi. Đó là nét riêng của kiến trúc lăng Khải Định.

Tiếp vào trong có bức tượng của vua ngồi trên ngai vàng. Người ta cho rằng, có khả năng ngay dưới bức tượng là nơi đặt quan tài của vua sâu xuống bên dưới khi đưa vào theo toại đạo.

Phía trên ngai vàng có bửu tán (cái tàn lọng che trên ngai vua) bằng bê tông cốt thép, hoa văn khảm sành sứ, nặng 1 tấn nhưng nhìn rất mềm mại tưởng tượng như bằng nhung lụa, một làn gió nhẹ thổi vào cái lọng cũng sẽ phe phẩy theo.

Sau ngai vàng có mặt trời đang lặn một nửa, tượng trưng cho cái chết của nhà vua như vầng hào quang đang tắt dần. Cuối cùng, phía sau mặt trời có cầu thang đi lên trên là lối vào nơi đặt bàn thờ của nhà vua. Có một cửa đi xuống dưới nhưng đã khóa, người ta đoán là đường dẫn xuống huyệt mộ.

ĐTTT

(*) Về đám tang vua Khải Định: Quan tài đặt trong chiếc nhà vàng nặng 6 tấn, có 160 người khiêng di chuyển từ hoàng cung đến lăng trong 2 ngày. Đêm nghỉ lại tại đàn Nam Giao. Hình ảnh đám tang do người Pháp thực hiện vẫn còn lưu giữ.